Phóng sự
Những kẻ 'Ăn cháo đá bát'
(Congannghean.vn)-Ghi nhớ, báo đáp công ơn người đã giúp đỡ mình là truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay của dân tộc Việt Nam. Đó còn là đạo lý làm người, nhắc nhở để mỗi người sống tốt hơn, hoàn thiện mình hơn. Với một vị linh mục, người thường xuyên rao giảng cho con chiên sống theo điều răn của Chúa, điều này càng có ý nghĩa quan trọng. Bởi mặc nhiên trong suy nghĩ mỗi giáo dân, Cha là hiện thân của Chúa, là biểu tượng thiêng liêng của đức tin, lòng hướng thiện. Thế nhưng, trong thời gian qua, linh mục Nguyễn Đình Thục và linh mục Đặng Hữu Nam lại có những lời nói, hành động trái ngược với đạo lý trên, đẩy các con chiên vào những việc làm vi phạm pháp luật.
Linh mục Nguyễn Đình Thục nhiều lần tổ chức các hoạt động gây phức tạp tình hình ANTT trên địa bàn |
Vụ việc xảy ra tại xã Yên Khê, huyện Con Cuông vẫn còn khắc in trong tâm trí của nhiều người dân địa phương. Không chỉ bởi tính chất phức tạp của vụ việc mà còn bởi những nỗ lực của các lực lượng chức năng trong việc quyết tâm bảo vệ an toàn tính mạng cho những người liên quan.
Theo đó, từ đầu năm 2012, chỉ trong thời gian ngắn xuất hiện tại Yên Khê, Nguyễn Đình Thục đã ngấm ngầm cấu kết với một số đối tượng khác tổ chức sinh hoạt tôn giáo trái pháp luật và một số hoạt động khác, gây ảnh hưởng đến phong tục tập quán và đời sống bình thường của người dân. Đỉnh điểm là vào ngày 1/7/2012, sau khi bị chính quyền phát hiện về việc tổ chức sinh hoạt tôn giáo trái phép, Nguyễn Đình Thục cùng một số đối tượng lập tức bộc lộ bản chất phản động, lưu manh khi giam giữ trái phép hơn 40 người dân và cán bộ chính quyền cơ sở trong suốt 12 tiếng đồng hồ.
Bất bình trước hành động ngang ngược của Nguyễn Đình Thục, hàng nghìn người dân ở các địa phương lân cận khi nghe tin đã đồng loạt lên tiếng, đồng thời tìm cách kéo về xã Yên Khê để bao vây Nguyễn Đình Thục và các đối tượng giam giữ, đánh đập người trái pháp luật. Cũng trong thời điểm đó, Nguyễn Đình Thục đã huy động hàng trăm giáo dân ở Anh Sơn, Đô Lương kéo về xã Yên Khê. Nguy cơ xảy ra mâu thuẫn, xô xát trong nhân dân là rất lớn.
Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã phải trực tiếp xuống địa bàn trấn an nhân dân, đồng thời lên phương án bảo vệ an toàn cho Nguyễn Đình Thục và một số bà con giáo dân bị Thục kích động. Và để làm dịu tình hình, giảm sự bức xúc của người dân trước hành vi vi phạm pháp luật của linh mục Nguyễn Đình Thục, chính Đại tá Nguyễn Hữu Cầu (lúc đó là Phó Giám đốc Công an tỉnh) đã trực tiếp trao chiếc mũ của mình cho một người dân, thuyết phục bà con không có hành động quá khích và cam đoan rằng, lực lượng Công an sẽ đảm bảo an toàn cho mọi người có mặt tại đây. Chiếc mũ trở thành vật làm tin, đại diện cho danh dự của lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường.
Nhận chiếc mũ từ vị chỉ huy Công an, người phụ nữ nét mặt đang tức giận bỗng dịu lại, rồi cùng thuyết phục bà con bỏ đá, gậy gộc xuống để trở về nhà. Không khí đang nóng bỏng, căng cứng bỗng giãn ra rồi dịu lại. Với hành động quyết đoán của vị Đại tá Công an, cùng sự thuyết phục, tuyên truyền của lực lượng chức năng, linh mục Nguyễn Đình Thục và bà con giáo dân đã được đảm bảo an toàn. Sự việc này chắc không chỉ một mình linh mục Nguyễn Đình Thục biết, mà rất nhiều người dân liên quan cũng hiểu rõ.
Sau sự việc tại xã Yên Khê, huyện Con Cuông, Nguyễn Đình Thục vẫn không từ bỏ ý định cố ý làm phức tạp tình hình. “Gieo gió, gặt bão”, trước hành vi ngang ngược của Nguyễn Đình Thục, lúc này là linh mục xứ Song Ngọc, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, rất nhiều người dân đã phản đối, bất bình. Người dân yêu cầu lực lượng chức năng phải xử lý nghiêm hành vi của vị linh mục quản xứ Song Ngọc. Ngay trong tối 28/5 và 30/5, sau vụ việc tại giáo họ Văn Thai, xã Sơn Hải, người dân đã rất bức xúc. Lực lượng Công an đã phải huy động xuống cơ sở để đảm bảo an toàn tính mạng cho linh mục Nguyễn Đình Thục và một số bà con giáo dân.
Thế nhưng, đáp lại nỗ lực của chính quyền và lực lượng chức năng, linh mục Nguyễn Đình Thục lại xuyên tạc cho rằng “Vấn đề ở đây là tôi thấy một chính quyền đi dung dưỡng bạo lực, kích động bạo lực để tấn công giáo dân và tấn công một linh mục đi làm lễ”. Nếu không có lực lượng chức năng nỗ lực tuyên truyền, thuyết phục, nếu không được bảo vệ, chắc hẳn linh mục Nguyễn Đình Thục đã khó an toàn mà trở về nhà thờ. Và một lần nữa, bản chất “đổi trắng thay đen”, “ăn cháo đá bát” của linh mục Nguyễn Đình Thục lại càng thể hiện rõ.
Không biết giờ này, khi đã yên vị tại giáo xứ Song Ngọc, linh mục Nguyễn Đình Thục có bao giờ nghĩ đến việc, sẽ có lời xin lỗi và cảm ơn những người đã bảo vệ sự an toàn cho mình chưa? Hay lại tiếp tục lên kế hoạch mới để gây phức tạp ANTT tại địa bàn? Liệu linh mục Nguyễn Đình Thục có nghĩ tới cảnh, các con chiên sẽ nhìn và nghĩ gì về một người cha, hầu như hoặc chưa bao giờ có ý định hàm ơn những người đã từng giúp đỡ mình những lúc nguy cấp?
Và dường như, việc trả ơn cũng không có trong châm ngôn sống của Đặng Hữu Nam, linh mục quản xứ Phú Yên, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu - “cặp bài trùng” với Nguyễn Đình Thục trong nhiều vụ việc gây phức tạp tình hình trên địa bàn. Là người sinh ra sau khi đất nước đã hòa bình (Đặng Hữu Nam sinh năm 1976), được hưởng tự do, độc lập mà bao thế hệ cha anh đã âm thầm ngã xuống, Đặng Hữu Nam cho mình cái quyền xuyên tạc lịch sử, phủ nhận những chiến thắng oanh liệt của dân tộc.
Tôi, Đặng Hữu Nam và rất nhiều người trẻ khác, đều sinh ra và trưởng thành khi đất nước đã không còn tiếng bom đạn, đã không còn cảnh đất nước bị xâm lược. Chưa trải qua, nên chưa thấu rõ và cảm nhận hết được những mất mát, đau thương do chiến tranh gây ra. Nhưng điều đó không có nghĩa, một người chưa trải qua đau thương lại có quyền phán xét và phủ nhận trắng trợn những giá trị cốt lõi của dân tộc, những nỗ lực của lớp lớp thế hệ cha anh. Xin nói để Đặng Hữu Nam hiểu rõ, chính ông, chứ không ai khác, là người đang thụ hưởng những thành quả mà hàng triệu người đã đổ biết bao xương máu để có được.
Chiếc chứng minh nhân dân mà ông mang theo để “vi hành” trong các chuyến hoạt động gây phức tạp tình hình, xin thưa với Đặng Hữu Nam, đó là thành quả của chiến thắng 30/4. Ngôi trường nơi ông đã học, con đường gắn bó suốt thời thơ ấu và cho đến giờ, nếu không có chính quyền - mà lúc nào ông cũng rao giảng nói xấu - sẽ không bao giờ có để ông đi? Ngay giáo xứ Phú Yên, xã An Hòa, ngay tại nhà thờ nơi ông vẫn rao giảng hàng ngày, là kết quả của chính sách tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo mà Đảng, Chính phủ ta đã kiên trì thực hiện suốt bao năm qua.
Và ngay điều cao quý nhất - Quốc tịch Việt Nam - điều khẳng định thiêng liêng nhất về chủ quyền của một dân tộc, quyền lợi của một công dân quốc gia, thưa ông Đặng Hữu Nam, đó là thành quả của chiến thắng 30/4 - điều mà ông đã xuyên tạc, bóp méo một cách trắng trợn. Hay ông muốn, chính mình và người khác phải trải qua đau thương, mất mát, mới thấu hiểu và tri ân những người, những điều đã qua, đã nuôi dưỡng và tạo nên mình?
“Ác giả ác báo”, ngày hôm nay Nguyễn Đình Thục gieo rắc những bất an, Đặng Hữu Nam dẫm đạp lên lịch sử thì ngày sau, chắc chắn người đời sẽ làm điều tương tự với thanh danh và nhân phẩm của 2 linh mục này. Không truyền bá được yêu thương, bác ái, nghĩa là Nguyễn Đình Thục và Đặng Hữu Nam không thể rao giảng được tin mừng; cũng có nghĩa là đường đến với Chúa của 2 linh mục này ngày càng xa…
Trần Lâm