Phóng sự

Đề xuất lập quỹ 'Giải cứu giáo viên' tiểu học: Không phù hợp với tâm tư của thầy cô

14:58, 09/06/2017 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Vừa qua, dư luận lại dậy sóng với đề xuất “giải cứu giáo viên” của Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Đại học FPT.
 
Ông Tùng coi đây là một giải pháp khả thi và nâng cao đời sống của giáo viên, đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên đa số ý kiến lại phản bác, cho rằng đó là đề xuất phi thực tế, ảnh hưởng đến uy tín và lòng tự trọng của giáo viên. Đặc biệt, đó là việc của ngành giáo dục chứ không thể ép mỗi học sinh đóng 100.000 đồng.
 
"Giải cứu giáo viên cũng là để nâng cao chất lượng giáo dục"
 
Trong một lần trả lời báo chí, Tiến sĩ Lê Trường Tùng cho rằng, hiện nay, giáo viên vẫn chưa thể sống được bằng chính đồng lương của mình. Trong khi đó giáo viên lại là lực lượng xung kích thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì vậy, việc đầu tiên cần làm trong đổi mới giáo dục là phải đảm bảo được đời sống cho giáo viên.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Hiệu trưởng trường Đại học FPT đề xuất “giải cứu giáo viên” tiểu học gây tranh cãi trong dư luận.
Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Hiệu trưởng trường Đại học FPT đề xuất “giải cứu giáo viên” tiểu học gây tranh cãi trong dư luận.
Theo vị tiến sĩ này, việc đầu tiên phải tập trung vào giáo viên cấp tiểu học công lập với 5 lý do.  Lý do thứ nhất, trường dân lập tự chủ, phải tự lo về mọi mặt, số trường dân lập cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Số học sinh dân lập tiểu học chỉ chiếm 0,7% tổng học sinh tiểu học cả nước.
 
Lý do tiếp theo, giáo viên tiểu học là đông nhất, hiện cả nước có khoảng 390.000 giáo viên tiểu học công lập. Số lượng này cao gấp 1,3 lần giáo viên trung học cơ sở, gấp 2,8 lần giáo viên phổ thông trung học.
 
Tuy số lượng lớn nhưng giáo viên tiểu học có lương thấp nhất với 12 bậc lương, hệ số khởi điểm là 1,86, và với mức lương cơ sở từ 1/7/2017 là 1,3 triệu thì lương khởi điểm giáo viên tiểu học là 2,42 triệu/tháng. Như vậy, sau hơn 10 năm lên được 3-4 bậc, chẳng hạn bậc 5 thì mức lương cũng chỉ được 3,5 triệu/tháng. Cộng thêm phụ cấp đứng lớp và phụ cấp thâm niên thì vẫn không đủ sống.
 
Lý do cuối cùng mà Tiến sĩ Tùng chỉ ra, đó là, theo Quyết định 186/QĐ – TTg ngày 10/2/2017 của Thủ tướng chính phủ, tiểu học là khối giáo dục phổ cập bắt buộc, nhà nước cần đảm bảo toàn bộ chi phí cho các hoạt động dạy học các môn học bắt buộc và tự chọn trong chương trình. Giáo dục tiểu học luôn được coi là cấp giáo dục quan trọng bậc nhất. Nếu như học sinh không được đầu tư, chú trọng cấp này thì sẽ rất khó nắn lại trên những cấp học cao hơn.
 
Bên cạnh đó, đối với các cấp học khác – theo Nghị định 15/2015/NĐ-CP ngày 14-2 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập – được tự chủ thu học phí theo cơ chế dịch vụ, để đến năm 2020 tự lo tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý chi phí khấu hao tài sản cố định.
 
Trả lời với truyền thông, ông Tùng đề xuất: “Giải cứu giáo viên tiểu học cũng là vì tương lai của 7,7 triệu học sinh tiểu học công lập hiện nay. Mỗi học sinh tiểu học góp thêm 100.000  đồng/tháng vào Quỹ Giải cứu, cùng với tài trợ của các nhà hảo tâm góp hộ các gia đình khó khăn để tăng thu nhập cho giáo viên tiểu học công lập. Điều này thực tế là giải cứu cho cơ quan quản lý và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”.
 
Anh Nguyễn Văn Chiến (phường Phú Lương, Hà Đông, Hà Nội) nhận xét: “Nói chung cái gì cũng có hai mặt cả. Chúng ta cần đưa ra để xem dư luận thế nào rồi mới quyết định.
 
Rõ ràng vấn đề thu nhập của giáo viên tiểu học tại các trường công lập là rất thấp. So với mặt bằng chung, sức lao động của họ bỏ ra thì đúng là không sống nổi. Tôi nghĩ đây là đề xuất có nhiều điểm hay, tuy nhiên cũng cần phải lấy ý kiến của những giáo viên, của các bậc phụ huynh nữa”.
Với những học sinh miền núi thì đến trường đã là một nỗ lực của bản thân và gia đình
Với những học sinh miền núi thì đến trường đã là một nỗ lực của bản thân và gia đình
Giáo viên luôn là nghề cao quý
 
Sau khi giải pháp của Tiến sĩ Lê Trường Tùng được đưa ra đã có không ít ý kiến của các giáo viên cho rằng lòng tự trọng và nhân cách của họ bị xem thường.
 
Chia sẻ ý kiến của Tiến sĩ Lê Trường Tùng, cô Trần Thị Hương – giáo viên Trường Tiểu học Thanh Cao (Thanh Oai, Hà Nội) cho hay: “Tôi mới nghe nói về ý tưởng Quỹ Giải cứu giáo viên tiểu học. Mỗi học sinh tiểu học đóng góp 100.000 đồng/tháng, số tiền này sẽ bổ sung cho thu nhập của giáo viên chúng tôi. Trước tiên tôi cảm ơn người đã đưa ra ý tưởng này. Ai cũng biết nghề giáo chúng tôi vất vả trong khi thu nhập lại thấp. Rất nhiều đồng nghiệp của tôi phải làm nghề phụ như buôn bán, cắt may để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.
 
Quả thực, khi mà gánh nặng cơm áo đè lên vai thì làm sao chúng tôi còn sức để tâm huyết, để cống hiến. Chúng tôi mong được mọi người cảm thông, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của nghề. Nói thế không phải chúng tôi cần sự thương hại. Nghề giáo viên xưa nay vẫn được coi là nghề cao quý. Chúng tôi có sức khỏe, có kiến thức, vì thế chúng tôi vẫn có thể xoay xỏa được cuộc sống của mình. Không cần giải cứu chúng tôi như giải cứu dưa hấu, hay giải cứu lợn… như thế là xúc phạm những người làm thầy”.
 
Nhiều người cho rằng, 100.000 đồng/học sinh tiểu học đóng hàng tháng không phải con số quá lớn. Tuy nhiên số tiền này không phải ai cũng có thể thanh thản đóng góp, đặc biệt có những gia đình có tới 3 con đang theo học cấp tiểu học. Chưa kể nhiều gia đình thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số còn khó khăn.
Nhiều ý kiến cho rằng không nên bắt học sinh đóng 100.000 đồng để “giải cứu giáo viên”.
Nhiều ý kiến cho rằng không nên bắt học sinh đóng 100.000 đồng để “giải cứu giáo viên”.
“Giải pháp của Tiến sĩ Lê Trường Tùng được nhiều người cho là hay nhưng từ đáy lòng mình, tôi thấy lòng tự trọng và nhân cách của giáo viên bị xem thường. Bên cạnh nghề nghiệp, chúng tôi còn có tình thương đối với các em học sinh, chúng tôi vất vả khó khăn nhưng nhiều bậc phụ huynh còn khó khăn hơn rất nhiều. Như vậy có khác nào ăn trên mồ hôi công sức của phụ huynh học sinh?” – Cô Hương bộc bạch.
 
Cùng chung tâm trạng, cô Lê Thu Trang (giáo viên tiểu học trên địa bàn huyện Thường Tín, Hà Nội) nói: “Trước khi quyết định học để ra làm giáo viên tiểu học, tôi đã tìm hiểu và được biết đây là nghề vất vả, thu nhập không cao. Thế nhưng chúng tôi đi làm bằng hồ hôi, bằng công sức và bằng cả tình yêu nghề với học trò. Hãy cứ để Nhà nước có những chính sách, có những cải tổ để trả công xứng đáng cho những gì chúng tôi bỏ ra. Ý kiến lập quỹ “Giải cứu giáo viên” thực sự không phù hợp với tâm tư của chúng tôi, nó như thể một sự thương hại vậy”.
 
Hiện nay cô Trang đang có một người anh trai là thầy Lê Văn Hưng đang dạy tại đểm trường của huyện Bát Xát (Lào Cai) khoảng 5 năm nay. Mỗi lần về quê thầy Hưng được gia đình động viên chuyển về gần nhà dạy cho đỡ vất vả.
 
Tuy nhiên những đề xuất của gia đình đều bị thầy gạt phắt, mọi người đều nhận được câu trả lời: “Giờ mình không dạy thì ai là người lên đó dạy. Đồng bào dân tộc trên đó còn vô cùng khó khăn, chủ yếu là hộ nghèo. Mỗi học sinh được nhà nước hỗ trợ 90.000 đồng/tháng mà nhiều nhà không muốn cho con đi học”.
 
Như vậy, từ câu chuyện của thầy Hưng đề xuất mỗi học sinh tiểu học đóng 100.000 đồng/tháng là điều gần như không thể thực hiện được trên diện rộng và với tất cả các đối tượng. Nếu đề xuất này đi vào thực tiễn chắc nhiều phụ huynh, đặc biệt là khu vực miền núi sẽ cho con nghỉ học. Hơn nữa giáo viên cũng là người lao động, cống hiến chất xám thì tại sao lại cần cả xã hội phải chung tay giải cứu?
 
Khi chúng tôi nhắc đến cụm từ “Giải cứu giáo viên”, cô Nguyễn Bích Thủy, Trường Tiểu học Hoàng Dương (Ứng Hòa, Hà Nội) buồn buồn: “Thực sự chúng tôi thấy chạnh lòng. Tôi tin có nhiều giáo viên còn rất khó khăn nhưng nếu đó là sự bố thí thì nhất quyết chúng tôi không cần. Chúng tôi muốn mạnh tay loại bỏ những giáo viên thiếu trách nhiệm, mất tư cách đạo đức nhà giáo. Như thế mới gọi là mang lại công bằng cho giáo viên. Nghề nào cũng có đặc thù, nghề nào cũng có những khó khăn vất vả. Hãy để chúng tôi tự lao động, sự vượt lên khó khăn. Không chỉ giáo viên cần “giải cứu” đâu, rất nhiều ngành nghề cũng đang rất cần. Chúng tôi muốn xã hội ngày một phát triển hơn lên, khi ấy đời sống giáo viên sẽ tự ắt được nâng cao. Tất cả giáo viên đang cố gắng nỗ lực để nhìn vào thành quả của mình, có thể ngẩng cao đầu nhận ưu đãi từ nhà nước. Đó mới là điều đáng tự hào!”.
 
Không chỉ với những giáo viên phản ứng trước giải pháp “Giải cứu giáo viên” mà rất nhiều phụ huynh cũng tỏ ra không hài lòng.
 
Chị Lê Như Hoa (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi có hai cháu nhỏ đang học tiểu học, chúng tôi hiểu được những vất vả, áp lực của các thầy cô giáo. Theo tôi cơ quan có thẩm quyền cần phải cân đối lại mức lương để giáo viên được ổn định cuộc sống, chuyên tâm với nghề. Tôi nghĩ đó là trách nhiệm của ngành giáo dục, của Nhà nước chứ không nên đổ vào đầu phụ huynh học sinh. Ai thì tôi không biết riêng cá nhân tôi không đồng tình với đề xuất đóng 100.000  đồng/tháng để “giải cứu giáo viên”. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến lòng tự trọng của họ”.

Nguồn: Phong Anh/CAND

Các tin khác