Phóng sự

Những con người quả cảm vì cuộc sống bình yên của nhân dân

08:04, 05/06/2017 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Thân hình vạm vỡ, chắc nịch, làn da sạm nắng, tác phong nhanh nhẹn cùng với sự quả cảm, lòng yêu nghề và luôn hừng hực khí thế của tuổi trẻ, họ là những người lính quả cảm, luôn sẵn sàng lao vào biển lửa cứu người, lặn xuống đáy những dòng sông chảy xiết, những hồ nước ô nhiễm... để tìm thi thể nạn nhân và tang vật của những vụ án...
 
1. Được sự đồng ý của Đại tá Lê Tấn Bửu - Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.Hồ Chí Minh, chúng tôi đã được trực tiếp ghi lại một số hoạt động huấn luyện của cán bộ chiến sỹ Phòng Cứu nạn – Cứu hộ trong những ngày đầu năm 2017. 
 
Mặc dù đã sang Xuân khá lâu nhưng thời tiết khí hậu vùng Nam bộ vẫn còn se lạnh, những cơn gió mùa Đông Bắc vẫn ào ào thổi nhưng hơn chục cán bộ chiến sĩ (CBCS) như những thợ lặn chuyện nghiệp, chỉ với quần đùi, áo thun ngắn tay, đeo kính lặn lao vào biển nước. 
Các thợ lặn đang mò tìm nạn nhân trong vụ đuối nước ở huyện Bình Chánh cuối tháng 2-2017.
Các thợ lặn đang mò tìm nạn nhân trong vụ đuối nước ở huyện Bình Chánh cuối tháng 2-2017.

Thượng úy Huỳnh Nguyên Thuận chia sẻ, những con người bằng da, bằng thịt giống như những mũi tên nhẹ nhàng bật khỏi ca nô lao vun vút xuống làn nước lạnh buốt và nhanh chóng mất hút vào lòng sông sâu thăm thẳm. 15 phút sau, lần lượt từng người trồi lên mặt nước thay bình dưỡng khí rồi lại mất hút trong dòng nước chảy xiết.

8 giờ sáng, tất cả CBCS được lệnh rời khỏi dòng nước trở về vị trí xuất phát để báo cáo về tất cả những gì thấy được sau 30 phút sử dụng đôi bàn tay để cảm nhận mọi thứ dưới lòng sông. Làn da tái nhợt, những đầu ngón tay nhăn nheo do mất nhiều thời gian ngâm lâu trong nước nhưng Trung úy Võ Thành Công vẫn nhanh chóng vào vị trí báo cáo theo đúng điều lệnh. 

 
Theo Trung úy Võ Thành Công, do dòng nước sông chảy xiết và bị ô nhiễm nên khi xuống đến đáy rất khó khăn để phát hiện sự vật xung quanh, song với đôi bàn tay nhạy cảm của mình, anh phát hiện dưới đáy sông có rất nhiều các loại cây gỗ, ống nhựa, ống tiêm…và cả những miếng vỉ sắt, mảnh thủy tinh, mảnh gốm vỡ mà nếu không cẩn thận sẽ gây thương vong cho thợ lặn bất cứ lúc nào. Bản thân anh mặc dù đã rất cẩn thận nhưng do các loại phế liệu chìm dưới đáy sông quá nhiều nên đã bị một miếng vỉ sắt cắt vào bắp chân gây ra vết thương khá nặng.
 
2. Tranh thủ thời gian giữa giờ nghỉ, Thượng úy Huỳnh Nguyên Thuận tiết lộ cho tôi nghe chút “bí mật” khi mới vào nghề. Ngày ấy, anh vẫn còn rất trẻ, trong một lần nhìn thấy lính Cảnh sát Cứu nạn – Cứu hộ, kịp thời cứu được người nhảy cầu tự vẫn, anh thấy khâm phục lắm và quyết định dự tuyển vào Cảnh sát PCCC để có thể cống hiến, giúp ích cho đời. 
 
Ngày ấy, cha mẹ thấy con mình học giỏi nên muốn anh thi vào các trường đại học danh tiếng, dễ kiếm tiền... nhưng anh đã quyết định chọn sự yêu nghề theo ý cá nhân. Chính vì điều ấy nên trong thời gian theo học và cả khi mới được điều về Phòng Cứu nạn Cứu hộ, anh phải rất nỗ lực để chứng minh cho cha mẹ, dòng họ thấy được đây là nghề hết sức cao cả. 
 
Đến khi anh lập nhiều chiến công, được anh em đồng đội mến phục và chỉ huy đơn vị tin tưởng thì cha mẹ anh không những đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ mà còn thường xuyên động viên con cố gắng làm tốt nhiệm vụ. 
 
Năm 2008, khi mới ra trường, anh được giao ngay nhiệm vụ lặn xuống sông ở bến Bạch Đằng, quận 1, tìm vớt thi thể của một phụ nữ bị đuối nước. Sau hiệu lệnh của người chỉ huy, anh Thuận lập tức lao xuống dòng sông sâu hàng chục mét, nhưng nước đặc quánh không thể nhìn thấy bất cứ vật gì dù chỉ cách tầm mắt 1cm. 
Cán bộ chiến sỹ trong Đội Cứu nạn - Cứu hộ tập luyện phương án cứu người bị nạn.
Cán bộ chiến sỹ trong Đội Cứu nạn - Cứu hộ tập luyện phương án cứu người bị nạn.
Khi vừa chạm đáy, bằng cảm nhận của đôi tay, anh phát hiện thi thể nạn nhân đang mắc kẹt trong một kẽ đá, song do lần đầu thực hiện công việc khó, toàn thân Thuận lập tức tê cứng và đôi tay mất cảm giác. Không thể tiếp tục, Thuận ngoi lên bờ ngồi thừ ngay mép nước rồi lấy lại tinh thần. 
 
Được sự động viên của Đại úy Huỳnh Văn Tuấn, Thuận lấy lại can đảm tiếp tục lặn xuống đưa thi thể của nạn nhân lên bờ trước sự thán phục của rất đông bà con nhân dân trong đó có cả cha mẹ nạn nhân xấu số. 
 
Những ngày sau đó, anh đã xin chỉ huy cho được tham gia các cuộc lặn ở những dòng kênh mà trên mặt nước ken đặc toàn động vật chết thối và cả phân tươi ở các quận 4, 6, Gò Vấp, Bình Thạnh…để mò tìm tang vật giúp cơ quan điều tra mở hướng điều tra các vụ trọng án.
Nghề thợ lặn như các anh cũng thường nhận được nhiều niềm vui bởi sự chia sẻ của bà con nhân dân nhưng cũng gặp không ít nguy hiểm mà nếu sơ sẩy thì chỉ trong tích tắc là có thể nguy hiểm tính mạng. 
 
Theo lời kể của Đại úy Huỳnh Văn Tuấn – Phó trưởng Phòng Cứu nạn – Cứu hộ, vào cuối năm 2015, khi anh cùng Đại úy Nguyễn Chí Thành đang học năm cuối Đại học Cảnh sát PCCC th́ nhận được thông tin có một chiếc xà lan chở sắt bị chìm tại khu vực cảng Hà Tiên trên sông Sài Gòn, trong đó có một cháu bé 3 tuổi bị mất tích. 
 
Trong đêm hôm ấy các đồng đội đã nhiều lần lặn xuống nhưng không tìm thấy nên anh cùng Đại úy Thành được chi viện. Khi lặn xuống mới biết ca bin của xà lan quá bé, lại chia thành nhiều phòng nhỏ, hơn nữa các ngóc ngách đều bị sắt thép, cát đá đổ ra tạo thành chướng ngại vật nên công tác cứu nạn, cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. 
 
Khi bình dưỡng khí đã hết, anh cùng anh Thành buộc phải ngược lên mặt nước, nhưng xác định tại sao cabin tàu nhỏ như vậy mà lại không tìm thấy đứa bé nên hai anh quyết định lặn xuống lần thứ 2. 
 
Trong lúc hai người chui vào khoang máy để tìm kiếm thì bất ngờ nghe tiếng nổ nhẹ, cùng lúc đó là tiếng khuấy tay rất mạnh của anh Thành. Bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, anh Tuấn linh cảm có điều gì bất ổn xảy ra nên đã mò đến xem đồng đội mình có vấn đề gì không. Biết đồng đội mình đang bị hết dưỡng khí và mất bình tĩnh, anh Tuấn tìm cách nắm nhẹ lấy chân anh Thành để tìm cách đưa lên mặt nước. 
 
Trong tình huống này nếu chỉ chậm vài giây thôi thì khả năng đồng đội sẽ bị liệt não do thiếu dưỡng khí rất cao. Trong lúc nguy kịch, anh Tuấn đã quyết định chia đôi ống thở để cứu đồng đội nhưng chỉ vài phút sau đến lượt anh bị mất dưỡng khí và trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc này, anh Thành cũng đã kịp xử lý ngược lại để cả hai thoát khỏi độ sâu 19 mét nước một cách an toàn.
Đại úy Huỳnh Văn Tuấn - Phó trưởng Phòng Cứu nạn - Cứu hộ Cảnh sát PCCC TP. Hồ Chí Minh.
Đại úy Huỳnh Văn Tuấn - Phó trưởng Phòng Cứu nạn - Cứu hộ Cảnh sát PCCC TP. Hồ Chí Minh.
Cực khổ, nguy hiểm là vậy nhưng với lòng yêu nghề cùng ý chí thép, nhiều khi các anh cũng nhận được sự chia sẻ từ đông đảo bà con nhân dân. Lúc ấy là một ngày cuối năm 2008, nhận được tin có hai mẹ con bị lật xuồng chìm xuống dòng nước xiết tại Sông Trà thuộc ấp Bình Mỹ, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ. Anh Tuấn lập tức dẫn đầu một tổ công tác xuống ngay hiện trường. 
 
Mặc dù đã có lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy phân luồng nhưng do lượng ghe tàu quá đông nên một số chiếc vẫn đi vào khu vực lặn và trong một lần cầm dây liên lạc chỉ huy cho ba thợ lặn đang mò tìm dưới đáy sông, anh Tuấn bị một chiếc xà lan tông vào người khiến anh bị văng xuống sông và chiếc dây liên lạc cũng bị cuốn trôi theo dòng nước. 
 
Sợi dây liên lạc này đối với thợ lặn là vấn đề sinh tử bởi những người đang lặn ở độ sâu 19-20 mét nước, lại không thể nhìn được gì vì nước đục, khi bình dưỡng khí hết, sợi dây liên lạc này sẽ như chiếc la bàn dẫn đường để các anh ngoi lên mặt nước, nếu không có nó thợ lặn sẽ mất phương hướng và có thể chết ngạt ngay tức khắc. 
 
Trước tình huống bất trắc này, anh Tuấn lập tức lấy hết sức bình sinh nhoài theo dòng nước nắm được đầu sợi dây, cắn vào miệng rồi bơi thật nhanh vào bờ. Trải qua hàng chục giờ liên tục ngụp lặn mà không tìm thấy nạn nhân, một người đàn ông là dân chài đã quyết định nhảy xuống hỗ trợ, nhưng do dòng nước chảy quá xiết, lại thêm nhiều xoáy sâu nên chỉ vừa nhảy xuống, người dân chài này đã bị cuốn trôi. 
 
Mặc dù những bình dưỡng khí đã hết (đang chờ nạp), sức lực cũng giảm sút rất nhiều nhưng anh Tuấn cùng các thành viên trong tổ thợ lặn vẫn quyết định lao xuống dòng nước để cứu sống người dân chài kia. 
 
Thấy các anh làm việc liên tục trong hơn 12 giờ đồng hồ mà không có chút gì lót dạ, những bà con nghèo ở đây đã bảo nhau, người góp nắm gạo, người cho con gà, người khác cho mượn nồi, bếp rồi nấu một nồi cháo loãng để các anh ăn cho ấm dạ để tiếp tục công việc. “Đây là bát cháo ngon nhất và ấm tình người nhất mà tôi cùng anh em trong tổ thợ lặn được ăn trong đời”- Anh Tuấn chia sẻ.
 
Thượng tá Lê Quang Thuấn, Trưởng phòng Cứu nạn – cứu hộ, không phải ai cũng có đủ lòng dũng cảm để đến với nghề này bởi khi lặn xuống đáy những dòng sông, kênh thối, hồ nước thải hay một lòng giếng đào nào đó người thợ lặn hoàn toàn mất hết tầm nh́ìn. Tất cả mọi công việc mà họ thực hiện hoàn toàn phải cảm nhận bằng đôi tay như những người mù. Những hiểm nguy cũng luôn rình rập bởi những vật thể trôi trong nước, sắt vụn, kim tiêm, mảnh chai vỡ, hóa chất độc hại và đặc biệt là những dòng nước xoáy dưới đáy sông có thể cướp đi tính mạng của họ bất cứ lúc. 
 
Có rất nhiều CBCS mới bước vào nghề, mặc dù đã được đào tạo bài bản và cho làm quen với nhiều tình huống thực tế như lặn sông, giếng, kênh nước thối hoặc những hồ chứa nước thải chưa qua xử lý nhưng khi lặn xuống vớt được một cái xác chết đưa lên bờ thì một số em có cảm giác hoảng sợ. 
 
Tuy phải thường xuyên làm việc trong điều kiện hết sức khó khăn vất vả và môi trường có nhiều độc hại nhưng với lòng yêu nghề cùng tinh thần xung kích, dũng cảm của người CBCS Công an, trong nhiều năm qua lực lượng cứu nạn – cứu hộ Cảnh sát PCCC TP.Hồ Chí Minh đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần mang lại  bình yên cuộc sống cho nhân dân.

Nguồn: Đức Cương/CAND

Các tin khác