Phóng sự
Ngày xuân của những người lính trọng án
(Congannghean.vn)-Mong muốn được cùng gia đình quây quần bên mâm cơm tất niên tưởng như đơn giản, nhưng đối với những người lính hình sự nói chung và lính trọng án nói riêng thì đôi khi vẫn là ước mơ xa xỉ. Do tính chất công việc, có những thời điểm các anh phải đón giao thừa trên đường đi đánh án.
Tổ công tác của Đội Trọng án Phòng Cảnh sát Hình sự triển khai kế hoạch phá án |
1. Trọng án là các vụ án có tính chất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng và phần lớn các vụ án đều chưa xác định được thủ phạm mà lính trọng án gọi là “án mờ”. Cũng bởi tính chất nghiêm trọng của các vụ án nên các đối tượng sau khi gây án thường tìm mọi thủ đoạn để che giấu hành vi, xóa dấu vết hiện trường, tạo chứng cứ ngoại phạm, thậm chí có những đối tượng lo sợ phải chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật nên có hành vi tự tử. Để đưa được thủ phạm ra ánh sáng, những người lính trọng án cùng với các đội nghiệp vụ phải lần tìm từng manh mối nhỏ nhất, cùng với sự nhạy cảm của người trong nghề, các anh dần dựng lên được hiện trường vụ án. Có thể nói, đi tìm sự thật từ con số không chính là nghề và cũng là khó khăn đặc trưng của người lính trọng án.
2. 11 năm gắn bó với nghề, Thiếu tá Hồ Xuân Thành, Đội trưởng Đội Trọng án, Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an Nghệ An cho biết: "Áp lực lớn nhất là thời gian điều tra vụ án. Có những vụ án chỉ điều tra, khám phá trong vài giờ đồng hồ, nhưng cũng có những vụ án phải mất vài tháng, thậm chí cả năm. Có những thời điểm án chồng án, anh em trong Đội phải phân công nhau tỏa đi các hướng để truy tìm dấu vết, cả tháng trời không gặp nhau là chuyện bình thường”.
Trinh sát Đội Trọng án tiếp cận hiện trường vụ thảm sát xảy ra tại bản Phồng (năm 2016) |
Còn nhớ, thời điểm xảy ra vụ thảm án tại bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, do tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ việc, gần như CBCS của Đội Trọng án đều tập trung ở đây để truy tìm hung thủ thì nhận được tin báo ở huyện Quỳ Hợp xảy ra 1 vụ án mạng có liên quan đến yếu tố nước ngoài. Nạn nhân của vụ án là anh Nathu Singh Solanki, công nhân khai thác quặng, mang quốc tịch Ấn Độ, bị sát hại giữa đêm khuya, chưa rõ nguyên nhân và hung thủ. Do tính chất đặc biệt của vụ án, lãnh đạo Công an tỉnh chỉ đạo phải nhanh chóng điều tra, bắt giữ được hung thủ trong thời gian sớm nhất. Không còn cách nào khác, Đội Trọng án đã phải chia nửa quân số, để vừa tiếp tục điều tra vụ án ở bản Phồng, vừa tức tốc sang huyện Quỳ Hợp để làm rõ vụ giết người trong đêm. Kết quả, chỉ sau thời gian rất ngắn, hung thủ đã bị bắt.
Thiếu tá Hồ Xuân Thành chia sẻ: Tính chất đặc biệt nghiêm trọng của các vụ trọng án thường gây hoang mang cho quần chúng nhân dân, vì vậy, anh em phải chạy đua với thời gian để tìm bằng được hung thủ. Bởi thế, lính trọng án thường không có khái niệm ngày thường hay ngày lễ, Tết. “Đối với anh em chúng tôi thì 30 chưa phải là Tết, chỉ khi nào điều tra xong vụ án, đưa được đối tượng ra ánh sáng thì đó là Tết. Bản thân tôi 11 năm gắn bó với nghiệp là lính trọng án, chỉ may mắn được một vài lần đón giao thừa cùng vợ con, còn lại đều phải đón năm mới ở cơ quan hoặc trên đường đi đánh án”.
Còn nhớ Tết Quý Tỵ 2013, đúng 23 giờ ngày 8/2/2013 (tức ngày 29 Tết), Phòng CSHS nhận được tin báo, tại bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông xảy ra vụ án giết người khiến 2 nạn nhân tử vong. Đặc biệt, 2 nạn nhân này đều là người dân tộc Đan Lai, đây là dân tộc thiểu số sống trong vùng lõi của rừng Quốc gia Pù Mát. Trước nguy cơ suy thoái giống nòi, tháng 12/2006, Chính phủ đã có Đề án "Bảo tồn và phát triển bền vững tộc người thiểu số Đan Lai hiện đang sinh sống tại vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An", di dời họ về tái định cư ở xã Thạch Ngàn. Án mạng xảy ra khiến người dân nơi đây, đặc biệt là đồng bào dân tộc Đan Lai cảm thấy bất an và muốn quay trở về rừng để sinh sống.
Ngay khi tiếp nhận tin báo, lãnh đạo Phòng đã thành lập 1 tổ công tác, do Đại tá Phạm Hoài Nam, khi ấy đang là Phó Trưởng phòng làm Tổ trưởng, cùng các CBCS của Đội Trọng án lên đường. Lên đến nơi xảy ra vụ án mạng cũng đã hơn 2 giờ sáng 30 Tết. Không ai bảo ai nhưng trong lòng mỗi thành viên tổ công tác đều mong muốn nhanh chóng điều tra, tìm ra thủ phạm để trấn an dư luận; vì năm hết, Tết đã cận kề, nếu hung thủ chưa bị bắt thì bà con ăn Tết không vui và làm ảnh hưởng đến chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người dân tộc Đan Lai; đồng thời anh em cũng muốn sớm được về cùng vợ con quây quần đón giao thừa. Với quyết tâm ấy và bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, Tổ công tác nhanh chóng khoanh vùng đối tượng và chỉ vài tiếng sau đã bắt được hung thủ.
Thiếu tá Hồ Xuân Thành nhớ lại, buổi sáng 30 Tết năm ấy, khi hung thủ chưa được xác định thì cả bản Thạch Sơn, các gia đình đều đóng cửa im lìm, không ai dám ra khỏi nhà để chuẩn bị cho đêm giao thừa. Chính những hình ảnh đấy đã khiến Tổ công tác càng quyết tâm phá án. Đến gần trưa, khi hung thủ bị bắt thì bà con dân bản mới mở cửa và nhộn nhịp trang hoàng nhà cửa đón Tết. Trên đường dẫn giải các đối tượng về trụ sở, 2 bên đường, những đứa trẻ ríu rít nô đùa, còn người lớn bận rộn chuẩn bị bữa cơm tất niên khiến những người lính trọng án vốn dĩ rất cứng rắn cũng thấy lòng mình chùng xuống. Về đến trụ sở cơ quan, sau khi hoàn tất các thủ tục, anh em vội vã trở về nhà vừa đúng thời khắc giao thừa. Vợ con nhìn thấy chồng về trong khoảnh khắc ấy đã không giấu nổi cảm xúc, vội vã quay đi lau những giọt nước mắt hạnh phúc.
3. Vì bình yên và hạnh phúc của nhân dân, những chiến sỹ CAND nói chung và lính hình sự, đặc biệt là lính trọng án nói riêng, đã hy sinh hạnh phúc riêng tư để mang lại mùa xuân cho cuộc đời. Và câu cửa miệng “30 chưa phải là Tết” luôn đúng với anh em trong Đội Trọng án. Để xóa được các vụ “án mờ”, đưa hung thủ từ bóng tối ra ánh sáng, ngày lễ, ngày Tết của các trinh sát luôn đến muộn. Dẫu có những thời khắc cũng nao lòng trước khát vọng đoàn viên, nhưng đâu đó vẫn còn tội phạm giấu mặt, các anh lại hăng hái lên đường...
Phương Thủy