Phóng sự

Siết chặt quản lý, giáo dục đối tượng sử dụng ma túy đá

08:11, 10/03/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Để hạn chế các vụ án do đối tượng ngáo đá gây ra, thời gian qua trên cả nước đã có nhiều mô hình, biện pháp quản lý, xử lý người có biểu hiện sử dụng ma túy đá.

Sau hơn 20 năm thâm nhập, đến nay ma túy tổng hợp (MTTH) đã trở thành một vấn nạn lớn đối với xã hội do tình trạng sử dụng MTTH ngày càng gia tăng. Để đối phó với tình trạng trên, đã có nhiều văn bản được ban hành nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này nhưng trên thực tế vẫn còn nhất nhiều khó khăn.

Từ các vụ án đau lòng xảy ra do các đối tượng ngáo đá gây ra, bài toán đặt ra trong công tác phòng ngừa tội phạm, quản lý giáo dục đối tượng ở cộng đồng dân cư cũng như việc quản lý các đối tượng trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.

Trong quá trình viết phóng sự này, chúng tôi đã trao đổi với một số cán bộ trực tiếp tham gia giải quyết những việc liên quan đến các đối tượng ngáo đá gây ra, trong đó có các vụ bắt cóc và giải cứu con tin... Do tính chất của đối tượng phạm tội mà công tác giải quyết các vụ án này gặp nhiều khó khăn, quá trình giải quyết cán bộ chiến sỹ phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm.

Vụ việc xảy ra tại TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai vào 16h45 ngày 26-1 là một ví dụ. Trước khi thực hiện hành vi phạm tội, đối tượng Nguyễn Xuân Thịnh (26 tuổi, trú tại số nhà 084, đường Sơn Đạo, thành phố Lào Cai) kẻ nghiện ma túy đá; có một tiền án về tội cướp giật đã sử dụng ma túy đã bị ảo giác. Cho rằng có một người đang truy đuổi anh ta, đối tượng này trên đường đi lang thang đã dùng dao nhọn uy hiếp chị Phạm Hà Vi.

Đối tượng Nguyễn Xuân Thịnh uy hiếp con tin.
Đối tượng Nguyễn Xuân Thịnh uy hiếp con tin.

Quá trình giải cứu nạn nhân gặp rất nhiều khó khăn do sự manh động của đối tượng gây án. Đối tượng Thịnh bị kích động mạnh do ảo giác đã dùng dao nhọn kề vào cổ con tin uy hiếp...

Trong tình huống đó, các đơn vị gồm Công an phường Duyên Hải, các đội nghiệp vụ Công an thành phố Lào Cai và cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai đã thuyết phục rồi khống chế đối tượng, giải cứu an toàn cho con tin sau 45 phút căng thẳng.

Thực tế cho thấy, trên 90 % các vụ việc đối tượng ngáo đá có hành vi vi phạm pháp luật đều được giải quyết bằng phương pháp thuyết phục, động viên... Trong quá trình thương thuyết, yêu cầu đảm bảo an toàn cho nạn nhân và nhân dân luôn được các cán bộ thực thi nhiệm vụ đặt lên hàng đầu.

Trong trường hợp này, tổ công tác được giao nhiệm vụ lựa chọn người thương thuyết là người thân trong gia đình dòng họ, người am hiểu tâm lý, có uy tín với đối tượng. Quá trình giải cứu, cán bộ, chiến sỹ phải nhanh chóng đánh giá, đưa ra những quyết định kịp thời, để vừa nắm bắt được thông tin về đối tượng, đảm bảo an toàn cho nạn nhân....

Để hạn chế các vụ án do đối tượng ngáo đá gây ra, thời gian qua trên cả nước đã có nhiều mô hình, biện pháp quản lý, xử lý người có biểu hiện sử dụng ma túy đá. Một trong số đó là mô hình của Công an TP Hà Nội. Do đặc thù Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước, tập trung nhiều đầu mối giao thông nên các vụ việc xảy ra trên địa bàn không chỉ là người Hà Nội gây ra, mà còn do các đối tượng từ địa phương khác, sau khi sử dụng MTTH có biểu hiện loạn thần về Hà Nội gây án...

Công an TP Hà Nội đã triển khai thực hiện Hướng dẫn số 452 về “Công tác quản lý người sử dụng MTTH gây suy giảm chức năng nhận thức, hoang tưởng, loạn thần, ảo giác trên địa bàn TP Hà Nội”; Kế hoạch số 349 về “phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm gây án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do nguyên nhân xã hội, quản lý người tâm thần có xu hướng bạo lực, người sử dụng MTTH có biểu hiện ngáo đá trên địa bàn TP Hà Nội”.

100 % các đối tượng có biểu hiện ngáo đá đều có hồ sơ quản lý; mỗi đối tượng có biện pháp quản lý và giao trách nhiệm cụ thể gắn với từng cán bộ quản lý. Từ tháng 11-2016 đến giữa năm 2017, Công an TP Hà Nội đã rà soát, lập hồ sơ quản lý 251 đối tượng có biểu hiện ngáo đá; đưa đi cai nghiện bắt buộc 6 đối tượng; vận động đi cai nghiện tự nguyện 28 đối tượng; đi chữa bệnh tâm thần 18 đối tượng... Các biện pháp trên đã góp phần giảm các vụ phạm pháp hình sự do đối tượng có biểu hiện ngáo đá gây ra.

Trên cả nước hiện nay, việc quản lý người nghiện nói chung, đối tượng có biểu hiện ngáo đá nói riêng hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Theo đó, nguyên nhân bắt đầu từ hệ thống văn bản pháp luật.

Theo Thông tư liên tịch số 17/TTLT-BYT-BLĐTBXH-BCA ngày 9-7-2015, quy định thẩm quyền, thủ tục và quy trình xác định người nghiện thì phải là bác sỹ, y sỹ, có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; có chứng chỉ hoặc chứng nhận tập huấn về chẩn đoán và điều trị cắt cơn nghiện ma túy do Cục Quản lý khám, chữa bệnh- Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức hoặc các bệnh viện được Bộ Y tế giao...

Ngoài ra, về quy trình xác định người nghiện ma túy chất dạng Amphetamine thì phải khẳng định được ít nhất 3 trong 6 triệu chứng trong vòng 12 tháng. Thế nhưng năm trong sáu triệu chứng làm căn cứ kết luận là triệu chứng cơ năng (đối tượng tự khai). Mà trong thực tế, đối tượng chỉ nhận mình có sử dụng ma túy đá nhưng không nhận mình là người nghiện ma túy và khẳng định sẽ tự bỏ được.

Trong khi đó, hội chứng cai nghiện ma túy đá thường không xuất hiện hoặc xuất hiện rất mờ nhạt; việc xác định đối tượng có sử dụng MTTH hay không phụ thuộc hoàn toàn vào thử test hoặc xét nghiệm máu... và phụ thuộc vào lời khai của đối tượng. Đối tượng khi được gia đình, chính quyền địa phương đưa tới trung tâm để xác định tình trạng nghiện thường đang trong trạng thái ngáo đá nên việc hỏi đáp, gặp rất nhiều khó khăn.

Về mặt pháp luật, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, Nghị định số 221/2013, Thông tư Liên tịch số 17/2015 thì quy trình xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người nghiện MTTH trên thực tế vẫn chưa thực hiện được vì cần phải có thời gian lưu giữ để theo dõi dấu hiệu lâm sàng. Quá trình lưu giữ đối tượng ở đâu, do ai lưu giữ, trường hợp nào chưa có quy định cụ thể.

Việc không xác định được tình trạng nghiện đối với người sử dụng MTTH đã gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan Công an trong việc thống kê, báo cáo, lập hồ sơ quản lý và có hình thức cai nghiện phù hợp đối với người nghiện MTTH.

Cùng với đó, hiện nay, việc quản lý đối tượng nghiện MTTH có biểu hiện ngáo đá chủ yếu do cơ quan Công an trực tiếp thực hiện, sự tham gia của các lực lượng khác như cấp ủy, chính quyền cơ sở và tổ chức đoàn thể xã hội còn hạn chế...

Để đấu tranh với đối tượng ngáo đá thì công tác phòng ngừa phải đi trước một bước, đồng thời phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành đoàn thể, các tầng lớp nhân dân vào công tác phòng ngừa.

Cùng với đó là việc nâng cao chất lượng dịch vụ cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy; hỗ trợ, nhân rộng mô hình cai nghiện dựa vào gia đình, cộng đồng và có hiệu quả.

Cơ quan Công an tiếp tục đẩy mạnh công tác nắm tình hình địa bàn; di biến động của các đối tượng có điều kiện, khả năng hoặc biểu hiện nghi vấn các hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy nói chung và MTTH nói riêng để tập trung phòng ngừa, đấu tranh, xử lý.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ANTT gồm quản lý nhân, hộ khẩu; kiểm soát tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như quán bar, karaoke...

Với các trường hợp đối tượng sử dụng MTTH có biểu hiện ngáo đá cần được áp dụng biện pháp đi chữa bệnh tâm thần hoặc cai nghiện tự nguyện. Sau khi đối tượng trở về địa phương cần tiếp tục theo dõi, quản lý đối tượng bằng hồ sơ; đồng thời phối hợp với gia đình thường xuyên gọi hỏi, giáo dục để nắm tình hình và diễn biến hoạt động trên địa bàn.

Theo Báo CAND

Các tin khác