Phóng sự

Vỡ mộng xứ người

16:39, 26/12/2016 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Nuôi hy vọng sẽ thay đổi cuộc sống, nhiều người đã bằng mọi cách tìm đường ra nước ngoài mưu sinh. Cuộc sống giàu sang chưa thấy đâu, tai ương đã ập đến khi ngã bệnh, sống dở chết dở nơi xứ người. Nhiều người khác đau đớn hơn phải bỏ mạng khi bị tai nạn lao động, tai nạn giao thông hoặc bị cướp sát hại.
 
Những ngày vừa qua, câu chuyện thương tâm về hai lao động Hà Tĩnh bị cướp sát hại tại Angola đã làm xôn xao dư luận của tỉnh nghèo miền Trung này nói riêng và cả nước nói chung.
 
Xót xa hơn, con bị giết ở trời Phi, từ quê nghèo cha mẹ không lo đủ tiền để đưa về quê hương bản quán lo hậu sự, phải trông chờ vào sự chung tay của cộng đồng người Việt đang sinh sống tại đây.
 
Gia cảnh bi đát của 2 lao động chết và bị thương tại Angola
 
Ngày 17-12-2016, xác nhận với phóng viên, ông Nguyễn Đình Kỷ, Chủ tịch UBND thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cho biết, đến nay thi thể của chị Hoàng Thị Văn (SN 1987), trú tại tổ dân phố Nhân Hòa, thị trấn Thiên Cầm, một trong hai nạn nhân tử vong do bị cướp tấn công tại Angola vào đêm 30-11 vừa qua vẫn chưa được đưa về nước để làm thủ tục mai táng vì gia đình chưa có tiền.
 
Theo chân ông Kỷ, chúng tôi tìm đến ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ của vợ chồng ông Hoàng Minh và bà Nguyễn Thị Phụ, bố mẹ đẻ của nạn nhân.
BĐBP Hà Tĩnh chặn đứng đường dây đưa người sang Trung Quốc trái phép
BĐBP Hà Tĩnh chặn đứng đường dây đưa người sang Trung Quốc trái phép
 
Trong nỗi đau mất con, ông Minh vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại: Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị Văn đã phải gửi đứa con nhỏ mới 5 tuổi cho ông bà ngoại để sang Angola những mong có cơ hội đổi thay số phận.
 
Văn là con gái út trong gia đình, từ nhỏ đến lớn luôn gặp nhiều khổ đau, bất hạnh. Dù chưa có chồng nhưng đã có một đứa con, chấp nhận cuộc sống đơn thân để phụng dưỡng cha mẹ già yếu, bệnh tật.
 
"Trước hôm gặp nạn mấy ngày, nó có gọi về bảo nhớ con, sắp tới sẽ về quê đón Noel cùng gia đình. Không ngờ đó lại là những lời nói cuối cùng của con gái mà chúng tôi nghe được…", giọng ông Minh nghẹn ngào.
 
Trước đó, khoảng 2 giờ sáng ngày 30-11, khi chị Văn cùng với bạn trai là anh  Nguyễn Văn Vinh (27 tuổi), trú thôn 7, xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đang ở trong phòng trọ thì bị bọn cướp khống chế, bắt trói cùng với một người bản địa khác để cướp tài sản. Do không có tiền đưa cho chúng, cả ba người này đã bị tưới xăng lên người rồi châm lửa đốt.
 
Sau đó bọn cướp bỏ đi, 3 nạn nhân phá cửa ra ngoài kêu cứu và được nhiều người ở gần đó đưa vào bệnh viện cấp cứu. Do bị thương nặng, nạn nhân người bản địa đã tử vong sau 3 ngày nhập viện, đến ngày 7-12 thì chị Hoàng Thị Văn trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện tỉnh Huambo, còn anh Vinh hiện vẫn đang trong tình trạng nguy kịch. Qua tìm hiểu được biết, chị Văn đi xuất khẩu lao động tại Angola từ năm 2008 cùng với anh trai và chị gái, năm 2011 có về quê một lần. Ở xứ người, chị cũng đã từng bị cướp tấn công nhiều lần. "Hiện tại, mọi thủ tục để đưa thi thể của cháu về nước đều phải nhờ vào anh chị nó ở bên đó kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt lao động ở Angola.
 
Ở nhà chỉ có hai vợ chồng già chúng tôi và đứa cháu nhỏ, tôi thì tàn tật bị mất một chân, đi lại khó khăn, vợ tôi mấy hôm nay nghe tin con mất cũng suy sụp, nằm liệt giường như người không còn sự sống. Kinh phí để đưa thi thể cháu từ bên đó về Việt Nam rất lớn, chúng tôi giờ cũng chưa biết phải làm thế nào", ông Minh đau buồn chia sẻ.
 
Trong khi đó, gia cảnh anh Nguyễn Văn Vinh cũng hết sức bi đát, dù may mắn sống sót nhưng đang trong tình trạng nguy kịch tại bệnh viện tỉnh Huambo (Angola). Ông Nguyễn Khoanh, bố đẻ anh Vinh cho biết: Vinh xuất khẩu lao động từ năm 2009 song số tiền gửi về chỉ vừa đủ trả chi phí khi đi (khoảng 150 triệu đồng).
Suốt 3 tuần nay, ông không dám rời khỏi chiếc điện thoại, chờ để nghe bạn bè của Vinh bên kia gọi về để cập nhật thông tin về con trai. Chỉ sợ nhỡ rời ra, chẳng may có chuyện xấu thì ông sẽ phải ân hận suốt đời.
 
Chị Phạm Thị Hoài (26 tuổi), vợ anh Vinh đau đớn nằm liệt giường suốt mất ngày nay, chị bảo khi Vinh đi đứa con trai vừa mới chào đời, đến nay nó cũng chỉ mới biết mặt cha qua ảnh.
 
Khi hay tin chồng gặp nạn, người vợ này đã chạy đôn đáo khắp nơi, vay mượn được 100 triệu đồng nhưng số tiền này vẫn chưa đủ viện phí để đưa chồng về, nên đành nhờ cộng đồng người Việt đang sinh sống tại đây giúp đỡ. 
 
Không có phép màu
 
Được biết, Angola là thị trường có nhiều lao động Việt Nam sang đây làm việc nhất, bởi chi phí ban đầu rất thấp, tính chất công việc lại không yêu cầu trình độ cao nên những năm gần đây, lao động Việt Nam, nhiều nhất là các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình đã ồ ạt sang trời Phi những mong sẽ có phép màu để đổi thay số phận.
 
Do phần lớn đều xuất khẩu lao động "chui", được "cò" đưa sang Angola lao động bằng đường du lịch nên không có hợp đồng, không có bảo hiểm, khi xảy ra sự cố không được lo trách nhiệm bởi đây là thị trường lao động chưa được Chính phủ ký hiệp định hợp tác.
Ông Hoàng Minh, bố của chị Văn mòn mỏi ngóng đợi thi thể con gái từ quê nhà.
Ông Hoàng Minh, bố của chị Văn mòn mỏi ngóng đợi thi thể con gái từ quê nhà.
Thống kê cho thấy, mức độ rủi ro tại thị trường này cũng cao nhất thế giới, ngoài số lao động bỏ mạng do tai nạn lao động, nơi đây còn phải đối mặt với vấn nạn bệnh tật và cướp bóc hoành hành.
 
Riêng tại tỉnh Hà Tĩnh, chỉ từ đầu năm 2016 đến nay, đã có tới 5 lao động bị tử vong ở Angola do bị cướp bắt, đánh đập, đốt, bị sốt xuất huyết, sốt rét. Số liệu từ đầu tháng 3-2013 đến nay,  đã có 39 người lao động, chủ yếu quê tại Nghệ An và Hà Tĩnh bỏ mạng ở Angola do bị sốt rét ác tính và tai nạn lao động hoặc bị đánh chết, cướp sát hại.
 
Trước đó không lâu, vào ngày 4-10-2016, anh Lê Văn Quế (32 tuổi), trú xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cũng đã bị cướp có vũ trang bắn chết tại khu vực Viana - Luanda (Angola), gần một tháng sau gia đình mới quyên góp đủ số tiền 20.000 USD để đưa thi thể anh này về quê mai táng, trong số đó, Đại sứ quán và Hội Người Việt Nam tại Angola, cùng lòng hảo tâm của nhiều người quyên góp giúp đỡ khoảng 17.000 USD.
 
Cũng không riêng gì thị trường Angola, lao động Việt do đi "chui", vượt biên theo đường tiểu ngạch nên khi sang xứ người, bị ngược đãi, bóc lột đến kiệt sức, phải bỏ mạng mà không có bất cứ tổ chức nào đứng ra bảo vệ hoặc nhận trách nhiệm.
 
Gần đây, mờ mắt vì tiền, một số đối tượng sau khi sang làm việc tại Trung Quốc, đã trở về quê nhà tại Nghệ An và Hà Tĩnh, đưa hàng trăm người vượt biên trái phép để tìm kiếm cơ hội việc làm.
 
Đổi đời chẳng thấy đâu, tai ương thì đã hiển hiện và ập đến, mà câu chuyện của chị Nguyễn Thị Hương (21 tuổi), trú tại xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) là một điển hình đau đớn. Li thân chồng, lại con thơ 18 tháng tuổi, ngày 26-1-2016 Hương vượt biên qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc để làm việc.
 
Chỉ ít ngày sau đó, vào đêm 31-1, khi đang tìm kiếm công việc tại thị trấn Am Phụ, Khu Kiều Đông, thành phố Triều Châu, tỉnh Quảng Đông thì chị bị côn đồ dùng dao sát hại, tử vong vào ngày 2-2. Mãi đến ngày 21-3, thi thể nạn nhân mới được đưa về quê nhà.
 
Một số lao động khác may mắn không bỏ mạng, song lâm trọng bệnh ở xứ người, nên cũng rơi vào cảnh sống không bằng chết. Đơn cử như anh Lê Văn Nhâm (24 tuổi), quê ở xã Nam Phúc, huyện Nam Đàn (Nghệ An).
 
Tháng 6-2015, anh Nhâm sang làm việc tại Cang San, Đài Nam (Đài Loan) thì phát hiện bị bệnh đường huyết, phải chuyển qua 2 bệnh viện để điều trị ghép tủy. Điều kiện gia đình của anh này ở quê rất khó khăn, chi phí điều trị hàng trăm triệu đồng đều nhờ anh em, bạn bè đồng hương giúp đỡ.
 
Tương tự, anh Phạm Viết Hoàng (22 tuổi), quê ở xã Nghi Phú, TP Vinh (Nghệ An), trong lúc lao động tại Đài Loan đã bị tai nạn lao động, rơi từ tầng 4 xuống đất, vỡ hộp sọ, phải điều trị lâu dài tại bệnh viện Đào Viên - Đài Bắc.
 
Một "góc khuất" khác của lao động Việt Nam ở nước ngoài, là ngoài các điều kiện khách quan như đã nói trên đây, nguyên nhân dẫn đến nhiều rủi ro, thậm chí bị ác cảm là do chính tự người lao động gây ra.
 
Theo số liệu của Sở Ngoại vụ Nghệ An, chỉ tính riêng trong năm 2015, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã phải can thiệp giúp đỡ và xử lý 17 vụ việc với 19 đối tượng là người Nghệ An bị bắt giữ tại nước ngoài, bị trục xuất do nhập cảnh trái phép hoặc gặp tai nạn rủi ro tại các nước.
 
Những con số đó dù chưa phản ánh đầy đủ bức tranh về lao động Việt Nam ở nước ngoài, nhưng đã phần nào cảnh báo cho những người đang nuôi giấc mộng đổi đời, rằng đất khách quê người không phải lúc nào cũng là "xứ sở thần tiên", mà để kiếm được đồng tiền, nhiều khi họ phải đánh đổi rất nhiều thứ, có khi là cả tính mạng của chính mình.

Nguồn: Báo CAND

Các tin khác