Phóng sự
Tác nghiệp ở Trường Sa
(Congannghean.vn)-23 ngày đêm lênh đênh trên biển, được đặt chân lên các hòn đảo thân yêu và “ăn sóng nằm gió” chia lửa với những chiến sỹ Hải quân Việt Nam đang ngày đêm canh giữ biển trời thiêng liêng của Tổ quốc, là những trải nghiệm quý giá lần đầu tiên trong cuộc đời làm báo. Tác nghiệp ở Trường Sa, vinh dự đó không phải người làm báo nào cũng may mắn có được.
Ấn phẩm báo in của Báo Công an Nghệ An đến với cán bộ, chiến sỹ trên đảo Sinh Tồn Đông |
1. Cuối năm 2016, mặc dù đang bận tối mắt với hàng tá công việc, đặc biệt là chuẩn bị tư liệu, hình ảnh và bài viết cho số báo đặc biệt chào Xuân Đinh Dậu, nhưng khi nhận được thông tin về việc Vùng 4 Hải quân sẽ có chuyến công tác và chúc Tết cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, được sự phân công của Ban biên tập, tôi đã điền tên mình vào danh sách những nhà báo “tháp tùng” đoàn công tác, với tâm niệm sẽ dùng ngòi bút của mình, để nhìn nhận một cách chân thực hơn về cuộc sống của những chiến sỹ Hải quân Việt Nam đang ngày đêm canh giữ vùng trời, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời ghi nhận được chính xác nhất sự “thay da đổi thịt” trên biển đảo quê hương ngày hôm nay. Và, thực sự đó là một chuyến trải nghiệm rất khó quên trong cuộc đời làm báo.
Có mặt tại Quân cảng Cam Ranh trên chuyến bay muộn Vinh - Nha Trang từ ngày 18/12/2016, Khánh Hòa đón hơn 90 nhà báo chúng tôi bằng cơn mưa trĩu hạt kéo dài. Thời tiết diễn biến xấu khiến cho Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã có lúc định lùi lịch trình. Nhưng rồi đến chiều 20/12, khi ánh nắng đã chọc thủng tầng mây đen u ám, lễ xuất quân ngay lập tức được tiến hành. Cùng xuất cảng với chúng tôi còn có 2 đoàn công tác khác xuất phát theo 2 tuyến khác nhau. Tuyến thứ nhất do tàu mang số hiệu HQ 571 chở theo 38 nhà báo, xuất phát từ cảng Cam Ranh đến với các quần đảo phía Bắc gồm Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết và Sinh Tồn. Hải trình thứ hai theo tàu HQ 561 đến với các đảo phía Nam, gồm đảo Đá Lát, Trường Sa, Đá Tây, Trường Sa Đông, Đá Đông, Thuyền Chài và An Bang. Riêng tuyến giữa do tàu HQ 936 mà phóng viên Báo Công an Nghệ An có mặt, hải trình qua các đảo Đá Lớn, Cô Lin, Len Đao, Sinh Tồn Đông, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan và Phan Vinh, với hành trình suốt 23 ngày đêm.
2. 16 giờ ngày 20/12/2016, sau hồi còi dài, tàu HQ 936 rời cầu cảng số 4, để lại sau lưng những cánh tay đầy lưu luyến của người ở lại, rồi nhằm thẳng hướng Trường Sa lầm lũi rẽ sóng ra khơi trong điều kiện mưa to, gió lớn. Sau hơn 40 giờ lênh đênh trên biển, đến khoảng 8 giờ ngày 22/12, những hình ảnh đầu tiên về 3 điểm đảo A, B và C, thuộc đảo chìm Đá Lớn đã xuất hiện. Quên hết mọi mệt nhọc trên suốt tuyến hành trình, anh em báo chí lẫn cán bộ, chiến sỹ ùa cả lên boong tàu. Thời tiết lúc này cũng khá thuận lợi, những tia nắng đầu tiên hân hoan vẫy chào đoàn công tác ra với đảo xa. Sau hơn 2 ngày đêm mất liên lạc hoàn toàn, điện thoại cũng đã bắt đầu bắt sóng.
Ấn tượng lớn nhất của tác giả khi đặt chân lên các quần đảo ở Trường Sa, là sức sống mãnh liệt được trỗi dậy, hồi sinh từ công sức ngày đêm bám chủ quyền của những chiến sỹ Hải quân. Dưới bàn tay của họ, những vườn rau xanh, những cây bàng vuông, phong ba, bão táp… vẫn căng tràn sức sống, kiên cường chống chọi với sóng, với gió để mạnh mẽ vươn lên. Sau khi rời các điểm đảo Đá Lớn, chúng tôi tiếp tục được đặt chân lên đảo Cô Lin. Đây là hòn đảo có vị trí rất đặc biệt, chỉ cách đảo Gạc Ma khoảng 1,9 hải lý về phía Tây Bắc (3,5 km). Chính tại nơi đây, khi thấy công nhân của Công ty Tân Cảng Sài Gòn đang ngăn biển, xây dựng nhà văn hóa đa năng, đã khơi gợi cho tác giả những tư liệu đầu tiên về tuyến bài phản ánh về những khó khăn, thử thách khi xây dựng công trình ở Trường Sa.
Tối 24/12/2016, tàu HQ 936 neo lại ở vị trí cách đảo Gạc Ma khoảng 5 hải lý để làm lễ tưởng niệm, thả vòng hoa tưởng nhớ các anh hùng, liệt sỹ trước khi đặt chân lên đảo nổi Sinh Tồn Đông để tiếp tục làm nhiệm vụ thay, thu quân và chúc Tết cán bộ, chiến sỹ. Điều háo hức nhất có lẽ là việc chúng tôi được đặt chân lên đảo Tiên Nữ và được làm lễ chào cờ đầu năm ở điểm đảo cực đông của Tổ quốc, nơi mặt trời luôn mọc sớm hơn 1 giờ. Tiên Nữ là đảo nằm xa nhất trong tất cả các đảo trong quần đảo Trường Sa, chỉ cách Philippin khoảng 200 hải lý. Từ đảo Sinh Tồn Đông, tàu chúng tôi hành trình suốt 1 đêm, trong tình cảnh chạy bão, vượt hơn 70 hải lý đến với Tiên Nữ. Đây là hòn đảo chìm, lại ở vị trí rất đặc biệt nên trong suốt gần 1 giờ đồng hồ, loay hoay vật lộn với sóng dữ giữa trùng khơi, thuyền trưởng Vũ Thanh Bình không sao tìm được vị trí thả neo để đoàn công tác lên đảo.
Trong khi nhà thơ, nhà báo Phạm Hồng Thái, Phó Tổng biên tập Báo Biên phòng tức cảnh thành thơ, tếu táo rằng nàng Tiên Nữ đang đỏng đảnh, thì với kinh nghiệm của người đã nhiều lần đến với Trường Sa, Trung tá Phạm Thanh Tân, Chủ nhiệm Phòng không, Phó Tham mưu Lữ đoàn 146 cho biết, Tiên Nữ là một trong những điểm đảo khó neo đậu nhất. Mỗi lần mang tình cảm của đất liền ra với anh em chiến sỹ đang làm nhiệm vụ canh giữ biển trời nơi đây, đoàn công tác của Lữ đoàn luôn bị Tiên Nữ níu giữ.
Cũng giữa Trường Sa đầy sóng gió, trên đảo Tiên Nữ, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ và hiểu thêm về cuộc sống lặng lẽ của những người đang làm nhiệm vụ trên ngọn Hải đăng Tiên Nữ, nơi cách đảo nhỏ mà những chiến sỹ Hải quân đang canh giữ khoảng 3 hải lý về phía Đông Bắc. Ngày 31/12/2016, đoàn công tác đặt chân đến đảo Núi Le và được cán bộ, chiến sỹ đang công tác, làm nhiệm vụ tại đây tổ chức đón giao thừa, chào năm mới Đinh Dậu. Đây cũng là lần đầu tiên, cánh nhà báo chúng tôi trải qua cảm xúc đặc biệt, khi được đón giao thừa giữa muôn trùng sóng gió, thiếu thốn tình cảm gia đình nhưng đầy ắp tình đồng chí, đồng đội. Những ngày sau đó, chúng tôi tiếp tục hành trình đến các đảo thuộc đảo Tốc Tan và Phan Vinh, trước khi kết thúc hành trình trở về đất liền theo đúng lịch trình đã đặt ra.
Tác giả tác nghiệp trên đảo Phan Vinh |
Điều cảm nhận được sau chuyến tác nghiệp ra với Trường Sa là sự thay da, đổi thịt từng ngày trên các điểm đảo mà cán bộ, chiến sỹ và nhân dân huyện đảo Trường Sa đang ngày đêm nỗ lực. Đó cũng là tình cảm mà nhân dân cả nước luôn hướng về, mong mỏi vì một Trường Sa luôn giàu mạnh. Ra với Trường Sa, bản thân tôi đã gặp và hiểu hơn về cuộc sống của những người lính Hải quân nói chung và những người con xứ Nghệ đang ngày đêm hy sinh hạnh phúc riêng tư để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương; hiểu thêm hơn về nỗ lực xây dựng huyện đảo Trường Sa, cuộc sống của ngư dân khi đánh bắt xa bờ, nhiệm vụ của những người lính hàng hải làm nhiệm vụ tại các ngọn hải đăng…
3. Có thể nói, hải trình 23 ngày lênh đênh trên biển cùng với Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, chúc Tết cán bộ, chiến sỹ tại quần đảo Trường Sa trong những ngày áp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 thực sự là một chuyến trải nghiệm quý giá trong cuộc đời làm báo. Bên cạnh niềm háo hức trước những dự án, đề tài mới lạ trong hoạt động tác nghiệp, cánh nhà báo chúng tôi đã có những khoảnh khắc thú vị đáng nhớ khi thức trọn đêm bên nhau, cùng với lính trẻ ôm cây đàn ghi-ta lên boong tàu hát nghêu ngao, hay cùng nhau câu mực, câu cá xuyên đêm. Cũng phải “tiết lộ” rằng, cảm giác lo lắng, thậm chí có phần hồi hộp, sợ hãi khi tàu đột ngột chuyển hướng, nhằm các âu thuyền để tránh, trú bão khi cơn bão Nock-ten (bão số 10) bất ngờ xuất hiện trên biển Đông; hay như để tiếp cận được với các điểm đảo, luôn phải có những chiếc xuồng gắn đầu kéo làm nhiệm vụ “trung chuyển” từ tàu HQ 936 lên đảo. Hải trình này tuy ngắn ngủi nhưng cũng có lúc gặp sự cố, không dưới 1 lần cánh phóng viên lên đến đảo ướt như chuột lột, may mắn lắm mới giữ được đồ nghề không bị nước biển dính vào… là những xúc cảm có thật.
Thêm một nỗi khổ khác khi tác nghiệp ở Trường Sa, là mặc dù đã chuẩn bị rất kỹ càng công cụ thu, phát tín hiệu (3G, 4G) nhưng ở Trường Sa, sóng rất yếu, bình thường chỉ có điện thoại “cục gạch” mới bắt được sóng nên smartphone mang theo chỉ dùng để nghe nhạc, chơi game. Để kịp thời gửi tin bài về đất liền, chúng tôi chia nhau canh sóng, mỗi phóng viên 1 khung giờ nhất định, vì nếu nhiều người cùng bắt sóng 1 lúc thì tần suất sẽ yếu. Do đó, cánh nhà báo thường tếu táo rằng, ra với Trường Sa chả tranh nhau cái gì ngoài sóng điện thoại. Thiếu thốn, nhưng tình cảm và trân quý nhau vô cùng.
Kết thúc chuyến hải trình, chia tay nhau ở Cam Ranh, trả lời câu hỏi của nhà báo Đoàn Tùng, phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam, rằng sau chuyến đi này có ý định trở lại Trường Sa lần nữa hay không, tôi không ngần ngại mà rằng, nếu có dịp, chắc chắn sẽ xách ba lô lên và nhằm hướng biển đi tới. Trường Sa ơi, hẹn ngày gặp lại!
Thiên Thảo