Hàng trăm héc ta rừng còn sót lại ở tỉnh Gia Lai được giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh quản lý đã trở thành điểm "nóng" phá rừng quy mô lớn từ những năm qua. Rừng mất từng ngày nhưng cán bộ quản lý rừng thì vẫn ung dung nên trở thành "nhờn thuốc".
Những ngày đầu năm 2017, những cánh rừng quý còn sót lại ở địa bàn giáp ranh vùng Gia Lai, Kon Tum tiếp tục bị tàn sát như vô chủ. Hàng trăm lóng gỗ được tập kết ngay bên bờ sông Đak Bla, thuộc thôn Kon Ri, xã Đắk Rơ Wa, TP Kon Tum công khai nhưng không bị cơ quan chức năng phát hiện. Sau khi thâm nhập hiện trường, chúng tôi đã báo với Hạt Kiểm lâm TP Kon Tum thì sự việc mới bị lộ. Đáng buồn là cơ quan chức năng không bắt giữ được phương tiện vận chuyển gỗ mà còn bị tẩu tán gần hết.
Gỗ do lâm tặc thả trên sông Đak Bla (Kon Tum). |
Theo đó, bãi tập kết gỗ bị chúng tôi phát hiện nằm trong khu vực khai thác cát của Công ty TNHH Vật liệu xanh Bảo Sơn (Kon Tum), nhưng phía ngoài khu vực được treo biển cảnh báo: "Không phận sự miễn vào!".
Tại hiện trường, cảnh tập kết gỗ diễn ra công khai, các xe cẩu gỗ vận hành, kéo gỗ từ bờ sông lên xe tải lớn chờ sẵn... Trong đó, có 2 xe tải lớn đã được chất đầy gỗ tròn và xẻ hộp. Dưới sông, gỗ được tập kết la liệt, thả nổi bềnh bồng...
Nhưng khi nhận được tin báo của chúng tôi, Hạt Kiểm lâm TP Kon Tum đến hiện trường thì các xe bốc dở gỗ cùng với nhiều khúc gỗ đã "biến mất" một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, chúng tôi phát hiện nhiều lóng gỗ dưới sông vẫn còn trôi nổi. Mặt dù có các kiểm lâm viên đến nhưng một số đối tượng vẫn lội xuống nước cố đẩy gỗ trôi ra giữa sông để phi tang...
Trước đó, ngày 17-1, dọc dòng sông Đak Bla từ xã Đắk Rơ Wa về trung tâm TP.Kon Tum, cảnh vận chuyển gỗ được kết thành bè, lâm tặc dùng lốp xe ôtô buộc gỗ vào cho nổi trên mặt nước diễn ra hết sức tấp nập. Trung bình mỗi bè gỗ được điều khiển bởi 1-2 người, kéo 2-3 lóng gỗ thả trôi sông về điểm tập kết để vận chuyển đi tiêu thụ...
Hiện trường vụ khai thác gỗ trái phép ở Chư Păh, Gia Lai. |
Ông Vũ Hồng Sinh- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TP Kon Tum cho biết, sau khi nhận tin báo có gỗ trôi sông, Hạt Kiểm lâm đã cử tổ công tác đến hiện trường, thu giữ 25 lóng gỗ các loại: thông, giẻ, chò... Nhưng hiện tại cơ quan chức năng vẫn chưa xác định được chủ gỗ là ai, không bắt giữ được phương tiện nào chở gỗ. Ông Sinh cũng cho rằng, gỗ này không phải gỗ ở TP Kon Tum mà được đưa về từ địa bàn xã Hà Tây, Hà Đông, huyện Chư Păh (Gia Lai)...?
Cũng trong thời điểm trên, ngày 20-1-2017, tại địa phận rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah (Gia Lai) bị phát hiện xảy ra vụ khai thác gỗ nghiêm trọng. Sau khi thành lập đoàn liên ngành kiểm tra, thu giữ 73 lóng gỗ nhóm 5-6, tại tiểu khu 174 thuộc địa bàn xã Hà Tây, huyện Chư Păh.
Do địa hình phức tạp, không có đường đưa gỗ về xã Hà Tây nên đoàn kiểm tra đã lập biên bản và bàn giao số gỗ trên cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh quản lý để phục vụ công tác điều tra. Tuy nhiên mấy ngày sau phần lớn số gỗ trên đã "không cánh mà bay".
Để lý giải số gỗ bị mất, các cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah đã tự dựng chuyện bị cướp, đưa ra báo cáo giả dối bị một số lâm tặc đến hiện trường dùng xăng đốt gỗ hòng tiêu hủy tang vật bị bắt giữ nhưng được lực lượng bảo vệ rừng phát hiện, dập tắt lửa.
Đến khoảng 0h20' ngày 1-2, nhóm lâm tặc tụ tập khoảng hơn 20 người điều khiển 8 xe máy cày vào hiện trường cướp 45 lóng gỗ chạy về hướng tỉnh Kon Tum. Mặc dù lực lượng bảo vệ rừng ở đây đã bắn súng chỉ thiên nhưng gỗ vẫn bị cướp...
Cơ quan CSĐT Công an huyện Chư Pah (Gia Lai) thi hành lệnh bắt, tạm giam đối tượng phá rừng. |
Đáng sợ nữa là, ngoài việc báo cáo với các cơ quan chức năng, tổ công tác thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh còn cung cấp thông tin giả dối trên cho các phóng viên báo chí đăng tin việc bị khống chế, cướp gỗ để đánh lừa cơ quan chức năng. Tuy nhiên, quá trình điều tra, cơ quan Công an xác định Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh báo cáo cấp trên và cung cấp thông tin cho báo chí sai sự thật, nhằm chối bỏ trách nhiệm.
Xác định vụ việc nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận, Công an tỉnh Gia Lai đã nhanh chóng phối hợp với Công an tỉnh Kon Tum khẩn trương vào cuộc điều tra làm rõ những đối tượng liên quan.
Qua điều tra, cơ quan CSĐT Công an huyện Chư Păh (Gia Lai) xác định, những tình tiết theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh báo cáo là không chính xác. Bởi tài liệu, chứng cứ thu được cho thấy các đối tượng sử dụng nhiều xe máy cày để vận chuyển gỗ rời khỏi hiện trường, trong lúc không có sự ngăn cản nào từ lực lượng chức năng và cũng không có việc sử dụng hung khí, vũ khí đe dọa, uy hiếp... như trong báo cáo của Ban Quản lý nêu.
Đại tá Dương Văn Tuấn, Trưởng Công an huyện Chư Păh cho biết, đã tập trung lực lượng, nhanh chóng phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Kon Tum rà soát, xác minh chi tiết và sớm làm rõ được những khúc mắc bất thường từ việc báo cáo không trung thực của các cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh.
Cũng qua điều tra, cơ quan Công an đã xác định đêm xảy ra vụ mất trộm gỗ, bảo vệ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh đang ở tại nhà người dân cách hiện trường (bãi gỗ) chừng hơn 4km. Vì vậy, nhóm đối tượng gây án đã lợi dụng đêm tối vận chuyển 45 lóng gỗ rời khỏi hiện trường. Báo cáo của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh là sai sự thật nhằm mục đích tránh bị cấp trên kiểm điểm, xử lý trách nhiệm.
Trước khi đưa ra thông tin sai sự thật, ông Lê Đức Nhàn, Tổ trưởng Tổ bảo vệ thuộc Ban Quản lý thống nhất với các thành viên trong Tổ cung cấp thông tin sai sự thật cho một số phóng viên báo chí nhằm đánh lạc hướng điều tra.
Cũng liên quan đến vụ phá rừng này, ngày 9-2-2017, cơ quan CSĐT Công an huyện Chư Păh đã khởi tố, bắt tạm giam các đối tượng: Nguyễn Văn Trung (45 tuổi); A Đinh (29 tuổi), cùng trú ở TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum và Wum (19 tuổi), trú ở xã Hà Tây, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai về hành vi hủy hoại rừng. Trước đó, 3 đối tượng trên cùng một nhóm người khác đến tiểu khu 174 thuộc rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh khai thác gỗ trái phép. Chúng dùng cưa máy đốn hạ 54 cây gỗ, với hơn 37m³ gỗ các loại từ nhóm 5 đến nhóm 6.
Khi các đối tượng đang tập kết số gỗ trên thì bị lực lượng chức năng phát hiện nên đã bỏ trốn. Tại cơ quan Công an, đối tượng Nguyễn Văn Trung, kẻ cầm đầu, tổ chức khai thác gỗ trái phép và trộm số gỗ trên khai nhận đã cùng các đối tượng vào khu vực rừng phòng hộ để cắt gỗ bán. Khi đang sử dụng 2 con bò để kéo gỗ tập kết đến một bãi đất trống để vận chuyển về tiêu thụ thì bị lực lượng chức năng phát hiện nên cả nhóm đã kịp thời chạy thoát.
Đây không phải lần đầu tiên rừng ở địa bàn này bị tàn sát một cách nghiêm trọng mà trước đó hàng trăm cây gỗ ở khu rừng này cũng bị đốn hạ bất chấp pháp luật. Bức xúc đến nỗi người dân làng Kon Sơ Lal, xã Hà Tây, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai đã phải tự tổ chức tập hợp người dân trong làng đi chặn bắt xe vận chuyển gỗ khai thác trái phép ở khu vực rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh.
Sau khi dân làng Kon Sơ Lal phục bắt xe chở gỗ chạy qua địa bàn, thu được 10 lóng gỗ tròn (nhóm II), tổng khối lượng khoảng 8,9 m³ thì có một người đàn ông đến thương lượng đề nghị đưa 5 triệu đồng để thả cho xe gỗ đi nhưng dân không đồng ý...
Mở rộng điều tra vụ phá rừng này đã xác định tại tiểu khu 187, địa bàn xã Hà Tây, thuộc rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh, có 40 cây gỗ sến, chò, dầu... bị khai thác trái phép với tổng khối lượng 61,5m³. Tuy nhiên vụ án này đã bị đình chỉ điều tra vì không tìm ra thủ phạm...
Liên quan đến vụ việc phá rừng trên, Hạt Kiểm lâm huyện Chư Păh đã kỷ luật khiển trách đối với Đỗ Xuân Hoàn và Trần Đức Thiên Thái, Kiểm lâm viên phụ trách địa bàn xã Hà Tây vì thiếu đôn đốc kiểm tra, không kịp thời phát hiện việc phá rừng.
Còn Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh kỷ luật khiển trách đối với các cán bộ Lê Đức Nhàn, Đặng Hoàng Minh, Hà Trọng Điểm phụ trách tiểu khu nhưng không hoàn thành nhiệm vụ. Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh phê bình 7 cán bộ thuộc tổ quản lý bảo vệ rừng tại Trạm Kon Sơ Lăl. Riêng Trưởng và Phó Ban Quản lý thì tự phê bình mình trước tập thể cơ quan.
Sau khi việc lần tìm manh mối vụ phá rừng trên rơi vào bế tắc, không tìm ra thủ phạm, ông Nguyễn Quốc Thuận, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah cho biết sẽ tăng cường lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương để tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng tốt hơn, nhưng đó cũng chỉ là lời hứa còn rừng ở đây tiếp tục bị tàn sát.
Vụ phá rừng lần này tiếp tục diễn ra khá quy mô. Rừng mất, gỗ tang vật bị để trộm cắp còn được dựng lên thành báo cáo bị cướp, tung tin cho báo chí đánh lừa dư luận... không biết nhóm cán bộ và lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh sẽ bị xử lý ra sao?
.