Phóng sự
Cam go cuộc chiến chống tội phạm trên biển
Khi bị phát hiện, số đối tượng này sẵn sàng chống trả lại lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, với quyết tâm giữ yên bình cho từng hải lý đường biển, 20 năm qua kể từ ngày thành lập, lực lượng Cảnh sát biển đã ghi nhiều dấu ấn trên trận tuyến này.
"Chặt đứt" nhiều đường dây phạm pháp
Nhắc đến vụ triệt phá đường dây vận chuyển trái phép hơn 820 ngàn lít xăng lậu tại khu vực biển Vũng Tàu vào ngày 21-6, các cán bộ chiến sĩ Cụm Trinh sát số 2 - Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển vẫn nhớ như in thủ đoạn tinh vi cùng những hệ lụy khôn lường đi kèm nếu hành vi vi phạm này bị để lọt.
Lực lượng Cảnh sát biển phát hiện một vụ tàu chở dầu lậu trên biển. |
Trước đó, vào khoảng thời gian trên, trong lúc tuần tra kiểm soát tại khu vực biển Vũng Tàu, cách mũi Nghinh Phong khoảng 5 hải lý, Tổ công tác của Cụm Trinh sát số 2 phát hiện tàu Hà Lộc 06 đang lưu thông đến đây có nhiều biểu hiện nghi vấn.
Tiếp cận con tàu trên và tiến hành kiểm tra hành chính, Tổ công tác phát hiện trên tàu có 8 thuyền viên do ông Lê Hồng Ngân (ở phường 12, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) làm Thuyền trưởng có vận chuyển khoảng 820 ngàn lít xăng không giấy tờ, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Con tàu cùng toàn bộ số xăng trên sau đó được đưa về trụ sở cơ quan chức năng để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Theo một số cán bộ Cảnh sát biển cho biết, nếu số xăng không có nguồn gốc, xuất xứ trên được đem đi tiêu thụ, Nhà nước sẽ bị thất thu ngân sách một khoản tiền không nhỏ.
Trước đó, cũng trong quá trình tuần tra kiểm soát trên vùng biển giáp ranh giữa TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, Tổ công tác của Cụm Trinh sát số 1, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam phát hiện tàu vận tải Bạch Đằng 18 mang biển hiệu HP - 90769 TS vận chuyển khoảng 200m3 dầu DO không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Toàn bộ số dầu được chở trên tàu do Thuyền trưởng Vũ Văn Thiềng (ở huyện Quảng Yên, Quảng Ninh) điều khiển sau đó đã bị tạm giữ để cơ quan chức năng xác minh, mở rộng điều tra.
Không chỉ buôn lậu xăng dầu, thời gian qua, nhiều đối tượng đã coi đường biển là tuyến đường phục vụ cho hoạt động mua bán vận chuyển hàng lậu, trong đó có ma túy.
Thực tiễn cho thấy, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy trên đất liền đã khó, nguy hiểm, trên đường biển lại càng khó khăn và hiểm nguy hơn. Bởi với địa hình vùng biển bao la, khi phát hiện cơ quan chức năng, các đối tượng sẵn sàng phi tang tang vật - ma túy xuống biển, sử dụng tàu thuyền hiện đại đâm va, bỏ chạy.
Sử dụng thủ đoạn tinh vi, manh động liều lĩnh chống trả là thế, song với quyết tâm góp yên bình cho từng hải lý đường biển, lực lượng chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy của Cảnh sát biển đã triển khai chặt chẽ hoạt động nghiệp vụ trên các tuyến biển trọng điểm về ma túy, nhiều "vòi bạch tuộc" cung cấp ma túy lớn đã bị chặt đứt.
Theo thống kê, trong 20 năm qua, Cục Cảnh sát biển (được thành lập vào ngày 28-8-1998) nay là Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển được thành lập, lực lượng Cảnh sát biển phối hợp với các cơ quan chức năng: Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan… khám phá 1.529 chuyên án, vụ án, trong đó tiến hành khởi tố 365 vụ với 399 đối tượng, bắt giữ 2.886 đối tượng, tang vật thu giữ gồm 8,16 tấn cần sa; 153,76kg cần sa khô; 1.959 bánh heroin; 198,074kg và 137.197 viên ma túy tổng hợp; 70 khẩu súng, 1,348 viên đạn cùng nhiều tang vật có liên quan.
Tạo "thế trận lòng dân" trên biển
Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Phó Chính ủy Cảnh sát biển không giấu được sự lo ngại trước tình trạng tội phạm trên biển luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp.
Theo đồng chí Phó Chính ủy Cảnh sát biển, vì lợi nhuận kinh tế, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán vận chuyển ma túy trên biển không chừa một thủ đoạn nào và lực lượng Cảnh sát biển luôn xác định đấu tranh phòng chống tội phạm là một mặt trận chiến đấu diễn ra cam go và quyết liệt.
Nhiều vụ buôn lậu thuốc lá trên biển đã bị lực lượng Cảnh sát biển phát hiện, bắt giữ. |
Để phòng ngừa, trấn áp tội phạm cũng như đảm bảo chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển đã triển khai nhiều mô hình, chương trình hoạt động kết hợp tuyên truyền với đấu tranh với các hành vi vi phạm chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Được hình thành và đi vào hoạt động từ đầu năm 2007, tới nay mô hình "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân" được Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam triển khai trong toàn lực lượng.
Đây là một trong những mô hình dân vận sáng tạo, đặc thù của Cảnh sát biển. Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết cho biết, việc triển khai mô hình nhằm cụ thể hóa chủ trương tăng cường, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới của Đảng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc thù của lực lượng Cảnh sát biển; góp phần xây dựng các xã, huyện đảo phát triển kinh tế, vững mạnh về chính trị, làm cơ sở xây dựng "thế trận lòng dân" trên biển, tăng cường đoàn kết quân dân; động viên ngư dân tích cực vươn khơi bám biển, bám ngư trường truyền thống, vừa phát triển kinh tế xã hội, vừa sát cánh cùng các lực lượng thực thi pháp luật trên biển đấu tranh bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn các vùng biển đảo của Tổ quốc.
Theo đánh giá của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, thông qua mô hình "Cảnh sát đồng hành với ngư dân", thời gian qua, lực lượng Cảnh sát biển đã phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương triển khai nhiều hoạt động trọng tâm, trong đó có việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân xã đảo và ngư dân tại các khu neo đậu tàu, thuyền, âu tàu (dưới hình thức cấp phát tờ rơi, tuyên truyền trực tiếp, tuyên truyền theo từng nhóm tàu…).
Từ đó, giúp người dân nâng cao nhận thức và chấp hành nghiêm các quy định về Công ước về Luật Biển năm 1982, Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ môi trường v.v.. Mặt khác, để mô hình "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân" đi sâu vào cơ sở, lực lượng Cảnh sát biển đã thường xuyên hỗ trợ ngư dân phao, áo cứu sinh, lương thực - thực phẩm, thuốc chữa bệnh… khi ngư dân gặp khó khăn, lũ lụt, sẵn sàng phối hợp cấp cứu ngư dân khi gặp nạn.
Đến nay, mô hình "Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân" đã được triển khai tại 9 xã (huyện) đảo trên địa bàn của 9 tỉnh, thành ven biển và đạt được một số kết quả thiết thực, có ý nghĩa, nhất là trong việc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, giữ vững những cột mốc chủ quyền giữa trùng khơi.
Nỗ lực vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng
Cảnh sát biển là lực lượng nòng cốt thực hiện chức năng quản lý về an ninh trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên các vùng biển của Việt Nam. Trong những năm qua, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lực lượng Cảnh sát biển đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển tặng tủ thuốc cho ngư dân. |
Trong đó, có việc chú trọng nghiên cứu, kiện toàn công tác cán bộ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa pháp luật vào thực tiễn, đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm vi phạm trên vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Điển hình như vào tháng 5-2014, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép Giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, lực lượng Cảnh sát biển đã cùng các đơn vị chức năng thực thi nhiệm vụ, đấu tranh với các hành vi xâm phạm chủ quyền biển đảo từ phía các tàu, máy bay hộ tống giàn khoan của Trung Quốc, góp phần buộc Trung Quốc phải rút Giàn khoan Hải Dương 981.
Nhờ những kết quả công tác đã đạt được, qua 20 năm xây dựng và phát triển, Cảnh sát biển Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2015); tặng thưởng 7 Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; 5 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, Nhì, Ba cùng nhiều phần thưởng cao quý khác do Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng trao tặng.
Báo cáo của Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 39 tàu với 169 đối tượng vi phạm pháp luật, tang vật thu giữ: 6.837,413 tấn than; trên 10 triệu lít xăng, dầu; 727.842 tấn quặng sắt; 1.485,85 tấn clinker; 26.450 bao thuốc; 47,4kg pháo v.v.. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát biển còn đấu tranh triệt phá nhiều vụ án buôn lậu thuốc lá, vận chuyển tiền giả với số lượng lớn. Có thể khẳng định, kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trên biển của Cảnh sát biển đã làm giảm thiểu tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên biển, góp phần bảo vệ sản xuất trong nước, ổn định và phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo an ninh trật tự trên các vùng biển trong những năm qua. Trong những năm qua, lực lượng Cảnh sát biển đã thực hiện 150 cuộc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, đã cứu kéo hàng trăm phương tiện, cứu sống 450 ngư dân gặp nạn; trong đó có 4 phương tiện và 34 thủy thủ nước ngoài. |
Nguồn: CSTC/Báo CAND