Phóng sự
Trên nóng – dưới lạnh
Có những cán bộ “giao không chịu làm”, thậm chí làm lơ với cả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; những trường hợp đó đang làm ảnh hưởng, làm cản trở nghiêm trọng đến tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo mà Thủ tướng đã cam kết với nhân dân…
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn với thời lượng hơn 2,5 giờ. Một thời gian kỷ lục đối với người đứng đầu Chính phủ. Hàng loạt vấn đề của đời sống xã hội từ vấn nạn thể chất người Việt, phát triển kinh tế, tạo môi trường đầu tư cho doanh nghiệp đến các vụ án tham nhũng, bất cập trong dự án BOT… đã được Thủ tướng Chính phủ trả lời cặn kẽ, chính xác, phong thái tự tin, đĩnh đạc. Với tinh thần ủng hộ tuyệt đối Chính phủ kiến tạo, nói đi đôi với làm, phục vụ nhân dân, tôn trọng cảm xúc của nhân dân, trong Chuyên đề này chúng tôi xin lạm bàn một ý nhỏ trong phần trả lời của Thủ tướng Chính phủ: “Cán bộ kém, dân kêu mà mãi không thay được thì kiến tạo cái gì?”. |
1. Tại phiên chất vấn Thủ tướng kỳ họp thứ IV, Quốc Hội khóa XIV, trả lời câu hỏi của Đại biểu Vũ Tiến Lộc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần nữa nhấn mạnh về nội hàm của Chính phủ kiến tạo như sau: Chính phủ kiến tạo là chủ động thiết kế chính sách pháp luật để đất nước phát triển; thứ hai, nhà nước không làm thay thị trường; thứ ba, Chính phủ phải kiến thiết được môi trường kinh doanh thuận lợi, phải vươn lên ở nhóm các nước phát triển trong vấn đề này; thứ tư, phúc lợi xã hội phải tốt và thứ năm, Chính phủ kiến tạo là nói đi đôi với làm, thay ngay những cán bộ “giao mãi không chịu làm”.
Trong đó, Thủ tướng đã nhấn mạnh: “Cán bộ kém, dân kêu mà mãi không thay được thì kiến tạo cái gì được?”.
Còn nhớ trong phát biểu nhậm chức trước Quốc hội hai năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và sau đó được Chính phủ cụ thể hóa trong các nghị quyết, quyết định quan trọng thời gian qua. Có thể nói, Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Chính phủ là đúng hướng và đã có đủ quyết tâm, có mục tiêu rõ ràng.
Minh họa: Lê Phương. |
Có thể thấy, trong quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo thời gian qua, đất nước đã có những chuyển biến hết sức tích cực mà bất cứ người dân nào cũng đều cảm nhận được. Đó là những cải cách trong thủ tục hành chính, trong công tác cán bộ, những chuyển biến mạnh mẽ trong công tác đấu tranh chống tham nhũng,…
Những chính sách mới tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp, cải thiện trong môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Những vấn đề xã hội quan trọng, cấp thiết như giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, quản lý an toàn thực phẩm, công tác bảo vệ môi trường,… được giải quyết hiệu quả.
Với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo đó của người đứng đầu Chính phủ, mọi người dân đã và đang hết lòng tin tưởng, kỳ vọng về một sự đổi mới toàn diện đất nước trong một tương lai gần.
Song, cũng như ý của Thủ tướng, để xây dựng một Chính phủ kiến tạo thành công thì không thể tồn tại những cán bộ kém, khiến dân bức xúc. Bởi cán bộ, nhất là cán bộ địa phương là lực lượng gần dân nhất, là một lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng Chính phủ kiến tạo như chủ trương của Thủ tướng. Chính vì vậy mà “Cán bộ kém, dân kêu mãi mà không thay được thì kiến tạo cái gì được”.
Chính phủ kiến tạo không thể thành công khi mà vấn đề nạn tham nhũng vặt, nhũng nhiễu làm khó người dân, doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ hiện nay vẫn còn diễn ra khá phổ biến.
“Nhiều cử tri nói đường rộng cũng ăn, đường hẹp cũng ăn, cho làm cũng ăn, không cho làm cũng ăn. Nhà cao cũng ăn, cắt ngọn cũng ăn. Họ vận dụng luật một các mềm dẻo và hợp lý”, đó là lời của Đại biểu Nguyễn Anh Trí trong lần chất vấn Thủ tướng vừa qua.
Ông Trí trăn trở: “Đường lối của Quốc hội là đúng lắm. Thủ tướng thì nóng bỏng quyết liệt, nhưng tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” vẫn còn rất rõ, rất phổ biến ở một số bộ ngành, tỉnh thành. Điều đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng đã cam kết”.
2. Thực tế cho thấy, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên bảo dưới không nghe” hiện nay là không hiếm. Chưa nói đến việc những cán bộ làm sai hoặc không làm theo tinh thần của những đường lối chỉ đạo của Chính phủ mà thậm chí là ngay cả với chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ đối với một đơn vị cụ thể nhưng đơn vị đó cũng không chấp hành!
Đó là trường hợp của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã có đến 3 lần “lờ” đi chỉ đạo, nhắc nhở, đốc thúc của Thủ tướng Chính phủ về việc giải quyết tố cáo của doanh nghiệp. Kết quả là vị Chủ tịch này đã bị Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình “phê bình”.
Song, nhiều ý kiến cho rằng, phê bình vẫn là hình thức xử lý quá nhẹ đối với trường hợp này bởi rõ ràng đây là tội bất tuân thượng lệnh, có ý coi thường kỉ cương, phép nước của người đứng đầu chính quyền một địa phương.
Có người đã hỏi, với lệnh của Thủ tướng Chính phủ mà lãnh đạo địa phương này còn phớt lờ 3 lần thì đối với những ý kiến của người dân liệu còn trông mong gì nữa?! Và thử hỏi như vậy thì sự liêm chính, kiến tạo theo chủ trương của Chính phủ được những lãnh đạo địa phương này thực hiện ra sao?!
Tương tự, cách đây ít lâu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo về xử lí nghiêm vi phạm, kiểm điểm trách nhiệm của đơn vị, cá nhân có liên quan trong vụ việc sai phạm đấu thầu “gói thầu cung cấp và lắp đặt hệ thống xạ trị gia tốc hướng dẫn hình ảnh” trị giá 239 tỷ đồng tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM.
Phó Thủ tướng còn yêu cầu đơn vị tổ chức đấu thầu hủy thầu. Tuy nhiên, bất chấp văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng, đã không có cán bộ hay đơn vị nào bị xử lí trách nhiệm trong vụ việc vi phạm đấu thầu này và ngang nhiên hơn, gần đây đơn vị trúng thầu vẫn còn tiến hành lắp đặt các thiết bị máy móc.
Tại sao lại có những trường hợp bất tuân lệnh trực tiếp chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ như vậy? Vì họ là “vua con” như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói hay chính là vì Chính phủ chưa có những hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp này nên một số cán bộ vẫn làm “lơ”?!
Nhưng dù thế nào, những trường hợp đó rõ ràng đang làm ảnh hưởng, làm cản trở nghiêm trọng đến tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng đã cam kết.
Như vậy, không còn cách nào khác, để xây dựng Chính phủ kiến tạo thì phải thay ngay những cán bộ “giao không chịu làm”, những cán bộ yếu kém. Đó cũng là cách thể hiện sự kiên quyết trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển.
Và một khi trong nội các Chính phủ, bộ máy chính quyền các cấp đã được trong sạch, vững mạnh, mọi người có chung ý chí, mục tiêu thì khi đó, việc xây dựng Chính phủ kiến tạo phải chăng sẽ trở nên thuận lợi hơn, dễ dàng hơn!
Nguồn: ANTG/Báo CAND