Phóng sự

Chiêu trò huy động tiền khủng từ 'mỏ đào tiền ảo' lớn nhất Việt Nam

11:00, 06/08/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Theo đánh giá của các chuyên gia, bên cạnh việc kích thích lòng tham của nhà đầu tư (NĐT) và trả hoa hồng cao cùng với nhiều phần thưởng hậu hĩnh khác thì việc các sàn tiền ảo có đất sống còn có nguyên nhân là do quản lý Nhà nước còn lỏng lẻo.
 
Hiện các cơ quan chức năng mới chỉ dừng lại ở cảnh báo người dân để họ tự chủ động và cảnh giác. Việc phát hiện và xử lý những "ông trùm" tiền ảo lừa đảo vẫn chưa quyết liệt. Riêng với Hợp tác xã Bầu trời công nghệ - SkyMining, mấy ngày qua, hàng nghìn NĐT của "mỏ đào tiền ảo" lớn nhất Việt Nam như đang ngồi trên đống lửa khi ông chủ của SkyMining đã "biến mất"…
 
Tổng giám đốc bất ngờ "biến mất" cùng 30 triệu USD
 
Sự việc sau gần một năm đi vào hoạt động kêu gọi đầu tư mua máy đào tiền ảo và đã huy động được hàng chục nghìn người tham gia vào SkyMining với số tiền khoảng 30 triệu USD, ông Lê Minh Tâm (48 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, Chủ nhiệm (Tổng giám đốc) Hợp tác xã Bầu trời công nghệ - SkyMining, trụ sở 202B Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận) bỗng dưng "biến mất" đã khiến hàng nghìn NĐT của "mỏ đào tiền ảo" lớn nhất Việt Nam này "sống dở chết dở" trước nguy cơ mất trắng số tiền khủng đã đầu tư. Và "chiếc phao cuối cùng" mà những NĐT này tìm đến chính là cơ quan chức năng.
Ông Lê Minh Tâm (bên phải) trao xe sang cho chủ đại lý đạt doanh số cao.
Ông Lê Minh Tâm (bên phải) trao xe sang cho chủ đại lý đạt doanh số cao.
Theo đó, sáng 31-7, một cán bộ của Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã có một số NĐT Skymining tìm đến Phòng PC46 để nộp đơn tố cáo ông Lê Minh Tâm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của họ.
 
Sự việc này bắt đầu từ hơn 1 tuần qua, khi hàng trăm NĐT từ các tỉnh như Đồng Nai, Vũng Tàu, Lâm Đồng... kéo về trụ sở SkyMining ở số 202B Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận (đây là khu văn phòng cho thuê có nhiều công ty đăng ký địa chỉ trụ sở) để tìm ông Tâm đòi lại tiền.
 
Tuy nhiên, tại địa chỉ này, cửa văn phòng SkyMining đã khóa kín, bảng hiệu SkyMining cũng không còn. Đáng nói là không một NĐT nào có thể liên lạc được với ông Tâm và ban lãnh đạo SkyMining.
 
Theo những NĐT này, họ đã bán nhà, bán đất, thậm chí đi vay nặng lãi để tham gia đầu tư vào SkyMining với lời mời lợi nhuận "siêu khủng" lên đến 300%. Và vì khoản lợi nhuận khổng lồ đó, đã có hàng nghìn NĐT rót vốn vào SkyMining, thậm chí có người đã rót tới 75.000 USD vào mạng lưới tiền ảo này.
 
Theo nội dung đơn tố cáo của những NĐT này, họ đã được ban lãnh đạo SkyMining quảng bá về dự án là tổ chức chuyên đầu tư mua máy về đào tiền ảo, NĐT góp vốn với nhiều mức tiền khác nhau, từ 500 USD tới hàng nghìn USD.
 
Mức lợi nhuận NĐT sẽ được hưởng lên tới 300% trong thời gian 12-15 tháng và có ký hợp đồng. Và cứ như một kịch bản dựng sẵn, đó là sau thời gian đầu trả lãi đúng hẹn. Nhưng đến khoảng tháng 6-2018, SkyMining bắt đầu chậm trễ và không trả lãi suất như cam kết.
 
Đến ngày 21-7, ban lãnh đạo SkyMining thông báo về sự vắng mặt của tổng giám đốc và đến nay các NĐT không còn nhận được bất kỳ khoản tiền nào nữa, đáng nói là họ không nhận được thông báo chính thức nào từ phía SkyMining. 
 
Theo thông tin ban đầu từ các NĐT, tính sơ bộ có khoảng 11.000 NĐT đã rót tiền vào mạng lưới này. Do có nguy cơ mất hết tiền nên nhiều NĐT tỏ ra ngại ngần khi chia sẻ lại sự việc, đa số họ muốn giấu tên tuổi, địa chỉ, chưa muốn công khai vì lo lắng gia đình và người thân sẽ buồn lo và trách cứ họ.
 
Tỏ ra mệt mỏi và đầy lo lắng, anh M. Thành, một NĐT giãi bày rằng anh tham gia SkyMining từ thời điểm đầu và đã bỏ ra tổng cộng 75.000 USD vào mạng lưới đào tiền ảo này, với kỳ vọng được hưởng mức lãi suất cao. Và sau khi ông Tâm biến mất, thì anh Thành còn khoảng 35.000 USD vốn chưa lấy lại được.
 
Cũng chung cảnh ngộ, anh Mạnh đi cùng người bạn của mình là NĐT cùng góp 6.000 USD vốn, nhưng do góp ở giai đoạn 2 nên hai anh chưa nhận được đồng tiền lãi nào.
 
Kẽ hở trong quản lý
 
Theo tìm hiểu, trước đây ông Tâm từng tham gia điều hành ít nhất ba công ty kinh doanh theo mô hình huy động vốn như SkyMining. Đến tháng 7-2017, ông Tâm hùn hạp mở HTX Nông thủy hữu cơ xanh, trụ sở tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, với vốn điều lệ 1,8 tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2017 ông Tâm tách ra kinh doanh riêng.
 
Khoảng tháng 11-2017, ông Tâm thuê văn phòng tại địa chỉ 202B Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận) mở SkyMining. Và dù đến đầu năm 2018 SkyMining mới được cấp phép (SkyMining được UBND quận Phú Nhuận cấp phép vào ngày 28-3-2018), nhưng từ cuối năm 2017 ông Tâm đã tổ chức quảng bá sản phẩm máy đào tiền ảo; thuê MC làm chương quảng cáo về SkyMining (được giới thiệu là tổ chức khai thác tiền ảo lớn nhất Việt Nam, website là www.skymining.world), tổ chức các đoàn xe sang chở NĐT đi tham quan nhiều xưởng vận hành máy đào tiền ảo ở huyện Củ Chi, quận 7 (TP Hồ Chí Minh); tỉnh Đồng Nai, TP Cần Thơ... 
Hình ảnh ông Tâm xuất hiện trong video trên mạng để
Hình ảnh ông Tâm xuất hiện trong video trên mạng để "trấn an" các nhà đầu tư.
Theo văn bản tự giới thiệu về SkyMining, ông Tâm khẳng định "SkyMining là tổ chức chuyên về đầu tư mua máy tính khai thác phần mềm giải mã thuật toán (còn gọi là đào coin). Công việc của Ban chủ nhiệm HTX là tiếp nhận nguồn vốn góp từ các xã viên - NĐT - để đầu tư trang thiết bị, máy móc, xây dựng nhà xưởng và vận hành khai thác…".
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của cộng đồng tiền ảo thì SkyMining thực chất là mô hình đa cấp máy đào tiền mã hóa, là hình thức người dân tham gia mua các gói máy đào từ SkyMining. SkyMining sẽ xuất máy cho người mua và sau đó người mua ký gửi máy cho cơ sở thực hiện việc đào tiền ảo.
 
Sau 15-18 tháng, khi hoàn thành chu kỳ lợi nhuận 300% so với gói đào ban đầu, NĐT sẽ trả máy lại cho SkyMining. Theo như cam kết ban đầu, SkyMining sẽ trả lãi mỗi ngày đối với gói 5.000 USD là 40 - 50 USD nhưng sau đó giảm xuống còn 10 USD/ngày.
 
Dù mọi việc chưa có kết luận cuối cùng, nhưng không khó để nhận thấy rằng khác với những chiêu thức huy động vốn vào tiền ảo (trong đó có Bitcoin) đã từng sụp đổ thì mạng lưới của SkyMining có vẻ ngoài rất "hợp lý và chuyên nghiệp".
 
Họ lấy tiền của NĐT dưới dạng mua các gói đầu tư (giống như coin ảo nhưng giá cố định), có sự yêu cầu cân nhánh hệ thống, có chế độ trả hoa hồng theo các mức khác nhau...
 
Sau đó, SkyMining dùng tiền của các NĐT sau để trả lãi, hoa hồng giới thiệu cho người tham gia trước, đầu tư lướt sóng một coin nào đó, xây dựng một số mỏ đào coin để tạo lòng tin cho NĐT với những máy có công nghệ lỗi thời. Số coin thật sự đào ra được không nhiều như họ quảng cáo.
 
Các máy đào đã được bán lại cho NĐT mua gói cao hơn gấp vài lần đến cả chục lần so với giá trị thực tế, trong khi hiệu suất máy rất kém. Theo chuyên gia, máy đào coin chỉ là vỏ bọc cho việc huy động vốn của mô hình đa cấp biến tướng, tinh vi.
 
Không phải đầu tư vào các gói tiền ảo như iFan trước đó, mà mô hình này là đầu tư vào các máy đào coin. SkyMining đánh vào tâm lý tạo cảm giác yên tâm cho người chơi, rằng họ được sở hữu tài sản thật, không phải là những đồng coin ảo như những vụ đa cấp trước đây.
 
Tuy vậy, theo các chuyên gia, rủi ro khi đầu tư vào các máy đào tiền ảo nằm ngay trong chính hợp đồng ký kết giữa NĐT và SkyMining dưới cái tên "Hợp đồng đầu tư ký gửi máy vi tính". Trong đó, điều khoản hợp đồng ghi rõ SkyMining sẽ trả cho NĐT số lợi nhuận tương ứng 300% theo giá trị đầu tư.
 
Lợi nhuận tính theo ngày. Tuy nhiên, những NĐT này cho biết, từ đầu tháng 6 vừa qua, SkyMining bất ngờ giảm lợi nhuận từ 300% xuống 200%. Dù các NĐT không đồng ý thì do trong hợp đồng ký kết, Điều 1 quy định "Bên B được hưởng lợi nhuận phụ thuộc vào kết quả khai thác các đồng coin trong ngày của bên A"; với điều khoản này, SkyMining "muốn làm gì thì làm". Mặt khác, SkyMining quảng cáo lãi suất trên trời để thu hút các NĐT, nhưng sau đó lại hoàn toàn có quyền giảm lãi bất cứ lúc nào họ muốn, mà không lo vi phạm hợp đồng.
 
Ngoài ra, còn không ít rủi ro khác ngay chính trong các điều khoản của hợp đồng như quy định trong thanh toán không cho biết cách tính giá Bitcoin ra sao; hình thức thanh toán, rút tiền thật từ tài khoản là như thế nào?...
 
Vụ việc này khiến cho dư luận nhớ thời gian vài tháng trước, giới đầu tư tiền mã hóa Việt Nam đã bị chấn động với cú lừa ngoạn mục của iFan và Pincoin… Đáng nói là khi những vụ tiền ảo này sụp đổ liên tục thì đã có những cảnh báo với NĐT vào SkyMining.
 
Tuy nhiên, ở thời điểm đó thì các NĐT vẫn đang được hưởng những khoản tiền lãi đậm đà mà SkyMining đều đặn chi trả, nên họ quên mất những rủi ro, nguy cơ mà mình đang đối mặt…
 
Có thể thấy, qua các vụ việc trước nay, tất cả đều có điểm chung là mức cam kết lãi suất "khủng" trong thời gian ngắn. Và bên cạnh việc kích thích lòng tham của NĐT và trả hoa hồng cao thì việc các sàn tiền ảo vẫn còn đất sống còn có nguyên nhân là do quản lý Nhà nước còn lỏng lẻo.
 
Hiện nay, các cơ quan chức năng mới chỉ dừng lại ở cảnh báo người dân để người dân tự chủ động và cảnh giác. Việc phát hiện và xử lý những "ông trùm" tiền ảo lừa đảo vẫn chưa quyết liệt.
 
Đặc biệt, việc kiểm soát các sàn giao dịch, tổ chức những sự kiện quảng bá liên quan đến đầu tư tiền kỹ thuật số dù phải được đăng ký và được cơ quan chức năng xem xét kỹ nội dung mới được phép tổ chức, nhưng có vẻ mọi chuyện với cơ quan chức năng còn khá lơ là.
 
Trao đổi với báo chí, Luật sư Bùi Quang Tín (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng, các loại tiền ảo cũng là công cụ để thực hiện việc rửa tiền, chuyển tài sản ra nước ngoài nhanh chóng, bất hợp pháp.
 
Cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm ban hành cơ chế pháp lý quản lý tiền ảo, tiền kỹ thuật số nhằm giảm rủi ro hệ lụy cho xã hội, bảo đảm an toàn cho thị trường tài chính. Trong thời gian chưa có khung pháp lý cụ thể, NĐT không nên tham gia, bởi nếu có rủi ro xảy ra, NĐT là người chịu thiệt nhiều nhất…
 
Theo quy định pháp luật của Việt Nam, tiền ảo không được công nhận. Do đó, các NĐT nên coi đây là bài học đắt giá và cần tỉnh táo hơn để bị tránh sập bẫy lừa tinh vi của các đối tượng lừa đảo.

Nguồn: CAND

Các tin khác