Phóng sự
Nỗi đau mang tên…chết ngạt
15:16, 08/08/2018 (GMT+7)
Trong đời sống thường nhật, đã có không ít trường hợp ngạt khí do tai nạn lao động khiến nhiều người tử vong. Nguyên nhân do chủ quan và thiếu kiến thức phòng ngừa nên những vụ ngạt khí vẫn tái diễn dưới giếng nước, bên trong hầm tàu vận tải biển và các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủy sản…
1.Vụ tai nạn thương tâm gần đây nhất xảy ra vào chiều 12-7-2018 ở thôn Cầu Bằng, xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Ông Nguyễn Văn Hùng cùng người con rể là Quản Văn Chinh đến nhà ông Phạm Văn Thắng để nạo vét giếng.
Giếng nước này đã đào trước đó vài tháng ở độ sâu 8,5m nhưng do gia chủ muốn có thêm nguồn nước sinh hoạt và tưới cây ăn quả trong vườn đồi, nên thuê thêm hai người đến nạo vét. Khi anh Chinh xuống đáy giếng, trên bờ, ông Hùng chờ đợi khá lâu nhưng không nghe thấy người con rể kêu gọi cẩu kéo bùn đất nên nhìn xuống và phát hiện con rể nằm bất động.
Tàu vận tải biển Thành Công 2 - nơi xảy ra vụ tai nạn ngạt khí Carbon dioxide (CO2) dưới hầm tàu. |
Tàu vận tải biển Thành Công 2 - nơi xảy ra vụ tai nạn ngạt khí Carbon dioxide (CO2) dưới hầm tàu.
Ông Hùng bám thang dây xuống đáy giếng, không ngờ cũng lâm vào tình trạng ngất xỉu. Dù đã hô hoán cho người cùng làng đến cứu nạn nhưng do hoảng loạn nên ông Thắng vội vã xuống giếng và cũng bị bất động. Vài phút sau đó, thêm hai người hàng xóm là Trần Văn Hồng và Hoàng Văn lần lượt xuống giếng để đưa người bị nạn lên mặt đất, nhưng khi đến gần đáy giếng cả hai đều cảm nhận ngạt thở, choáng váng. Rất may là họ đã kịp giật dây báo động cho những người ở phía trên khẩn trương kéo lên để đưa đi cấp cứu.
Đó chỉ là một trong rất nhiều vụ tử vong do ngạt khí khi nạo vét, đào giếng đã tái diễn ở nhiều địa phương trong những năm qua. Thực tế, trong đời sống thường nhật không chỉ có giếng khơi là "thủ phạm" sát nhân, mà nhiều trường hợp ngạt khí khác đã xảy ra với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Trưa 11-4-2018, tàu vận tải biển Thành Công 98 của Công ty TNHH dịch vụ thương mại Thành Mỹ Phát, có trụ sở giao dịch ở xã Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai neo đậu tại cầu cảng Công ty cổ phần Tân Cảng Miền Trung ở khu vực 8, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định để tiếp nhận 2.500 tấn mật đường.
Trong lúc kiểm tra thiết bị kỹ thuật hầm tàu, hai thủy thủ Nguyễn Đức Quân, Phạm Trọng Hòa - cùng trú ở xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa bị ngạt khí độc. Nghe tiếng kêu la, người đồng hương là thợ máy Bạch Văn Sáu bám thang dây để xuống hầm tàu cứu nạn nhưng đã vấp phải sự cố ngạt khí độc nên cả 3 nạn nhân tử vong.
Theo Cảnh sát PCCC tỉnh Bình Định nhận định, trước đó tàu Thành Công 98 đã vận chuyển mật đường, lượng mật còn sót lại trong hầm tàu chuyển hóa lên men thành rượu, tạo ra khí Carbon dioxide (CO2) và một số khí độc khác khiến cho khí oxy bị mất. Thông thường trong vòng 30 giây, nếu lượng khí oxy cung cấp không đủ có thể khiến người bình thường bị ngất và dẫn đến tử vong sau 3 phút.
Khủng khiếp hơn là vụ 5 công nhân tử vong do ngạt khí độc xảy ra ngày 12-1-2017 tại Chi nhánh Công ty Food Tech JSC tại Phú Yên - một doanh nghiệp chuyên chế biến thủy sản trong Khu công nghiệp Hòa Hiệp, huyện Đông Hòa.
Khoảng 10h40' sáng hôm đó, công nhân Huỳnh Văn Nê, trú ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa đến bể chứa nước hấp cá lấy mẫu sản xuất nước mắm thử nghiệm nhưng do ngạt khí độc nên rơi xuống bể. Phát hiện sự cố tai nạn, chị Lê Thị Hoa - trú ở phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa kêu cứu.
Lập tức người quản lý sản xuất là anh Phiuphukhieo Siri Phong - quốc tịch Thái Lan và 3 công nhân là Hồ Viết Nguyên - trú ở xã Hòa Thành; Lê Thành - trú ở xã Hòa Hiệp Bắc và Nguyễn Văn Vinh - trú ở thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa bước về phía bể nước hấp cá để giải cứu anh Nê, nhưng cả 4 người đều rơi xuống bể mắm, tử vong.
Trong cuộc họp báo do UBND tỉnh Phú Yên tổ chức ngay sau đó, ông Nguyễn Thanh Tùng - đại diện Công ty Food Tech JSC cho biết, nơi xảy ra vụ tai nạn là bể chứa nước hấp cá được doanh nghiệp tận dụng để thử nghiệm chế biến nước mắm từ ngày 29-9-2016 thì ngày 12-1-2007 xảy ra sự cố tai nạn thương tâm. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên nhận định nguyên nhân khiến cho 5 nạn nhân tử vong là do ngạt khí Carbon dioxide từ bể chứa nước hấp cá.
Cảnh sát PCCC sơ cứu các nạn nhân bị ngạt. |
Không chỉ tử nạn dưới giếng sâu, trong hầm tàu biển và bể chứa nước hấp cá, mà đã có nhiều trường hợp chết ngạt khí từ hầm biogas, lò vôi, bếp than tổ ong và kể cả trong xe ôtô.
Đau lòng nhất trong số những vụ tai nạn ngạt khí Methane (CH4), Carbon dioxide (CO2) từ hầm biogas thời gian gần đây là sự cố xảy ra ở thôn Đồng Bào, xã Gia Xuyên, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương khiến ba anh em trong một gia đình tử vong.
Hôm đó là đêm 10-5-2017, anh Tăng Văn Đươm ra phía sau nhà sửa chữa đường ống dẫn khí biogas. Vài phút sau nghe tiếng động lạ thường, hai người anh em là Tăng Văn Đới, Tăng Văn Đượm lần lượt bước xuống thang tre để "giải cứu" cho nhanh, nhưng kết cục cả ba người đều bất động. Khi được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Gia Lộc cấp cứu thì các bác sĩ xác định cả ba nạn nhân đều đã tử vong ngoại viện…
Trường hợp tử vong do ngạt khí Carbon monoxide (CO) trên xe ôtô khiến cho dư luận đặc biệt quan tâm là nạn nhân Nguyễn Thanh Bình - Bí thư Huyện ủy Hoài Nhơn cùng cô Nguyễn Thị Kha - trú ở khối Trung Lương, thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Một người dân nhìn thấy chiếc xe ôtô du lịch đậu gần bờ đập Lại Giang, thị trấn Bồng Sơn từ nửa đêm hôm trước đến sáng ngày hôm sau vẫn trong tình trạng nổ máy, nên mới gõ cửa nhiều lần nhưng không thấy phản hồi từ bên trong.
Khi mọi người mở được cửa ô tô mới phát hiện ông Bình cùng cô Kha đã tử vong trong tư thế ngồi tựa lưng vào ghế xe. Kết quả khám nghiệm hiện trường và tử thi không phát hiện dấu hiệu tội phạm, trên thi thể nạn nhân không có dấu vết tác động ngoại lực, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Định xác định nguyên nhân tử vong là do ngạt khí Carbon monoxide.
Cảnh sát PCCC tiếp cận hiện trường vụ ngạt khí độc ở Chi nhánh Công ty Food Tech JSC tại Phú Yên. |
2.Theo y học, ngạt là hiện tượng ngừng cung cấp oxygen và thừa khí Carbonic trong cơ thể. Bình thường trong không khí, Oxygen chiếm 20,96%, carbonic chiếm 0,04%... Thực nghiệm ngạt cho thấy khi Oxygen trong phòng kín giảm 12 - 14%, carbonic tăng lên 6-8% thì xuất hiện các triệu chứng: nhức đầu, thở nhanh, huyết áp tăng...
Khi Oxygen còn 8% và Carbonic tăng lên 12% sẽ xảy ra tử vong và thông thường thời gian chịu đựng ngạt của con người không quá 5 phút, những người thường xuyên rèn luyện sức khỏe tốt như thợ lặn, vận động viên bơi lội, marathon... có thể chịu đựng hơn 10 phút.
Thủ phạm trong những vụ chết ngạt đã được dẫn chứng là các loại khí độc không mùi vị, không màu sắc nên rất khó nhận biết khi tiếp xúc. Đó là khí Hydro sulfua (H2S), Carbon dioxide (CO2), Carbon monoxide (CO), Methane (CH4)… Do nặng hơn không khí nên các loại khí độc nêu trên tích tụ lại dưới đáy giếng, hầm lò, bể chứa có độ sâu sau quá trình chuyển hóa, phân hủy sản phẩm hữu cơ từ thân, lá cây, rác thải, phân chăn nuôi...
Tại các lò vôi thủ công, theo chuyên gia vật lý - TS Nguyễn Văn Khải, khi đá vôi được nung ở nhiệt độ nhất định sẽ sản sinh ra các khí Carbon dioxide (CO2), Cacbon monoxit (CO), Oxit nitơ (NOx). Trong đó CO và NOx là những loại khí cực độc, khi con người hít phải một lượng nhất định có thể bất tỉnh, chết não.
Đưa thi thể 5 công nhân Chi nhánh Công ty Food Tech JSC tại Phú Yên rời khỏi hiện trường. |
Nhiều loại thiết bị đo khí thải đã được các doanh nghiệp khai thác khoáng sản dưới hầm lò trang bị cho công nhân để chủ động kiểm tra, đảm bảo an toàn tính mạng người lao động. Trong khi đó, một nhóm thợ tảo vét giếng hay ông chủ lò vôi thủ công không thể mua thiết bị đắt tiền, nhưng không có biện pháp bảo vệ và kỹ năng phòng ngừa.
Kinh nghiệm dân gian cho biết, không nên đào giếng ở những nơi có nhiều mùn cây, rác thải, gần chuồng súc vật... vì nơi đó không chỉ bị ô nhiễm mà còn có nhiều khí độc. Trước khi xuống giếng sâu cần phải thắp ngọn nến thả chậm dần xuống gần mặt nước, nếu cháy sáng bình thường thì có đủ oxy, ngược lại nếu ngọn nến leo lét rồi tắt thì không nên để người xuống giếng do thiếu dưỡng khí.
Đại tá Nguyễn Đức Dũng - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh Khánh Hòa cảnh báo không nên kiểm tra dưỡng khí bằng lửa trong môi trường hầm lò có khí Methane sẽ gây ra nguy hiểm cháy nổ. Khi xảy ra sự cố tai nạn chết ngạt, không nên vội vàng giải cứu để dẫn đến "chết chùm", mà khẩn báo cho cơ quan cứu nạn - cứu hộ, càng sớm càng tốt, đồng thời tìm mọi biện pháp phá dỡ, mở toang các cửa thoát khí hầm tàu, kho hàng, bể ngầm, đường ống để thoát khí độc.
Tùy theo hiện trường xảy ra sự cố là giếng nước, bể ngầm, đường cống, hầm tàu vận tải biển, kho thực phẩm, kho đông lạnh… sẽ triển khai phương án và sử dụng công cụ, thiết bị cứu nạn phù hợp. Ở bất kỳ hiện trường tai nạn ngạt khí nào, người cứu nạn cần phải mang mặt nạ phòng độc và bình dưỡng khí trước khi tiếp cận hiện trường, đồng thời dùng quạt gió để phân hủy khí độc, tăng cường oxy…
Để phòng ngừa và giảm thiểu nỗi đau mang tên... chết ngạt do tai nạn lao động, trước khi tiếp cận những nơi có khả năng nhiều khí độc, người lao động không nên chủ quan mà cần chủ động kiểm tra an toàn hiện trường, tạo không gian thông thoáng kết hợp xử lý khí độc ở giếng nước, bể ngầm, đường cống, hầm tàu vận tải biển, kho thực phẩm, kho đông lạnh…
Nguồn: CAND