Phóng sự

Báo động tình trạng thanh, thiếu niên dùng hung khí 'nóng' gây án

08:38, 25/07/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Thời gian gần đây, tình trạng thanh thiếu niên tụ tập, gây rối trật tự công cộng, sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn, truy sát, trả thù lẫn nhau diễn ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
 
Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an: "Tội phạm dạng này trong cơ cấu tội phạm chiếm tỷ lệ không lớn, chỉ 2-4% trong số phạm pháp hình sự, thế nhưng gây nhức nhối trong xã hội, bởi các đối tượng sử dụng hung khí nguy hiểm, kể cả vũ khí "nóng", trả thù lẫn nhau, gây bức xúc trong dư luận".
 
Tại Hội thảo khoa học "Thực trạng và giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tình hình các đối tượng thanh, thiếu niên tụ tập gây rối, truy sát, thanh toán lẫn nhau" do Tổng cục Cảnh sát tổ chức mới đây tại TP Hồ Chí Minh, Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho biết, thời gian qua ở nhiều địa phương trong cả nước nổi lên tình trạng các đối tượng, chủ yếu là thanh, thiếu niên tụ tập gây rối, truy sát, thanh toán, trả thù lẫn nhau, với nhiều diễn biến phức tạp, có vụ với hàng chục, thậm chí hàng trăm đối tượng tham gia, diễn ra công khai, ngang nhiên trên đường phố, khu vực đông dân cư; có vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (làm chết và bị thương nhiều người), thiệt hại nhiều tài sản của tổ chức và người dân, gây bức xúc, bất bình trong nhân dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự.
 Hình ảnh vụ đánh nhau vì ghen nhầm tại quận 9.
Hình ảnh vụ đánh nhau vì ghen nhầm tại quận 9.
Đặc biệt đáng lo ngại là một số nơi người dân vô cùng hoang mang, lo lắng, không dám căn ngăn, đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng, sợ bị trả thù, liên lụy đến bản thân và gia đình.
 
Theo báo cáo của Công an 55/63 địa phương, từ năm 2015 đến nay, cả nước xảy ra hơn 4.100 vụ, liên quan hơn 14.400 đối tượng tụ tập gây rối, truy sát, trả thù lẫn nhau, có vụ hàng trăm đối tượng tham gia, diễn ra công khai, lộng hành trên đường phố, hậu quả làm 264 người chết, 3.280 người bị thương, làm thiệt hại nhiều tài sản của tổ chức và người dân. Các vụ việc trên đã gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng trong dư luận.
 
Ngày 2-4, Công an quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh đã làm rõ và truy bắt được một số đối tượng trong vụ việc hai nhóm thanh, thiếu niên dùng hung khí chém người trong quán trà sữa trên địa bàn phường 13, quận Bình Thạnh, khiến 3 người bị thương.
 
Theo hồ sơ vụ việc, tối 30-3, Trương Huỳnh Nhật Quang (16 tuổi, quê An Giang) đang cùng nhóm bạn ngồi trong quán trà sữa trên đường Trục, phường 13, quận Bình Thạnh thì một nhóm thanh niên hơn 10 người cầm hung khí xông vào chém loạn xạ.
 
Quang bị đâm trúng ngực phải, bạn Quang là Dương Quốc Duy (16 tuổi, ngụ Gò Vấp) bị đâm thủng phổi, ngã đập đầu xuống đường (khiến nạn nhân bị hôn mê), một người bạn khác của Quang bị thương nhẹ. Sau khi gây án, nhóm thanh thiếu niên này leo lên xe rời khỏi hiện trường.
 
Về nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên, tại cơ quan Công an, các đối tượng khai, trước đó phát hiện Nguyễn Hoàng Phúc (17 tuổi) nhắn tin mùi mẫn với bạn gái mình nên Quang bực tức. Chiều tối 30-3, Quang cùng nhóm của mình xảy ra xô xát với nhóm Phúc.
  Nhóm thanh thiếu niên gây án bị Công an quận Bình Thạnh tạm giữ.
Nhóm thanh thiếu niên gây án bị Công an quận Bình Thạnh tạm giữ.
Sau đó, Phúc bỏ chạy ra khỏi quán trà sữa và gọi thêm một số người khác cầm hung khí quay lại tìm nhóm Quang và gây ra vụ việc này. Theo một cán bộ Công an quận Bình Thạnh, đa phần những đối tượng trong hai nhóm đều là học sinh đang theo học tại các trường trung học phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn.
 
Cũng vì mâu thuẫn trong công việc với nam công nhân làm trong xưởng may, Nguyễn Ngọc Trường (24 tuổi, quê Đắk Lắk) đã rủ thêm 10 người khác có độ tuổi từ 14 đến 26 dùng hung khí để đánh hội đồng khiến một người tử vong. Vụ việc này do Công an quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh thụ lý.
 
Theo đó, vào ngày 20-4-2018 Công an quận Tân Phú đã tạm giữ hình sự nhóm thanh niên gồm Đỗ Thị Thanh H. (14 tuổi, quê Hà Nội), Quang Văn Thế (21 tuổi) Vi Văn Hà (21 tuổi), Quang Văn Lợi (18 tuổi), Vi Văn Mạo (19 tuổi) Nguyễn Ngọc Hiếu (22 tuổi; cùng quê Nghệ An), Nguyễn Ngọc Thành (26 tuổi), Lương Thế Anh (19 tuổi), Hoàng Trung Hiếu (17 tuổi; cùng quê Đắk Lắk) và Nguyễn Ngọc Trường để điều tra, làm rõ vì có liên quan đến vụ án mạng xảy ra trên địa bàn.
 
Qua điều tra ban đầu, giữa nhóm người này và Lương Văn Hiếu (22 tuổi, quê Lạng Sơn) cùng làm thợ gia công ở khu xưởng may mặc tại quận Bình Tân có mâu thuẫn. Khuya 15-4, Trường rủ 10 người bạn chuẩn bị hung khí hẹn Hiếu ra Công viên Gia Phú (phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú) để giải quyết mâu thuẫn.
 
Khi gặp, Thế và Hà đã khóa tay Hiếu để cho Ngọc dùng vật nhọn đâm nhiều nhát khiến nạn nhân gục tại chỗ. Dù được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu nhưng đến sáng 16-4 nạn nhân đã tử vong.
 
Qua một số vụ việc kể trên có thể thấy chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn cá nhân trước đó chưa được giải quyết dứt điểm hoặc do mâu thuẫn bột phát, tức thời trong sinh hoạt, giao tiếp, ăn uống, vui chơi giải trí (hầu hết có sử dụng rượu bia)… dẫn đến tụ tập để giải quyết, nhằm thỏa mãn bản thân…
 
Qua phân tích nhiều vụ việc xảy ra, cho thấy tính chất, mức độ các vụ việc ngày càng nghiêm trọng như phạm tội giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng…
 
Phần lớn các đối tượng là thanh, thiếu niên không có việc làm ổn định, lười lao động, bỏ học, thích tụ tập ăn chơi, đua đòi, dễ bị kích động, lôi kéo, xúi giục tham gia các vụ phạm tội, vi phạm pháp luật, thường có biểu hiện ngày càng coi thường pháp luật và cơ quan thực thi pháp luật, cũng như tính mạng, tài sản của công dân.
 
Riêng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, theo Phòng Cảnh sát hình sự (PC45), Công an TP Hồ Chí Minh, tính từ 16-11-2014 đến 15-5-2018, trên địa bàn thành phố ghi nhận xảy ra 282 vụ các nhóm đối tượng thanh, thiếu niên gây ra, phần lớn thuộc nhóm tội danh xâm phạm nhân thân, sức khỏe, trong đó đa số là các hành vi cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng. Còn lại là các hành vi gây án hỗn hợp thuộc các tội giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng.
Nhóm thanh thiếu niên dùng hung khí đánh hội đồng khiến một người tử vong tại quận Tân Phú.
Nhóm thanh thiếu niên dùng hung khí đánh hội đồng khiến một người tử vong tại quận Tân Phú.
Trên phương diện cả nước, theo thống kê sơ bộ từ Báo cáo của Công an 52/63 địa phương, đã khởi tố 2.290 vụ, 6.546 bị can liên quan đến các hành vi tụ tập thành băng nhóm gây rối, đánh nhau, đâm chém, truy sát, trả thù lẫn nhau; trong đó có 297 vụ giết người, 1.523 vụ cố ý gây thương tích, 106 vụ gây rối trật tự công cộng và các loại tội phạm khác (bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, chống người thi hành công vụ…)…
 
Đáng chú ý, các đối tượng thường thực hiện nhiều hành vi phạm tội, vi phạm cùng lúc như giết người, cố ý gây thương tích, cố ý làm hư hỏng tài sản, gây rối trật tự công cộng, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng…
 
Dù công tác điều tra, xử lý các vụ việc này đã được Công an các đơn vị, địa phương chú trọng thực hiện, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiện vẫn tiềm ẩn rất nhiều khó khăn, hạn chế...
 
Theo Trung tướng Trần Văn Vệ, khó khăn nhất là trong các vụ việc này thường có đối tượng đông, diễn ra nhanh nên việc phân hóa, phân vai đối tượng rất khó khăn. Các đối tượng gây án thường dưới 18 tuổi.
 
Đặc biệt với những vụ thanh toán lẫn nhau, các đối tượng, bị hại, vừa là bị hại nhưng cũng là đối tượng luôn luôn từ chối giám định, vì thế công tác giám định, thu thập tài liệu chứng cứ gặp nhiều khó khăn…
 
Ngoài ra, hành vi phạm tội xảy ra nơi công cộng rất nhanh, phần lớn vào ban đêm (từ 18h đến 24h), liên quan đến nhiều đối tượng; hiện trường rộng, dấu vết để lại hiện trường đa dạng; các đối tượng gây án xong thường có tâm lý hoảng sợ nên bỏ trốn.
 
Do vậy, công tác điều tra tại hiện trường gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, phần lớn các đối tượng gây án thường thuộc diện lang thang, không có nơi cư trú rõ ràng, nhiều đối tượng ở địa phương khác, hoạt động liên tỉnh; có những đối tượng hoạt động thông qua internet, các trang mạng xã hội, làm cho công tác quản lý, đấu tranh ngày càng khó khăn hơn.
 
Để phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, theo Trung tướng Trần Văn Vệ, giải pháp quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa, tuyên truyền, tố giác tội phạm, quản lý của gia đình, xã hội.
 
Trong đó, giải pháp cơ bản vẫn là công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, tức là quản lý các loại đối tượng, đặc biệt là những đối tượng lang thang không nghề nghiệp ở các tỉnh miền xuôi, nông thôn ra thành phố để tìm kiếm công ăn việc làm…
 
Đồng thời, các địa phương cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là tạo việc làm, hướng nghiệp và xây dựng môi trường xã hội lành mạnh cho thanh thiếu niên.
 
 "Đối với lực lượng Công an, giải pháp phòng ngừa nghiệp vụ, là công tác nắm tình hình, quản lý nghiệp vụ và ngăn ngừa ngay từ khi manh nha chứ nếu vụ việc xảy ra rồi, công tác xử lý sau cũng ít có hiệu quả.
 
Dù còn khá nhiều khó khăn, tồn tại nhưng cũng phải nói rõ là không thể không xử lý được loại tội phạm này mà chúng tôi đã và đang có nhiều biện pháp hiệu quả để xử lý; từ xử lý hành chính, lập hồ sơ đưa vào cơ sở giáo dục, đi các cơ sở cai nghiện, nặng thì xử lý hình sự", Trung tướng Trần Văn Vệ nhấn mạnh.

Nguồn: Phú Lữ/CAND

Các tin khác