Phóng sự

Không bán bia rượu ở quán karaoke: Ðề xuất gây tranh luận

15:30, 16/06/2017 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Ðề xuất không bán rượu bia tại quán karaoke trong Dự luật Phòng chống tác hại của rượu bia của Bộ Y tế gây ra những tranh cãi trong cộng đồng.
 
Phần lớn ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các nhà làm luật và các nhà xã hội học cũng như khách hàng không đồng tình với cách hạn chế bia rượu như đề xuất của lãnh đạo Bộ Y tế. Dù ai cũng hiểu rằng, bia rượu có tác hại không nhỏ đến sức khỏe của người sử dụng.
 
Giải pháp hành chính chưa phù hợp
 
Năm 2016, người Việt tiêu thụ hết gần 3,8 tỉ lít bia, trung bình mỗi người Việt uống 41 lít bia. Đây là con số báo động cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề sử dụng bia rượu trong dân số Việt. Những giải pháp hành chính nhằm hạn chế tình trạng uống bia rượu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tính mạng của người uống rượu bia và của cộng đồng sẽ luôn luôn được hoan nghênh, ủng hộ. 
 
Nhưng giải pháp thế nào cho hợp lý, để không ảnh hưởng đến nền kinh tế cũng như các ngành nghề kinh doanh hợp pháp thì cần phải được cân nhắc. Ở đây, đề xuất của Bộ Y tế là không bán bia rượu trong quán karaoke xem ra chưa phù hợp với thực tế đời sống, vấp phải sự phản ứng của cộng đồng vì nhiều lý lẽ khác nhau. 
 
Trước tiên, người ta thấy rằng, không có căn cứ nào để khẳng định, việc uống bia rượu trong quán karaoke có tác động tiêu cực đến cộng đồng hơn việc uống bia rượu từ những nơi cho phép khác, như quán ăn, quán nhậu, nhà hàng. 
 
Trên thực tế, quán karaoke là nơi giải trí, nơi mọi người tụ tập vui vẻ nhân một sự kiện nào đó. Mọi người thường đến quán karaoke sau khi đã ăn uống ở đâu đó. Và thậm chí là đã uống say. Nếu nói mọi người uống bia rượu ở quán karaoke nhiều hơn, say nhiều hơn và có những hành vi tiêu cực nhiều hơn là không có cơ sở. Những người có nhu cầu nhậu thật sự, họ thường tới quán nhậu. Và dường như, quán nhậu là nơi tiêu thụ rượu bia nhiều hơn quán karaoke.
 
Trên một số diễn đàn, khi bàn về chuyện cấm uống rượu bia trong quán karaoke, nhiều ý kiến đã thẳng thắn chia sẻ. 
 
Một bạn đọc có nick Trung Nguyên viết: “Tôi không ủng hộ việc uống rượu bia gây ra những hành vi tiêu cực. Và việc hạn chế rượu bia là việc làm cần thiết. Nhưng tôi cảm thấy có gì không đúng khi chúng ta đề xuất cấm bán rượu bia ở quán karaoke. Tại sao lại chỉ cấm bán ở quán karaoke? Vậy còn quán nhậu, nhà hàng và các địa điểm có bán bia rượu khác thì sao? Quán karaoke không thể được nêu ra như một đối tượng đặc biệt để cấm uống rượu bia như vậy. Vì xét về mặt bình đẳng trong kinh tế, kinh doanh giải trí karaoke Nhà nước không cấm. Và nó là “mặt hàng” mang tính vui chơi, giải trí, nên việc có bán đồ uống có cồn là cần thiết, nếu không thì các cửa hàng karaoke nên tính chuyện “dẹp tiệm” cho rồi. Phòng, chống tác hại của rượu bia, kiểm soát việc mọi người uống bia cần các giải pháp đồng bộ từ việc kiểm soát giá bán, đánh thuế, hay những quy định về thời gian bán, số lượng bán, độ tuổi người sử dụng, chứ ai lại nhằm vào một đối tượng kinh doanh là các cơ sở karaoke”.
 
Xét cho cùng, việc uống bia trong quán karaoke, quán nhậu hay ở nhà là chuyện cá nhân của từng người. Những người trưởng thành, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. Nếu các nhà làm luật tư duy theo kiểu suy luận, uống nhiều gây tai nạn nên phải cấm bán thì chưa hợp lý. Cần phải đưa ra các chế tài trị tận gốc vấn đề, giống như ở nhiều nước tiên tiến đã làm. 
 
Theo đó, uống rượu bia là một lựa chọn của người trưởng thành. Nhưng họ sẽ bị những chế tài quy định mức độ, hành vi để buộc phải ứng xử phù hợp. Nếu xuất phát từ quan điểm cứ không quản lý được thì cấm thì xem chừng không ổn thỏa. 
 
Quán karaoke thực chất không phải là nơi tiêu thụ bia rượu nhiều nhất. Nhu cầu sử dụng rượu bia ở các cơ sở này không thể nhiều bằng quán nhậu, nhà hàng. Nếu chúng ta cấm mọi người uống rượu bia ở quán karaoke, họ có thể sẽ đến nhà hàng và nhậu. Vậy thì việc cấm uống ở quán karaoke có ích gì, trong khi những người kinh doanh ngành giải trí này có thể phải chịu thiệt hại nặng. Rõ ràng là việc cấm đoán uống rượu bia trong quán hát karaoke không có tác dụng hạn chế sử dụng.
 
Tăng thuế rượu bia có lợi cho Nhà nước hơn là cấm
 
Trả lời phỏng vấn của truyền thông, Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, giải pháp tốt nhất cho vấn đề hạn chế rượu bia ở nước ta hiện nay là xem xét áp dụng mức thuế thật cao đối với mặt hàng đồ uống có cồn. Kèm với đó, rượu bia chỉ được bán cho người trên 18 tuổi với một số lượng hạn chế. 
 
Tổ chức WHO khuyến cáo về mức độ tối đa đối với người sử dụng trong một ngày để tất cả mọi người có lựa chọn phù hợp khi sử dụng rượu bia. Chẳng hạn với bia, nước Úc đưa ra mức sử dụng tối đa là từ 2-4 cốc/ngày/người, nước Nhật cũng 2-4 cốc/ngày/người, Hà Lan tối đa 4 cốc bia/ngày/người, New Zealand cao hơn là cho phép 4-6 cốc bia/ngày/ người, Thụy Điển 4 cốc/ngày/người và Mỹ thì khuyến cáo phụ nữ nên uống không quá 3 cốc bia/ngày, còn nam giới thì 4 cốc.
 
Mặc dù tỷ lệ tiêu thụ đồ uống có cồn của người Việt là khá cao, cần thiết phải hạ tỷ lệ này xuống, nhưng nếu so sánh với các nước trên thế giới thì chúng ta vẫn không thuộc về top đầu các nước sử dụng nhiều rượu bia nhất. Dĩ nhiên, không ai phấn đấu để đạt top đầu trong vấn đề này. Cũng không ai lấy làm tự hào khi dân tộc mình là dân tộc tiêu thụ nhiều bia rượu nhất. So sánh chỉ để nói rằng, chúng ta cần một giải pháp đồng bộ, thống nhất cho vấn đề hạn chế rượu bia, làm sao để không ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước.
 
Hiện nay, có hai vấn đề là rượu giả và rượu sản xuất trong nước không đảm bảo an toàn gây nguy hại đến tính mạng người sử dụng. Từ đầu năm đến nay, có rất nhiều vụ ngộ độc rượu đã xảy ra, có những vụ gây tử vong nhiều người, khiến xã hội hoang mang. Vấn đề kiểm soát các cơ sở sản xuất rượu cần được đặt lên hàng đầu hơn bao giờ hết. Các cơ quan chức năng cần phải làm triệt để, để tình trạng rượu tự pha, tự chế, rượu có chứa menthanol không còn hoành hành trên thị trường. Vấn đề rượu giả từ lâu cũng là nỗi nhức nhối chưa có hồi kết. Rồi tình hình rượu lậu, rượu trốn thuế từ nước ngoài vào Việt Nam gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước nhiều tỷ đồng. Đấy chính là những nguy cơ đầu độc người tiêu dùng trong nước cần phải có một chiến dịch mạnh mẽ mới có thể quét sạch được.
 
Giống như việc hạn chế thuốc lá, việc hạn chế rượu bia chỉ có thể khả thi nếu các cơ quan chức năng tăng thuế các mặt hàng này. Giá đồ uống cao lên là đánh thẳng vào hầu bao người sử dụng. Cùng với đó là các khung giờ được phép uống, hay lứa tuổi được phép uống rượu bia sẽ quy định rõ ràng. Pháp luật cũng sẽ kiểm soát chặt chẽ hành vi của người uống rượu bia; chẳng hạn, nếu lái xe khi trong người có nồng độ cồn quá mức cho phép sẽ phải chịu phạt nặng. 
 
Ở Đức, một người uống rượu bia khi rời quán vẫn đi lại đàng hoàng và có thể kiểm soát hành vi của mình tốt thì không sao, nhưng nếu người đó té ngã, hay có hành động không đúng chuẩn mực thì sẽ bị cảnh sát phạt rất nặng. Như vậy, vấn đề là răn đe, nâng cao ý thức cá nhân của người sử dụng rượu bia. Họ sẽ phải tự lựa chọn sao cho hợp lý để tránh những phiền phức không đáng có sau khi uống đồ uống có cồn.
 
Mọi chế tài cho dù khắt khe đến đâu cũng không thể triệt để được vấn đề, nếu như không nâng cao ý thức của mỗi công dân trong xã hội. Việc hạn chế rượu bia, thiết nghĩ, song song với các quy định của pháp luật thì công tác truyền thông phải tốt. Làm sao để mọi người dân đều hiểu được tác hại của rượu bia đối với sức khỏe của họ và những ảnh hưởng xấu đến cộng đồng để họ tự có ý thức điều chỉnh hành vi của mình. Cấm là biện pháp cần thiết, nhưng phải đồng bộ, vì nếu không, cấm chỗ này người sử dụng lại đến chỗ khác, thì cũng khó mà hiệu quả.

Hướng Dương

Các tin khác