Mưa rồi, mà vẫn nóng
14:29 13/05/2018
Lãnh đạo thành phố đã biến một vùng đất đậm đặc nhà quê thành một khu sang trọng bậc nhất thành phố, nhưng bên cạnh sự sang trọng ấy là rất, rất nhiều tiếng thở dài ai oán.
Phương Nam mưa rồi, phố cũng đã ngập mà hầm chui mới khánh thành cũng đã ngập luôn rồi, những con đường chặt trụi cây xanh cũng đã không còn không khí tươi mát lành lạnh sau mưa rồi.
Vậy mà, vẫn nóng. Nóng từ những thông tin hiện thực, nóng từ những tin tức hậu trường, nóng hết chỗ này sang chỗ khác...
1. "Chưa tìm thấy trong hồ sơ lưu chứ không phải không có. Trong thủ tục trình Chính phủ phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định, mới được phê duyệt… Thành phố đang chỉ đạo phải truy bằng được", ông Võ Văn Hoan - Chánh Văn phòng UBND TP.HCM nói như vậy.
Cái bản đồ quy hoạch mà ông Hoan nhắc đến chính là quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm với tỷ lệ 1/5.000.
Để bạn đọc dễ hiểu về cái nóng của bản đồ quy hoạch 1/5.000 bị thất lạc, Ngô cần phải trình bày ý nghĩa pháp lý của bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000, "Bản đồ quy hoạch chung tỉ lệ 1/5.000 có giá trị xác định các khu vực chức năng, những định hướng tính giao thông, sẽ rõ ràng mốc giới, địa giới của các phần đất dành để phát triển hạ tầng đường, cầu, cống, điện, trường học, khu dân cư, cây xanh, hồ nước...
Có thể nói, bản đồ quy hoạch 1/5.000 là cơ sở gốc để xác định mục tiêu phát triển, kêu gọi đầu tư cũng như vấn đề giải phóng mặt bằng, đền bù, di dân...".
Nghĩa là, cái bản đồ mà UBND TP.HCM đang làm thất lạc chính là nền tảng, là cơ sở cho những quy hoạch cụ thể 1/2.000 hoặc 1/500 sau đó. Thất lạc bản đồ quy hoạch 1/5.000, sẽ không có câu trả lời cho câu hỏi, "Vì sao đất của tôi không nằm trong quy hoạch vẫn bị chính quyền cưỡng lấy".
Và nếu không có được câu trả lời này, thì sẽ không đảm bảo được quyền lợi cho nhân dân bị mất đất, không quy được trách nhiệm cho những cán bộ tham tàn nhân danh vị trí để trục lợi cho cá nhân.
Thế nhưng, nói như vậy không có nghĩa không tìm ra bản đồ quy hoạch 1/5.000 là không quy trách nhiệm, không phân định rõ ràng đúng sai được.
Nhất là khi bản đồ ấy được chấp thuận bởi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một bản đồ quan trọng vậy chắc chắn sẽ được lưu ở rất nhiều nơi, mà công tác văn thư lưu trữ của nước mình chưa bao giờ là kém cả.
Minh họa: Lê Phương. |
Nên Ngô vững tin là chuyện có được che giấu bằng tất cả các thủ đoạn hèn kém đều sẽ phải phơi bày trước ánh mặt trời, sự thật sẽ được trả về cho sự thật. Ai gieo gió phải gặt bão, ai gieo nhân nào phải gặt quả đó.
Thủ Thiêm, vùng đất sốt chưa bao giờ hạ nhiệt. Giá đất ở đây tăng lên từng ngày, từng tuần. Vừa rồi trước khi ngồi vào bàn làm việc, Ngô tôi có nghe giá đất ở đây đã vượt 120 triệu/m², tuy vậy không còn đất để mà bán. Thủ Thiêm, sừng sững những biệt thự, những khu căn hộ cao cấp, những hoa lệ bên cạnh những thân phận người dân mất đất đầy oan ức.
Thủ Thiêm, độ mười lăm năm về trước, khi còn là sinh viên, mỗi lần Ngô tôi sang bên này chơi thật sự cảm thấy biệt lập với vùng nội đô thành phố, với bạt ngàn cây xanh, bờ lau bãi sậy, những đầm hồ tự nhiên rất nhiều cá rô phi, cá chẽm, những con đường đất đỏ hoặc đường nhựa thơm ngát mùi cỏ cây. Vụt như một giấc chiêm bao, Thủ Thiêm trở mình rất mạnh mẽ.
Thủ Thiêm biến thành đất vàng, rồi thành đất kim cương, Những bụi cây con rạch được san lấp, được san phẳng để thay thế bằng những khối bê tông, những tòa nhà sừng sững. Kéo theo đó là những thân phận thị dân gia nhập đội ngũ dân oan với đơn khiếu nại, tố cáo đội trên đầu, hết đến trụ sở UBND TP rồi ra Hà Nội.
Lãnh đạo thành phố đã biến một vùng đất đậm đặc nhà quê thành một khu sang trọng bậc nhất thành phố, nhưng bên cạnh sự sang trọng ấy là rất, rất nhiều tiếng thở dài ai oán.
2. Bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 của Thủ Thiêm có thất lạc hay không, tất nhiên thì ông Chánh Văn phòng UBND TP HCM không nói dối, có lẽ ông ấy chỉ biết đến chừng đó thôi. Riêng cá nhân mình, Ngô không tin rằng nó thất lạc.
Ngay khi ông Chánh Văn phòng vừa tuyên bố thất lạc thì rất nhiều người dân mất đất vì khu đô thị mới này đã xuất hiện trên báo với bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000 trong tay. Vậy mà, không có bất cứ lãnh đạo nào của thành phố cất lời xin tham khảo hoặc mượn bản đồ của người dân về nghiên cứu.
Thôi thì cứ nói trắng phớ ra với nhau, chứ e ấp thế này mãi mệt quá. Nghiên cứu sao được khi mà rành rành đất người ta không nằm trong quy hoạch vẫn cứ lấy của người ta.
Ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương (Thanh tra Chính phủ) rất thẳng thắn, "Họ khiếu nại chủ yếu về việc không nằm trong quy hoạch, thu hồi đất của họ nằm ngoài quy hoạch. Họ cũng có một số bản đồ photo thể hiện nằm ngoài quy hoạch; rồi chuyện thu hồi quá quy hoạch.
Thành phố Hồ Chí Minh cứ bảo có quy hoạch, nhưng hỏi bản đồ đâu thì không có. Chúng tôi đã đối thoại với Chủ tịch UBND TPHCM, họ xác định là không tìm thấy.
Việc đền bù và một số thông tin chưa minh bạch ở dự án Thủ Thiêm khiến người dân bức xúc |
Sau đó, Phó Thủ tướng Thường trực họp nhiều cuộc, với cả Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước nhưng đến thời điểm này không có.
Nói với dân mãi là thất lạc bản đồ quy hoạch là không đúng. Đừng có nói thế, bây giờ phải nói là không có. Chả lẽ có mà bị mất thì mất ở tất cả các cơ quan à? Ở đây có cả trách nhiệm của nhiều cơ quan nữa chứ.
Cho đến hiện tại, Thanh tra Chính phủ đang có cuộc thanh tra theo kế hoạch tại khu Thủ Thiêm, có đưa nội dung này vào thanh tra nhưng người dân vẫn yêu cầu Thanh tra Chính phủ thành lập đoàn thanh tra liên ngành để giải quyết tố cáo của họ. Họ tố cáo việc thu hồi đất không có quyết định, không đúng quy hoạch".
Rồi ông Điệp nói tiếp, "Tôi họp với lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cũng nêu ý kiến rằng nên nói thẳng với người dân đến giờ không có bản đồ quy hoạch và cần tìm biện pháp giải quyết tốt cho người dân. Chúng tôi không thể nói khác được. Giờ phải nói với người dân như thế nào, giải quyết ra sao".
Gần Tết năm rồi, ông Nguyễn Hồng Điệp cũng lên tiếng rất mạnh mẽ về một thực tế hết sức đau lòng, "Chúng tôi phối hợp với chính quyền các địa phương để vận động và đưa người dân về quê ăn Tết. Tuy nhiên vẫn có những người dân bám trụ lại Hà Nội để khiếu nại, tố cáo. Thực tế thì có những người dân khiếu nại tố cáo không còn nhà để mà về ăn Tết nữa".
Ông Điệp khẳng định, "Rất nhiều người dân không còn lòng tin với cách giải quyết của chính quyền địa phương, chính vì vậy bám trụ lại Hà Nội để mong cơ quan Trung ương giải quyết dứt điểm sự việc của gia đình mình".
Thật ra thì câu chuyện người dân không còn tin vào chính quyền địa phương trong các vụ việc liên quan đến đất đai hoàn toàn không mới mẻ gì nữa, nhưng để một cán bộ Trung ương xác tín là điều cần thiết, phải nhìn nhận vào thực tế này thì mới có thể có hướng giải quyết hiệu quả, rốt ráo được.
Nhiều năm trước, Ngô có tham gia nhiều loạt bài điều tra về các sai phạm đất đai tại TP.HCM. Ngô hiểu hàng loạt chiêu thức lấy đất của dân từ những cán bộ bất chấp pháp luật, nhưng ngoài trình bày những vụ việc ấy trên mặt báo thì Ngô biết làm gì khác.
Có những nhân vật của Ngô, những người bị mất đất, cho đến giờ vẫn miệt mài theo đuổi kiện tụng. Họ từ những nông dân, quen với ao cá đầm tôm hay vườn rau, giờ đã có thể kể tên vanh vách từ địa chỉ nhà cho đến địa chỉ cơ quan những cán bộ lãnh đạo, họ có thể không cần tra sách vẫn nêu rõ điều luật này quy định ra sao, điều luật kia quy định thế nào, họ có thể không còn một nơi ấm êm để quay về nhưng họ chưa bao giờ nguôi niềm tin vào ngày công lý sẽ tìm đến để trả lại sự công bằng cho họ.
Bằng tất cả sự chân thành của mình, Ngô rất mong lãnh đạo Trung ương làm đến cùng những sai phạm về đất đai của Thủ Thiêm, vì phải lấy đây làm điểm thì mới đến những nơi khác, từ quận 9, quận Thủ Đức cho đến huyện Cần Giờ…
Nhiều năm lắm rồi, các thị dân vẫn phải lần hồi tìm lại quyền lợi chính đáng cho mình, mà lắm khi sự đòi hỏi quyền lợi ấy vẫn rơi vào thinh không, vào im lặng.
Phải làm đến cùng ở TP.HCM, vì ngay một trung kinh tế văn hóa xã hội hàng đầu của đất nước mà còn tồn tại những bất cập thì lòng dân sẽ như thế nào, thì những địa phương khác người dân sẽ còn hoang mang đến đâu.
3. Từ đất công được bán một cách tùy tiện, bán một cách âm thầm không thông qua đấu giá, không thông qua tổ chức, không cần quan tâm đến giá cả thị trường, cứ ấn cho doanh nghiệp rồi tiếp đến là câu chuyện của Thủ Thiêm, rõ ràng TP HCM đang tồn tại nhiều vấn đề không thua kém bất cứ một địa phương nào khác.
Thế cho nên trước khi bàn đến thành phố thông minh, trước khi nghĩ về một thành phố đặc thù được trao các quyền tự quyết, trước khi nói đến xây dựng nhân văn nghĩa tình, nhất thiết phải trả lại cho thành phố sự tôn nghiêm xứng đáng.
Sự tôn nghiêm ấy bắt đầu từ sự thượng tôn pháp luật, từ những cán bộ đúng nghĩa vì quyền lợi của nhân dân thành phố mà ra sức, từ quyền lợi hợp pháp của người dân phải được bảo vệ và đảm bảo. Và hẳn nhiên, đó cũng là sự tôn nghiêm của công cuộc chống tham nhũng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang miệt mài hành động không ngưng nghỉ.
Luật nhân quả tưởng vô hình nhưng lại luôn hữu hình, cái sai không thể nào cứ nằm im trong bóng tối mãi được, Ngô tôi tuyệt đối tin vào điều đó.