Phóng sự
Phiên bản 'đúng quy trình'
Chủ trương vận động nguồn lực xã hội thông qua hình thức hợp tác đầu tư như BT (Xây dựng – Chuyển giao) và BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao) là một chủ trương đúng, chính xác. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề tồn tại, có dấu hiệu trục lời tiêu cực thông qua hai hình thức đầu tư này cho thấy câu hỏi, “Tại sao chủ trương đúng nhưng khi thực hiện lại thành nghịch lý?” vẫn đang cần lời giải.
|
Lãnh đạo UBND TP Hội An cho biết Hội An là thành phố cổ, không phù hợp với mô hình du lịch tham quan từ cáp treo này, quan trọng hơn, Hội An không còn đất để đổi cho doanh nghiệp nhằm lấy dự án trên.
1. Khắp nơi đều có những câu chuyện BT hay gọi đơn giản hơn đổi đất lấy hạ tầng đang khiến dư luận chú ý, thậm chí là bức xúc, từ Thủ đô Hà Nội, đến TP Hồ Chí Minh rồi Khánh Hòa, Thái Bình…
Không chỉ có dấu hiệu sai phạm, mà còn có những phi lý đến không thể nào tưởng tượng nổi. Điển hình là câu chuyện con đường nghìn tỷ cho một kilomet tại TP HCM với sự hợp tác giữa thành phố và công ty Đại Quang Minh.
Cũng chính công ty này được giao xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 nối quận 2 với quận 1 (TP HCM), khởi công từ lúc ông Đinh La Thăng còn làm Bộ trưởng Bộ GTVT cho đến giờ vẫn chưa có bất cứ một động thái nào cho thấy cây cầu trên được bắt tay vào thực hiện. Ngoại trừ hàng cây cổ thụ lâu năm trên đường Tôn Đức Thắng (con đường nằm trong dự án cầu Thủ Thiêm 2) bị chặt hạ không thương tiếc, chỉ có bấy nhiêu và hết.
Không chỉ có những bất hợp lý ở dự án BT, mà ngay cả BOT thì TP HCM cũng từng bị Thanh tra Chính phủ chỉ mặt điểm tên hàng loạt sai phạm, như: dự án cầu Bình Triệu, dự án cầu Phú Mỹ, dự án nâng cấp quốc lộ 1A đoạn An Sương – An Lạc… Chỉ với 6 dự án được thông qua bằng hình thức BT và BOT tại TP HCM đã có sai phạm hơn 2.100 tỷ đồng.
Minh họa: Lê Tiến Vương. |
Ở Thủ đô Hà Nội, Thanh tra Chính phủ từng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, tham mưu để ban hành văn bản về cơ chế quản lý, giám sát đối với các dự án BT; xử lý về kinh tế khoản tiền hơn 1.600 tỷ đồng và gần 38 triệu USD.
Đồng thời xem xét trách nhiệm của lãnh đạo UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng có liên quan trong việc chỉ định thầu, chỉ đạo, đôn đốc cơ quan cấp dưới thực hiện hợp đồng. Đó chỉ mới là BT, chưa tính những hợp đồng hình thức BOT có dấu hiệu sai phạm.
Lấy ví dụ ở hai thành phố lớn nhất nước để thấy rằng đầu tư bằng hình thức BT, BOT đang có những lỗ hổng cực lớn, tạo cơ hội cho những nhóm lợi ích hiện hữu để trục lợi từ đất công, ngân sách.
Còn chuyện đổi đất vàng lấy dự án dở dang thì có vẻ như là chuyện mà tỉnh nào cũng vướng.
2. Câu chuyện BOT trên các tuyến quốc lộ huyết mạch của quốc gia vẫn được kéo dài mãi bằng việc mong nhân dân thông cảm cho các trạm BOT được đặt sai vị trí, những bất cập trong giám sát và quản lý, những phản ứng của người dân, những loay hoay sửa sai không trọn vẹn của lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, chuyện ồn ào thu phí thu giá….
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa phát biểu với đại ý mong Bộ Công an, chính quyền địa phương phối hợp với Bộ GTVT để bảo vệ tình hình trật tự tại các trạm BOT, “Bởi hiện nay, một trong những trọng điểm mà các tổ chức gây rối tập trung thường vào các dự án BOT”.
Trên thực tế trong thời gian qua, Bộ Công an đã thực hiện rất tốt công tác đảm bảo trật tự tại các trạm BOT, khi những trạm BOT này bị các tài xế tham gia lưu thông phản đối vì đặt sai vị trí. Nếu không có sự hỗ trợ hiệu quả của Bộ Công an, thì không biết đã có hậu quả gì xảy ra tại các trạm BOT này.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là lãnh đạo Bộ GTVT đã không nhìn thấy để ngăn chặn tình trạng mất trật tự tại các trạm BOT chính là yêu cầu chủ đầu tư BOT dời trạm BOT vào vị trí hợp lý. Càng kỳ lạ hơn nữa là khi có nhiều trạm BOT đã bị chứng minh tay không bắt giặc hoặc đường tránh làm một nơi đặt trạm thu phí một nẻo, đường tránh chưa hoàn thành đã vội vàng đặt trạm thu phí.
Việc giảm giá BOT, việc mong thông cảm, việc đổ do lịch sử để lại… chưa bao giờ là cách giải quyết căn cơ để xóa bỏ hoàn toàn nguy cơ tiềm tàng về mất an ninh trật tự cũng như cảm xúc tiêu cực của người dân do các trạm BOT đặt sai vị trí tạo ra.
3. Nhiều chuyên gia kinh tế, cán bộ cao cấp về hưu cho rằng các sai phạm này là do pháp luật chưa quy định chặt chẽ, quy trình hợp tác chưa minh bạch, còn nhiều hợp đồng đóng dấu Mật… Tất nhiên những yếu tố này là chính xác, nhưng cá nhân tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người, yếu tố con người ở đây chính là cán bộ có vị trí, có đủ quyền hành để ký kết (hoặc chỉ đạo cán bộ khác ký kết hợp đồng theo hình thức BT, BOT).
Đúng như kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “Công tác cán bộ rất quan trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc, then chốt của then chốt”.
Cán bộ lãnh đạo tốt thấy pháp luật chưa chặt chẽ sẽ tham mưu, kiến nghị để hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho tổ chức. Cán bộ không tốt sẽ thấy những thiếu sót trong quy định của pháp luật mà lách vào để “trên giấy tờ thì đúng quy trình nhưng thực tế lại rất sai”.
Rõ ràng, nghịch lý chủ trương của hình thức BT hay BOT cũng giống câu chuyện “đúng quy trình” vậy, vĩnh viễn quy trình thì không thiệt hại, chỉ có quốc gia là thiệt hại!
Nguồn: ANTG/Báo CAND