Phóng sự

Tìm con chữ giữa thung lũng đại ngàn

15:58, 25/11/2017 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Vượt hàng trăm kilomet con đường độc đạo, chúng tôi tìm đến vùng biên viễn miền tây Quảng Bình. Cổng trời dựng đứng hàng ngàn năm qua như thách thức sự nhẫn nại của những ai muốn đi qua đây. Rừng núi hoang vu. Biên cương toàn gió chướng.
 
Song những khó khăn, vất vả đó đã và đang được nhiều thầy cô giáo vượt qua. Tâm sáng nghề giáo đang đánh thức bản làng… Những con chữ của các thầy cô cắm bản chính là ánh sáng thắp lên niềm tin và báo hiệu một ngày mai tươi sáng cho bà con người Rục, Sách, Mày, Ma Coong dưới chân núi Trường Sơn.
 
Tình yêu viết dọc đường núi đá
 
Mới hơn 4 giờ chiều nhưng khí trời ở vùng biên xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, hay Trọng Hóa, Dân Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình đã bắt đầu chuyển tối. 
Một lớp học ở xã Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình.
Một lớp học ở xã Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình.
Theo tay chỉ của Hồ A Sung, tôi tìm vào nơi thầy Nhàn, thầy Thái, thầy Hà đang dạy học. Cách đây mấy năm, nơi đây chưa có trường học, nhưng vì yêu cái chữ, quý cái bụng thầy giáo nên bà con dân bản chung tay, góp sức dựng tạm những căn nhà lá cho các thầy cô dạy học. 
 
Lúc đầu chỉ có một lớp vài học trò, vậy mà giờ đây giữa núi rừng heo hút này đã có hàng chục lớp tiểu học. Học sinh bản Si Mày biết con chữ đầu tiên làm già làng bản Ta Chong, bản Măng, bản Ra Mai buộc con em phải tìm đến thầy giáo học chữ thôi.
 
Đêm bên ngọn lửa bập bùng giữa núi đồi se lạnh, chúng tôi ngồi nép vào nhau hơn. Câu chuyện về cuộc đời, về nghề giáo, về tình yêu như những ánh lửa hồng chan chứa yêu thương. 
 
Để đến gieo con chữ ở Thượng Trạch hay Trọng Hóa chỉ có niềm đam mê thôi chưa đủ, ở đó còn đòi hỏi sự hy sinh và cống hiến mới giúp giáo viên nơi đây vui tươi đứng trên bục giảng. Thượng Trạch có hơn 10 điểm trường cắm ở từng bản, có những bản làng phải đi mất cả ngày mới tới.
 
Một lớp học ở xã Thượng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình.
 
Vượt cả hàng trăm kilomet đường Hồ Chí Minh và len len giữa rừng già Phong Nha Kẻ Bàng theo đường 20 Quyết Thắng, chúng tôi bắt gặp những ngọn núi đá cao, những khe suối sâu như cản đường vào bản đi tìm lớp học và thầy cô giáo ở Thượng Trạch. 
 
Dọc đường đi, trên nhiều vách đá, hoặc lật giở nhật ký Facebook, tôi bắt gặp những dòng chữ yêu thương được viết bằng bút sơn, bằng gạch hằn in trên đá. "Hôm nay là ngày đặc biệt, mình bắt đầu đi làm sự việc trồng người. Cũng tính toán mãi, bọ mạ không cho đi, bạn bè cũng ngăn cản, nhưng tuổi trẻ và lòng yêu thương đã giúp mình vượt qua, xin lỗi bọ mạ con luôn ghi nhớ lời mạ, sướng khổ tự con quyết định. Khổ là chắc rồi mạ ạ, nhưng con thấy hạnh phúc…".
 
"Lên đây dạy học, là em biết mất anh rồi, tình yêu của chúng ta chưa đủ lớn, em còn có tình yêu khác, đó là con trẻ". "H yêu thương, ra trường mỗi đứa đi thật xa, ta không nghĩ đến ngày đó đúng không. Chỉ có suốt ngày với đám trẻ khó khăn, khổ cực nơi đây anh mới vơi được nỗi nhớ H". 
 
"Bắt đầu hôm nay là một cuộc sống khác, ở đó chỉ có những đứa trẻ lấm lem, những cái đầu trần, việc đầu tiên mình nghĩ sẽ làm là tắm và cắt tóc cho các cháu, học chữ sau…". Những dòng nhật ký của thầy cô giáo cắm bản khi nghỉ chân dọc đường làm chúng tôi xúc động giữa trời chiều bảng lảng khói sương.
 
Thầy Võ Anh Tuân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Thượng Trạch cho biết, ngay trong hè chuẩn bị vào năm học, trường đã phân công công tác và bố trí cho các giáo viên cắm bản về ổn định nơi ăn chốn ở và tiến hành họp bản. 
 
Khó khăn nhất là họp dân bản để động viên cho các cháu đến trường. Tại Thượng Trạch, bản Troi là một trong những bản xa nhất. Cả bản Troi có 19 hộ và 114 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nương rẫy nên cuộc sống rất bấp bênh. Vào năm học mới cả bản chưa đầy 20 học sinh nhưng phải chia thành 5 khối học thành 2 lớp ghép. Lớp ghép các cháu lớp 1, 2, 3 và lớp ghép lớp 4 và 5 do 3 thầy giáo phụ trách dạy chữ cho các cháu. 
 
Nhìn các cháu đến lớp co ro trong manh áo mỏng, nhiều thầy cô giáo cắm bản khi về xuôi lại đi xin quần áo cũ của người thân, người làng mang lên cho các cháu. Những khó khăn về cuộc sống thường nhật, thầy trò đều cố gắng vượt qua, nhưng vất vả nhất là đánh lộn cùng con chữ. 
 
Các cháu đến trường hầu hết đều sử dụng tiếng dân tộc không biết tiếng Kinh, nên nhiều giờ lên lớp của thầy cô và trò là trò chơi "đánh đố" để tìm đáp án. Thầy dạy trò tiếng Kinh, trò dạy lại thầy tiếng dân tộc. 
 
Đêm đêm bên bếp lửa, thầy cô và học trò lại dạy chữ cho nhau, cái tình, cái nghĩa đã vượt qua ranh giới tình thầy trò, mà ở đó thầy cô như những người cha, người mẹ chỉ mong ngóng con cái trưởng thành. Trưởng bản Hồ Xon ở xã Trọng Hóa ghi nhận công lao của thầy cô cắm bản: "Tất cả người Khùa, người Mã Liềng, người Rục, người Ma Coong, người Kinh đều là anh em hết. Đều mang họ Bác Hồ mà. 
 
Thầy giáo Nhàn và thầy giáo Ngân nói phải biết con chữ, mới không làm sai, làm không đúng. Thầy giáo kể chuyện Bác Hồ cho dân bản nghe. Bác luôn nghĩ đến đồng bào mình. Mình sống hơn 70 mùa rẫy mới được học chữ đó. Trước đây khi đánh giặc, đồng bào mình cứ nhìn lá cờ, hoặc quần áo để phân biệt người của Bác Hồ mà đi theo. Giờ biết chữ rồi, biết cả cái bụng ai tốt, ai xấu nữa"…
Những giây phút hạnh phúc của cô giáo cắm bản bên học trò thương yêu.
Những giây phút hạnh phúc của cô giáo cắm bản bên học trò thương yêu.
Vượt thác cứu trò trong mưa lũ
 
Với bà con dân tộc ở miền Tây Quảng Bình, chỉ có việc làm thiết thực trong đời sống hằng ngày mới chứng minh được tấm lòng người tốt. Đó là lời khẳng định của các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng 589, 585 đóng chân trên địa bàn. 
 
Nhiều bà con dân bản khi nói đến việc học, nhắc đến cái chữ ở bản Ra Mai, xã Trọng Hóa vẫn nhắc đến thầy giáo Hoàng An Nhàn. Khi bản làng chưa có điện, chưa có nước sạch, chưa biết chăn con trâu, con gà… thầy Nhàn đã tình nguyện lên với bản. Ngoài việc dạy chữ, thầy còn phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉ mẩn giúp bà con dựng nhà, thay đổi nếp sống sinh hoạt hợp vệ sinh, bày cho các em học sinh biết nuôi con gà, tránh lội suối mùa nước lũ…
 
Tôi may mắn vài lần được ngồi cùng thầy Nhàn nói chuyện cùng bà con cách trồng cây chuối, cây rau, cách tránh rét cho con trâu, con bò khi mùa rét sương giá xuống. Bên chén trà nóng thầy giáo Hoàng An Nhàn vẫn thường đùa vui; tên ba mẹ đặt cho là An Nhàn nhưng có nhàn được đâu, tốt nghiệp, trường Sư phạm Quảng Bình, thầy lên đây với học trò. 
 
Đã hơn 12 năm gắn bó với các em từ bữa ăn, giấc ngủ. Những ngày đầu thầy dạy trò tiếng Việt, trò dạy thầy tiếng dân tộc. Giờ đây cả thầy và trò đều biết tiếng nói của nhau và quý hơn là hiểu cái bụng nhau đang nghĩ gì, làm gì. Vợ thầy Nhàn cũng là giáo viên cắm bản. Vì vậy hai vợ chồng ít khi được gặp mặt. Có khi vợ lên thăm, thầy Nhàn lại vô bản để vận động học sinh đến trường. Vợ chờ cả ngày vẫn không gặp được chồng lại phải tất tả quay về để ngày mai kịp lên lớp. 
 
Lớp học của thầy chỉ là mấy chiếc bàn dựng tạm trong mái nhà tranh, phên đất. Mỗi khi trời mưa, thầy trò lại phải quây quần cùng nhau tìm chỗ trú. Ấy vậy nhưng đã có gần 60% dân bản biết chữ từ khi có các thầy. Thầy Đinh Qúy Ngân đã cắm bản hơn 10 năm. 
 
Vợ chồng ở cách xa nhau hàng chục kilomet đường rừng. Mỗi khi thầy về thăm nhà là đám trò nhỏ lại tiễn thầy ra tận bìa rừng rồi gọi vọng theo "quay lại thầy nhé". Nhiều dân bản sợ thầy về là về luôn, bởi cũng đã có những thầy, cô lên đây được vài tuần rồi bỏ về, rời ngành.
 
Những ngày đi và tiếp xúc với bà con dân bản nơi đây, tôi được nghe nhiều câu chuyện cảm động về các thầy giáo của họ. Mới đây, lũ dữ xảy ra, chính các thầy đã quên mình cứu hàng chục em học sinh thoát khỏi cái chết. 
 
Trời mưa to biến con đường đến trường của các em thành thác lũ. Hơn chục đứa học trò đứng bên kia vừa khóc vừa cố tìm cách vượt qua lũ dữ để về nhà. Chính các thầy đã lao vào dòng thác để đưa từng em qua bờ an toàn. Khi đến lớp, gặp trời mưa to, là các thầy phải tỏa đi các điểm lũ để đón học trò.
 
Để vào dạy học được ở 18 bản làng của xã Thượng Trạch, giáo viên thường phải vượt qua hàng chục kilomet đường giữa rừng già hiu quạnh. Nhiều giáo viên trên đường vào bản gặp lũ ống tràn về, đành mở cơm đùm, cơm nắm ra ăn, tránh trú giữa núi rừng chờ lũ rút. 
 
Thầy Đỗ Hồng Thái nhớ lại, "Năm 2008, tôi một mình vác ba lô lên trường, khi đến cây số 54 thì gặp mưa, đường quá lầy lội nên xe bị lún xuống sâu không sao kéo lên được. Lúc đó tôi thực sự khóc vì lực bất tòng tâm. Khóc xong vẫn không kéo xe lên được nên phải ngồi chờ có người đi qua rồi nhờ họ kéo lên giúp. Hồi đó người qua lại cũng "hiếm" lắm nên đi từ sáng mà phải tối mịt tôi mới lên đến nơi". 
 
Cắm bản hơn 10 năm, những kỷ niệm đong đầy với nghề dạy học vẫn luôn là hành trang hằng ngày với thầy Nguyễn Văn Thăng. Ngày đầu lên cắm bản, nỗi nhớ vợ con cồn cào khiến thầy Thăng đã có ý định bỏ về xuôi. 
Để vào bản dạy học, nhiều giáo viên ở Quảng Bình đã phải vượt qua những cung đường, khe suối hết sức vất vả.
Để vào bản dạy học, nhiều giáo viên ở Quảng Bình đã phải vượt qua những cung đường, khe suối hết sức vất vả.
Buổi chiều ngồi nhìn mưa rơi tầm tã giữa núi rừng, nghe tiếng gọi thất thanh của trò, thầy chạy ra bờ suối thấy mấy trò nhỏ đi bắt ốc, bắt cá đang vật lộn cùng lũ dữ, thầy đã lao vào dòng suối cứu sống đưa các em lên bờ. Đêm đó, bên bếp lửa nhà sàn, thầy Thăng đã nghĩ, ngoài dạy chữ phải ở lại dạy cho các em kỹ năng sống giữa núi rừng và thầy quyết định ở lại với bản làng…
 
Để có những lớp học giữa heo hút núi rừng dưới chân rừng già Trường Sơn qua đất Quảng Bình, đêm đêm các thầy cô giáo lại tìm đến nhà các em để động viên, chỉ vẽ. Những việc làm có tên và không tên của các giáo viên nơi đây đã thắp lên ngọn lửa trọng đạo giữa chốn mịt mù. Không chỉ dạy chữ, chính các thầy đang cầm tay các em đến bến bờ trưởng thành.

Nguồn: Dương Sông Lam/CAND

Các tin khác