Phóng sự
Nỗi đau hỏa hoạn
Đừng bao giờ mất cảnh giác với giặc lửa, đừng bao giờ tin rằng người khác có thể xui rủi còn mình thì không, mọi an toàn chỉ đến khi cẩn trọng...
Ba mẹ con (Chị Nguyễn Thị Liễu và hai con gái) cùng tử vong trong vụ cháy tại căn nhà ở hẻm 161, Lạc Long quân, phường 3, quận 11, TP Hồ Chí Minh rạng sáng 4-12 đã được đưa đi an táng nhưng dư âm của vụ cháy vẫn khiến nhiều người thương tiếc lẫn xót xa. Vụ cháy tưởng chừng là nhỏ nhưng hậu quả của nó để lại thật quá khủng khiếp.
Điều đáng tiếc, đây không phải là vụ cháy nhỏ đầu tiên có số người thiệt mạng nhiều trong năm 2017 tại TP Hồ Chí Minh, mà từ đầu năm đến nay, con số người chết và bị thương trong các sự cố cháy nổ là 70 người. Công tác điều tra cho thấy đa phần nguyên nhân dẫn đến cháy đều xuất phát từ ý thức trong phòng chống cháy của người dân…
1. Giữa tuần này, chúng tôi quay trở lại hiện trường vụ cháy rạng sáng 4-12 khiến 3 mẹ con tử vong tại căn nhà cấp 4, hẻm 161, Lạc Long Quân, phường 3, quận 11. Mọi thứ vẫn đang được phong tỏa. Căn nhà dường như đổ sập hoàn toàn nên không có chỗ để tổ chức ma chay. Ba mẹ con đã khuất phải quàn tạm tại nhà tang lễ An Bình trước khi đưa về quê tổ chức tang lễ.
Hình ảnh khiến ai cũng chết lặng là người đàn ông bị bỏng nhiều chỗ trên cơ thể đang ngồi bất động trong nhà tang lễ nhìn mọi người khâm liệm cho vợ và con mình. Anh là Đinh Văn Mười (41 tuổi) là chồng, là cha của 3 nạn nhân đang nằm đó. Họ hàng vây quanh anh nhưng chẳng ai thốt nên lời. Họ chỉ đưa những cặp mắt đỏ hoe, nắm chặt tay nhau, vỗ về anh Mười vượt qua nỗi đau.
Tiếp xúc với mọi người, anh Mười nghẹn đi trong lời nói; lâu lâu lại gục đầu vào người thân bên cạnh giấu đi cảm xúc. Cảm giác bấc lực khi nhiều lần lao vào đám cháy cứu vợ con nhưng không thành của anh Mười khiến ai cũng có thể cảm nhận được.
Miệng lẩm bẩm, anh tự trách bản thân mình không thể cứu được vợ con. "Lúc đó lửa lớn quá, tôi chạy vào nhiều lần mà không thể đưa ba mẹ con nó ra. Vợ con tôi chết thảm quá! Tội nhất là 2 đứa nhỏ, con bé lớn tối qua còn khoe với tôi cậu cho tiền đi khám bệnh. Vậy mà!".
Sau khi khâm liệm xong, ba mẹ con chị Liễu được chở về quê ngay trong đêm. Một số người theo xe về quê cùng anh Mười lo hậu sự, một số người ở lại TP Hồ Chí Minh vì tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Nguyễn Xuân Lâm (em vợ anh Mười) vẫn còn đang được cấp cứu nhưng các bác sĩ tiên lượng anh Lâm không tốt.
Tự mình ý thức phòng cháy, đừng trông chờ vào người khác để rồi khi sự cố xảy ra lại đỗ lỗi cho số, cho trời. |
Dù thoát được khỏi đám cháy nhưng Lâm bị bỏng 76% cơ thể, bỏng đường hô hấp phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt. Bước đầu điều tra, Phòng Pháp chế - Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh và Công an quận 11 xác định nguyên nhân đám cháy xuất phát từ căn phòng dưới tầng trệt của mẹ anh Mười.
Bà cụ 83 tuổi đã lẫn nên căn phòng của bà không có gắn ổ cắm mà chỉ có cái quạt gắn trên tường cùng một bóng đèn. Công tắc được gắn bên ngoài phòng để người thân trong nhà tự mở tắt điện, chiếc quạt trong phòng mở 24/24.
Vụ cháy xảy ra chiếc giường ngủ của bà cụ bị cháy nặng và hóa than sâu, bức tường bong tróc. Tổ điều tra phát hiện lõi quạt điện và dây dẫn bị cháy, bong tróc. Bước đầu nhận định vụ cháy xuất phát từ cây quạt này.
Khi đám cháy bùng phát, anh Mười và người em vợ ngủ trên gác, cạnh bên là phòng chị Liễu và hai cô con gái. Dưới nhà, ngoài phòng bà cụ thì còn ba người khác ở phòng kế bên, có tất cả chín người trong căn nhà. Nhà nhỏ, bên trong nhà các vật dụng được bố trí không hợp lý.
Nhà có 2 phần cửa, cửa trước mặt tiền là cửa sắt và một cửa nhỏ phía sau. Phần cầu thang lên xuống gác được dựng nhiều xe gắn máy. Đám cháy bùng phát, anh Mười phát hiện hô hoán để mọi người bỏ chạy. Lối thoát hiểm bị lửa bịt kín, anh Mười và người em vợ trèo qua cửa sổ nhảy qua mái tôn nhà hàng xóm để thoát.
Bên trong nhà người mẹ già và ba người thân ở dưới trệt thoát ra bằng cửa sau. Chỉ có ba mẹ con chị Liễu do ở trong phòng kín gắn máy lạnh nên không hay biết vụ cháy đang xảy ra. Vì vậy dù nhiều lần lao vào đám cháy để cứu vợ con, leo lên dỡ mái tôn để tiếp cận căn phòng của chị Liễu nhưng lửa quá lớn, anh Mười đành bất lực.
2. Theo thống kê, mỗi năm tại TP Hồ Chí Minh có gần 1.000 sự cố cháy nổ, đa phần nguyên nhân dẫn đến cháy nổ là do sự cố về điện. Con số thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2017 các vụ cháy đã làm 26 người thiệt mạng, 44 người bị thương.
Điều đáng lưu ý là trong 26 nạn nhân thiệt mạng có 22 người thiệt mạng trong những vụ cháy nhà dân. Nhìn lại những vụ cháy chết người trên khiến ai cũng có cảm giác đau đớn và tự nhủ sẽ không để trường hợp trên xảy ra đối với nhà mình. Tuy nhiên cứ rút kinh nghiệm vụ cháy này thì vụ cháy khác lại xảy đến và con số người thiệt mạng trong các vụ cháy càng lúc càng lớn.
Hồi cuối tháng 10, vụ cháy tại căn nhà số 82/19 đường 138, ấp Cây Dầu, phường Tân Phú, Quận 9 đã làm 2 người thiệt mạng, 4 người bị thương nặng. Đau đớn nhất trong vụ cháy là người thân chứng kiến cảnh người mẹ già tử vong trong tư thế cố nhoài người vào trong gầm giường đưa cháu gái 3 tuổi ra ngoài và bị ngạt khói tử vong cả bà lẫn cháu. Nỗi đau lớn nhất có lẽ là nỗi đau của những người trong cuộc.
Hơn một tháng trôi qua từ sau vụ cháy nhưng anh Huỳnh Phước Thiện vẫn bị ám ảnh. Sự bất lực đau đớn vẫn hiện hiện trong tâm trí anh Tâm.
0h, ngọn lửa bùng phát trong căn nhà nơi gia đình anh Thiện ở tạm để chờ vào nhà mới đang xây lại. Ngọn lửa bùng phát ngay lối ra vào duy nhất lại là vị trí đặt nhiều xe máy. Anh Thiện cố gắng kéo những chiếc xe đang cháy ra ngoài.
Ngọn lửa lan rộng, lối vào duy nhất bị bịt, anh Tâm và anh trai đã phá vách tôn bên hông nhà. Anh Thiện dùng mền tưới nước và xông vào trong nhà đưa cháu bé 10 tháng tuổi ra ngoài sau đó tiếp tục xông vào trong lửa đưa thêm 2 người ra ngoài. Người anh Thiện bị lửa táp cháy xém nhưng nghĩ đến mẹ và đứa cháu gái 3 tuổi, anh Thiện tiếp tục lao vào đám cháy.
Lúc này ngọn lửa đã chặn trước cửa phòng, đồ đạc ngổn ngang nên anh vuốt nước mắt đau đớn chạy ra ngoài. Khi ngọn lửa được dập tắt, bà Mùi tử vong trong tư thế cố tìm đứa cháu gái dưới gầm giường.
Vụ cháy khiến 2 người chết, nhiều người bị thương tại quận 8 hồi tháng 9 năm này lại thêm một phần minh chứng cho việc lơ là vào công tác PCCC ở nhà dân. Anh Thạch Lâm Thành (33 tuổi, quê Trà Vinh, công nhân của một công trình xây dựng trên địa bàn quận 8), người đầu tiên phát hiện đám cháy cũng là người phá cửa dập lửa đưa gần 10 người trong căn nhà ra ngoài vẫn chưa hết bàng hoàng.
Trong lúc trông coi công trình, anh Thành phát hiện ngọn lửa bùng phát dưới tầng trệt căn nhà 3 tầng. Mùi xăng tỏa ra nồng nặc tràn ra ngoài của khiến chiếc cửa sắt bị lửa bao trùm. Vơ vội cây búa tạ, anh Thành vừa hô hoán vừa leo qua hàng rào căn nhà đang cháy phá cánh cửa sắt.
Sắp xếp đồ đạc hợp lý, đừng để lối thoát hiểm duy nhất của gia đình bị bịt kín. |
Bên trong khói đen bốc lên luồn lên các tầng trên. Anh Thành bịt miệng xông vào thì thấy anh Trương Hữu Luật (41 tuổi) nằm thoi thóp nên kéo ra ngoài. Lúc này tiếng gào thét, hoảng hốt của những người mắc kẹt bên trên các tầng lầu khiến anh Thành hoảng gào thét kêu cứu.
Đêm khuya không ai nghe thấy tiếng kêu cứu của anh. Không chút suy nghĩ, anh Thành phá cổng rào chạy về công trình lấy xẻng xúc cát dập vị trí ngọn lửa bùng lên. Tuy nhiên do điểm cháy là các xe gắn máy dựng dưới tầng trệt nên ngọn lửa không thể tắt. Anh Thành giật bung mùng mền vừa mắc để ngủ xông vào dập lửa.
Lúc này một số người dân đã phát hiện đám cháy gọi điện cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. 8 người trong căn nhà được giải cứu ra ngoài nhưng 2 người đã thiệt mạng.
"Lúc phá được cửa thấy một người bị ngất, tôi cố bế người đàn ông này ra ngoài nhưng ông ấy quá nặng. Không có ai hỗ trợ nên tôi đành kéo ông ấy ra khu vực an toàn rồi xông vào dập lửa. Khi chạy tiếp vào trong nhà tôi thấy có người từ trên lầu chạy xuống xem kêu người này chạy lên trên rồi tiếp tục dập lửa! Lửa quá lớn tôi dập hoài không tắt!" - Thành nghèn ngẹn.
3. Nhìn vào hiện trường những vụ cháy dẫn đến chết người đều có một điểm chung đó là những căn nhà có đông người ở, đồ đạc sắp xếp lộn xộn, hệ thống điện được giăng mắc bất hợp lý và hàng hóa được sắp xếp chiếm các lối thoát hiểm (đối với những căn nhà vừa là nơi ở vừa là điểm kinh doanh).
Các vụ cháy thường xảy ra lúc khuya hoặc rạng sáng, là thời điểm mà những người trong các gia đình đang ngủ say, tinh thần không được tỉnh táo để có thể bình tĩnh tìm phương cách thoát thân và đưa người trong nhà thoát thân. Khi xảy ra cháy, lối thoát hiểm bị bịt kín không tìm được đường thoát, không có thiết bị PCCC dẫn đến việc những người trong nhà hoảng loạn, bế tắc kêu cứu và tử vong do ngạt khói.
Cứ mỗi lần các vụ cháy dẫn đến chết người xảy ra, báo đài tốn không biết bao nhiêu giấy mực để cảnh báo người dân nhưng các vụ cháy vẫn xảy ra và số người thiệt mạng sau các vụ cháy năm nay cao hơn năm trước.
Đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh từng khuyến cáo người dân, nhất là các nhà dân sử dụng nhà mình làm nơi ở vừa kết hợp với kinh doanh cần nâng cao ý thức phòng cháy. Cần trang bị các thiết bị PCCC trong nhà, cần sắp xếp đồ đạc, kiểm tra hệ thống điện, cần có lối thoát hiểm và cần có những kỹ năng thoát khỏi đám cháy.
Và điều kiện cấp bách nhất là phải gọi điện cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp khi sự cố mới xảy ra để dễ dàng khống chế và không gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản. Khuyến cáo như vậy nhưng dường như không có tác dụng khi người dân quá chủ quan và khi vụ cháy xảy ra chỉ biết đổ lỗi cho số, cho trời.
Đừng bao giờ mất cảnh giác với giặc lửa, đừng bao giờ tin rằng người khác có thể xui rủi còn mình thì không, mọi an toàn chỉ đến khi cẩn trọng và đó cũng là cách để hạn chế thấp nhất hậu quả nếu như có chuyện không may xảy đến.
Nguồn: ANTG/Báo CAND