Phóng sự

Chuyện về những đứa con của tử tù

08:35, 01/03/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Những khoảnh khắc nhất thời, không còn là chính mình, nhiều ông bố, bà mẹ vướng vòng lao lý, đối diện với bản án cao nhất của pháp luật. Đếm ngược thời gian chờ đợi ngày ra pháp trường đã là một bản án nghiêm khắc, thế nhưng đẩy chính những đứa con của mình vào chốn bơ vơ, không nơi nương tựa có lẽ là bản án day dứt và nặng nề nhất mà những tử tù phải ngày đêm đối diện.

Cán bộ Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An về tận địa phương thăm, tặng quà động viên mẹ và 2 con gái của tử tù Phan Văn Tuấn
Cán bộ Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An về tận địa phương thăm, tặng quà động viên mẹ và 2 con gái của tử tù Phan Văn Tuấn

1. Tính đến thời điểm hiện tại, Trại Tạm giam Công an Nghệ An đang quản lý, giam giữ hơn 1.000 can, phạm nhân. Trong số này, hiện có 33 đối tượng bị kết án tử hình. Có rất nhiều tử tù, từ ngày bị bắt cho đến nay, đã hàng nghìn ngày trôi qua song không hề nhận được sự quan tâm, thăm nuôi hay động viên từ gia đình. Vừa thương cảm, cũng là dịp để động viên, trấn an tinh thần, tư tưởng cho những tử tội này, những ngày cuối năm vừa qua, dù bận rộn với hàng tá công việc nhưng Trại Tạm giam Công an tỉnh vẫn quyết định cử cán bộ về tận địa phương, nơi có thân nhân của những người bị kết án tử này đang sinh sống để tìm hiểu gia cảnh của họ.

Thực tế rất xót xa khi phần lớn thân nhân của các tử tù đang phải sống khó khăn, vất vả nơi chốn quê nghèo. “Ám ảnh nhất sau chuyến đi là ánh mắt của những đứa trẻ có bố, mẹ mang thân phận tử tù. Có cái gì đó như cam chịu, nhưng ẩn đằng sau là cả nghị lực phi thường để vượt qua nghịch cảnh. Thương cảm các em, CBCS trong toàn đơn vị đã phát động quyên góp ủng hộ,  nhiều món quà nhỏ đã kịp thời đến với những đứa con của tử tù. Giá trị về vật chất tuy không lớn, nhưng là nguồn đồng viên các em, cũng là liệu pháp tinh thần cho đấng sinh thành ổn định tư tưởng từ trong chốn biệt giam”, Đại úy Bùi Đình Thiêm, Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp, Trại Tạm giam Công an Nghệ An cho biết.

2. Từng có gia đình êm ấm, nhưng chỉ trong thoáng chốc, 2 chị em Phan Thị T. (10 tuổi) và Phan Thị P. (7 tuổi) trú tại xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn đã mất đi tình yêu thương của cả cha lẫn mẹ. T. và P. là quả ngọt của chuyện tình kéo dài nhiều năm giữa anh Phan Văn Tuấn (SN 1982) và chị Đặng Thị Kiều (SN 1984), trú cùng địa chỉ trên. Gần 10 năm chung gối chung chăn, mái ấm ấy rạn nứt khi vợ chồng phát sinh mâu thuẫn, Tuấn thường xuyên đánh đập vợ khiến chị Kiều chịu không thấu, bỏ vào Tây Nguyên mưu sinh. Trong bối cảnh ấy, Tuấn cũng để con lại cho ông bà nội, sang Lào làm ăn.

Đầu tháng 1/2015, Tuấn từ Lào về qua nhà bố mẹ vợ hỏi tin tức Kiều nhưng không được. Cho rằng gia đình bên vợ cố tình giấu, Tuấn đã xách dao bầu đến và gặp chị vợ là Đặng Thị Vân (SN 1981) đang bồng con nhỏ là cháu Thái Thị Thùy Linh mới 6 tháng tuổi. Để trút giận, Tuấn xông vào bóp cổ chị Vân, sau đó liên tục vung dao nhằm vào 2 mẹ con khiến chị Vân vỡ não, tử vong trên đường đi cấp cứu, cháu bé bị một vết chém từ trán xuống má, gây tổn hại 15% sức khỏe. Với hành vi này, Phan Văn Tuấn bị tuyên án tử hình.

Suốt 2 năm qua kể từ ngày vướng lao lý, Tuấn không chỉ tự tay phá nát hạnh phúc gia đình, mà còn đẩy 2 đứa con gái vào chốn không nơi nương tựa. Họ hàng hai bên nội ngoại gần như không nhìn mặt nhau, vợ Tuấn bỏ lên chùa đi tu, ông nội cũng qua đời nên T. và P. chỉ còn chỗ dựa duy nhất là bà nội, năm nay cũng đã già yếu, thu nhập bấp bênh, tự nuôi mình đã khó nay phải cưu mang thêm 2 đứa cháu côi cút.

Tử tù Vi Văn Hai, kẻ gây ra vụ “thảm sát” chấn động làm 4 người trong gia đình ở bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương tử vong vào tháng 7/2015, tội ác ấy phải trả giá bằng bản án từ là điều tất yếu. Thế nhưng, ít ai biết rằng, ngày gây ra thảm án, Hai cũng vừa mới có một gia đình nhỏ, với đứa con thơ chưa đầy năm. Cuộc sống vốn đã khó khăn, vất vả nay lại càng túng quẫn hơn khi lao động chính trong gia đình là Hai đã tự mình mở cánh cửa tử, để rồi suốt 3 năm qua, cháu Vi Văn M., con trai của Hai bữa no bữa đói, hôm nay ở với ông bà ngoại, ngày mai lại tá túc nhà ông bà nội. Mẹ cháu - chị Vi Thị Nguyệt thường xuyên không ở nhà vì phải lên rừng hái rau, bẻ măng ra chợ bán kiếm tiền mua gạo về nuôi sống cả gia đình.

Vợ và con của tử tù Vi Văn Hai
Vợ và con của tử tù Vi Văn Hai

Một trường hợp khác, cũng mất mái ấm từ sau khi bố bị tuyên án tử là cháu Phan Thanh T. (5 tuổi), con của tử tù Phan Thanh Tòn (SN 1989), hiện đang ở với ông bà ngoại ở xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu. Tòn quê ở Hương Sơn (Hà Tĩnh), là 1 trong 5 án tử hình trong vụ án 294 bánh hêrôin do “trùm” ma túy Phan Đình Tuấn (Tuấn “lay”) cầm đầu. Tòn bị kết án tử, vợ ôm con về ngoại tá túc. Trước Tết Nguyên đán không lâu, người vợ trẻ này hoàn tất thủ tục và đã xuất cảnh đi lao động tại Nhật Bản, để con lại cho ông bà ngoại nuôi nấng.

Đang có một mái ấm gia đình khiến bao người ganh tỵ, giây phút không làm chủ được bản thân sau chầu nhậu sương sương, tháng 5/2016, Vi Văn Thắng (SN 1993) trú tại xã Mường Nọc, huyện Quế Phong mang theo dao đến nhà ông Sầm Văn Dần (SN 1955), trú cùng xã để uống rượu, mục đích là cướp đôi bông tai của bà Vi Thị Thu Loan (vợ ông Dần). Khi chuốc rượu ông Dần say ngủ, Thắng đã dùng dao tấn công khiến bà Loan tử vong. Khi đang thực hiện hành vi cướp đôi hoa tai thì ông Dần tỉnh giấc, Thắng quay sang đâm, chém liên tiếp vào người ông này khiến nạn nhân gục xuống, tổn hại 67% sức khỏe. Với hành vi giết người và cướp tài sản, Vi Văn Thắng bị tuyên án tử hình.

Vướng lao lý, gia đình tan nát, người vợ trẻ không chịu được dư luận nên đã bỏ bản đi biệt tích, để lại đứa trẻ mới 3 tuổi cho ông bà ngoại nuôi nấng. Cháu Vi Thị Q., có lẽ còn quá nhỏ dại để cảm nhận được nỗi đau mà tội ác đấng sinh thành của mình gây ra, cũng như thấu hiểu được sự thiếu thốn về vật chất, đặc biệt là hơi ấm tình thần từ sau ngày bố nhận án tử.

3. Trong số 33 tử tù đang nằm chốn biệt giam tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Nghệ An, có 4 nữ tử tù cùng là chị em dâu trong một gia đình, phạm tội mua bán trái phép chất ma túy, còn lại là nam giới và phần lớn đều đã có gia đình, vợ con. Trong số này, tử tù Nguyễn Hoài Thu là một ngoại lệ đặc biệt. Cô giáo trẻ rời quê hương Hà Tĩnh lên miền núi Quế Phong (Nghệ An) lập nghiệp, dạy toán tại Trường THCS xã Tiền Phong và lập gia đình tại đây. Không giữ được mình trước cám dỗ của đồng tiền bất chính, Thu lao vào đường dây mua bán, vận chuyển 225 bánh hêrôin, bị kết án tử hình vào năm 2013. Vướng án tử, đứa con trai mới 10 tuổi phải gửi về cho bà ngoại nuôi nấng, lúc bấy giờ Thu đã li dị chồng.

Từ chốn biệt giam, tử tù Nguyễn Hoài Thu vẫn đặt báo để đọc, nắm tin tức thời sự và thấy nhiều hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đã quyên góp tiền từ tiền lưu ký của mình để giúp đỡ. Đến nay, nữ tử tù này đã chuyển ra bên ngoài số tiền hơn 10 triệu đồng để ủng hộ các trường hợp khó khăn. Trong đợt thăm, tặng quà của Trại Tạm giam Công an Nghệ An dịp trước Tết Nguyên đán cho 7 trường hợp là con tử tù, có sự đóng góp của Nguyễn Hoài Thu. “Đặc cách” mà Ban giám thị Trại Tạm giam dành cho sự ưu ái và đóng góp của tử tù này là hàng tháng, Thu được phép gọi điện về cho con trai. Việc làm này tưởng chừng như đơn giản, nhưng không phải những đứa trẻ mang thân phận có bố, mẹ là tử tù nào cũng may mắn nhận được.

Thiên Thảo

Các tin khác