Phóng sự
Những con đò chở nặng mùa xuân
09:27, 26/01/2018 (GMT+7)
Thương nhân ở chợ nổi đều là những người gắn bó với con đò ở miệt Cửu Long lên. Họ có chung hoàn cảnh, chung số phận và chung một ước mơ...
Sáng tinh sương, hàng chục chiếc đò ăm ắp trái cây xình xịch đỗ bến chợ nổi trên đường Trần Xuân Soạn (phường Tân Hưng, quận, TP Hồ Chí Minh). Tiếng gọi đò, mời chào í ới làm cả khúc sông náo nhiệt.
Vừa neo dây đò xong, anh Lê Văn Tửng (45 tuổi, ngụ Bến Tre) nở nụ cười tràn đầy năng lượng, anh Tửng hồ hởi rao: "Đò về trái chín ngọt ngay". Con đò của anh Tửng như được khoác tấm áo mới, đủ màu sắc. Nào chuối, cam, bưởi, quýt, ổi... toàn những đặc sản dân dã miệt vườn của Bến Tre.
Để có chuyến hàng mới toanh, tươi rói như thế này, ngay từ sáng sớm, anh Tửng đã neo đò ở cửa sông Bến Tre đầu nguồn xã Tân Hào (huyện Giồng Trôm) rồi hai vợ chồng chèo ghe nhỏ vào các con rạch qua cù lao nhà vườn thu mua. Anh Tửng cho biết, nhà vườn ở đây toàn anh em cô bác hoặc bà con sống với nhau lâu năm, họ vừa bán vừa cho chứ không hẳn là kinh doanh.
Những khi trái cây rẻ, họ cho vợ chồng anh cả vườn tự vào thu lượm. Dân chạy chợ được cho thứ gì là sung sướng hết biết, nhưng không ai hiểu được để vào vườn lấy của cho, vợ chồng anh Tửng phải trầy da tróc vảy, lên bờ xuống ruộng. Những nơi cho thường nằm heo hút tận cuối rạch hoặc chơi vơi trên cồn, đường đi vào trăm khó ngàn khơi.
Anh Tửng kể: "Có lần hai vợ chồng chèo ghe sải mỏi cánh tay vào vườn chôm chôm, hái cả ngày trời chỉ được vài chục ký vì trái cây cuối vụ lác đác, sâu bệnh nhiều. Từ đó chèo ra mất nửa ngày nữa, chưa kể gặp cơn thủy triều, sóng đánh cho lật ghe, lại phải ngụp lặn vớt từng trái một".
Thấy khó "nuốt trôi" của cho, sau này ai có lòng tốt vợ chồng anh Tửng thường khéo léo từ chối. Thà cứ bỏ tiền ra mua mà lại khỏe, nhà vườn đưa ra tận đò khỏi phải mất công.
Vợ chồng anh Tửng thu mua trái cây đầy đò, nghỉ ngơi một ngày lấy sức rồi nổ máy ngược lên TP Hồ Chí Minh. Do đò nhỏ, anh Tửng không dám ra sông lớn sợ sóng đánh chìm mà len lỏi, luồn lách trong các con kênh rạch. Đò cập bến vào khoảng 3 giờ sáng, nghỉ ngơi đến chiều mới "mở chợ".
Những con đò neo mình trên bến mặc kệ nắng mưa chờ chủ nhân bán xong hàng để về xuôi. |
Mỗi chuyến đò lên chợ nổi, vợ chồng anh Tửng ngồi bán khoảng một tuần là hết. Xong lại xuôi chèo về quê lấy hàng. Mỗi lần về quê, anh chị tranh thủ ghé nhà, thăm hai đứa nhỏ gửi nhà nội. Chúng xa cha mẹ từ nhỏ nên giờ chẳng còn mặn mà nhớ nhung nhiều nữa, chỉ khi nào có quà, chúng mới cho ôm hôn một cái.
Chị Nhung, vợ anh Tửng bần thần: "Cũng do cảnh chạy chợ nên tình cảm mẹ con ít. Nhiều khi nhớ quá cho chúng theo lên thành phố chơi ít bữa mà chúng không hào hứng gì. Đứa nào chịu đi cũng chỉ được một ngày là nằng nặc đòi về, vì nhớ nội".
Đã gần 10 năm là thương nhân chợ nổi, bây giờ vợ chồng anh Tửng cảm thấy gần gũi thân thương với nơi này. Hàng xóm của anh đều là những còn đò từ miệt Cửu Long lên, chung hoàn cảnh, chung số phận và chung một ước mơ.
Gian hàng chỉ có chuối và dừa. |
Thời gian đang trôi tuột về cuối năm, mỗi chuyến đò lên của vợ chồng anh Tửng đầy hơn ngày thường. Bán nốt chuyến hàng này, anh Tửng lại trở về và lần này sẽ huy động hai đò để phục vụ cho đợt giáp Tết. Nghĩ về những chuyến hàng ngày xuân, đôi mắt vợ chồng anh Tửng lấp lánh niềm hy vọng.
Quay sang con đò bên cạnh, chị Hiền gọi với: "Chú Tư về nhớ ghé anh Ba lấy giùm con hai thùng mận khách đặt hồi hôm". Ông Tư Hiền đang lúi húi sắp xếp lại khay chậu, bao thùng để ít phút nữa về xuôi, không ngẩng mặt lên nhưng ông "ừa" một tiếng rõ dài.
Ở đây, bán buôn là vậy không bao giờ kèn cựa, tranh giành khách. Đò nào về miệt vườn thì mọi người có thể nhờ vả nhau mua đồ hoặc gửi tiền về cho gia đình. Họ giúp nhau như cái lẽ tự nhiên của những người bà con cùng cảnh tha hương. Ông Tư còn vài nải chuối không bán hết bèn đưa sang cho vợ chồng anh Tửng bán giùm được bao nhiêu thì được hoặc không thì để lại ăn, cũng vui vẻ cả.
Ông Tư là một trong những thương nhân đò ngang chạy chợ lâu năm nhất ở chợ nổi. 15 năm trước, ông là chủ vườn trái cây sum suê trù phú ở Giồng Trôm (Bến Tre). Có thời gian, trái cây rớt giá thê thảm, chẳng có ai vào vườn mua, vợ chồng ông mang ra chợ huyện bán cũng ế ẩm vì dân địa phương nhà nào cũng trồng trái cây. Ông lại mang ra thành phố Bến Tre, cũng chẳng ăn thua.
Tháng cuối năm, họ tranh thủ bán hết hàng cũ để về vườn nhập hàng mới. |
Không thể ngồi nhà nhìn hàng tấn trái cây chín rũ, thối mốc ra đó, vợ chồng ông chất đầy lên đò chèo dọc khúc sông Ba Lai bán dạo. Mải mê buôn bán, con đò của ông trôi về mạn TP Hồ Chí Minh lúc nào không hay. Dân thành phố chuộng trái cây vườn sạch, rẻ kéo nhau đến mua tấp nập. Chỉ hai ngày, khoang đò trái cây đầy ứ của vợ chồng ông Tư hết veo. Hai vợ chồng mừng rơi nước mắt. Thế là từ đó, đò ông Tư thường neo ở bến Kênh Tẻ, trở thành "gian hàng" trái cây nổi bật ở chợ nổi.
Sau bao đêm trăn trở, trằn trọc với sự nghiệp hoa trái, ông Tư bàn với vợ phải "chia sẻ" tình yêu nghề nông đi bớt, để một phần cho những chuyến đò thương nhân. Chỉ có mình đi bán thứ của mình làm ra thì mới cảm nhận được niềm hạnh phúc. Dần dần, những người nông dân miệt vườn cùng cảnh ngộ cũng theo chân ông Tư, sống đời lái buôn sông nước.
Mỗi chuyến trở về, ông Tư thường lưu lại nhà một hai tuần để làm vườn phụ con cái. Chỉ riêng mấy tháng cận Tết do nhu cầu tiêu thụ trái cây rất lớn nên ông đi mải miết. Ngoài neo đò bán ở chợ nổi, ông còn đi dọc các con sông Cổ Chiên, Hàm Luông, Ba Lai đổ mối cho thương nhân bán hàng ở chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang), Cái Răng (Cần Thơ). Ông Tư tâm sự: "Chỉ mùa Tết mới bận rộn vậy thôi, ra Tết cái là khỏe re. Có khi tui bỏ chợ về nhà làm vườn mấy tháng mới lên lại".
Nổ máy về quê chở hàng bán dịp Tết. |
Từ ngày lao thân vào chốn thương trường, ông Tư không còn là lão nông chân đất, cù lần nữa. Ông tự nhận thấy, bản thân đã "khôn" ra rất nhiều. Ông biết tính toán để mỗi chuyến hàng phải có lãi, biết mở rộng con đường phân phối trái cây để kiếm lời ổn định.
Tuy nhiên, theo ông Tư, lợi nhuận của kẻ buôn như ông không hơn gì nông dân cày sâu cuốc bẫm trên đồng ruộng. Chỉ được cái vui nhất là không sợ ế ẩm, không qua cò buôn ép giá. Ông Tư bật mí: "Riêng mùa Tết năm nay, vườn nhà tôi có đủ trái cây bán, không sợ thiếu. Nếu xuôi chèo mát mái thì qua Tết sẽ đóng lại con đò mới để "đạp nước" nhanh hơn.
Khi con đò của ông Tư Hiền ì ạch rẽ nước về quê thì trên bến chị Nguyễn Thị Lẹ mới khệ nệ bưng dừa ra vỉa hè bày bán. Hoàn cảnh của hai mẹ con chị Lẹ có lẽ cám cảnh và đáng thương nhất ở xóm chợ nổi này. Con đò của chị Lẹ cũ kỹ, chập chờn tưởng như sắp lật úp mỗi đợt sóng dồn lên. Gian hàng bán trái cây của chị cũng chỉ có chuối và dừa, những mặt hàng để được lâu, ít hư hỏng.
Chị Lẹ lấy chồng ở Tiền Giang, đò xuôi bến nước được năm năm. Suốt những ngày tháng bệp bềnh ghe đò, chị Lẹ ít có thời gian về quê, mà nếu có chị cũng không muốn về, bởi chẳng còn ai nương nhờ ở đó. Kể từ ngày chia tay chồng, chị mang theo đứa con gái 8 tuổi lên đò. Ban đầu hai mẹ con đi bán dừa ở bến phà Cổ Chiên.
Từ ngày có cầu bắc ngang sông thì không còn mấy ai đi phà nữa, quán dừa bên mé sông cũng vắng vẻ đìu hiu. Cụt nguồn sống, hai mẹ con chị Lẹ trôi dạt về chợ nổi gắn bó cho tới bây giờ.
Do ít vốn mà đò yếu và cũ nên chị Lẹ không thể lượn lờ sông nước như đò nhà ông Tư hoặc anh Tửng. Mỗi chuyến họ về vườn, chị lại nhờ đèo giùm vài trăm trái dừa, chục nải chuối. Ai cũng vui vẻ giúp chị, xem như tình nghĩa dân thương cưu mang đùm bọc nhau trong gian khó. Đứa con gái năm nay 13 tuổi, phụ mẹ bán chuối qua ngày, chẳng được học hành gì.
Kể về hoàn cảnh, chị Lẹ liên tục trách bản thân đã không thể làm gì cho con gái một cuộc sống đủ đầy. Thương nhất là những ngày Tết, xóm chợ vắng tanh, đò ghe dập dìu về quê ăn Tết, chỉ còn riêng mẹ con chị trơ chọi giữa mênh mông sóng nước. Chị tự hứa với lòng mình, từ nay đến Tết sẽ bán buôn cật lực, dành dụm chút tiền đưa con về thăm ông bà ngoại ở Trà Vinh. Vừa rồi, chị đã bỏ ra 3 triệu vá lại chỗ thủng của con đò để sang tuần về Bến Tre lấy hàng bán Tết...
Chiều tắt nắng, bến sông nhộn nhịp người mua, những con đò lại oằn mình chở nặng trái chín, hứa hẹn về một mùa xuân sung túc, đủ đầy.
Nguồn: Ngọc Thiện/CAND