Phóng sự
Nơi những lá cờ 'bay khắp chốn giang sơn'
Một không khí thật khác thường trong làng Tự Vân, Thường Tín, Hà Nội mấy đêm vừa qua, khi đội bóng đá U23 Việt Nam lọt vào Vòng Chung kết Giải bóng đá châu Á-2018. Khác lạ bởi vào thời điểm này, những người may cờ Tổ quốc trong làng cũng như vào hội.
Họ phải thức trắng đêm làm cho đủ số cờ mà các cửa hàng trên phố đã đặt, để bán cho những người hâm mộ bóng đá đổ xuống đường ăn mừng. Hàng chục ngàn lá cờ tung bay trong những ngày xuân với niềm vui rạo rực lòng người.
Ký ức vàng sao
Chúng tôi về Từ Vân bắt gặp những niềm vui khá bất ngờ bởi đúng lúc nhiều gia đình may cờ đua nhau thực hiện các hợp đồng “nóng” trong ngày. Họ mải miết với những cánh sao vàng năm cánh và những đường may thẳng tắp trên nền cờ đỏ trải dài khắp nơi.
Chúng tôi được mấy người dân trong làng dẫn tới gia đình nghệ nhân Đặng Thị Đàn (65 tuổi), nơi có tiếng làm nhiều cờ nhất làng, với nhiều mẫu cờ trong nước và quốc tế. Con trai bà tiếp nối nghề truyền thống của gia đình và cũng là người đi tiên phong áp dụng những công nghệ mới đã vài năm qua.
Nghệ nhân Đặng Thị Đàn. |
Bà hồ hởi kể về công việc của con cháu mấy hôm nay làm không kịp trả hàng. Người đi tuần hành trên đường những ngày qua, hầu hết là vẫy cờ làm từ làng Từ Vân cả. Họ cứ hát vang bài ca “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”, chúc mừng chiến thắng của đội bóng đá nước nhà. Vui không sao kể xiết. Bà cười vui như muốn trao niềm hân hoan sang chúng tôi trong một ngày khác lạ ở nơi đây. Một ngày hội làm cờ đột xuất náo nức cả xóm làng.
Lát sau, tâm sự với chúng tôi về khởi thủy của làng nghề may cờ, bà bồi hồi nhớ lại những ký ức khó quên, được các lão làng kể lại. Thực ra Từ Vân gốc là làng thêu lâu đời. Bố chồng bà là một trong những nghệ nhân giỏi trong làng. Bà nhớ vào một ngày đầu mùa thu cách mạng, nhiều bà con có cửa hàng trên phố Hàng Bông thông báo, cả làng chuẩn bị làm cờ phục vụ kháng chiến, cướp chính quyền đến nơi rồi!
Những người thợ giỏi nhất làng ngày đó được tập hợp vào tổ hợp tác “Cờ đỏ” để may cờ đỏ sao vàng cung cấp cho cách mạng. Mọi người làm ngày làm đêm cho kịp thời gian. Nhiều đêm phải làm dưới ánh đền dầu cay sè con mắt. Có đêm hết dầu, mọi người còn phải thêu cờ trong ánh chớp của quả pháo sáng, nhưng ai nấy đều tập trung với công việc.
Một không khí rạo rực tưng bừng khắp đất nước, chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám, 1945. Cướp chính quyền. Toàn dân nô nức xuống đường ủng hộ Cách mạng và đi phá kho thóc của giặc Nhật chia cho dân nghèo. Đó là một cuộc nổi dậy bừng bừng khí thế sau nạn đói khủng khiếp của dân tộc ta. Thời cơ đã đến! Những lá cờ đỏ sao vàng của làng Từ Vân tung bay trên khắp ngả đường ngoại ô tiến vào thành phố.
Đoàn quân vũ khí tuy còn thô sơ, nhưng trong tay người nào cũng phất cao lá cờ, hô vang khẩu hiệu. Hàng ngàn lá cờ trùng điệp tung lên trong lời ca tiếng hát: “Mười chín tháng Tám. Ánh sao tự do đưa tới. Cờ bay muôn nơi, muôn ánh sao vàng. Máu pha tươi hồng trên lá cờ bay khắp chốn giang sơn...”.
Đặc biệt sau đó những lá cờ đỏ sao vàng của làng Từ Vân còn được tung bay trong ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập vào ngày Quốc khánh 2-9-1945. Người làng còn nhớ lại sau Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-12-1946), cả làng Từ Vân vẫn tiếp tục may cờ để đưa lên chiến khu cách mạng. Họ âm thầm thêu những ngôi sao năm cánh với tất cả tấm lòng của mình mong cách mạng chiến thắng trở về.
Không ít gia đình đã gìn giữ những lá cờ của riêng mình với niềm tin hướng tới Việt Bắc. Họ chờ đợi, bởi ở nơi đó họ luôn luôn nhớ đến hình Bác Hồ với lá cờ trong mộng ngày nào. Đó là những vần thơ mà Bác đã làm từ những năm tháng còn bị giam cầm nơi đất khách quê người. Bác viết: “Một canh... hai canh... lại ba canh. Trằn trọc băn khoăn giấc chẳng thành. Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt. Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh” (“Không ngủ được” - Hồ Chí Minh)...
Nghệ nhân Đặng Thị Đàn nở một nụ cười tươi rồi khẳng định, có thể nói làng nghề thêu may cờ của Từ Vân được hình thành từ năm 1945. Đó chính là niềm tự hào của dân làng, trong suốt thời gian 73 năm qua. Một quá trình phát triển mới của làng thêu Từ Vân, tiếp nối nghề truyền thống thêu ren, ông cha để lại.
Bà luôn luôn nhớ lời bố chồng căn dặn, nghề may cờ của làng là một sứ mệnh thiêng liêng của dân tộc trao cho chúng ta, vậy hãy truyền lại cho con cháu giữ lấy nghề. Chính vì thế, con trai bà rồi đến các cháu nội bà cũng thể hiện tình yêu với công việc, thêu may cờ đỏ sao vàng. Bà thường ru cháu gái bằng bài hát về ánh sáng của những ngôi sao trên bầu trời.
Và, trong giấc mơ tiếng hát vẫn vang lên: “Một ông sao sáng hai ông sáng sao. Ba ông sao sáng. Sáng chiếu muôn ánh vàng... Đêm thì khắp bốn phương trời toàn sao lóng lánh sáng ngời chiếu xa. Ngày thì sao sáng giữa cờ vàng đỏ em đếm… trăm nghìn vạn triệu vô số hằng hà trên đất Việt Nam”.
Một góc xưởng may cờ. |
Lá cờ kỷ lục
Sau khi cùng thợ chuyển một vận đơn may cờ mới, anh Nguyễn Văn Phục, con trai nghệ nhân Đàn mới có thời gian tiếp chuyện chúng tôi. Anh lau những giọt mồ hồi trên trán, rồi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cách đây đã gần hai mươi năm. Khi ấy anh mới 22 tuổi, theo bố mẹ làm nghề từ khi còn nhỏ và rất khéo tay trong những việc may cờ và thêu hàng.
Anh nhớ trong đêm ấy, bố anh họp cả nhà cho biết, bên quân đội đến đặt làm một lá cờ rộng 54 mét vuông, để treo trên đỉnh Lũng Cú, Hà Giang. Ông phân vân không biết có khả năng đáp ứng nhiệm vụ được trao không. Ngay lập tức, anh Phục giơ tay khẳng định, làm được. Anh xin bố nhận trách nhiệm công việc, bởi lúc này anh đã cùng vợ mới cưới đứng ra làm ăn riêng, với chính tay nghề đã vững vàng của mình.
Đôi mắt người cha rực sáng tự hào khi thấy con trai quả quyết và dám làm một việc lớn như vậy. Bởi nhiều thợ trong làng đã từng làm cờ lớn cho các lễ hội, hay kỷ niệm trọng đại, nhưng làm cờ rộng đến hơn cả sân đình thì chưa bao giờ. Thế là anh Nguyễn Văn Phục đã đứng tên hợp đồng làm lá cờ độc đáo và linh thiêng này. Một khởi đầu cho ý chí lớn của những người lao động trẻ trong làng.
Tiếng đồn vang xa. Cả làng hồi hộp chờ đợi. Ai nấy đều mong chung tay góp sức đóng góp cùng người thợ trẻ làm lá cờ có một không hai này. Một lá cờ mang ý nghĩa nâng cao tình đoàn kết giữa 54 dân tộc anh em trong cộng đồng Việt Nam. Rộng tới 54 mét vuông quả là một thử thách lớn. Đó là những ngày đêm tập trung mọi công việc chuẩn bị cho một dự án lớn đối với Nguyễn Văn Phục. Nào đo đạc, nào kẻ vẽ, nào tính toán tỉ lệ đối xứng.
Rồi nữa, chọn loại vải nào chịu được sức gió mạnh trên đỉnh núi cao, hoặc lấy chỉ may ở hãng nào cho bền đường may... Không ít đêm, anh đã thức trắng để hoàn chỉnh từng bước theo tiến độ, trên bản vẽ và sửa theo ý kiến đóng góp của người cha và những lão nghệ nhân trong làng.
Sau hàng tháng chuẩn bị anh cùng các cộng sự bắt tay vào công việc. Ai vào việc nấy. Nhưng có lẽ với một ông sao vàng lớn may sao cho đẹp đường chỉ và thẳng nuột không dễ chút nào. Nguyễn Văn Phục đã mất mấy ngày thao tác thử rồi mới đủ tự tin để may chính thức, cho dù ngỡ như mọi tính toán đo đạc đâu vào đấy, hết sức khoa học. Nhưng cắt may sao cho ưa con mắt, không phải dễ dàng, với một diện tích khó hình dung trong tầm mắt.
Đúng lời ông nội đã từng nói, đây là một công việc thiêng liêng, làm bằng cả tâm hồn mình. Đó là sự gửi gắm của trái tim chứ không chỉ là những đường may khô cứng, thẳng đơ. Quả nhiên, mỗi đường may viền những cánh sao, Nguyễn Văn Phục đã tập trung cao độ, với ánh sáng soi rọi vô thường từ đâu đó đem lại. Những giọt mồ hôi trên trán hay gò má anh đều được người vợ thấm bằng chiếc khăn thêu gối hoa của hai người.
Một ký ức đẹp mà anh không bao giờ quên. Mỗi đường kim mũi chỉ đều có sự đóng góp tận tình của người vợ yêu. Bởi trong thời gian đó tất cả mọi việc đều phải làm bằng tay, đòi hỏi sự tỉ mỉ và thận trọng trong từng chi tiết, nếu hỏng dù chỉ một góc nhỏ cũng phải làm lại từ đầu. Trong thời gian chừng gần tháng trời, lá cờ kỷ lục đã ra đời. Ngay lập tức sau đó chỉ mấy ngày, người dân làng Từ Vân vô cùng tự hào được ngắm lá cờ tung bay trên đỉnh Lũng Cú, qua màn ảnh truyền hình.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Phục với lá cờ mới hoàn thành. |
Kể cho chúng tôi nghe về kỳ tích, một lá cờ kỷ lục do mình làm ra, niềm vui vẫn còn ánh lên trong mắt. Sau đó anh còn dẫn chúng tôi ra chiếc máy cắt laser mà gia đình anh đã nhập vài năm nay. Hệ thống máy mới gồm cả may thêu tự động lẫn máy in màu cùng dàn máy tính điều khiển. Anh lôi ra cho chúng tôi xem những mẫu cờ quốc tế mà anh đã từng làm.
Hầu như hàng chục ngàn chiếc cờ gia đình anh phải gửi đi mỗi tháng được đưa đi khắp đất nước. Nhất là Thủ đô Hà Nội. Mỗi khi nhu cầu thị trường đòi hỏi, anh đã phải huy động bà con làm nghề trong làng cùng thực hiện những hợp đồng lớn, cho kịp thời điểm giao hàng. Anh khẳng định, hầu hết những lá cờ phục vụ các ngày lễ lớn và đại hội các cấp Hà Nội đều về làng Từ Vân mua.
Anh cười vui nói, nhất là đợt đặt hàng mới cung cấp cho các cổ động viên bóng đá thôi, cũng phải huy động hàng chục gia đình cùng làm mới đáp ứng nổi trong một thời gian ngắn.
Như màu của bình minh
Câu chuyện giữa chúng tôi đang sôi nổi, bất ngờ một bài hát quen thuộc về lá cờ vang lên, từ chiếc điện thoại của một thiếu niên đang may lá cờ mới. Đó chính là Nam, con trai anh Nguyễn Văn Phục, người cũng say mê với những công việc thêu may của gia đình. Anh kể từ khi còn bé cháu Nam (hiện học lớp 9) đã cùng em gái làm những công việc trong phân xưởng như giặt vải, thêu sao, hay may cờ.
Lời bài hát rộn rã tươi vui ngân vang: “Cờ bay màu của niềm tin. Đỏ như lời hứa của mình em ơi... Trong vui sướng giữa thương đau. Màu cờ đỏ vẫn thắm màu lòng tôi. Ru em trong ánh mặt trời. Ôi màu cờ ấy là lời tình yêu”. Chúng tôi hết sức ngạc nhiên ở nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Phục, khi anh nắm rất vững lịch sử và nguồn gốc lá cờ cách mạng.
Anh Phục đã không ít lần kể về sự ra đời của lá cờ đỏ sao vàng cho các con nghe. Đó là câu chuyện về những người chiến sĩ cách mạng trong lao tù, từ thời Nam Kỳ khởi nghĩa (năm 1940). Anh muốn truyền lại cho lớp con cháu và các bạn thợ trẻ, cần phải biết ý nghĩa về công việc may cờ, không chỉ thuần túy là miếng cơm manh áo.
Chúng tôi lắng nghe anh đọc những vần thơ của chiến sĩ, liệt sĩ cách mạng Nguyễn Hữu Tiến. Từng lời như thấm vào chúng tôi những ký ức của một thời kỳ nóng bỏng: “Hỡi những ai máu đỏ da vàng. Hãy chiến đấu dưới cờ thiêng Tổ quốc. Nền cờ thắm máu đào vì nước. Sao vàng tươi, da của giống nòi. Đứng lên mau hồn nước gọi ta rồi. Hỡi sỹ nông công thương binh. Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh”.
Trước mắt chúng tôi là hàng vạn lá cờ trong gia đình anh Phục đang chuẩn bị xuất xưởng. Dường như những tiếng reo hò của các cổ động viên trẻ đang vang lên trong niềm vui bất tận, cùng những đường cờ giăng trên các đại lộ, quảng trường, cũng chính là ngày hội của dân làng Từ Vân. Họ hát ca cùng với những sự kiện của dân tộc đang chuẩn bị bước vào năm mới, với muôn vàn hy vọng vươn ra biển lớn, trong hội nhập thế kỷ 21.
Nguồn: CSTC/Báo CAND