Phóng sự
Cam go cuộc chiến chống ma túy ở miền Tây xứ Nghệ (Kỳ cuối)
Kỳ 1: Đổ máu vì bình yên ở biên giới Việt - Lào
Kỳ 2: Chặt đứt “vòi bạch tuộc” từ bên kia biên giới
Kỳ 3: Hiệu quả của công tác phối hợp đấu tranh
Kỳ 4: Xóa tụ điểm phức tạp về ma túy - Kinh nghiệm từ “điểm nóng”
(Congannghean.vn)-Từ trước đến nay, với vị trí địa lý thuận lợi, địa bàn rộng, đường biên giới trải dài hàng trăm km, tỉnh Nghệ An được xem là “rốn” ma túy. Không chỉ là vùng đất sản sinh ra những “ông trùm”, nơi đây còn là địa bàn trung chuyển ma túy đi khắp nơi trong cả nước sau khi “hàng” được tập kết từ bên kia biên giới để tuồn về Việt Nam. Để chống lại loại tội phạm này, súng đã nổ, máu đã đổ và nước mắt đã rơi…
Kỳ cuối: Phòng, chống tội phạm ma túy - cần sự chung tay của toàn xã hội
Lực lượng chức năng tiến hành giám định tang vật trong 1 vụ án ma túy |
Vẫn còn nhiều thách thức
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến tháng 6/2018, toàn tỉnh Nghệ An có 6.901 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; 376/480 xã, phường, thị trấn có ma túy; trong đó có 141 xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma túy. 6 tháng đầu năm 2018, tội phạm liên quan đến ma túy phát hiện tăng và tiếp tục diễn biến phức tạp. Lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt 661 vụ, 828 đối tượng; so với cùng kỳ năm trước, tăng 92 vụ và 118 đối tượng.
Nổi lên là tình trạng một số nhóm đối tượng mang theo vũ khí “nóng” tổ chức mua bán trái phép chất ma túy ở khu vực rừng núi thuộc các huyện tuyến biên giới. Tình trạng ma túy thẩm lậu qua tuyến biên giới Việt - Lào vào Nghệ An còn tiềm ẩn lớn, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng liên quan đến tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, manh động. Trong quá trình phát hiện, đấu tranh, triệt xóa thành công 31 đường dây với 62 đối tượng, đã có 4 cán bộ, chiến sỹ Công an bị thương trong khi làm nhiệm vụ.
Nghệ An có địa bàn rộng, dân cư đông, lại có hơn 419 km đường biên tiếp giáp Lào. Nghệ An cũng là nơi, hội đủ cả 4 yếu tố: Sản xuất, thẩm lậu, trung chuyển và tiêu thụ ma túy lớn của cả nước. Do đó, để ngăn chặn sự gia tăng của loại tội phạm này, bên cạnh tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống mà chủ công, mũi nhọn là lực lượng Công an, BĐBP và Hải quan, thì cũng cần lắm sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, vai trò của các tổ chức đoàn, hội và chính quyền địa phương là rất quan trọng, đặc biệt là tạo điều kiện, giúp đỡ để những người lầm lỡ hoàn lương, tạo môi trường để tái hòa nhập cộng đồng.
Đồng chí Lê Xuân Đại, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Hiện nay, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy ở Nghệ An vẫn gặp nhiều khó khăn và thách thức do địa bàn rộng, đường biên giới dài, tình trạng ma túy thẩm lậu qua biên giới phức tạp. Số người nghiện ma túy trên địa bàn giảm nhưng vẫn còn nhiều, xu hướng trẻ hóa và chuyển dần sang sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy dạng đá ngày càng tăng cao.
Trong khi đó, theo Thượng tá Nguyễn Đình Anh, Trưởng phòng Cảnh sát ĐTTP về Ma túy Công an Nghệ An, việc phát hiện, đấu tranh, bắt giữ tội phạm mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chỉ là phần ngọn. Để ngăn chặn được tình trạng này cần sự chung tay, vào cuộc của tất cả các lực lượng chức năng và cả người dân, đặc biệt là nhân dân vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa. Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh… tại nhiều địa phương đã tổ chức được các mô hình phòng, chống ma túy (PCMT), phòng, chống tệ nạn xã hội và đã phát huy được hiệu quả.
Hiệu quả từ nhiều mô hình, điển hình
Huyện Hưng Nguyên trước đây là địa bàn nhức nhối về ma túy, là mảnh đất sản sinh ra những “ông trùm” khét tiếng một thời. Đó là Nguyễn Văn Hải (Hải “luận”), kẻ cầm đầu đường dây mua bán trái phép chất ma túy xuyên quốc gia, vận chuyển và tiêu thụ 2.354 bánh hêrôin; Phạm Văn Hạnh (Hạnh “cầm”), đội lốt ông chủ trang trại ở tỉnh Đồng Nai, chỉ trong một thời gian ngắn, đã tiêu thụ gần 1 tấn hêrôin; Trần Văn Hợi (Hợi “chim cú”) - kẻ cầm đầu đường dây cung cấp 5.500 bánh hêrôin từ Lào vào Việt Nam…
Một thời nhức nhối là vậy, nhưng với vai trò chủ công và nòng cốt, Công an huyện Hưng Nguyên đã triển khai hàng loạt chương trình như CLB PCMT; đề án xây dựng xã sạch về ma túy… về tận các thôn, xóm; đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh về công tác đấu tranh phòng chống, đẩy lùi tệ nạn ma túy; vận động các gia đình phát hiện đối tượng nghiện và nghi nghiện, tố giác để có biện pháp đấu tranh, phòng ngừa; xây dựng, củng cố các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác PCMT; đẩy mạnh việc lập hồ sơ cai nghiện tại gia đình và cộng đồng…
Nhờ đó, nhiều địa bàn một thời là “điểm nóng” như Hưng Long, Hưng Xá… nay đã trở thành điểm sáng trong công tác PCMT. Trong nhiều năm liền, không phát sinh thêm những người nghiện mới. Đến thời điểm hiện nay, tại huyện Hưng Nguyên đã có 12/23 xã trên địa bàn được công nhận xã sạch về ma túy.
Một địa bàn từng có quá khứ nhức nhối về ma túy, nay đã trở thành “điểm sáng” nhờ biết huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác PCMT khác là TP Vinh. Trong đó, một số địa bàn như Cửa Nam, Hà Huy Tập, Nghi Phú… thông qua việc phát động xây dựng các mô hình tiêu biểu như “Cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư”; “Khối sạch về ma tuý”… của các tổ chức Đoàn, Hội đã từng bước đẩy lùi được loại tội phạm này ra khỏi khu dân cư.
Điển hình như tại phường Hà Huy Tập, chỉ tính riêng năm 2017, ngoài duy trì hoạt động 14 mô hình đã triển khai ở các khối, xóm dân cư, các mô hình này thực sự hoạt động có chiều sâu và đảm bảo chất lượng. Nhiều mô hình khối, xóm trở thành “điểm sáng” tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, được nhân dân và các cấp ghi nhận như: Khối 14 nhiều năm liên tục giữ “Khối sạch về ma tuý, an toàn về ANTT và văn minh đô thị”; khối Tân Hòa trở thành “Khối sạch về ma tuý, an toàn về ANTT” từ năm 2007 đến nay, không để phát sinh người nghiện ma tuý trên địa bàn.
Hay như tại phường Cửa Nam, thông qua các mô hình “Cụm an toàn về an ninh, trật tự thành cổ”; “Chi hội phụ nữ giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng”; “Tổ liên gia tự quản”, “Khối sạch về ma túy”…, trong thời gian qua, số người nghiện ma túy trên địa bàn có chiều hướng giảm theo từng năm, hàng chục điểm bán lẻ ma túy bị triệt xóa và nhiều đối tượng tù tha, tái hòa nhập cộng đồng đã chủ động kiếm việc làm nuôi sống bản thân và gia đình, sống có ích cho cộng đồng.
Công tác cai nghiện và quản lý sau cai trên địa bàn Nghệ An được triển khai đồng bộ, quyết liệt (Trong ảnh: Học viên cai nghiện ma túy học nghề tại Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội huyện Tương Dương) |
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Bên cạnh những giải pháp đồng bộ, huy động mọi thành viên trong gia đình, các tổ chức đoàn thể và cả hệ thống chính trị vào cuộc, công tác cai nghiện và quản lý sau cai trong những năm gần đây cũng đã được UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, các đơn vị, địa phương triển khai quyết liệt, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2017, toàn tỉnh Nghệ An đã phối hợp lập hồ sơ cai nghiện và tổ chức cai nghiện cho 2.272 người nghiện ma túy, trong đó có 1.047 người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, 340 người cai nghiện tự nguyện và 885 người cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm.
Cùng với đó, đã duy trì và mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của 12 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone và 6 cơ sở cấp phát thuốc Methadone với 2.832 bệnh nhân đăng ký tham gia điều trị; 100% số người đã cai nghiện ở các trung tâm hòa nhập cộng đồng đều được quản lý tại nơi cư trú. Công tác quản lý người nghiện ma túy sau cai tại nơi cư trú được các địa phương phân công các đơn vị, tổ chức, đoàn thể phối hợp với gia đình tham gia quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ dạy nghề và tạo việc làm cho người nghiện ma túy sau cai nhằm hạn chế tái nghiện và hòa nhập cộng đồng bền vững.
Cuộc đấu tranh PCMT trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng cũng như cả nước hiện nay nói chung còn nhiều cam go và khó khăn phía trước, đòi hỏi phải nỗ lực hơn nữa, cùng chung sức, đồng lòng, chung tay đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ra khỏi đời sống xã hội.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động phòng, chống tội phạm ma túy trong tình hình mới, ngoài việc đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền phòng, chống tội phạm ma tuý phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền; nâng cao vai trò của gia đình và các tổ chức cộng đồng, trường học; tăng cường chính sách xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội cho các vùng dân tộc, vùng sâu, vùng xa, nhất là vùng biên giới Việt - Lào để nhân dân tự vươn lên, không bị đối tượng phạm tội ma túy mua chuộc lôi kéo… thì lực lượng chức năng đấu tranh chuyên biệt với loại tội phạm này cũng cần nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, điều tra, xử lý các loại tội phạm ma tuý và kiểm soát tiền chất; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong PCMT; tăng cường công tác hợp tác quốc tế về PCMT, phát triển quan hệ với lực lượng PCMT các nước có chung đường biên giới, các nước tiểu vùng sông Mê Kông và đa dạng hoá công tác PCMT với các tổ chức như Interpol, Aseanpol… Ngoài ra, cũng cần đặt nhiệm vụ phòng, chống và kiểm soát ma túy thành chương trình Quốc gia đồng bộ với sự tham gia của mọi lực lượng tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan đoàn thể và mọi thành viên xã hội.
Có như vậy, cuộc chiến phòng, chống tội phạm ma túy hiện nay mới quyết liệt và có chiều sâu, đồng nghĩa với việc tệ nạn và tội phạm ma túy sẽ từng bước được đẩy lùi khỏi đời sống xã hội, qua đó sẽ giảm thiểu thiệt hại do ma túy gây ra cho xã hội, cho mỗi gia đình và mỗi người.
Thiên Thảo