Phóng sự
Nỗi niềm người Việt sinh sống ở Biển Hồ
08:50, 16/01/2018 (GMT+7)
Không quốc tịch, không được hưởng quyền lợi của một công dân, không điện, không nước sạch, không biết chữ… là tình cảnh của hàng ngàn người Việt đang sinh sống trên Biển Hồ của Campuchia.
Những ngày cuối tháng 12-2017, đoàn công tác của Phòng Tham mưu Công an TP Đà Nẵng có chuyến công tác tại tỉnh Siem Reap (Campuchia). Tranh thủ chuyến công tác, người viết và một số thành viên trong đoàn đến Biển Hồ để thăm và tìm hiểu cuộc sống của người Việt nơi đây.
Dẫn đường cho chúng tôi là Sok Chin, một phiên dịch người Campuchia, gọi theo tên Việt Nam là Chính. Chính có vợ là người Việt Nam, thường xuyên trao đổi, làm việc với người Việt nên Chính giao tiếp bằng tiếng Việt rất tốt.
Theo lời Chính thì những người Việt ở đây phần lớn không có giấy tờ tùy thân, sống trong tình cảnh không điện, không nước sạch, không biết chữ và họ được coi là "những người Việt nghèo khổ nhất trên thế giới". Câu chuyện của Chính thôi thúc chúng tôi tìm đến nơi này, gặp gỡ những con người này.
Trước khi đi, Chính có dặn chúng tôi nếu có những vật dụng gì không dùng đến như xà phòng, bàn chải đánh răng, dầu gội đầu trong khách sạn… thì hãy cất vào một túi để mang theo. "Những cái đó không giá trị nhiều với các anh chị nhưng nó rất quý đối với những người dân đang sinh sống trên Biển Hồ".
Trung tâm giáo dục và từ thiện nuôi dạy trẻ em nghèo do thầy Tư sáng lập. |
Tuy nhiên, chúng tôi quyết định mang theo nhiều hơn thế. Đoàn ghé vào một tiệm tạp hóa để mua quà tặng cho các em học sinh và những nhu yếu phẩm cần thiết trong sinh hoạt hằng ngày.
Con đường hẹp, quanh co, nhiều ổ gà làm cho thời gian di chuyển từ thành phố Siem Riep đến Biển Hồ của đoàn chúng tôi mất 40 phút cho quãng đường 17km. Nhưng thời gian không dư thừa khi suốt chặng đường chúng tôi được Chính chia sẻ tường tận về cuộc sống của cộng đồng người Việt tại đây.
Không ai biết rõ người Việt Nam đến sống tại Biển Hồ từ thời điểm nào, một số tài liệu ghi nhận rằng trong thời kỳ thực dân Pháp đô hộ Đông Dương đã đưa người Việt Nam sang Campuchia để trồng cao su, thời gian sau người Việt di cư ra khu vực Biển Hồ và sống tập trung tại đây.
Với nguồn thủy sản phong phú, Biển Hồ cung cấp 75% sản lượng cá nước ngọt cùng 60% lượng chất đạm cho người dân Campuchia. Hiện có trên 1.500 hộ dân gốc Việt đang sinh sống tại các làng nổi bên hồ.
Những người này sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, đánh bắt cá trên Biển Hồ. Hầu hết những người Việt có nguyên quán thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang...
Chính nhận xét người Việt có kỹ thuật đánh bắt cá cao hơn người Campuchia, do đó chiếm phần lớn trong cộng đồng dân cư sinh sống trên Biển Hồ.
Chiếc thuyền rẽ sóng đưa đoàn lần lượt qua các khu nhà nổi được gắn trên những chiếc thùng phi sắt san sát nhau. Chúng tôi được tận mắt chứng kiến những hình ảnh sinh hoạt hằng ngày của người Việt như đánh bắt cá, tắm giặt trên sông nước, trao đổi, buôn bán …
Các thành viên trong đoàn thăm hỏi, phát quà cho các em học sinh trong giờ ra chơi. |
Ở đây có nhà thờ, chùa phục vụ sinh hoạt tâm linh của người Việt, tất cả đều đươc dựng nổi trên sông nước. Chính chỉ cho chúng tôi khu rừng ngập nước và giới thiệu đây chính là nghĩa trang của cộng đồng người Việt.
Nếu ai mất vào mùa mưa thì quan tài của họ sẽ được buộc trên các ngọn cây, đợi khi nào nước xuống vào mùa khô thì mới mang đi chôn.
Từ tháng 8 đến tháng 11 hằng năm, vì muốn bảo vệ nguồn lợi thủy sản nên Chính phủ Campuchia cấm đánh bắt cá trên Biển Hồ bởi đây là thời điểm sinh sản của cá, do đó người Việt ở đây rất khó khăn, nếu đánh bắt trộm sẽ bị phạt rất nặng và tịch thu phương tiện, không đánh bắt thì không có đồ ăn nên đa số người Việt lên bờ đi ăn xin, gần đây lượng du khách đến du lịch trên Biển Hồ ngày càng nhiều, nên họ tập trung bám theo các thuyền của khách du lịch để xin ăn.
Tôi tiếp xúc với Huệ, một phụ nữ khắc khổ trông già hơn rất nhiều so với tuổi 30, khi chị chèo thuyền mang theo đứa con mới sinh có năm tháng tuổi ép sát vào mạn thuyền xin tiền.
Thằng bé da ngăm đen, cứng cáp. Nó không khóc như những bé sơ sinh bình thường. Đôi mắt nó nhìn về phía tôi như thể nó biết công việc của mình là gây lòng trắc ẩn.
Huệ bảo ở đây không có giấy tờ không thể đi xin việc làm được, con đông nên phải đi xin ăn. Khi tôi hỏi chị có bao nhiêu đứa con thì chị lặng thinh, nhìn lảng đi chỗ khác. Chính cười và bảo, ở đây khi hỏi con cái, người ta không hỏi đã có bao nhiêu con, mà hỏi là đã đủ một chục (mười đứa) chưa.
Chính đưa chúng tôi đến một trạm nghỉ trên Biển Hồ. Tàu vừa ép sát vào lan can trạm nghỉ, hàng chục chiếc ghe của những người phụ nữ mang theo những em nhỏ ép sát tàu chúng tôi xin tiền, những lời van xin "khổ lắm các chú ơi", "cháu đói quá" cứ bám mãi theo chúng tôi. Không ai nói với nhau câu nào, chúng tôi cùng móc ví gửi ít tiền để cho những đồng bào xa quê hương.
Qua trò chuyện, chúng tôi được biết rất nhiều phụ nữ Việt ở Biển Hồ sinh xấp xỉ chục đứa con, hoặc hơn. Không có việc làm, lại sinh quá nhiều con, đến lo cái ăn hàng ngày còn khó, nhiều khi ốm đau còn không có tiền mua thuốc, nói chi đến việc học hành.
Những đứa trẻ lớn lên như loài cỏ dại, rồi đời chúng cũng như cha mẹ, xoáy trong cái vòng xoáy luẩn quẩn, tối tăm chưa tìm ra ánh sáng…
Để giúp đỡ người Việt ở Biển Hồ, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị phía Campuchia tạo điều kiện để người dân Việt Nam có thể có giấy tờ hợp pháp, trẻ em sinh ra có giấy khai sinh để được đến trường, người lớn có giấy tờ tùy thân để có thể đi làm cải thiện cuộc sống; đồng thời có các chính sách để giúp đỡ người Việt tại Biển Hồ.
Hằng năm, người dân nơi đây được cấp 150 tấn gạo. Những gia đình muốn quay về Việt Nam sinh sống được cấp nhà và đất sản xuất tại Tây Ninh. Đã có một số người quay về, tuy nhiên thời gian sau đã trở lại Biển Hồ vì họ không thể tìm được công việc làm phù hợp.
"Rất buồn vì chúng tôi chưa thể tự hào giới thiệu về những thanh niên người Việt lớn lên ở Biển Hồ được học hành đến nơi đến chốn, thành danh trên đất nước Chùa Tháp này. Nhưng nhiều năm qua, chúng tôi đang nỗ lực mang đến cái chữ cho trẻ em nghèo với mong muốn sẽ có ngày, các em không phải long đong trên sông nước này" - ánh mắt của người thầy giáo già Trần Văn Tư lóe sáng khi nói về việc dạy chữ cho con em người Việt.
Thầy Tư năm nay 82 tuổi, ông là Hiệu trưởng của Trung tâm Giáo dục và Từ thiện nuôi dạy trẻ em nghèo ở Biển Hồ. Nói là Trung tâm nhưng cũng chỉ là mấy ngôi nhà nhỏ kết liền nhau nổi lênh đênh trên mặt nước.
Ngay mặt tiền Trung tâm là tấm biển được bày trang trọng với dòng chữ tiếng Việt: "Tất cả các gia đình người Việt Nam hiện đang sinh sống tại Biển Hồ Vương quốc Campuchia, các gia đình có con em từ 6 tuổi trở lên hãy đưa đến trường sẽ được ban lãnh đạo nhà trường nhận nuôi dạy các em được ăn, ở tại trường miễn phí cho các em học hành để trở thành người tốt, giúp ích cho xã hội sau này, đừng để các em đi ăn xin, trôi dạt bên ngoài".
Một số người Việt dựa vào du khách để mưu sinh trên Biển Hồ. |
Theo lời thầy Tư, năm 2005, ông sang Campuchia buôn bán thì gặp các em nhỏ người Việt sống trên Biển Hồ. Phần lớn các em ở đây đều không biết chữ, cuộc sống cơ cực, thiếu thốn mọi thứ.
"Tôi hỏi tên từng cháu, các cháu đều trả lời được, nhưng khi hỏi các cháu có biết quê hương Việt Nam ở đâu không? Chúng nói biết và chỉ ra Biển Hồ bao la không thấy bờ"- giọng nói ông giáo già nghèn nghẹn.
Điều đó thôi thúc ông làm gì đó cho cộng đồng người Việt nơi đây. Sẵn từng làm nghề dạy học, ông Tư nảy ra ý định mở trường mở lớp dạy chữ cho các em, bởi con chữ chính là chìa khóa để mở cửa tri thức, để giúp các em mở mang đầu óc và trí tuệ để có thể thoát khỏi kiếp lênh đênh sông hồ, có thể học nghề để có công việc ổn định, hay ít ra cũng viết được của mình, tên cha mẹ, tên quê hương xứ sở.
Nghĩ là làm, thầy Tư đã quyết định quay về Tây Ninh, bán nhà cửa và vận động thêm một ít tiền sang Biển Hồ mở trường dạy học. Năm 2006, thầy mở được lớp đầu tiên.
Tuy nhiên, việc đến từng hộ gia đình, vận động các cháu đến lớp là điều khó khăn nhất, mặc dù các em được học và ăn ở miễn phí. Có gia đình còn bắt tôi phải trả tiền mỗi ngày vài USD vì số tiền đó là số tiền các em đi ăn xin được.
Người thầy giáo nhiệt tâm đã phải thuyết phục nhiều lần, để cuối cùng những gia đình đó đồng ý cho các em đến lớp. Những ngày đầu, lớp học của ông giáo Tư còn thưa thớt, sau đông dần lên. Hiện nay, Trung tâm có 265 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 với ông Tư và 4 giáo viên khác, họ đều là con, cháu của ông từ Tây Ninh sang.
"Năm 2011, Quân khu 7 sang làm việc với chính quyền Campuchia đã đến thăm và tặng cho nhà trường kinh phí xây dựng 4 lớp học nổi trên sông khang trang và an toàn hơn. Đến bây giờ nhà trường đã đào tạo và cho ra trường hơn 500 em, đa số các em khi ra trường đều biết đọc, biết viết và biết tính toán, tôi còn dạy cho các em nghề hớt tóc, nghề may để các em có thể lên bờ tìm cho mình một công việc ổn định. Hiện nay, nguồn kinh phí để dạy và nuôi các cháu chủ yếu từ đóng góp của các Mạnh Thường Quân và du khách đến đây, chúng tôi ghi chép và thu chi rõ ràng"- thầy Tư chia sẻ.
Chia tay với ông giáo già và các em học sinh bé nhỏ vô tư chạy đùa trên biển nước, trong lòng người viết dâng lên cảm xúc bồi hồi khó tả. Trên đường về quê hương, những ánh mắt, nụ cười của các em cùng niềm mong mỏi của ông giáo già tuổi bát thập cứ ám ảnh trong tâm trí. Mong một ngày, ước nguyện của ông giáo già về tương lai các em trở thành hiện thực.
Nằm cách trung tâm thành phố Siem Reap 17km về phía Tây Nam, Biển Hồ Campuchia là một hệ thống kết hợp giữa hồ và sông có tầm quan trọng to lớn đối với đất nước Campuchia. Đây là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 1997.
Biển Hồ nằm trên địa phận của 5 tỉnh thuộc Campuchia gồm Siem Reap, Kampong Thom, Kampong Chhnang, Pursat, Battambang. Khí hậu của Campuchia gồm có 2 mùa, mùa khô và mùa mưa. Mùa khô diện tích của Biển Hồ là 2.700km2, độ sâu trung bình là 1m và mùa mưa diện tích của Biển Hồ lên đến 16.000km2, độ sâu trung bình 9m, chiếm gần 1/10 diện tích đất nước Campuchia.
Nguồn: CAND