Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201807/song-dep-de-mang-lai-hanh-phuc-cho-nhieu-nguoi-806130/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201807/song-dep-de-mang-lai-hanh-phuc-cho-nhieu-nguoi-806130/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Sống đẹp để mang lại hạnh phúc cho nhiều người - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 26/07/2018, 10:35 [GMT+7]

Sống đẹp để mang lại hạnh phúc cho nhiều người

Ông Hồ Văn Hương (62 tuổi), người dân tộc Vân Kiều, ở bản Phú An, xã Hướng Hiệp, huyện miền núi Đakrông, Quảng Trị quan niệm, con người nên luôn phải thực hiện tôn chỉ sống đẹp để ai cũng vui cái bụng!
 
Từ quan niệm sống ấy, trong suốt 37 năm làm công tác Công an và sau này, ông luôn chỉ có một mục đích duy nhất là hướng con người đến với điều thiện…
 
Sau nhiều lần hẹn, tôi mới gặp được ông. Mặc dù ông rất ghét thất hứa, có những việc đến bất ngờ, cấp bách nên ông phải làm ngay. “Chú thông cảm giúp tôi. Định là hôm nay vừa dọn dẹp nhà cửa vừa đợi chú lên để tiếp chuyện, nhưng lúc sáng có bà con tới nhờ việc gấp. May làm xong sớm, chú không phải đợi lâu, chứ không thì ngại lắm!”, ông chia sẻ và mong khách hiểu, thông cảm.
 
Tôi bảo ông, việc ông làm quan trọng hơn việc tôi được gặp ông. Tuy nhiên, tôi muốn gặp ông là để chia sẻ với mọi người về một lòng tốt, để lòng tốt ấy được nhân rộng làm cho cuộc sống quanh ta ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. 
 
Ông cười hiền, khiêm tốn bảo, những việc ông làm không có gì đáng kể; là con người ai cũng có những cảm xúc vui buồn, những cảm nhận, hay nhận biết những đúng sai để hành động. Bao năm qua, việc ông giúp đỡ những người khác xuất phát từ lý trí và trái tim của mình. Những việc làm đó tạo cho ông quan niệm sống để rèn luyện mình mỗi ngày.
 Ông Hồ Văn Hương vui vầy hạnh phúc bên con cháu.
Ông Hồ Văn Hương vui vầy hạnh phúc bên con cháu.
- Song thực tê,ë mấy ai làm được như ông? Đơn cử, việc ông mang những đứa trẻ mồ côi ở những bản làng xa xôi về ngôi nhà nhỏ, chật hẹp của mình để nuôi nấng và yêu thương chúng như con đẻ của mình.
 
- Thì khi gặp những trường hợp như vậy, người khác cũng sẽ làm như tôi thôi. Nói rồi ông trầm ngâm kể cho tôi nghe về những hoàn cảnh tội nghiệp của chúng: “Sau giải phóng, tôi làm Công an xã miền núi Vĩnh Trường, huyện Gio Linh. 
 
Thời điểm đó, ở đây có rất nhiều bom đạn chiến tranh còn sót lại, người nông dân khai hoang vỡ đất không may cuốc trúng bị thương vong hàng năm khá nhiều. Có không ít gia đình mất cả vợ cả chồng, để lại các con nhỏ nheo nhóc rất tội nghiệp. Thực tế lúc đó tôi không giúp được nhiều, vì con đông, kinh tế gia đình cũng rất khó khăn.
 
Nhưng hàng ngày, sau công việc ở xã, tôi thường tranh thủ thời gian đi bắt cá tôm ở các con suối, hoặc vào rừng tìm đào củ mài mang về san sẻ cho chúng. Đến năm 1980, tôi đưa gia đình về lại quê ở bản Phú An sinh sống, lập nghiệp. 
 
Ở đây, tôi vẫn làm công việc cũ, Phó rồi Trưởng Công an xã Hướng Hiệp cho đến đầu tháng 11-2016 thì nghỉ hưu. Những tháng năm làm công tác Công an, tôi có điều kiện đi nhiều, nắm bắt và hiểu rõ đời sống vật chất, tinh thần của bà con. 
 
Mặc dù ngay từ sau giải phóng, Đảng, Nhà nước, chính quyền và đoàn thể các cấp luôn quan tâm, chăm sóc đời sống cho đồng bào, trong điều kiện khó khăn chung, hơn nữa địa hình rừng núi nhiều nơi hiểm trở, chia cắt với bên ngoài, công tác đầu tư, cải thiện, nâng cao đời sống cho bà con ở đây vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Những năm 1990, không ít trường hợp trên địa bàn chết do đau ốm, bệnh dịch không đến kịp được bệnh viện.
Ông Hương được các cấp tặng nhiều giấy khen, bằng khen và huân, huy chương các loại.
Ông Hương được các cấp tặng nhiều giấy khen, bằng khen và huân, huy chương các loại.
Một lần đi công tác ở xã Đakrông, huyện Đakrông, tôi thấy một cháu gái nhỏ đang bơ vơ ở bìa rừng. Hỏi ra, bố mẹ cháu đều bị ốm đau vừa mất, cháu ở với người bác ruột, nhưng gia đình này rất đông con, vợ chồng họ suốt ngày gập lưng trên nương rẫy mà không đủ cho 9 miệng ăn. Sau khi tìm hiểu và được sự đồng ý của gia đình, chính quyền ở cơ sở, tôi mang cháu về nhà nuôi. 
 
Cháu có tên Hồ Thị Thoan. Vợ con tôi cũng yêu thương cháu rất nhiều. Nhờ được chăm sóc tốt, nên cháu nhanh khỏe trở lại, rồi được đưa đón đi học hàng ngày rất chu đáo. Năm 2002, cháu học xong cấp 3 và lấy chồng ở xã biên giới A Vao, Đakrông. Đến nay, hàng tháng, cháu và chồng con vẫn đều đặn về thăm gia đình chúng tôi rất tình cảm”.
 
- Còn những trường hợp khác như cháu Hồ Văn Phúc, Hồ Văn Tùng, Hồ Thị Nguyệt…?
 
- Tôi không nhớ hết! Thực tế tôi không có ý định cũng như không có khả năng xây dựng, thành lập nên một cô nhi viện, hay làm những công việc khác liên quan tới nó. Những việc tôi làm đơn giản chỉ vì tôi gặp; trái tim, lý trí tôi mách bảo, mà mình không thể làm khác đi được. 
 
Khi chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu, tôi thường cố gắng làm thế nào đó để các cháu bớt được phần thiệt thòi. Hiện tại, gia đình tôi vẫn đang nuôi một cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ ở bản Vùng Kho, xã Đakrông. Tên của cháu là Hồ Văn Huynh.
 
Kể đến đây, ông bỗng ngưng câu chuyện bởi có khách lạ ghé vào nhà hỏi thăm đường vào thôn Ruộng, xã Hướng Hiệp. Sau này, tôi biết vị khách ấy là người của một ông chủ vườn ươm cây giống ở huyện Triệu Phong, Quảng Trị. 
 
Thông qua sự vận động, kêu gọi giúp đỡ của chính ông đối với bà con dân tộc Vân Kiều ở Hướng Hiệp về việc khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế, ông chủ vườn ươm kể trên đã hỗ trợ bà con ở đây hơn 20 ngàn cây keo lai để trồng rừng sản xuất.
Hồ Văn Huynh được gia đình ông Hương nuôi dưỡng hơn 20 năm qua, hiện đang là sinh viên Trường Đại học Luật, Đại học Huế.
Hồ Văn Huynh được gia đình ông Hương nuôi dưỡng hơn 20 năm qua, hiện đang là sinh viên Trường Đại học Luật, Đại học Huế.
Trở lại trường hợp em Hồ Văn Huynh, ông cho biết, hiện em đã học xong năm thứ 3, Trường Đại học Luật, Đại học Huế và đang thực tập tại UBND xã Hướng Hiệp. Tôi đến UBND xã này, nơi cách nhà ông Hương chỉ chừng 300m để tìm Huynh. 
 
Em bộc bạch: “Lý do em chọn UBND xã Hướng Hiệp để thực tập là nhằm mục đích được gần nhà. Gần 20 năm bố mẹ nuôi của em chăm sóc, nuôi dưỡng em, rồi 3 năm xa nhà học đại học luôn được bố mẹ khắc phục khó khăn, gửi tiền ăn học cho hàng tháng, em không thể nào kể hết những ân tình ấy. Trong thâm tâm và khát vọng của em, cuộc đời này em sẽ làm được thật nhiều việc có ích để không phụ lòng ba mẹ nuôi của mình”.
 
Nói về ông Hồ Văn Hương, ông Lê Đắc Quỳ, Chủ tịch UBND huyện Đakrông chia sẻ: “Gần 30 năm ông Hương làm Phó rồi Trưởng Công an xã Hướng Hiệp, nhưng lãnh đạo, cán bộ các phòng ban ở huyện không ai là không biết đến ông. 
 
Riêng 10 thôn bản với gần 1.500 hộ dân, 5.000 nhân khẩu của xã Hướng Hiệp đều coi ông Hương như người cha, người bác, người chú, người bạn thân thiết của mình. 
 
Đầu tháng 11-2016, ông Hương 60 tuổi, nghỉ hưu theo quy định, nhưng thực tế xã Hướng Hiệp và huyện Đakông còn nhờ ông làm rất nhiều việc, nhất là các công việc liên quan đến vận động quần chúng; phổ biến, tuyên truyền pháp luật và xây dựng bản làng văn hóa”.
 
“Năm 2017, khi địa phương xây dựng nông thôn mới, ông Hương còn tình nguyện hiến hơn 1.000 mét vuông đất tại 3 vị trí đẹp, do gia đình của ông cha ông ngày trước để lại để làm đường giao thông liên thôn, xã. 
 
Điều đáng trân trọng, không chỉ mình ông mà tất cả thành viên trong gia đình của ông khi được hỏi về những công việc cao quý mà họ đã làm, họ đều không hề gợn tới một chút lợi lộc riêng tư, vì mình; ngược lại, họ luôn tâm niệm sống là để chia sẻ, giúp đỡ những người khác còn nhiều khó khăn, thiếu thốn hơn mình; sống là phải có trách nhiệm hết mình với cộng đồng xung quanh. 
 
Họ thật không khác nào những nốt nhạc hay; những nốt nhạc hay ấy những tháng năm qua đã làm nên không biết bao nhiêu bản nhạc tình, mà người đời ở đây không thể nào quên được!”, ông Quỳ cho biết.
 
Sau chuyện trò với ông Quỳ, tôi quay trở lại nhà ông Hương bởi còn nhiều chi tiết về những việc làm của ông tôi muốn hỏi kỹ. Nhưng chiều hôm đó trời mưa khá nặng hạt, đường vào các thôn Xa Rúc, Xa Vy, Pa Luông trở nên lầy lội. 
 
Vẫn là những suy nghĩ mộc mạc, đầy tình người, xem công việc từ thiện, giúp đỡ người khác trong cuộc sống là hết sức bình thường, ông khẽ bảo: “Thì tôi có sẵn máy móc, nên khi bà con nhờ múc đất, làm đường cho bà con đi vào các nương rẫy ở các bản trên cho thuận tiện, tôi làm ngay thôi! Việc chở sắn củ vào mỗi mùa thu hoạch ở các nương rẫy trên ra tập kết những nơi gần QL9 để thuận lợi cho người của nhà máy đến mua, vận chuyển cũng vậy!”.
 
Tôi bảo ông cho tôi xem những bản thành tích xuất sắc của ông trong 37 năm làm công tác Công an. Ông loay hoay lấy từ trong chiếc tủ gỗ cũ kỹ ra những bằng khen, giấy khen, nhưng tôi cảm giác ông vì nể khách mà làm theo, chứ trong lòng ông không muốn. 
“37 năm gắn bó với công tác Công an, điều làm tôi hạnh phúc không phải là giấy khen, bằng khen, mà là mỗi khi tôi nhìn thấy những nụ cười bình yên, hạnh phúc trên những gương mặt người dân quê tôi!”, ông bộc bạch với tôi như vậy. 
 
Tôi bảo ông tôi hiểu, song hàng chục tấm giấy khen, bằng khen và huân, huy chương mà ông đang cầm trên tay là một sự ghi nhận, biết ơn sâu sắc không chỉ của huyện, tỉnh và Trung ương, mà còn của hàng ngàn người dân nơi đây đối với ông!
.

Nguồn: Phan Thanh Bình/CAND

.