Chưa bao giờ có nhiều chuyện dồn dập đến vậy diễn ra trong đời sống ở quãng thời gian này. Gần như bất cứ ngày nào cũng có thông tin nóng, thông tin gây chú ý trong dư luận. Từ chuyện con bò ăn cỏ phải đóng phí, con vịt chạy đồng ăn lúa mót phải đóng phí cho đến chuyện đất công, chuyện lạm quyền bán công sản cho doanh nghiệp, chuyện thất lạc bản đồ quy hoạch 1/5.000 – cơ sở quan trọng nhất để tiến hành quy hoạch.. |
Việc biến mất bản đồ quy hoạch là điều vô cùng nghiêm trọng bởi nó là cơ sở xác định tranh chấp đất đai sau quy hoạch, các yếu tố thỏa thuận đền bù và thu hồi đất lẫn quyền lợi người dân và trách nhiệm của chính quyền.
Tôi nghĩ ngoài chuyện bản đồ, vẫn có những việc tuy mất mà còn...
Việc mất bản đồ quy hoạch gốc được Ủy ban nhân dân TP. HCM họp báo công khai ngày 2-5-2018. Ngay sau đó, sáng ngày 3-5-2018, ông Nguyễn Hồng Điệp - Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương thuộc Thanh tra Chính phủ phát ngôn bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm "làm gì có mà tìm!".
Chiều ngày 3-5-2018, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng công bố có bản đồ quy hoạch năm 1996 và cả bản đồ điều chỉnh 2005. Trên mạng xã hội, một nhóm dân oan Thủ Thiêm tuyên bố họ có bản đồ gốc và tất cả các văn bản của khu vực Thủ Thiêm qua từng thời kỳ liên quan đến việc quy hoạch.
Minh họa: Lê Phương. |
Những thông tin "chọi nhau chan chát" trong nội bộ chính quyền và giữa chính quyền với nhân dân là một điều kỳ lạ. Một điều kỳ lạ mang ý nghĩa xấu: Khiến người dân nghi ngờ tính trung thực của chính quyền và khiến hình ảnh công quyền trở nên thiếu tính minh bạch khi nói xuôi, lúc nói ngược. Nhưng dù là có bản đồ quy hoạch gốc 1/5.000 hay không thì có một điều không thể phủ nhận là trách nhiệm của UBND TP HCM và các cơ quan hữu quan là rất lớn.
Nếu có, dân dư sức chỉ ra việc thay đổi quy hoạch chung hay việc lấy đất dân ngoài quy hoạch gốc. Nếu không có, cơ sở gì để thu hồi đất của người dân?
Xin kể một câu chuyện khác, tôi từng dành 6 tháng để về khu vực Quận 2, Quận 9, Thủ Đức (TP HCM) để tìm hiểu về những mâu thuẫn đất đai ở đây. Người dân đã khóc khi chỉ cho tôi những chung cư, biệt thự nằm trên đất ngày xưa của họ.
Người dân khóc khi chỉ cho tôi những vết sẹo do phản đối cưỡng chế, do những trận đòn giang hồ dằn mặt để họ không đi khiếu nại, khiếu kiện. Người dân khóc khi trong bữa cơm kể về việc họ đi làm thuê, làm xe ôm, ôsin,... khi tôi hỏi về việc họ mưu sinh thế nào sau khi mất đất v.v...
Đó là một hiện thực không chỉ ở Thủ Thiêm!
Và có một hiện thực khác mà Đảng và Chính phủ không thể không quan tâm: Đảng viên, cán bộ đang làm mất quá nhiều hồ sơ quan trọng. Biên bản sổ họp của UBND Phú Yên cũng được thông báo "mất" dù trong đó là trách nhiệm của những cá nhân, tập thể liên quan đến việc phá hơn 1.000ha rừng, trong đó có cả rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn.
Một vụ việc nghiêm trọng như vậy và có kết luận của Thanh tra Chính phủ nhưng đến nay vẫn không có ai trong cơ quan công quyền Phú Yên bị xử lý hình sự.
Còn nhớ hồ sơ của tội phạm tham nhũng Trịnh Xuân Thanh cũng từng biến mất. Trước đó nhiều quan chức liên quan cũng nói rằng "đúng quy trình" khi bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh qua các thời kỳ.
Đến khi Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn thì mới vỡ lẽ nhiều cán bộ đã đúng quy trình một quy trình không đúng. Hồ sơ của hot girl Quỳnh Anh ở Thanh Hóa được bổ nhiệm sai cũng lùm xùm để rồi một phó chủ tịch tỉnh bị kỷ luật vì nâng đỡ không trong sáng".
Nay hot girl đã rời Việt Nam và có lẽ mọi chuyện đã được khép lại hẳn rồi. Cán bộ làm mất hồ sơ của "đại gia điếu cày" Lê Thanh Thản với các sai phạm về xây dựng thì Hà Nội chỉ kỷ luật cán bộ làm "mất" hồ sơ ở mức... khiển trách.
Mất hồ sơ Nhà nước là một việc vô cùng nghiêm trọng nhưng nhiều cán bộ phát ngôn như mất... một tờ giấy nháp. Có lẽ nào vì xưa nay kỷ luật chỉ là đóng cửa bảo nhau và nghiêm túc rút kinh nghiệm? Mất hồ sơ cũng có thể mất luôn lòng tin nhân dân, mất luôn tính tôn nghiêm của Nhà nước và mất cả hình ảnh của Việt Nam ở địa phương lẫn trung ương.
Nhưng hồ sơ dù mất thì vẫn còn một điều còn đọng lại không thể phủ nhận: Thể chế còn qua nhiều lỗ hổng để những cán bộ vô trách nhiệm làm mất hình ảnh của chính thể. Nếu không cải cách thể chế quyết liệt thì mất và còn vẫn mang tính mâu thuẫn xã hội hướng đến những điều tồi tệ hơn...
Chỉ sợ nhất một điều: Khi mâu thuẫn tích tụ đến độ nào đó, người dân sẽ mang suy nghĩ với năng lượng đầy tiêu cực đến độ không có điểm dừng đối với những người còn cố tình làm mất quyền lợi của dân.