Phóng sự

Cần một chiến lược phòng ngừa ma tuý tổng thể

08:25, 25/05/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Hiện nay, công tác đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma tuý đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng hiệu quả công tác phòng ngừa chưa rõ ràng.
 
70% người nghiện có trình độ học vấn thấp
 
Theo thống kê của cơ quan chức năng, nước ta có hơn 222.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, tăng 11.800 người so với năm 2016, trong đó, 58 địa phương có người nghiện tăng. Người nghiện gồm đủ các thành phần, lứa tuổi, nghề nghiệp trong xã hội. Trong khi đó, thực tế hiệu quả công tác cai nghiện rất thấp. Đặc biệt, hiện số người nghiện, người sử dụng ma túy tổng hợp đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Số người nghiện tăng kéo theo sự phát sinh, phát triển của các điểm, tụ điểm, ổ, nhóm bán lẻ chất ma túy tại các địa bàn cũng như tình trạng tổ chức sử dụng và sử dụng ma túy tại các điểm kinh doanh có điều kiện như quán bar, vũ trường, nhà nghỉ, khách sạn, nhất là ở các thành phố lớn, các vùng ven đô thị, các khu công nghiệp… gây ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình trật tự, an toàn xã hội.
 
Tại Hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức tuyên truyền về phòng chống ma tuý cho phóng viên báo chí tổ chức ngày 17/5 vừa qua tại Quảng Ninh, Đại tá Đỗ Đức Bình, Phó Cục trưởng Cục Tham mưu Cảnh sát thông tin rằng, trên thực tế 70% số người nghiện ma tuý và 56% số tội phạm ma tuý là có trình độ học vấn thấp. Do vậy, chăm lo nâng cao trình độ dân trí trong nhân dân, nhất là về pháp luật cùng với tuyên truyền vận động để dân biết, dân phòng, dân chống, dân tham gia đấu tranh là một biện pháp tích cực mang tính xã hội nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma tuý.
 
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền phòng, chống ma tuý luôn được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện; các cơ quan thông tấn báo chí cũng đã tích cực vào cuộc và đã đạt được những kết quả nhất định. Điển hình như việc các bộ, ngành phối hợp với các địa phương tỉnh miền núi thực hiện các giải pháp để ngăn chặn trồng cây có chứa chất ma tuý; mở nhiều đợt vận động nhân dân không trồng cây thuốc phiện. Qua đó, tình trạng trồng cây có chứa chất ma tuý được kiềm chế. Cả nước đã phát hiện, phá nhổ hơn 11 ha cây có chứa chất ma tuý trong năm 2017.
 
Công tác tuyên truyền được triển khai rộng khắp trong toàn xã hội, nhất là ở những địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma tuý. Nhận thức về tác hại của ma tuý trong nhân dân đã có những chuyển biến tích cực. Đồng thời trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và các cơ quan báo chí được nâng cao. Nhiều bài học kinh nghiệm, phương thức tuyên truyền, giáo dục phong phú và phù hợp với từng địa bàn, nhóm đối tượng, thành phần dân cư đã được phổ biến và phát huy tác dụng.
 
Theo đánh giá của Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm trong giai đoạn năm 2014-2017, số tin, bài, ảnh, phóng sự về phòng, chống HIV/AIDS, ma tuý, mại dâm đăng tải trên các ấn phẩm tăng trung bình 10-15% so với trước. Nhiều tin, bài được bố trí phát thanh, phát hình trong khung giờ có nhiều người theo dõi… đã góp phần nâng cao chất lượng tuyên truyền phòng chống ma tuý.
 
Hiệu quả phòng ngừa chưa rõ ràng
 
Tại Hội nghị tổng kết công tác phối hợp phòng, chống ma tuý của tổ chuyên viên liên ngành của Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm tổ chức vào tháng 2 vừa qua, các ý kiến đều cho rằng công tác đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma tuý đã đạt được một số kết quả tích cực nhưng hiệu quả công tác phòng ngừa chưa rõ ràng. Mỗi bộ, ngành đều có chiến lược truyền thông riêng về phòng, chống ma tuý nhưng chưa đồng bộ, bởi chỉ bao hàm khía cạnh của từng ngành nên không thể toàn diện.
 
Đánh giá trên thực tế truyền thông về công tác phòng chống ma tuý, hiệu quả tuyên truyền bằng hình ảnh cao hơn hình thức tuyên truyền bằng lý thuyết hay phát tờ rơi. Tuy nhiên, trong tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật, sinh hoạt cộng đồng tại cơ sở còn thiếu tư liệu về công tác này, nhất là loại hình đa phương tiện, video clip… Do vậy, cần có nhiều sản phẩm truyền thông từ các bộ, ngành trong hoạt động tuyên truyền để tăng tính thuyết phục tới người dân.
 
Truyền thông trong phòng chống ma tuý cần sâu hơn, thiết thực hơn, khắc hoạ rõ sự tàn phá của ma tuý đối với con người, phổ biến cách nhận biết các loại ma tuý mới xuất hiện để kịp thời làm công tác phòng ngừa, truyền thông cho người chưa nghiện để họ cảm thấy cần phải tránh xa. Do đây là hoạt động phối hợp nên quan niệm cũng như cách hiểu về công tác ngày giữa các bộ, ngành chưa thực sự thống nhất. Mặt khác, các phóng viên báo chí cũng ít có điều kiện được tiếp cận các cơ sở cai nghiện đa chức năng để có thông tin toàn diện, đa chiều phục vụ tuyên truyền. Vì vậy, cần chú trọng mở các lớp tập huấn tuyên truyền về phòng chống ma tuý để làm tốt công tác này.
 
Hầu hết đại diện bộ, ngành cũng cùng chung kiến nghị đề xuất về sự cần thiết có một chiến lược truyền thông toàn diện, đồng bộ, hướng tới cơ sở trong công tác tuyên truyền phòng, chống ma tuý; đề nghị Văn phòng thường trực phòng chống ma tuý và tội phạm Bộ Công an cần đề xuất Chính phủ xây dựng chương trình chiến lược truyền thông sâu hơn về phòng chống ma tuý, cụ thể cả về nội dung và hình thức để đẩy mạnh công tác này.
 
Tránh dàn trải, manh mún
 
Theo Đại tá Tạ Đức Ninh, Trưởng phòng Thường trực Chương trình quốc gia Phòng, chống ma tuý cho biết, một năm sau khi trở thành thành viên của 3 Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy của Liên Hợp Quốc, việc thành lập một ủy ban có nhiệm vụ chỉ đạo, điều phối hoạt động phòng, chống ma túy các bộ, ngành, địa phương với tên gọi Ủy ban Quốc gia phòng, chống ma túy và đặt nhiệm vụ “PHÒNG” ngang với “CHỐNG” đã phản ánh rất rõ quan điểm của Chính phủ trong việc giải quyết tận gốc tệ nạn ma túy ở nước ta.
 
Phòng ngừa ma tuý nhằm ngăn chặn không để xảy ra hoặc dự tính các biện pháp đối phó trước khi tình hình xảy ra. Hai mục tiêu chính của phòng ngừa là: Giảm các yếu tố nguy cơ và tăng các yếu tố bảo vệ, yếu tố tích cực.
 
Để đạt được mục tiêu kìm chế, ngăn chặn hướng tới đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội, trong những năm qua nhiều hình thức phòng ngừa đã được đồng loạt triển khai. Trong đó, đáng lưu ý nhất là hình thức: Phòng ngừa ban đầu nhằm vào nhóm đối tượng là những người chưa bao giờ liên quan đến ma túy và Phòng ngừa chuyên biệt nhằm vào những đối tượng có nguy cơ cao.
 
Trong đó, biện pháp phòng ngừa ban đầu dựa vào cộng đồng, tại nơi làm việc, trong trường học, từ gia đình. Hình thức phòng ngừa này đã góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn đầu vào của tệ nạn ma túy.
 
Cùng với việc phòng ngừa đại trà cho toàn xã hội, thời gian gần đây, công tác phòng ngừa chuyên biệt dành cho nhóm đối tượng có nguy cơ cao đã được các cấp, các ngành, địa phương dành nhiều sự quan tâm hơn trước. Thông qua các hoạt động tư vấn nhóm, tư vấn cá nhân, tiếp cận trực tiếp với “nhóm thanh niên đường phố”,… các kỹ năng rất cần thiết như: Kỹ năng nhận biết và đánh giá nguy cơ mắc nghiện, cách thức hóa giải các vướng mắc về tâm lý trong cuộc sống, kỹ năng từ chối các cám dỗ,... thường có trong các nhóm đối tượng “có nguy cơ mắc nghiện cao” đã giúp họ đưa ra các quyết định đúng đắn, bảo vệ họ trước sự tấn công của tệ nạn ma túy.
 
So với công tác phòng ngừa ban đầu được triển khai đại trà, những hoạt động trong lĩnh vực phòng ngừa mới mẻ này mới chỉ là sự khởi đầu, chưa đồng đều ở nhiều địa phương, mới chủ yếu ở giai đoạn tạo ra những cán bộ có năng lực tư vấn hơn là những hoạt động tác động trực tiếp đến nhóm đối tượng cần tư vấn.
 
Để sớm đẩy lùi, tiến tới loại trừ ma túy ra khỏi đời sống xã hội cũng như bảo vệ thế hệ trẻ trước sự tấn công như vũ bão của tệ nạn ma túy, Đại tá Tạ Đức Ninh cho rằng, các cơ quan có liên quan cần nêu cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác phòng ngừa tệ nạn ma túy trong chiến lược chung về phòng, chống ma túy; cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác tuyên truyền nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, tránh dàn trải, phô trương hình thức.
 
Quan trọng nhất, để khắc phục sự manh mún như hiện nay, không thể thiếu một chiến lược phòng ngừa tổng thể, dài hơi với sự tham gia tích cực của nhiều cơ quan, Viện nghiên cứu tâm lý thanh niên, Viện nghiên cứu giáo dục… để có những can thiệp tổng thể hơn về vấn đề này. Điều mà nhiều nước xung quanh chúng ta đã làm từ lâu.

Nguồn: Hoàng Anh/Chinhphu.vn

Các tin khác