Phóng sự

Thiêng liêng cột mốc địa đầu tổ quốc

08:07, 02/05/2018 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Vượt hơn 300 km từ TP Hồ Chí Minh, chúng tôi đến cửa khẩu quốc tế Xà Xía, Hà Tiên vào một buổi sáng nhiều mây để đến thăm cột mốc tận cùng tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia.
 
Dẫn đường cho chúng tôi là anh Danh Hoàng Kim, Đội phó Đội An ninh Công an Thị xã Hà Tiên, một người Khmer. Anh chính là một minh chứng sống cho vùng đất đa văn hóa Hà Tiên, nơi các sắc tộc Kinh, Khmer, Hoa đã trải qua hàng trăm năm chung sống và gìn giữ vùng đất địa đầu Tây Nam của Tổ quốc.
 
Con đường mang dáng hình Tổ quốc
 
Theo hướng dẫn của anh Kim, chúng tôi đi qua cửa khẩu Xà Xía để bắt đầu cuộc hành trình tìm đến cột mốc có ý nghĩa quan trọng trong việc định hình biên cương của Tổ quốc cả trên đất liền và biển đảo.
 
Từ cột mốc 313 nằm ngay cửa khẩu, chúng tôi đi theo con đường tuần tra biên giới để đến cột mốc 314. Được biết, “Đường tuần tra biên giới” được xây dựng theo Dự án 47, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, dài hơn 14.000km đi qua 25 tỉnh biên giới, với nền đường 5,5m và mặt đường xi măng rộng 3,5m. 
 
Dù là một con đường nhỏ, nhưng Đường tuần tra biên giới lại mang ý nghĩa lớn, nó nâng đỡ hành trình ngày đêm tuần tra để giữ gìn cương thổ quốc gia của các chiến sĩ biên phòng từ Nam ra Bắc. Con đường này còn đặc biệt thiêng liêng, bởi nó mang dáng hình của Tổ quốc.
Vị trí cột mốc 314.
Vị trí cột mốc 314.
Trời râm mát mẻ, chúng tôi chạy theo con đường trải đan thiêng liêng, xa xa phía bên trái với những ngọn núi lô nhô. Đó là Thạch Động, kia là Đá Dựng... như những pháo đài, bức bình phong sừng sững che chắn nơi địa đầu Tây Nam Tổ quốc. Trải dài phía dưới là những ruộng lúa nối liền giữa Việt Nam và nước bạn Campuchia. Những đàn bò, đàn trâu nhẩn nha gặm cỏ. Tiếng Kinh xen lẫn tiếng Khmer, tiếng Việt Nam xen lẫn tiếng Campuchia. Một cảm giác ấm áp rất lạ về con đường độc đáo chạy dọc miền biên giới thanh bình, đáng yêu này.
 
Và rồi, phía trước hiện ra cột mốc 314 thân thương, nổi bật giữa dải rừng đước bao bọc xung quanh, bên cạnh là lá cờ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sóng đôi cùng cờ Vương quốc Campuchia tung bay phần phật trong gió biển. Với diện tích gần 400m², cột mốc 314 nổi bật nhờ được ốp đá hoa cương, tôn cao gần 2m, nằm tại địa phận xã Mỹ Đức (Thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang - Việt Nam) và xã Rus Xây Sroc Khang Lếch (huyện Kom Pong Trach, tỉnh Kampot - Campuchia).
 
Cột mốc phân định đất liền, biển đảo
 
Sóng biển rì rào xô vào cánh rừng đước mênh mông, như những câu chuyện ngàn năm về những người có công với nước, những người đã chung tay, góp sức bảo vệ biên giới quê hương. Chúng tôi xúc động chạm tay vào cột mốc, lắng nghe trong huyết quản trào dâng niềm tự hào về đất nước tự ngàn năm. Và rồi biết bao nhiêu mồ hôi, xương máu của những chiến sĩ, người dân ngã xuống, để dựng xây cương thổ của nước nhà.
 
Khi chúng tôi chạm vào cột mốc cũng là lúc trời bất chợt đổ mưa. Dường như những giọt nước mắt hạnh phúc, xúc động của chúng tôi khi đến với cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc đã chuyển thành cơn mưa bóng mây vùng biên giới.
 
Dù trời mưa nhưng chúng tôi vẫn quyến luyến không rời cột mốc. Hiểu được cảm giác của chúng tôi, anh Kim cho biết Hà Tiên có tuyến biên giới với nước bạn Campuchia dài 39,5 km, trong đó có 13,5 km biên giới trên đất liền. Với quyết tâm xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, các cột mốc biên giới quan trọng như 313, 314 đã được chính phủ 2 nước ưu tiên xây dựng.
Chúng tôi xúc động chạm tay vào cột mốc, lắng nghe trong huyết quản trào dâng niềm tự hào về đất nước tự ngàn năm.
Chúng tôi xúc động chạm tay vào cột mốc, lắng nghe trong huyết quản trào dâng niềm tự hào về đất nước tự ngàn năm.
Từ năm 2012 đến nay, được sự quan tâm của 2 nhà nước, cột mốc được khánh thành có thủ tướng 2 nước tham dự, có cả đường nhựa tạo điều kiện cho người dân thăm thân nhân, cũng như bộ đội triển khai lực lượng bảo vệ đường biên cột mốc. Sau khi khánh thành, cột mốc 314 được tỉnh Kiên Giang giao cho cán bộ chiến sĩ (CBCS) Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên quản lý, bảo vệ, gìn giữ.
 
Từ thời điểm đó đến nay, CBCS nơi đây không hề ngơi nghỉ, bảo vệ  cột mốc chủ quyền nguyên hiện trạng, sạch đẹp. Các anh còn tăng cường đối ngoại, làm tốt công tác dân vận để chính quyền, dân và quân 2 bên biên giới hiểu được giá trị của cột mốc 314... Để đảm bảo quân số có mặt 24/24 giờ bên cạnh cột mốc 314, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên bố trí CBCS trực; đồng thời cất tạm chốt biên phòng gần cột mốc để tiện cho việc bố trí lực lượng và anh em có nơi trú mưa nắng.
 
Những “cột mốc sống”
 
Không chỉ có sự canh giữ, bảo vệ của các CBCS biên phòng, mà cột mốc còn nhận được sự chăm sóc của bà con địa phương, những người chung tay cùng với bộ đội biên phòng trồng cây xanh trên tuyến đường dẫn ra cột mốc cho thêm xanh, thêm đẹp. Đứng bên cột mốc 314, chúng tôi được nghe kể nhiều câu chuyện xúc động về những “cột mốc sống”.
 
Đó là chị Thị Mỹ Loan, dân tộc Khmer, hơn 20 năm qua đã trở thành một “chiến sĩ biên phòng” canh giữ cột mốc. Ngày nào chị cũng ra thăm, dọn vệ sinh khu vực cột mốc. Chị chân chất: “Được các chú biên phòng giải thích, tui hiểu được ý nghĩa quan trọng của cột mốc biên giới. Tài sản quốc gia cũng chính là tài sản của nhà mình, mình phải có trách nhiệm gìn giữ cùng biên phòng”.
 
Đó là cụ Khiêu Kim, năm nay đã 87 tuổi. Theo lời anh Kim, cụ Khiêu Kim đã dành ra nửa đời người để bảo vệ, chăm sóc cột mốc ngay từ hồi nơi đó còn là khu vực đầm trũng, ngập nước hoang vu. Ông Khiêu Kim còn thay mặt các CBCS biên phòng tuyên truyền về ý nghĩa cột mốc cho nhân dân xã mình và bên nước bạn là xã Rus Sây Song Tây (huyện Kom Pong Trach - Campuchia) rằng đây là tài sản chung của 2 quốc gia. Ông Khiêu Kim có đến 3 người con đang sống ở Campuchia.
 
Anh Kim cho biết mỗi cột mốc biên giới đều có ý nghĩa thiêng liêng vì nó gắn với chủ quyền, lãnh thổ quốc gia. Tuy nhiên, cột mốc 314 đặc biệt quan trọng bởi đây là cột mốc cuối cùng trên đất liền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong tương lai, chính phủ 2 nước nhất trí được thì đường biên giới trên biển sẽ được phân chia và cột mốc này cũng là điểm khởi đầu.

Nguồn: Long Giang/CAND

Các tin khác