Phóng sự
Phá gia chi tử
Mr Bim tài hèn sức mọn, vận khí lại không hanh thông, chỉ có mỗi ước mơ duy nhất là làm sao đến tháng không phải vay tiền trả tiền trọ, vay nợ đóng học phí cho con.
Cun cút cam phận thường dân, sống theo hiến pháp và pháp luật, niềm hạnh phúc cảm thấy mình có ích cho xã hội là mỗi lần đóng thuế thu nhập. Tuyệt đối, chưa bao giờ dám tơ tưởng chuyện trốn thuế hay lách thuế gì khác.
Mr. Bim đóng thuế vì đó là trách nhiệm của công dân, với lại Mr. Bim hiểu rằng phải đóng thuế thì mới hy vọng con em Mr. Bim được thụ hưởng chế độ dân sinh, hạ tầng cơ sở.
Ấy vậy mà mỗi lần đọc báo, Mr. Bim lại thấy tập đoàn này báo lỗ mấy nghìn tỷ, tập đoàn kia thiếu nợ mấy trăm nghìn tỷ.
Thiệt, vừa căm phẫn vừa hờn muốn chết luôn vậy đó. Đúng là loại đại nghịch vô đạo, phá gia chi tử.
1. Trang CAND Online (www.cand.com.vn) có bài, "Bộ trưởng Trần Hồng Hà: "Môi trường đã tới ngưỡng không thể chịu thêm được nữa”.
Trong đó có đoạn, "Giải quyết căn cơ vấn đề môi trường chính là tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi từ thâm dụng tài nguyên, chi phí môi trường lớn chính là xử lý căn cơ vấn đề môi trường" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu.
"Sau một loạt sự cố môi trường thì ta thấy môi trường của ta đã đến ngưỡng, không thể chịu thêm được nữa. Chúng ta từng đặt vấn đề bảo vệ môi trường trong phát triển, nay môi trường phải nằm ngay trong từng dự án đầu tư, trong chiến lược và quy hoạch. Cần đầu tư ngay từ đầu cho môi trường".
"Sau các sự cố môi trường, Chính phủ đã làm rất nhiều việc, ngoài giải quyết sự cố cụ thể, rà soát lại toàn bộ nguồn thải trong quá trình phát triển kinh tế trước đây. Chúng tôi đã kết thúc thanh tra 137 cơ sở bao gồm các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đến các ngành xả thải nhiều: khai thác khoáng sản, hóa chất, giấy, dệt nhuộm... Những con số rõ ràng cho thấy thời gian tới cần có biện pháp quyết liệt, nghiêm túc trong thực hiện nghiêm luật Bảo vệ môi trường".
Liên quan đến vấn đề quản lý việc khai thác khoáng sản, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh đóng góp của lĩnh vực này:
"Bên cạnh dầu khí mang lại nguồn thu lớn, thì nguồn lợi từ khoáng sản chiếm đến 45% GDP. Chúng ta đặt ra vấn đề giảm khai thác, xuất khẩu khoáng sản thô là hiển nhiên, nhưng đồng thời cũng phải sử dụng hiệu quả khoáng sản bằng cách chế biến sâu, chọn thời điểm khai thác cho phù hợp, không sử dụng công nghiệp lạc hậu và đấu thầu quyền khai thác khoáng sản".
Tự lúc bé thơ Mr. Bim được học bài học nước ta rừng vàng biển bạc, sông ngòi kênh rạch, tài nguyên khoáng sản dồi dào… toàn là lợi thế trong phát triển kinh tế. Ấy vậy mà không hiểu sao, càng lớn Mr. Bim càng thấy lợi thế ấy hoàn toàn không giúp được gì cho sự phát triển cả, thay vào đó nợ công không ngừng tăng cao, môi trường không ngừng bị hủy hoại.
Không biết tại sao các nhà quản lý lại cấp phép cho những dự án xả thải thẳng xuống biển, dự án có khả năng gây ô nhiễm nằm gần nguồn nước, rồi tài nguyên thô bán ra thì rẻ nhập vào thì đắt… đủ cả.
Mr. Bim không tin cán bộ quản lý lại có tư duy kém đến mức không phân biệt được đâu là đúng đâu là sai, đâu là kém hiệu quả đâu là hiệu quả, đâu là hệ thống xả thải đạt chất lượng đâu là hệ thống xả thải không đạt chất lượng… Vậy thì tại sao lại để quốc gia chịu đựng những hệ lụy tiêu cực này?
Có gì đâu, là vì thói tham lam vô độ, ham vơ vét cho bản thân, xem két sắt trong nhà mình là trọng còn quyền lợi của quốc gia là nhẹ. Gật đầu ký bừa, phê duyệt tứ tung, để khi có chuyện xảy ra thì cũng đã xong một nhiệm kỳ lãnh đạo. Còn xui quá thì đột ngột đi nước ngoài chữa bệnh.
Càng ngẫm càng buồn.
2. Trang Tuổi trẻ Online có bài, "EVN nợ gần nửa triệu tỉ đồng".
Trong đó có đoạn, "Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm vừa được EVN công bố cho thấy EVN đạt gần 131.000 tỉ đồng doanh thu, tăng hơn 19.200 tỉ so với cùng kỳ năm trước. Nhưng chi phí tài chính tăng từ 7.681 tỉ năm 2015 lên gần 15.500 tỉ đồng, khiến EVN lỗ.
Ông Đinh Quang Tri, phó tổng giám đốc EVN, giải thích: trong 6 tháng đầu năm 2016, tổng lãi hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN là 5.814 tỉ đồng. Tuy nhiên, lỗ chênh lệch tỉ giá lên tới 6.371 tỉ đồng, dẫn tới EVN bị lỗ. Báo cáo tài chính của EVN cũng nêu rõ riêng khoản lỗ của công ty mẹ lên tới 929 tỉ đồng. "Nguyên nhân lỗ sau thuế cụ thể vì tỉ giá đồng yen Nhật tăng mạnh" - ông Tri nói.
Nhìn vào kết quả kinh doanh của các tổng công ty phát điện của EVN mới thấy rõ mức độ lỗ do chênh lệch tỉ giá. Phải vay nhiều để làm nhà máy điện, đơn vị nào càng vay bằng đồng yen thì càng lỗ. Điển hình là Tổng công ty Phát điện 1 vay yen Nhật tương đương 6.730 tỉ đồng, trong khi đồng yen tăng giá mạnh lên tới 17% từ đầu năm đến cuối quý 3-2016 đã làm lỗ tăng lên.
Đáng lưu ý, báo cáo tài chính của EVN nêu nợ vay của tập đoàn này đã lên tới 475.357 tỉ đồng. Vì vậy, mỗi ngày EVN phải trả khoảng 38 tỉ đồng tiền lãi ngân hàng".
Mỗi ngày EVN trả lãi ngân hàng hơn 38 tỷ đồng tức là hơn 1,5 triệu USD. Mà đó có phải là tiền của EVN đâu, đó là tiền của dân cả đấy chứ.
Có ai trả lời cho Mr. Bim vì sao đã kinh doanh độc quyền mà vẫn nợ đầm đìa với thua lỗ hay không? Có ai đã kinh doanh độc quyền theo lối càng xài nhiều càng phải trả giá cao hơn mà lại thua lỗ với nợ hay không? Có ai đã vay nợ với thua lỗ mà suốt ngày cứ đề xuất xin mấy trăm tỷ mấy nghìn tỷ để thưởng cho cán bộ công nhân viên hay không?
Làm sao lại như thế được, nhỉ? Làm sao một tập đoàn độc quyền vay nợ tứ tung, thua lỗ triền miên lại không có ai bị xử lý trách nhiệm hay xem xét về khả năng, năng lực nghiệp vụ quản lý, nhỉ?
Là làm sao thế nhỉ? Là cha chung không ai khóc hay phá gia chi tử thì cứ để cho phá phách thoải mái, nhỉ? Cứ phá rồi tăng giá điện lấy tiền dân bù vào thì chắc là hợp lý lắm ấy, nhỉ?
3. Trang VNE có bài, "Học viên cai nghiện lại đập phá, cảnh sát dùng hơi cay trấn áp".
Trong đó có đoạn, "Bất chấp hàng trăm cảnh sát cơ động đang bảo vệ vòng ngoài, các học viên cai nghiện ở Đồng Nai tiếp tục đập phá, đòi ra ngoài.
Đây là lần thứ tư trung tâm này xảy ra học viên đập phá, trốn trại. Trong đó, lần đông nhất là đêm 23/10, khi hơn 500 học viên cũng đập phá cửa phòng, tràn ra Quốc lộ 1 chặn ôtô, xe máy để xin tiền gây náo loạn. Công an Đồng Nai phải huy động cảnh sát phối hợp cùng lực lượng địa phương vây bắt trở lại, nhưng đến nay vẫn chưa đủ.
Nói về nguyên nhân, ông Hồ Văn Lộc, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Đồng Nai, cho rằng những người mới vào chưa quen cảnh gò bó khuôn mẫu nên kích động. Còn thông tin học viên bị chèn ép chỗ ở, suất ăn dẫn đến trốn trại tập thể thì ông bác bỏ.
Trung tâm cai nghiện này rộng gần 5 hecta gồm 8 dãy nhà được bao bọc bởi cánh đồng canh tác của người dân. Khu vực dãy nhà các học viên trốn trại nằm kề nhau, cách cổng chính ra vào chừng 200 m, với 2 lớp hàng rào bảo vệ. Trung tâm có khoảng gần 1.500 học viên".
Trong vòng vài tuần mà có đến 4 lần các học viên của trung tâm này nổi loạn, đập phá; thậm chí là tấn công cả cảnh sát thì vấn đề được đặt ra cấp thiết nhất là phải tổ chức một buổi đối thoại với học viên với sự giám sát chặt chẽ của các ban ngành đơn vị.
Học viên cai nghiện vốn không phải là người hiền lành, ngoan ngoãn. Nhưng sự bất thường không phải là không có nguyên do.
Mr. Bim nghĩ nếu làm được điều này thì mọi thứ mới có thể giải quyết được căn cơ, chứ nếu lấy trấn áp làm trọng thì mức độ nổi loạn sẽ ngày càng tăng cao hơn nữa mà hệ lụy thì không ai dám tiên liệu trước.
4. Trang Vietnamnet có bài, "Những con số bất ngờ về GS, PGS Việt Nam".
Trong đó có đoạn, "Tính từ 1980 tới nay, cả nước có gần 11 ngàn GS, PGS. Đa phần các GS, PGS đều tập trung tại Hà Nội. Ngành Y học, Kinh tế là các ngành có nhiều GS, PGS nhất của Việt Nam.
Từ 1980 tới 2016, sau 25 đợt xét, cả nước hiện có 10.774 GS, PGS trong đó có 1.715 GS và 9.059 PGS. Độ tuổi trung bình của GS là 57,13 còn của PGS là 50,88.
Tỉ lệ GS, PGS là nam chiếm đa số tới 83,5%, nữ giới chiếm 16,5%. Theo thống kê của HĐCDGSNN, Hà Nội, Nam Định, Nghệ An là 3 địa phương có nhiều GS, PGS nhất tính tới thời điểm hiện tại.
Các ngành Y học, Kinh tế, Hóa học, Khoa học Quân sự… là những ngành có nhiều GS, PGS nhất của Việt Nam. Năm 2016, Việt Nam có thêm 65 GS và 638 PGS. Trong đó, tỉ lệ GS, PGS là nữ chiếm 28%".
Mr. Bim bình luận cái này ngắn thôi, càng nhiều giáo sư, phó giáo sư càng vui mà. Ít ra thì chúng ta cũng phải có cái gì hơn những quốc gia khác chứ.
Còn vì sao bằng cấp ngày càng cao mà đóng góp công trình khoa học thực tế ngày càng ít, cái này thuộc về thiên mệnh rồi chứ không còn là chuyện của loài người nữa, nên Mr. Bim không giải thích được.
Tin khuyến mãi: Trang Người lao động Online có bài, "Xử lý ông Vũ Huy Hoàng cần nghiêm khắc nhưng phải bài bản", trong đó có đoạn "Đại biểu QH Dương Trung Quốc cho rằng cần xử lý nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Công Thương, song cũng cần bài bản, đúng luật".
Bình luận của Mr. Bim: "Xử lý một lãnh đạo về hưu còn gian nan vậy thì việc xử lý lãnh đạo đương chức chắc thuộc về phạm trù giấc mơ hoang đường mất thôi".
Nguồn: ANTG/Báo CAND