Phóng sự
Mỗi vụ án, từng nỗi đau
(Congannghean.vn)-Mỗi đối tượng một hoàn cảnh, một nguyên nhân sa ngã riêng, nhưng đều có đặc điểm chung là thiếu sự quan tâm, chăm sóc của gia đình, người thân. Và cứ thế, các đối tượng trượt dài trong vòng xoáy luẩn quẩn của những vi phạm pháp luật.
Các đối tượng thanh, thiếu niên bị bắt giữ vì hành vi trộm cắp tài sản |
Sở thích chơi game, 'dạt vòm' và ma túy đá
Hồ Đình Long (SN 2002) trú tại xóm Minh Thọ, xã Hòa Sơn và Ngô Xuân Mạnh (SN 1997) trú tại xóm Yên Quang, xã Yên Sơn, cùng huyện Đô Lương là bạn thân của nhau. Điều này thể hiện rõ trong ngoại hình với kiểu tóc đời mới, cách nói chuyện tưng tửng và sở thích “cày” game thâu đêm suốt sáng. Từng có tiền án, lại quen mặt với các điều tra viên Đội Cảnh sát ĐTTP về Hình sự - Kinh tế và Ma túy Công an huyện Đô Lương nên chúng chẳng lấy việc bị tạm giữ về hành vi “Cướp giật tài sản” vào cuối tháng 10/2017 vừa qua làm buồn lòng. Ngay cả khi bị triệu tập lên cơ quan điều tra để làm việc, Long và Mạnh vẫn vui vẻ trò chuyện, “chải chuốt” khi biết được quay hình.
Bỏ học từ sớm, 2 đối tượng nhanh chóng kết thân với nhau. Là con trong gia đình gia giáo, anh chị có công việc ổn định nhưng Mạnh và Long chẳng chịu tu chí học hành. Cha mẹ bận rộn với công việc mưu sinh nên không có thời gian quản lý, chúng tìm đến nhau để đua đòi, học làm người lớn. Có chung sở thích chơi game, “cặp đôi hoàn hảo” quen mặt hầu hết các quán game trên địa bàn. Hàng ngày, ngoài lúc đi ngủ thì cả hai đều vùi đầu vào những màn tỉ thí trên máy tính.
Như Mạnh, thời gian đầu, đối tượng lấy tiền tiêu vặt của bố mẹ cho để “nướng” vào các quán net, đến khi bị đám người xấu rủ rê, Mạnh biết tới “món” ma túy đá. Và rồi, thiếu tiền tiêu xài, Mạnh và Long rủ nhau cướp giật tài sản. Mục tiêu duy nhất khi 2 đối tượng thực hiện hành vi phạm tội là để “nuôi sống” những nhân vật trong các trò chơi game, để mua quần áo mới cho những cái tên ảo mà cả hai cùng say mê.
Tìm hiểu kỹ mới biết, Mạnh và Long quen biết nhau từ ổ nhóm trộm cắp do một số thanh, thiếu niên hình thành trong thời gian qua trên địa bàn huyện Đô Lương. Đây là nơi tập trung, sinh hoạt của các đối tượng bỏ học sớm, không có việc làm và rất nghiện game. Ổ nhóm này chủ yếu trong độ tuổi từ 14 - 16, chúng đều coi quán nét là nhà. Để có tiền trả cho các chủ tiệm và mua ma túy sử dụng, các đối tượng rủ nhau trộm tài sản của người dân. Đa phần, những thanh, thiếu niên này đều có tiền án, tiền sự và thể hiện sự tinh vi, manh động trong khi thực hiện hành vi phạm pháp.
Cũng trên địa bàn huyện Đô Lương, tại xã Hòa Sơn, số phận Nguyễn Quốc Trị (SN 1986) chẳng tươi sáng hơn là bao. Dù tuổi đời còn trẻ nhưng Trị đã “cõng” trên mình 3 tiền án về tội trộm cắp tài sản - hệ quả tất yếu của việc nghiện game, “dạt vòm” và ma túy.
Sinh ra trong gia đình chẳng đủ đầy về tình cảm, sự yêu thương của mẹ chẳng thể kéo Trị khỏi con đường nghiện ngập, sa ngã. Trị như cái cây hoang dã, cứ thế mà lớn chẳng rèn dũa, tôi luyện gì. Mặc cho người mẹ già hết mực dặn dò, mặc cho bà con hàng xóm khuyên bảo, giúp đỡ, Trị vẫn thường xuyên trộm cắp tài sản để tiêu xài cá nhân.
Cứ thấy Trị xuất hiện, người dân lại nơm nớp lo sợ, tìm mọi cách để bảo vệ tài sản của mình. Từ con gà, chiếc xe đạp đến cái quạt..., bất cứ vật dụng gì, chỉ cần chút lơ là, sơ hở là Trị “chôm” trong tích tắc. Sống bằng nghề “đạo chích” là từ mà mọi người thường dùng để nói về Trị. Ra tù rồi lại “xộ khám” hết lần này đến lần khác, Trị như con thiêu thân lao vào vòng xoáy của cạm bẫy sai trái mà chẳng biết đường về.
Lối về nào cho những thanh niên “không chịu lớn”
Theo Thiếu tá Nguyễn Cảnh Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát ĐTTP về Hình sự - Kinh tế và Ma túy Công an huyện Đô Lương, mỗi lần làm việc với các thanh, thiếu niên vi phạm, anh chẳng thể dám chắc, sẽ không phải gặp thêm đối tượng ấy lần nữa. Dù vào trường giáo dưỡng, được nhắc nhở nhiều lần nhưng những thanh niên ấy vẫn cứ rơi vào vòng xoáy tội lỗi. Bọn trẻ hầu hết đều đang ở độ tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Đáng ra ở cái tuổi cắp sách đến trường, nuôi dưỡng cho những giấc mơ tương lai thì ngược lại, các em bỏ nhà đi hoang, “dạt vòm” rồi liên kết với nhau thành băng nhóm tội phạm.
Đặc điểm chung của những thanh, thiếu niên vi phạm pháp luật đó chính là thiếu sự quan tâm, chăm sóc của gia đình, bố mẹ. Hầu hết các em đều sớm bỏ học, thiếu người chia sẻ, động viên. Lúc đầu là gom những vật dụng được ba mẹ sắm như chiếc điện thoại di động, máy tính xách tay, đến khi bị dụ dỗ thành con nghiện thì bán sạch. Hết tiền lại rủ nhau đi trộm cắp hoặc cướp giật tài sản để “nuôi” ma túy và cứ thế trượt dài vào con đường phạm tội.
Ngồi đối diện với tôi tại cơ quan CSĐT Công an huyện Nam Đàn, trên gương mặt của Lê Đức Anh (SN 2000) trú tại khối Quang Trung, thị trấn Nam Đàn khá mệt mỏi. Đó là hậu quả của những đêm dài “cày” game, bỏ học, lang thang rồi nhiễm những thói hư tật xấu. Sau khi bố mẹ ly dị, Đức Anh ở với mẹ nhưng 2 năm trở lại đây, em chuyển sang ở với bố. Thiếu sự chăm lo, bảo ban đầy đủ của bố mẹ, Đức Anh ngày càng chểnh mảng việc học hành, theo đám bạn xấu lang thang, lêu lổng đua đòi ăn chơi. Thiếu tiền tiêu xài mua sắm, đi bar, Đức Anh nảy sinh ý định trộm cắp tài sản nhà hàng xóm…
Tôi động viên Đức Anh quay lại trường hoặc tìm một nghề nào đó để học hành cho tương lai nhưng em lắc đầu: Chán học lắm, quay lại làm gì hả chị? Mặt “búng ra sữa” nhưng theo điều tra viên, Đức Anh khá tinh vi trong việc thực hiện các hành vi trộm cắp tài sản, từ việc theo dõi di biến động người bị hại đến việc tìm cách tiêu thụ tài sản để phục vụ mục đích cá nhân.
Ỷ lại vào sự giáo dục của nhà trường, trông chờ vào sự dạy dỗ của pháp luật là nguyên nhân chính khiến nhiều bậc phụ huynh coi nhẹ việc rèn giũa con cái. Từ việc buông lỏng để con nghiện game, rồi coi nhẹ những ngày những cậu bé, cô bé ấy bỏ đi theo bạn “dạt vòm”, những ông bố bà mẹ chỉ nghĩ, kiểm đủ tiền nuôi chúng ăn học là đủ. Chỉ đến khi được cơ quan CSĐT triệu tập, họ mới ngỡ ngàng và luôn miệng khẳng định: Con tôi không như vậy, ở nhà nó rất ngoan mà... Bởi thế, những cô bé, cậu bé với gương mặt còn quá trẻ, cứ mặc vậy, rơi vào vòng xoáy luẩn quẩn của ma túy, phạm pháp và tù tội.
Tuệ Trang