Phóng sự

'Ma trận thần dược' chống nắng

09:33, 15/06/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Viên chống nắng được quảng cáo như một loại “thần dược” có khả năng bảo vệ cơ thể như tấm áo giáp sắt đang khiến chị em “sục sôi” tìm kiếm. Tuy nhiên, nhiều người đã rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” trước “ma trận” chống nắng.
 
1. Ngày hè, đánh vào nhu cầu dùng các loại kem, thuốc chống nắng của chị em nên rất nhiều chiêu trò, cách thức của giới bán buôn được tung ra. 
 
Tìm kiếm trên mạng cần mua viên chống nắng, lập tức hiện ra hàng trăm lượt kết quả với đầy đủ loại, giá tiền, người mua tha hồ chọn lựa. Hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh, muốn mua viên chống nắng chỉ cần gọi điện thoại đặt hàng hoặc vào trang bán hàng online đăng ký. 
 
Chỉ khoảng một tiếng đồng hồ sau là nhân viên giao hàng tận nơi. Trước khi mua hàng, chúng tôi được tư vấn viên trình bày “thiên la địa võng” về tác dụng của viên chống nắng. 
 
Họ quảng cáo, viên chống nắng có xuất xứ từ Mỹ, Nhật Bản, Đức... được bào chế hoàn toàn bằng lá cây thiên nhiên nên vừa chống nắng hiệu quả, vừa giúp cho làn da sáng trắng. Nói chung là công dụng “3 trong 1”. 
 
Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi địa chỉ để tới xem văn phòng trưng bày sản phẩm, cũng như muốn dùng thử thì nhân viên úp mở: “Bên em chuyên bán hàng online, viên chống nắng có tác dụng 8 tiếng đồng hồ khi ra nắng thì làm sao mà dùng thử được. Nếu có nhu cầu, chị mua một hộp về dùng thử, dùng tốt thì mua tiếp, còn không thì thôi”.
 
Chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ, nhân viên ngân hàng tại quận 10 (TP. Hồ Chí Minh) đã đặt mua một hộp viên chống nắng trên trang bán hàng online với giá 1.300.000 đồng. 
 
Chị Lệ dùng mỗi ngày hai viên và không dùng thêm bất cứ một loại kem chống nắng nào. Chị tự tin ra đường, “thách thức” ánh nắng mặt trời. Một tháng sau, da chị Lệ xuất hiện vài vệt nám, chị tá hỏa gọi điện cho công ty bán viên chống nắng thì được động viên, tiếp tục uống sẽ có hiệu quả, mới một tháng chưa nói lên điều gì. 
 
Chị Lệ mang hộp thuốc chống nắng và bộ mặt rám nắng tới bác sĩ nhờ tư vấn. Bác sĩ nhận định, vết nám trên mặt của chị Lệ là do bị cháy nắng bởi da của chị rất mỏng, yếu. Bác sĩ khuyên chị nên choàng khăn thật dày trước khi ra đường nếu không vết nám sẽ ngày một thâm, dày, khó chữa. 
 
Còn về tác dụng của viên chống nắng, bác sĩ lắc đầu cho biết: “Phải đi kiểm nghiệm mới biết được”. Dù tiếc hùi hụi khoản tiền đã bỏ ra mua viên chống nắng, chị Lệ vẫn phải bỏ đi không dám tiếp tục dùng nữa.
Theo chuyên gia da liễu, viên chống nắng thực chất là thực phẩm chức năng, không có tác dụng chống nắng như quảng cáo.
Theo chuyên gia da liễu, viên chống nắng thực chất là thực phẩm chức năng, không có tác dụng chống nắng như quảng cáo.
Đi một vòng các nhà thuốc lớn ở đường Hai Bà Trưng (quận 1), Tô Hiến Thành (quận 10), chúng tôi ghi nhận, hầu hết các nhà thuốc đều bán kem chống nắng loại truyền thống và có thương hiệu từ lâu. 
 
Còn viên chống nắng thì chỉ vài nhà thuốc bán nhưng hỏi về tác dụng thì nhân viên chỉ tư vấn một cách đơn giản là dùng tốt, công dụng cao, hiệu quả lâu dài mà không giải thích đúng và thuyết phục cho người dùng.
 
Sau nhiều lần liên hệ, trong vai người mua sỉ viên chống nắng về đổ mối, chúng tôi mới tìm được một địa chỉ “thật” bán viên chống nắng nằm tít quận 12, sâu hun hút trong nhiều con hẻm ngoằn ngoèo. Tuy nhiên, đây là địa chỉ nhà riêng không phải cửa hàng hay văn phòng như nhân viên bán hàng nói. 
 
Thật ra, nhân viên bán hàng chính là chủ nhà giới thiệu tên Q., là đại lý phân phối độc quyền các loại viên chống nắng có xuất xứ từ Nhật Bản. 
 
Q. cho biết, có người anh trai đang làm việc bên Nhật Bản thường gửi hàng “xịn” về Việt Nam cho bán kiếm lời. Q. đưa cho chúng tôi xem vài mẫu viên chống nắng được để trong hộp giấy, dán kín có ghi chữ Nhật Bản làm tin. Q. bảo, muốn lấy nhiều về phân phối thì hẹn trước một tuần sẽ có hàng. 
 
Từ mùa nóng đến giờ, trên kênh bán hàng cá nhân của Q. đã có hàng nghìn lượt người truy cập và hàng trăm người mua hàng. Đến nay, chưa có trường hợp nào phản hồi xấu về tác dụng của viên chống nắng hoặc gọi điện chửi bới nên Q. rất tự tin về sản phẩm của mình.
 
Chúng tôi thắc mắc, hàng gửi xách tay từ bên Nhật về sao nhiều vậy? Q. ậm ừ nói: “Ngày nào chẳng có máy bay về Việt Nam, loại mỹ phẩm này nhẹ nhàng, vận chuyển dễ dàng”. 
 
Cách thuyết minh giới thiệu sản phẩm của Q. cứ lấn lướt, người mua lọt vào “ma trận” các công dụng của thuốc mà không có “cửa” phản biện. 
 
Chia tay được vài tiếng, như sợ mất “con mồi”, Q. gọi điện cho chúng tôi nói muốn bao nhiêu ngày mai có ngay không phải chờ đến một tuần. Q. giải thích, là do đi gom của các “đại lý” phân phối cùng hãng. 
 
Chúng tôi yêu cầu Q. cho xem giấy phép về nguồn gốc xuất xứ và giấy kiểm định sản phẩm. Q. thẳng thắn nói rằng, hàng xách tay thì làm gì có giấy tờ, quan trọng là tin tưởng nhau. Khi chúng tôi từ chối mua hàng, mặt Q. lạnh như tiền, thay đổi hẳn thái độ.
 Con hẻm hun hút dẫn vào “đại lý” bán viên chống nắng.
Con hẻm hun hút dẫn vào “đại lý” bán viên chống nắng.
2. Chúng tôi đã mang câu chuyện của Q. hỏi chị Lan Hương, đại lý độc quyền chuyên cung cấp mỹ phẩm Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh. Chị Hương khẳng định, nếu là hàng xách tay thì không có nhiều và chỉ về theo từng đợt nhỏ lẻ. Số lượng nhiều như Q. nói cần phải xem xét lại độ thật giả của mặt hàng.
 
Thị trường mỹ phẩm bây giờ rất bát nháo, bán online, bán tờ rơi, facebook, tin nhắn điện thoại... mà không hề có giấy phép kinh doanh, giấy kiểm định chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. 
 
Chị Hương dẫn chứng trường hợp của chị Hạnh (27 tuổi, quận 5, TP. Hồ Chí Minh) vừa phải nhập viện điều trị dị ứng kem chống nắng. Chị Hạnh mua kem của một người quen bán hàng online nên khá tin tưởng. 
 
Dùng được một tuần thì da mặt chị Hạnh sưng đỏ, nổi mụn sần sùi, có nhiều chỗ vỡ ra như bọng nước. Chị Hạnh lấy thuốc tự chữa tại nhà nhưng bệnh tình càng nghiêm trọng, Mặt sưng to hơn, nốt đỏ chuyển sang tím và đau rát khiến chị không thể chịu được phải đi bệnh viện điều trị.
“Văn phòng” bán viên chống nắng cửa đóng im ỉm, không một bóng người.
“Văn phòng” bán viên chống nắng cửa đóng im ỉm, không một bóng người.
Đánh vào tâm lý sợ đen, sợ nhan sắc bị tàn phai, sợ ung thư da nên hầu hết phụ nữ đều lùng sục “thần dược” chống nắng vào mùa nắng cao điểm. 
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong các loại “thần dược” chống nắng hiện nay thì loại thuốc có xuất xứ từ Mỹ là đắt nhất với trên một triệu đồng/hộp. 
 
Loại thuốc này chỉ có chị em khá giả mới có thể mua với niềm tin duy nhất là giá cao thì hàng sẽ tốt. Thực tế không phải như vậy, chị Hoài An, Giám đốc Công ty Cung ứng thiết bị trường học tại TP. Hồ Chí Minh đã tỏ ra vô cùng ân hận khi bỏ hàng chục triệu đồng ra mua viên chống nắng được người bán rao có xuất xứ từ Mỹ. 
 
Sau khi dùng được 2 tuần, chị An nghe nhiều thông tin nói về viên chống nắng nên rất hoang mang. Chị mang sản phẩm đến một bác sĩ da liễu hỏi về công dụng thì vị bác sĩ khuyên tốt nhất là không nên dùng. 
 
Với các loại “thần dược” chống nắng hiện nay, chỉ nên dùng kem bôi ngoài da, còn thuốc uống thì phải có kiểm định chất lượng của tổ chức y tế của Việt Nam nếu không sẽ rước họa vào thân.
 
Ngày 22/5/2018, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phát đi thông báo khẳng định không một loại viên uống nào có thể thay thế kem chống nắng. 
 
Nhiều sản phẩm viên uống chống nắng được giới thiệu có khả năng chống nắng nhưng không mang lại lợi ích như được quảng cáo. Thay vào đó, còn gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng và khiến nhiều người gặp rủi ro.
 
FDA đã gửi thư cảnh báo tới các công ty tiếp thị thuốc viên và viên nang bất hợp pháp được dán nhãn là chất bổ sung chế độ ăn uống để bảo vệ người tiêu dùng khỏi những tác hại đến từ phơi nắng mà không đáp ứng các tiêu chuẩn của FDA về an toàn và hiệu quả.
 
Những công ty tiếp thị các sản phẩm viên uống chống nắng dạng viên nang với công dụng bảo vệ người dùng khỏi tác hại của tia UV và ngăn chặn quá trình lão hóa sớm do tác hại của ánh nắng mặt trời. 
 
Điều này, theo FDA, là đang gây nguy hiểm cho người tiêu dùng bằng cách cung cấp cho người tiêu dùng một cảm giác an toàn giả tạo rằng chế độ ăn bổ sung có thể ngăn ngừa cháy nắng, giảm lão hóa da sớm do mặt trời hoặc bảo vệ khỏi nguy cơ ung thư da.
 
Đây cũng là ý kiến của bác sĩ Hoàng Văn Minh - Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Theo bác sĩ Minh, cách chống nắng tốt nhất chính là hạn chế ra nắng bởi không có loại thuốc chống nắng nào đạt hiệu quả 100%. Nếu phải ra nắng thì nên kết hợp nhiều biện pháp chống nắng, nếu chỉ thoa kem hoặc sử dụng viên chống nắng thì chưa đủ để chống nắng. 

Nguồn: CAND

Các tin khác