Phóng sự
Không có vùng cấm trong phòng chống tham nhũng
(Congannghean.vn)-Các sự kiện diễn ra trong thời gian qua đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Hàng loạt cán bộ, lãnh đạo bị xử lý, kỷ luật đã cho thấy quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong công tác phòng chống tham nhũng. Trong cuộc đấu tranh này, sẽ không có vùng cấm, và những người đã “nhúng chàm”, dù có lẩn trốn cũng sẽ bị đưa ra ánh sáng và chịu sự xử lý nghiêm minh của pháp luật.
Cuộc đấu tranh chống tham nhũng rất cần sự quyết tâm, đồng lòng của quần chúng nhân dân - Tranh minh họa |
Nhiều cán bộ bị xử lý, kỷ luật
Liên tiếp trong thời gian qua, thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Cơ quan điều tra Bộ Công an đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận: Những vi phạm của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ; những sai phạm của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam giai đoạn 2010 - 2015, làm thất thoát của Nhà nước nhiều tỉ đồng; hay thông tin Trầm Bê, một đại gia trong ngành tài chính ngân hàng bị tạm giam vì những sai phạm liên quan hàng nghìn tỉ đồng. Những vụ việc, sai phạm của các cá nhân trên chỉ là một phần trong cuộc chiến chống tham nhũng, vi phạm kinh tế nghiêm trọng trong thời gian tới.
Theo đó, vào ngày 31/7/2017, đối tượng Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, bị khởi tố về những sai phạm trong thời gian làm quản lý tại Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam đã về nước đầu thú tại cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an sau 300 ngày lẩn trốn tại Đức.
Trước đó, sau 5 năm lẩn trốn tại các nước Châu Á, sau khi tham ô hơn 200 tỉ đồng, Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty MTV Vận tải Viễn dương Vinashin - Vinashinlines đã sa lưới pháp luật. Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam bỏ trốn sau khi gây thất thoát hàng nghìn tỉ đồng cũng đã bị bắt giữ sau 4 tháng lẩn trốn ở nước ngoài. Trịnh Xuân Thanh, Giang Kim Đạt hay Dương Chí Dũng là bài học và là lời cảnh báo cho những đối tượng tham nhũng đang có ý định tẩu tán tài sản, bỏ trốn để tránh sự trừng phạt của pháp luật.
Từ chiếc xe Lexus biển xanh, rồi những sai phạm trong quản lý của Trịnh Xuân Thanh đã hé lộ nhiều sự thật sau đó về câu chuyện lãnh đạo Công ty Nhà nước làm ăn thua lỗ trên 3.000 tỉ đồng nhưng vẫn được cất nhắc, bổ nhiệm lên những vị trí cao hơn. Và đứng đằng sau sự bổ nhiệm này, hàng loạt lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ Nội vụ và tỉnh Hậu Giang đã bị xử lý nghiêm khắc. Điều đó cho thấy sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của Đảng, Chính phủ trong cuộc đấu tranh với tham nhũng, lãng phí, với những con sâu mục khoét, gây mất uy tín trong quần chúng nhân dân. Sự xử lý nghiêm minh cũng góp phần từng bước lấy lại lòng tin của nhân dân. “Đấu tranh phòng chống tham nhũng không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc thành một phong trào, một xu thế. Lò đã nóng lên rồi, củi tươi cũng phải cháy”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Phiên họp thứ 12, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
Lợi dụng vấn đề chống tham nhũng để chống phá
Tuy nhiên, đi ngược với những nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng, các đối tượng xấu đã “tích cực” lan truyền nhiều nội dung xuyên tạc, bịa đặt. Theo đó, với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, người dân không còn quá xa lạ với những bài viết, đánh giá về hiện tượng tham nhũng của một số nhóm “xã hội dân sự” hay các “nhà hoạt động vì nhân quyền, dân quyền”...
Lợi dụng một số nội dung liên quan đến việc Cơ quan CSĐT phát hiện, bắt một số cán bộ, đảng viên tham nhũng, các nhà “hoạt động vì dân quyền, dân chủ” thổi phồng lên thành hiện tượng phổ biến của xã hội Việt Nam. Và cho rằng, ở đâu cũng có, ai cũng vi phạm. Từ đó, vu khống, bịa đặt, phủ nhận những nỗ lực, kết quả của các cấp chính quyền trong phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện dân sinh; đồng thời, chúng còn lập nhiều blog, website bịa đặt về đời sống, đời tư của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta. Mục đích chính là tạo bức tranh ảm đảm về hiện thực của đất nước, làm lung lay niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong suốt nhiều năm qua.
Song song với đó, các nhà “hoạt động dân chủ” còn thể hiện tính hai mặt trong việc lợi dụng cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng, Chính phủ để xuyên tạc nhiều nội dung bịa đặt. Trong khi các cấp đang đẩy mạnh điều tra, phát hiện những sai phạm thì bọn chúng lại rêu rao rằng: “Các cấp chính quyền bao che, che đậy cho những sai phạm của những cán bộ tham nhũng”; và rằng “Đấu tranh tham nhũng chỉ là hô khẩu hiệu phong trào chung chung, đâu lại vào đó”... Đến khi cơ quan CSĐT lôi ra ánh sáng những con sâu tham nhũng thì chúng lại bịa đặt, gây chia rẽ về sự thống nhất, đoàn kết trong Đảng.
Với các nhà “hoạt động dân chủ” ấy, với hiện thực như thế nào, bọn chúng cũng có thể “bao phủ” quan điểm và cái nhìn tiêu cực lên những kết quả chống tham nhũng của Đảng, Chính phủ ta, lôi kéo người dân vào ý đồ của chúng. Điển hình như sự việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú tại cơ quan An ninh Bộ Công an, chúng lợi dụng sự tự do trên mạng xã hội để đưa ra những nhận định, bình luận chống phá chính quyền, phủ nhận nỗ lực của Đảng trong thái độ quyết liệt với tội phạm tham nhũng.
Thực ra, không khó để nhận ra mục đích sâu xa phía sau những luận điệu xuyên tạc của các “nhà nhân quyền, dân chủ” trong việc lợi dụng tự do nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước. Đây là chiêu trò của “diễn biến hòa bình”, đe dọa sự ổn định và phát triển của đất nước. Chúng đã và đang lợi dụng vấn đề tham nhũng để tuyên truyền, xuyên tạc những luận điệu chống phá chính quyền.
Công tác chống tham nhũng là cuộc chiến của mọi nhà nước. Ở nước ta, tội phạm tham nhũng đang gây ra những hậu quả xấu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, gây mất niềm tin trong nhân dân. Với quyết tâm đấu tranh với tội phạm tham nhũng, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ của các cấp, từ Trung ương đến địa phương. Điều đó thể hiện ở thái độ quyết liệt, không bao che; ở sự xử lý nghiêm khắc với những cán bộ, đảng viên có sai phạm, gây hậu quả nghiêm trọng. Những nỗ lực về sự quyết liệt trong đấu tranh chống tham nhũng là minh chứng rõ ràng để đập tan luận điệu của các thế lực thù địch trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng. Trong cuộc chiến này, mọi người phải thật tỉnh táo trước những thông tin đa chiều trên mạng xã hội, trước âm mưu của những đối tượng phản động để xây dựng cho mình lập trường tư tưởng vững vàng.
Mai Hậu