Phóng sự
Đời cửu vạn sân ga
09:12, 22/01/2018 (GMT+7)
Đời cửu vạn đã cho họ thật nhiều trải nghiệm về thân phận cần lao. Họ lấy sân ga làm nhà, nền xi măng làm chiếu. Ngày đông giá rét cũng như mùa hè "đỏ lửa", khổ cực quen rồi nên không còn cảm giác khổ hơn nữa. Không phải ai cũng hiểu được cuộc sống và nỗi buồn vời vợi của họ...
1. 21h, tiếng còi tàu hú dài sân ga Nha Trang (Khánh Hòa). Hành khách hối hả lên tàu, bỏ lại phía sau những bao bịch hành lý ngổn ngang, đồ sộ cho người cửu vạn. Trong khoảng 30 phút trước khi tàu xuất bến, cửu vạn phải làm sao khuôn vác tất cả khối hành lý lên toa. Họ phải chạy đua với thời gian và đánh vật với sức khỏe.
Ông Trần Văn Cường (55 tuổi) vừa ghé vai vác bao hành lý vừa thở hắt, nói nghẹn: "Bao này cỡ năm chục ký, vận chuyển từ ngoài đường vào sân ga rồi cho lên toa tôi kiếm được 30 ngàn". Có những hàng quá cồng kềnh không cho lên xe kéo được nên ông Cường phải cõng. Chiếc bao tải khổ lớn đè xuống tấm lưng trơ xương của người cửu vạn, nhìn từ xa chẳng còn thấy dáng hình con người nữa mà chỉ là cái bao di động.
Những cửu vạn sân ga luôn phải làm việc cật lực trước mỗi chuyến tàu lăn bánh. |
Vừa nhả hàng vào toa, ông Cường lại tất tả cho chuyến thứ hai, ông không có thời gian nghỉ, dù chỉ vài phút. Thời điểm cách Tết âm lịch một tháng, cửu vạn làm việc liên tục ngày đêm.
Ông Cường cho biết, lượng hàng hóa chuyển từ Nha Trang vào TP. Hồ Chí Minh rất nhiều và ngược lại, chưa kể hàng hóa của hành khách mang theo mỗi chuyến đi. Do đặc thù ga biển nên cá mú, tôm cua, nước mắm ngày nào cũng ăm ắp lên tàu. Chiếc áo lao động của ông Cường sặc mùi "hải sản", để lâu quyện với mùi mồ hôi thì chuyển sang mùi "cá mắm", chỉ có cánh cửu vạn mới thích nghi được.
Ông Cường quê ở Ninh Hòa, lên ga Nha Trang làm cửu vạn được hơn hai năm. Ngày trước, ông là một diêm dân quanh năm bán mặt ngoài đồng muối. Từ ngày giá muối trồi sụt, gia đình ông lâm cảnh nợ nần, túng quẫn. Vợ ông ngày nào cũng ra ruộng muối ứa nước mắt than trời trách biển.
Ông Cường thổ lộ, hạt muối và nghề làm muối một thời được ví như "lộc vàng" của biển, nhưng theo thời gian, biển mặn đã không đem đến cho diêm dân cuộc sống no ấm như xưa.
Hàng hóa đổ về ga nhiều nhất vào dịp tết. |
Mọi năm, sau khi ăn Tết xong, người dân Khánh Hòa đồng loạt ra đồng sản xuất muối. Tuy nhiên, mấy năm nay thời tiết nghịch, cứ vài ba ngày lại đổ mưa, ruộng muối chìm trong nước, độ mặn giảm khiến vụ muối bị trễ, thu hoạch không đúng thời điểm nên giá rẻ như cho. Vậy là ông Cường dứt muối ra đi.
Ở thành phố Nha Trang có người bà con làm nghề "chạy tàu" đã cưu mang, giới thiệu ông vào làm cửu vạn. Ngày đầu làm nghề, ông chỉ vác được 30 ký mà chân tay đau tê tái, lưng nhức không gượng dậy nổi.
Ông gọi điện về cho vợ, kể khổ sở vất vả. Vợ khuyên chồng thôi về nhà, rau cháo nuôi nhau. Nhưng vừa dứt lời, ông nhìn thấy những đồng nghiệp của mình cong người gùi hàng, đôi chân thoăn thoắt trên đường ray, nói cười rôm rả, ông lại sốc mình, quyết chí đứng dậy.
Cực nhọc rồi cũng quen, đời cửu vạn đã cho ông thật nhiều trải nghiệm về thân phận cần lao. Không phải ai cũng nhìn cửu vạn bằng ánh mắt thiện cảm, không phải ai cũng hiểu được cuộc sống và nỗi buồn vời vợi của họ.
Ông Cường ngậm ngùi: "Có lần tôi bê thùng cá mắm mà vô tình làm bể, nước cá văng khắp sân ga, ướt nhèm chiếc áo của tôi. Mọi người chỉ đứng nhìn, rồi bịt mũi bỏ đi. Người chủ hàng liền lao tới chỗ tôi, chỉ mặt chửi như tát nước. Tôi đồng ý đền tiền nhưng ông ta không chịu, sỉ nhục tôi rất nặng. Suốt đêm hôm ấy, tôi cứ ứa nước mắt, cảm giác tủi thân, nhục nhã ghê gớm lắm".
Lại có lần ông Cường và ông Tâm cùng nhau khiêng chiếc xe máy tay ga to kềnh, nặng trịch lên xe đẩy vào toa. Do sơ ý nên ông Cường bị móc chân vào khung xe, ngã sóng soài ra sân, ông Tâm hoảng loạn buông tay cầm khiến cả chiếc xe máy đổ đè vào người ông Cường. Dù đau đớn nhưng ông Cường cố gượng dậy, cùng ông Tâm hoàn thành công việc.
Khi tàu lăn bánh, ông mới nhìn xuống đôi chân bị xước một đường dài, máu đông đặc lại. Chỗ mắt cá bị giập, xương bên trong sai khớp. Chân của ông sưng tấy lên. Ngày hôm sau, ông không thể làm việc nổi. Ông về nhà đắp lá thuốc phải mười ngày sau mới đi lại được. Tuy nhiên, ngoài tai nạn nghề nghiệp và nỗi buồn thân phận, ông Cường còn có nhiều niềm vui khác, khiến ông lấy lại được thăng bằng.
2. Mỗi tuần ông chạy xe máy hơn 30 cây số về nhà đưa tiền cho vợ trả nợ và nuôi con rồi lại đi ngay. Hơn hai năm rồi ông không có cái Tết trọn vẹn ở nhà, bởi những chuyến tàu chạy miết mùa xuân mà đời cửu vạn luôn phải bám sân ga. Bù lại, mấy ngày Tết tài lộc lại đổ về, hành khách hào sảng thường lì xì cho gấp đôi gấp ba giá ngày thường. Ông Cường vẫn nhớ như in sáng mồng 3 Tết năm ngoái, ông được một vị khách Tây lì xì cho 500 ngàn đồng. Ông không tin ở mắt mình, cứ dúi lại tiền vào tay ông Tây nhưng ông ấy xua tay nói giọng Việt: "Ồ không, mừng tuổi năm mới".
Những chuyến tàu Tết luôn có gì đó thật đặc biệt, đứng ở sân ga, ông Cường cảm nhận rõ rệt bước chân hối hả của hành khách. Họ dường như chẳng quan tâm đến thế giới xung quanh, cả những người cửu vạn nữa, chỉ đến khi xảy ra sự cố.
Ông Cường kể, chuyến tàu khuya vào tháng 9 năm 2017, ông nhặt được một chiếc ba lô của hành khách để quên trên băng ghế nhà chờ. Ông cầm ba lô, chờ cho đến chuyến tàu cuối cùng rời ga vẫn không thấy ai đến nhận. Ông liên hệ với bảo vệ bàn giao tài sản.
Bẵng đi một tuần, ông nhận được cuộc gọi lạ, đầu dây bên kia là một hành khách nữ giọng dịu nhẹ. Chị ta nói là chủ của chiếc ba lô do ông Cường nhặt được, vừa rồi đã làm thủ tục nhận lại. Chị ta cảm ơn ông liên tục, giọng đứt quãng vì xúc động. Ông Cường bối rối không biết nói sao, chỉ gật gù cảm ơn lại.
Ngày hôm sau, ông nhận được một gói quà gửi đến là 10 hộp sâm. Trong đó có một mẩu giấy ghi dòng chữ nắn nót: "Cầu chúc anh thật nhiều sức khỏe, hãy xem đây là lời cảm ơn chân thành nhất". Ông Cường lâng lâng mất mấy ngày. Từ đó, tự nhiên ông có cảm giác yêu sân ga thật nhiều.
3. 24h, tàu cập ga Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) đón khách. Xen giữa những bước chân hối hả ngược lên là bóng dáng lầm lũi, lặng lẽ của người cửu vạn Hoàng Văn Công (50 tuổi). Ngày giáp Tết, Phan Rang se lạnh, tấm áo gió mỏng của ông Công ướt đẫm mồ hôi.
Ông đẩy thật nhanh chiếc xe kéo hành lý đầy ăm ắp sượt qua đường ray, lao vào toa tàu. Tiếng còi hú, tiếng máy nổ xình xịch và cả tiếng người gào thét giục giã giữa sân ga không làm người cửu vạn bận tâm.
Ga Phan Rang không nhiều hàng bằng ga Nha Trang nên công việc của ông Công cũng đỡ vất vả. Xong mỗi chuyến tàu, ông có thời gian nghỉ ngơi, rít điếu thuốc. Mỗi ngày và đêm, ông Công kiếm được từ 2 đến 3 trăm ngàn. Ngày lễ hoặc Tết có thể lên tới 5 trăm ngàn. Nhà gần ga, ông Công tranh thủ trở về sau mỗi chuyến tàu đêm nghỉ ngơi tầm 3 tiếng lại trở ra.
Ông Công chỉ làm cửu vạn về đêm, còn ban ngày ông ra đồng trồng hành tỏi. Để đi đến quyết định "san sẻ" thời gian cửu vạn, Công phải cân đo đong đếm rất kỹ. Giá hành tỏi mùa Tết tăng, ông sẽ kiếm ăn được, trong khi đó giá cửu vạn sân ga vẫn chỉ 20 đến 30 ngàn một chuyến.
Sở dĩ ông không bỏ hẳn nghề cửu vạn bởi nhớ "mùi vị" của con tàu. Ông sinh ra và lớn lên đã gắn bó và quá quen thuộc với tiếng còi tàu. Nó như một phần "gia vị" của cuộc sống. Ông ra ga từ năm tóc còn để chỏm, cũng buôn thúng bán bưng bầm dập te tua.
Đến thời lấy vợ ông nghỉ hẳn, tập trung làm đồng áng và nuôi cừu. Nhưng chỉ được thời gian, ông lại mon men ra ga, có lúc không làm gì cả, chỉ đứng nhìn cho đỡ "thèm" rồi về. Ông làm cửu vạn được nhiều người nhờ. Người già được ông mang vác miễn phí, trẻ nhỏ thì ông bế một mạch lên tàu. Ông tâm sự: "Bà con ở đây thân thuộc hết cả, mình giúp họ thấy vui lắm".
Hình ảnh của ông Công lúc nào cũng bình yên trong niềm độ lượng, một chút mỏi mệt phiền muộn thôi nhưng cũng dịu dàng khi nhận ra núi sông, nhà cửa, cỏ cây thấp thoáng dọc ven đường ray sao mà thân thương, gần gũi đến thế.
Nguồn: Ngọc Thiện/CAND