Khi mà những dự án ngày càng phình to ra như dự án Sào Khê (Ninh Bình) chưa kịp hạ nhiệt, khi mà những khoản đầu tư đầy tù mù của các dự án BOT còn chưa được làm rõ và minh bạch, thì thông tin Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận 22 dự án đội vốn nghìn tỷ ở Hải Phòng càng khiến dư luận choáng váng. Trên thực tế, đội vốn dự án chính là cách nói khác đi của một cụm từ mà chúng tôi nghĩ nên dũng cảm viết thẳng, đó chính là “chảy máu ngân sách”. |
Câu chuyện ấy mang lại nhiều lời bình luận xoay quanh nó, về tính thực tế. Và nếu đọc hết câu chuyện ấy, chúng ta vẫn có thể rút ra được điều gì đó, dù nó có phải là câu chuyện có thật hay không.
Cô gái chủ nhân câu chuyện đưa ra một công thức rất rõ ràng về chi tiêu hàng tháng, một công thức mà cô luôn tuân thủ nó vô cùng nghiêm ngặt. Nhưng cô cũng nói rất rõ, với 5 triệu lương cơ bản mỗi tháng, cô không thể xoay xở nổi.
Điều đó có nghĩa là ngân sách đời sống hàng tháng của cô cần nhiều hơn 5 triệu ấy. Và việc cô cần làm là tối đa tiết kiệm, thắt lưng buộc bụng và tăng cường làm thêm để có thêm thu nhập tích lũy.
Câu chuyện của cô gái gợi nhớ đến câu chuyện riêng của chính tôi. 18 năm trước, rời Hà Nội vào TP HCM lập nghiệp với hai bàn tay trắng, tôi cũng đã phải xoay xở rất kỹ càng mới hòng trụ lại được thành phố đắt đỏ nhất Việt Nam khi ấy.
Minh họa: Ngô Xuân Khôi. |
Sau này, có nhiều người trẻ cũng rời Hà Nội vào TP HCM lập nghiệp hỏi tôi kinh nghiệm tồn tại thế nào. Tôi chỉ khiêm nhường trả lời rằng “đã rời nhà ra đi, biết hoàn cảnh gia đình mình không có điều kiện vật chất, mình không thể nào làm phiền cha mẹ thêm khi sống xa nhà.
Chính vì thế, để tồn tại mà không làm phiền cha mẹ, luôn phải thường trực ý thức phòng thủ trong đầu, tức là chi tiêu tiết kiệm tối đa, để cho đến kỳ lĩnh lương trước mắt, trong ví mình vẫn phải còn tiền, không để mình rơi vào trạng thái rủi ro trắng tay trước khi lĩnh lương”.
Nghe thì dễ, nhưng thực sự rất khó. Cuộc sống vốn dĩ có nhiều cám dỗ, nhất là với người trẻ. Tặc lưỡi buông tay bạo chi một bữa để ăn chơi thôi, có thể sẽ kéo mình vào cảnh mắc nợ. Mà khi đã mắc nợ rồi, cái cân bằng tài chính cá nhân sẽ khó có thể cứu vãn nổi.
Rất nhiều người trẻ cũng chỉ vì tiêu xài quá tay mà đẩy mình lâm vào cảnh nợ nần, dù chỉ là nợ nhỏ. Nhưng khổ nỗi, khi đầu vào chưa đủ để bù đắp, cái nợ ấy cứ kéo dài mãi, có chăng nó chỉ đổi chủ theo kiểu vay của người này để trả người kia mà thôi.
Các câu chuyện cá nhân kể trên chỉ là đường dẫn mà tôi muốn hướng tới một ví dụ điển hình (nhưng lại là tình trạng phổ biến hiện nay) về chuyện tiêu xài vượt quá khả năng ngân sách: câu chuyện thanh tra kết luận hàng loạt dự án công đội vốn tới hàng ngàn tỷ đồng ở Hải Phòng.
Lý giải của chính quyền Hải Phòng về những khoản vượt dự toán kể trên rất đơn giản: thiếu vốn, trượt giá, thay đổi quy hoạch, thay đổi quy mô và gộp dự án.
Đại đa số đều là những lý giải không thể chấp nhận được. Nếu thay đổi quy hoạch, chứng tỏ quy hoạch ban đầu chưa khoa học, chưa phù hợp thực tế. Như vậy, nó có đáng được lập thành dự án đầu tư và lập dự toán cụ thể hay không? Như câu chuyện của cô gái kể trên chẳng hạn, kế hoạch của cô ấy là du học ở Tây Ban Nha, với mức học phí 220 triệu đồng/năm. Áng mình chịu nổi mức ấy, cô ấy mới quyết định đi Tây Ban Nha học thạc sỹ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu cô ấy chỉ có 220 triệu/năm cho việc học thạc sỹ nhưng cô lại “quy hoạch” việc tu nghiệp của mình ở Anh quốc, nơi có mức chi phí có thể cao gấp 3-4 lần? Rõ ràng, lên kế hoạch là khâu rất quan trọng và khi kế hoạch chưa hoàn chỉnh mà đã quyết định đầu tư thì vì lẽ gì?
Nếu nói thay đổi quy mô và gộp dự án thì có thể tạm chấp nhận được nhưng nó phải được lý giải một cách cặn kẽ, chi tiết, với số liệu thực, có lý do, nguyên nhân hợp pháp và khoa học. Và Hải Phòng vẫn chưa đưa ra được các yêu cầu kể trên để biện minh cho lý giải này.
Nếu nói thiếu vốn và trượt giá thì đây là hai lý giải ngụy biện ngờ nghệch nhất. Việc thiếu vốn có thể khiến chủ đầu tư phải đi vay phát sinh nhưng không có lãi suất ngân hàng nào có thể khiến 1 dự án đội vốn lên gấp 3-4 lần.
Còn trượt giá thì càng không thể chấp nhận được vì trượt giá là tất nhiên song nếu trượt giá tới mức như vậy, có nghĩa là vài năm qua thị trường Việt Nam đã “vỡ” từ lâu rồi.
Nếu tìm từ khoá “đội vốn” trên google, chỉ trong vòng 0,29 giây, chúng ta có được 7 triệu 3 trăm ngàn kết quả với tình trạng đội vốn ở rất nhiều địa phương trong cả nước, kể cả Hà Nội lẫn TP HCM.
Và mỉa mai thay, rất nhiều nơi coi chuyện đội vốn như “tai nạn” mà nhà nước phải gánh chịu, và điều đó dẫn đến việc miếng bánh ngân sách ngày càng bị xà xẻo đến thâm hụt. Hậu quả, nợ công liên tục phát sinh và hiện nay, với tỷ lệ nợ công lên tới 60% GDP, Việt Nam thực sự đang đứng trước những rủi ro tài chính rất cao.
Tình hình thế giới hiện nay thực sự vô cùng phức tạp mà nguy cơ những nước nhỏ, vùng kinh tế nhỏ bị ảnh hưởng bởi những cuộc chiến thương mại đang leo thang là khá rõ rệt.
Trong khi nhiều nước khác đã áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng từ vài năm nay, Việt Nam không thể cứ để lãng phí mãi bởi những con người vô trách nhiệm, thậm chí không loại trừ có dấu hiệu tham nhũng, rút ruột ngân sách. Nói nôm na, quốc gia nếu được so sánh với một gia đình, những kẻ “phá gia chi tử” không thể nào được phép dựa vào gia đình mãi được.
Sự bảo bọc của gia đình, sự nhân nhượng của gia đình sẽ chỉ càng làm đám phá gia chi tử phá phách hơn. Và với những con số đội vốn dự án lên đến hàng ngàn tỷ, chúng ta có quyền coi những người phải chịu trách nhiệm cho các dự án ấy không khác gì một loại phá gia chi tử tàn hại nhất.