Với một đứa trẻ từ lúc sinh ra tới khi tròn 6 tuổi, ngày khai giảng đầu tiên trong đời có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cha mẹ dù khó khăn cũng muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất trong ngày này. Vì là khai giảng đầu đời nên kỷ niệm đó sẽ luôn vẹn nguyên, đi cùng các em đến suốt cuộc đời.
Đối với nhiều gia đình có điều kiện, việc tìm trường, chọn lớp cho con em được khởi động trước đó 1, 2 năm. Những ngôi trường nổi tiếng, uy tín, có truyền thống dạy tốt, học tốt là lựa chọn hàng đầu.
Và các phụ huynh âm thầm chạy đua để đạt mục đích cho con mình được vào trường đó, qua các “kênh” khác nhau hay thông qua những mối quan hệ. Tất nhiên, đó chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ thường là một khoản tiền không nhỏ đi kèm.
Lứa học sinh lớp 1 năm nay sinh năm 2012 - năm Nhâm Thìn, người ta còn gọi là Rồng vàng. Vì quan niệm cho rằng những ai sinh vào năm Rồng vàng sẽ gặp nhiều may mắn, tài lộc dồi dào, công danh thuận lợi, sự nghiệp hanh thông… nên các cặp vợ chồng đua nhau sinh con trong năm này.
Minh họa Lê Tâm |
Những kỳ vọng của cha mẹ bao giờ cũng lớn, còn những đứa con có thực hiện được hay không lại là một câu chuyện khác.
Điều gì quá cũng không tốt, cụ thể là số các em sinh năm Rồng vàng quá nhiều đương nhiên phải kéo theo hệ lụy của nó. Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, số học sinh vào lớp 1 năm học 2018-2019 so với năm trước đã tăng thêm… 30.000 em.
Quận có đông học sinh nhập lớp 1 nhất là Hà Đông, tiếp đến là Đông Anh, Hoàng Mai, Cầu Giấy. Trường học thì không thể xây nhanh như… sinh đẻ được, thế nên trong khi chờ đợi xây mới các trường tiểu học, số học sinh các lớp bị “phình” to cũng là điều dễ hiểu.
Mới đây, tôi có dịp thăm nhà một người bạn tại khu đô thị Xa La, Hà Đông. Cũng phải 5, 6 năm tôi mới có dịp quay lại khu vực này và tôi đã không tin vào mắt mình nữa. Rất nhiều chung cư mọc lên, san sát nhau như bàn chông bởi khoảng cách giữa các tòa nhà quá gần. Họ đã tận dụng tối đa để xây được nhiều tòa nhà.
Với giá cả vừa phải, hầu hết các căn hộ tại đây đã có người mua. Có lẽ, điều đó đã cho tôi câu trả lời, vì sao thành phố thường xuyên tắc đường mỗi ngày và số học sinh nhập lớp 1 cũng như các lớp đầu cấp khác luôn trong tình trạng quá tải.
Ai cũng biết, số học sinh trong một lớp học sẽ tác động trực tiếp đến việc dạy và học. Theo quy định, mỗi lớp học chỉ nên có 35-40 học sinh là đủ. Song, với sự quá tải số học sinh vào lớp 1 như năm nay, rất nhiều lớp có số học sinh 60, thậm chí 65 em. Diện tích trung bình mỗi lớp học là trên 40m2. Nếu phải ngồi học chen chúc như vậy thì các em làm sao có thể tập trung tiếp thu bài giảng.
Đó là câu chuyện đáng lo ngại về học sinh lớp 1, còn chuyện của giáo viên là gì? Theo khảo sát của Bộ Giáo dục - Đào tạo, đến năm 2021, cả nước vẫn thiếu 19.000 giáo viên mầm non và 40.000 giáo viên tiểu học.
Nhiều năm qua, các trường sư phạm đã không còn hấp dẫn thí sinh, cộng với đó là các trường đều giảm chỉ tiêu tuyển sinh và khó xin việc làm sau khi tốt nghiệp. Một khi các trường sư phạm ít người học thì việc thiếu giáo viên cũng là lẽ đương nhiên.
Có một câu chuyện cười ra nước mắt. Cách đây không lâu, VTV làm một phóng sự về những bức xúc của các giáo viên đang dạy THPT và THCS tại Diễn Châu, Nghệ An bị điều xuống dạy tiểu học. Lý do là tại địa bàn này đang thiếu trầm trọng giáo viên tiểu học trong khi giáo viên THPT và THCS lại thừa.
Lãnh đạo tại đây có quan niệm rất “thoáng”, rằng đã dạy được THPT hay THCS thì đương nhiên dạy được tiểu học. Còn số giáo viên bị điều chuyển thì chỉ biết ngửa mặt lên trời mà tự trách mình sao ngày trước thi Đại học Sư phạm làm gì cho khổ để bây giờ đến dạy tiểu học cũng không biết.
Tất nhiên, các giải pháp tình thế đã được ngành giáo dục đưa ra, bởi chỉ vài ngày nữa, năm học mới sẽ bắt đầu. Song, khi viết những dòng này, trong lòng tôi nặng trĩu và vang lên câu hỏi: Đến bao giờ giáo dục Việt Nam mới có những cải cách tích cực để chúng ta có thể tự hào về một đất nước hùng cường?
.