Phóng sự
Những cánh chim trời 'thất thủ'
08:54, 06/12/2017 (GMT+7)
Trước sức tiêu thụ mạnh của con người, chim trời đã không còn chỗ để sống, nhiều người lao vào nghề buôn bán một cách bất chấp để lừa lọc, gian dối nhằm kiếm lợi nhuận...
Nhộn nhịp chợ chim di động
Tại khu vực bãi đất hoang gần vườn cò Hồng Ký (phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, TP Hồ Chí Minh), mỗi chiều về luôn có hàng chục thanh niên mang đồ nghề đi săn chim trời. Sau mỗi đêm, tay săn nào xuất sắc nhất cũng chỉ được vài con xách về. Câu hỏi đặt ra là chim trời ở đâu mà dân buôn bày bán tràn ngập khắp nơi, từ ngoài đường vào quán nhậu?
Chúng tôi đi dạo một vòng từ đường 23 (phường Long Thạnh Mỹ, quận 9) đến khu vực cầu Rạch Chiếc, ngã tư Bình Thái (quận Thủ Đức) đều thấy những mâm chim trời được bày bán bất chấp nắng mưa, gió bụi. Những con chim chằng nghịch nằm phơi mình trần trụi để lộ bộ da bóng nhẫy, bụng căng mọng khá hấp dẫn, kích thích giác quan của dân đi đường.
Bẫy chim trời bằng lưới. |
Nhiều người sà xuống mua, nhiều người dừng lại ngó nghiêng trả giá... Không khí bán chim nhộn nhịp hẳn lên. Với đà tiêu thụ như hiện nay, trung bình mỗi ngày, một người bán được khoảng 10-20kg chim chằng nghịch.
Chúng tôi tấp vào một lều chim ven đường hỏi về giá cả, xuất xứ, người bán bịt khẩu trang kín từ đầu đến cổ nói ngay: "Có mua không mà hỏi nhiều thế? Chim này bắt ở miền Tây lên chứ ở đây làm gì có". Vốn kiến thức về sản phẩm bán ra của người này có lẽ chỉ đến thế.
Ẩn mình trong vùng quê yên bình ở quận 9 (TP. Hồ Chí Minh) là cung đường 23 thênh thang, thoáng đạt ngày nào cũng có chim trời được rao bán, nhiều nhất vẫn là chim chằng nghịch, thỉnh thoảng có thêm vài xâu chim cuốc bị dốc ngược đầu, treo lơ lửng trên nhánh cây. Một người quen giới thiệu, chúng tôi được Tuấn "cò" bật mí cho khá nhiều thông tin giật mình về hành trình săn bắt, chế biến cũng như biến hóa các loại chim của dân buôn.
Tuấn là một cao thủ chuyên đi bẫy cò nên được đồng đội đặt cho biệt danh Tuấn "cò". Sở hữu kinh nghiệm săn bắt chim trời nhiều năm, Tuấn "cò" có khả năng nhận diện từng loại chim rất nhanh. Nếu còn sống chỉ cần nghe tiếng kêu là biết tên chim. Nếu đã bị vặt lông thì nhìn vào chiếc mỏ và cặp chân sẽ nhận ra chim, biệt tài này không ai có thể qua mắt được Tuấn "cò".
Anh ta nói thẳng: "Mấy người bán chim trời ngoài đường chỉ họa hoằn lắm mới có chim thật, còn lại là chim cút hóa thân hết cả. Vì chim trời quý lắm, bắt được đưa vào nhà hàng lớn bán rất cao, không ai dại gì ngồi bán ven đường cả".
Các loại chim trời thật giả lẫn lộn được bày bán công khai. |
Nói về hàng trăm con chim chằng nghịch bày bán công khai mỗi ngày trên các cung đường ven thành phố, Tuấn "cò" cười mỉa: "Chim chằng nghịch là loài hoang dã sống trong rừng. Loại chim này mỏ dài, chân dài, thân mình gần giống với cò.
Thời gian qua, do bị săn bắt quá nhiều nên giờ loại này hiếm, làm gì có mà ngày nào cũng bán. Đó là chim cút già được phù phép. Chim cuốc thì có thể còn ở vùng này nhưng không nhiều mà rao bán mỗi ngày. Có thể là gà con hóa thân".
Là dân sành chim, hơn ai hết, Tuấn "cò" hiểu rõ bản chất của giới bán buôn "treo đầu dê bán thịt chó". Tuấn cho biết, bây giờ muốn có chằng nghịch thật phải về tận Đồng Tháp, Vĩnh Long, mà trúng mùa nước nổi mới săn được.
Chim trời hóa thân
Tuấn bây giờ đi săn cho khuây khỏa, như cách để giải trí chứ không lấy đó làm nghề kiếm cơm nữa...
Cứ hai ngày cuối tuần, Tuấn cùng vài người bạn xách đồ nghề đi về hướng Đông của quận 9, giáp với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) có địa hình cây xanh rậm rạp, nhiều kênh rạch mát mẻ bẫy rắn.
Tuấn kể, tuần trước, khi đang đi săn ở mé sông Đồng Nai, vô tình bắt gặp một đàn chằng nghịch lủi trong bãi cỏ, do không mang theo đồ nghề nên đành "nuốt nước miếng" nhìn chúng nhởn nha bay nhảy. Tuấn nhận định, đàn chằng nghịch này chắc do mải đi ăn nên lạc theo dòng nước về đây, chứ khu vực này trước giờ không hề thấy chúng xuất hiện.
Những lồng chim chờ phóng sinh. |
Tuấn giới thiệu cho chúng tôi gặp Hải, một tay săn chim sẻ nức tiếng và cũng được gọi là Hải "sẻ". Trước khi gặp Hải, chúng tôi vào một quán ăn bình dân gọi một đĩa chim sẻ rô ti 6 con có giá trên 100 ngàn đồng. Theo bà chủ, đây là đặc sản, dù đắt đỏ vẫn không có mà bán. Mang chuyện này hỏi Hải, chúng tôi nhận được cái lắc đầu cùng nụ cười nhếch mép.
Hải phán luôn: "Nếu là sẻ hoang dã thì giá đó chỉ được 2 con thôi. Món mọi người ăn là sẻ nuôi phóng sinh. Sau khi bán cho người phóng sinh, giới buôn sẻ thu được toàn bộ số chim về bằng một chiêu dụ đặc biệt, cái này không thể tiết lộ được. Sau đó họ đưa về cho các quán nhậu làm thịt với giá rẻ bèo". Nghe Hải nói, chúng tôi gai hết người vì đã ăn trúng loài chim phóng sinh được nuôi bằng cám tăng trọng.
Là dân săn chim có tiếng, Hải "sẻ" cho biết, tất cả số chim nhóm anh ta săn được đều có đầu mối thu mua với giá cao. Chỉ những đại gia sành ăn chơi mới được thưởng thức đặc sản sẻ hoang và không phải lúc nào cũng có.
Săn chim sẻ thời nay là một nghề hái ra tiền. Chim sẻ bán phóng sinh cho tới vào bàn nhậu đều cháy hàng, không có mà bán. Nhiều người đã mạnh tay chi cả trăm triệu đồng mua đồ nghề săn chim và chỉ một thời gian ngắn là "kéo" lại được vốn. Những người săn chim chuyên nghiệp như Hải "sẻ" bây giờ không phải mất nhiều công sức và thời gian nữa.
Công nghệ săn đã hiện đại hơn nhiều. Thay vì phải đi cả đêm, rình mò, nhử bẫy đủ kiểu mới bắt được chú chim thì nay họ dùng tấm lưới quét phủ. Tại vị trí xác định có chim, tay săn sẽ vãi loại mồi ưa thích nhất của chim, chờ khoảng 30 phút, mồi tỏa hương ngào ngạt ra không trung, nhờ gió cuốn lơi lả đến miệng chim.
Nơi đặt lưới sẽ có vài chú chim hót thanh bình, yên ả mời bạn bè về chơi xơi thóc. Khi thấy số lượng chim tụ nhiều, người săn sẽ giật lưới hốt trọn mẻ. Trong mẻ lưới đầy hả ha, phấn khích của người săn, là những chú chim nhỏ trông thật đáng thương và tội nghiệp. Chúng cố gắng vẫy vùng tìm lối thoát, có chú va vào cọc căng lưới thương tích đầy mình.
Đầu, mỏ, và đôi cánh bị tứa máu, chúng nằm thoi thóp trong lồng rồi chết một cách tức tưởi. Chú nào còn sống đều trong trạng thái hoảng loạn. Nếu có dịp quan sát tận mắt một vài sạp nhốt chim sẻ, chúng ta đều cảm nhận được sự tuyệt vọng hằn lên đôi mắt của loài chim nhỏ bé thanh bạch này.
Vài năm trở lại đây, ở khu vực TP Hồ Chí Minh không có chỗ cho chim sẻ trú ngụ. Cánh săn chim phải "bay" về tận Long An, Bình Dương, Tây Ninh kiếm ổ. Cũng giống như Tuấn "cò", sản phẩm của Hải "sẻ" chỉ dành cho giới đại gia, không có cửa ra ngoài thị trường.
Lâu nay, đánh vào thị hiếu của dân nhậu chuộng đồ ăn có tính chất hoang dã nên các ông bà chủ quán ăn sẽ "vẽ" trên thực đơn những món chim rừng thật phong phú. Hơn nữa, ai cũng muốn thể hiện đẳng cấp khi mời bạn bè đặc sản "rừng rú" cho nở mày nở mặt nên món gì liên quan đến rừng đều được để mắt tới.
Hiện nay, cơn lốc "tận diệt" chim trời đã và đang diễn ra rất khủng khiếp, loài chim phải bay đi thật xa lánh nạn nên ngày càng khan hiếm. Vậy lấy đâu ra chim rừng mà ngày nào cũng đầy rẫy trên thực đơn, điều đó là sự thật nhưng dân ăn nhậu lại không hề để ý.
Hoặc nếu có quan tâm thì cũng mù tịt về thông tin, không thể phân biệt hay nhận dạng chính xác thật giả. Chưa kể vấn đề an toàn thực phẩm, cúm gia cầm... cũng là mối nguy tiềm ẩn.
Trước tình trạng rao bán chim trời giữa thanh thiên bạch nhật, cơ quan chức năng một số địa phương đã vào cuộc và lộ ra sự thật trắng trợn. Đó là khi ập đến các tụ điểm bán hàng kiểm tra thì người bán mới thật thà khai ra chim trời rao bán thực chất là chim cút và gà con được hóa kiếp nên không thể xử lý hành vi buôn bán động vật cấm được. Còn những nơi bán chim thật lại rất khó phát hiện bắt quả tang, bởi các đối tượng đã được mật báo từ trước. Họ có hàng trăm cách để đối phó cơ quan chức năng.
Nguồn: Ngọc Thiện/CAND