Phóng sự
Không có vùng cấm: Điều không thể đã thành có thể
Chưa bao giờ niềm tin trong nhân dân về quyết tâm của Đảng đối với công cuộc chống tham nhũng lại dâng cao như vậy, đặc biệt là khi ông Đinh La Thăng bị khởi tố, bắt giữ vào ngày 8-12-2017. Một ngày mà chúng tôi tin rằng nhiều năm sau vẫn được nhắc về, ngày mà hoàn toàn không còn vùng cấm nào trong công tác đấu tranh với cái tiêu cực, cái sai, cái xấu đang còn tồn tại, ẩn nấp trong hệ thống chính quyền. |
Song nó đã xảy ra bởi lẽ chúng ta đang sống ở một giai đoạn mà chưa bao giờ những sai phạm kinh tế dẫn tới thất thoát, thiệt hại ở các tập đoàn nhà nước vươn tới con số khủng khiếp đến như thế. Hãy thử tưởng tượng, nếu bạn chứng kiến một người trúng sổ xố Vietlott Power 55 với mức thưởng gần 200 tỷ đồng, bạn sẽ cảm thấy ngộp thở thế nào.
Vậy thì bạn sẽ phản ứng ra sao nếu bạn là người quản lý một quốc gia mà ở đó, quay sang trái, phải, nhìn trước, ngoái sau, toàn những thất thoát cỡ trăm ngàn với chục ngàn tỷ đồng.
Nhưng thật lạ, đó không phải là cái rúng động dẫn đến râm ran bàn tán kéo dài trong dư luận mà nó không khác gì những sự kiện xã hội gây ồn ào suốt vài năm gần đây, nghĩa là ngay lập tức, người dân có thể sẽ chuyển mối quan tâm sang một ồn ào khác.
Điểm khác biệt duy nhất chỉ là người dân không quên sự kiện kể trên khi có “sóng thông tin” mới mẻ chồng lấp lên như những scandal văn hoá, xã hội trước đó mà họ vẫn luôn ghi nhớ rằng đã có một vụ khởi tố đình đám như thế và họ cũng tin, từ đó sẽ còn có những vụ tương tự được bóc tách trong cuộc chống tham nhũng quyết liệt nhất lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Minh họa: Lê Phương. |
Sự bình tĩnh tiếp nhận thông tin của người dân cho thấy, việc xử lý sòng phẳng, đúng pháp luật các sai phạm bất kể vị trí của người sai phạm đang được nhân dân coi là chuyện bình thường, và nhất thiết phải làm.
Người dân đã quá quen với cái gọi là quyền ưu tiên đặc biệt suốt nhiều thập kỷ qua và bây giờ, ở thời đại mà thế giới đã và đang thay đổi mạnh mẽ, sức tiếp cận của người dân ngày càng mở rộng hơn, yêu cầu khai tử cái quyền ưu tiên đến mức phi lý kia là một yêu cầu chính đáng.
Xét ở khía cạnh này, Đảng đang làm đúng mong mỏi của người dân, đặc biệt là ngay sau kỳ họp quốc hội mà ở đó, đại biểu Dương Trung Quốc đã lên tiếng đại ý rằng điều đáng buồn là những người tham nhũng toàn là đảng viên bởi không phải là đảng viên thì không thể đủ điều kiện để được bổ nhiệm vào những vị trí ấy. Và Đảng cũng làm đúng, và rất nhanh, nghị quyết mà Đảng đề ra là phải cải cách lại công tác nhân sự để làm lành mạnh đội ngũ.
Và khi hàng loạt cán bộ, quan chức khác bị Ủy ban kiểm tra Trung ương đề nghị xử lý kỷ luật, chúng ta có thể tin rằng đây không chỉ còn là một trận đánh khoanh vùng mà đã là một tuyên chiến với vấn nạn tham nhũng vốn dĩ đã là mầm bệnh hủy hoại niềm tin xã hội rất nhiều năm qua.
Cuộc chiến ấy sẽ còn mở rộng nữa, nếu những sai phạm được bóc tách thêm hoặc trong tương lai, có những người vẫn còn tiếp tục cố tình đi trên lối mòn vốn dĩ đã để lại những tấm gương tày liếp.
Xét một cách hình tượng, nếu coi Đảng và Chính phủ như một tổ chức kinh tế, việc tuyên chiến với tham nhũng và không chấp nhận cái gọi là vùng cấm, thì tổ chức kinh tế ấy đang tiếp thị một hình ảnh thương hiệu rất tốt để thu hút “bạn hàng”.
Và bạn hàng ở đây là ai thì quá dễ hiểu. Đó chính là các doanh nghiệp trong và ngoài nước, quốc doanh và tư nhân, những đơn vị rất cần niềm tin vững chắc rằng họ sẽ được sản xuất kinh doanh trong một môi trường minh bạch hơn và không có nhũng nhiễu.
Xây dựng thương hiệu một quốc gia có môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh; xây dựng thương hiệu một Chính phủ nghiêm khắc, minh bạch; xây dựng một thương hiệu Đảng đề cao phẩm chất và sự công chính của người Đảng viên là điều rất cần phải làm, và nên làm từ lâu rồi. Đó mới là thương hiệu mà người dân mong đợi chứ không phải chỉ những thương hiệu cá nhân nặng màu trình diễn.
Cũng nhân cái so sánh về thương hiệu, chúng ta nên tìm đọc cuốn Marketing 4.0 của nhà kinh tế học sừng sỏ Philip Kotler mới được xuất bản tại Việt Nam trong năm 2017 này. Sự tiến bộ của công nghệ đã hình thành một xã hội thay đổi trọng tâm rất mạnh mẽ.
Thay vì một xã hội vận hành cổ điển với quyền lực hợp tung theo hàng dọc, đề cao sức mạnh độc quyền và vai trò cá nhân, xã hội ngày hôm nay đã vận hành theo cách khác. Đó là đề cao sức mạnh liên hoành theo chiều ngang (nhờ vào tính kết nối mở rộng), sự tích hợp dung hòa các nguồn lực và thay thế vai trò cá nhân bằng vai trò của xã hội.
Sự thay đổi đó cũng cho chúng ta nhận ra rằng, khi vai trò cá nhân đã không còn mạnh mẽ nữa thì những ưu tiên (thậm chí hợp lý chứ chưa nói đến phi lý) cho những cá nhân cũng không còn nữa. Như vậy, cái gọi là vùng cấm cho những cá nhân đặc biệt sẽ không thể tồn tại, nhất là những cá nhân vướng mắc những sai phạm lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh kinh tế quốc gia.
Thực tế, trong đời sống vẫn có những vùng cấm, chẳng hạn như vùng cấm bay, như rừng quốc cấm… Nhưng tất cả những vùng cấm ấy đều vì những lý do chính đáng như bảo vệ an nguy của người dân, bảo vệ di sản của một quốc gia, bảo vệ an ninh của một đất nước.
Chẳng có vùng cấm nào để bảo vệ những kẻ phá hoại chính những thứ đang cần được bảo vệ kể trên cả. Và khai tử các vùng cấm vốn dĩ không có văn bản nào quy định ấy sẽ là một tiền lệ tiêu biểu để nhiều người hiểu rằng kể từ nay, chắc cũng không còn khái niệm hạ cánh an toàn.
Nguồn: CSTC/Báo CAND