Phóng sự
Cần xử lý nghiêm khắc hơn đối với hành vi chống người thi hành công vụ
Thời gian qua, tại nhiều địa phương trên cả nước liên tiếp xảy ra hành vi chống lại người thi hành công vụ, đặc biệt nhằm vào lực lượng Công an đang có chiều hướng gia tăng.
Những kẻ xấu đã tung những hình ảnh, clip được dàn dựng, cắt xén có mục đích lên các trang mạng xã hội để kích động và bôi xấu hình ảnh lực lượng chức năng thi hành công vụ với nội dung hoàn toàn trái ngược với những gì đã xảy ra trong thực tế.
Hành vi chống người thi hành công vụ bị kẻ chống đối lạm dụng còn do những qui định bất cập của pháp luật và các chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Do đó, để các lực lượng chức năng thi hành tốt nhiệm vụ của mình, cần phải có những thay đổi và nghiêm trị hành vi chống lại người thi hành công vụ một cách có chủ đích.
Vụ án cả nhà chống người thi hành công vụ ở Thạnh Hóa, Long An. |
Chống đối hung hãn và liều lĩnh trên đất liền
Hành vi chống người thi hành công vụ theo qui định pháp luật không chỉ trực tiếp xâm phạm đến hoạt động công của các cơ quan Nhà nước, tổ chức mà còn tác động làm giảm hiệu lực quản lý, ảnh hưởng đến sức khỏe người thi hành công vụ, gây rối trật tự xã hội.
Trên các phương tiện truyền thông, báo chí và mạng xã hội thời gian qua xuất hiện rất nhiều hành vi chống lại người thi hành công vụ, chủ yếu nhắm vào lực lượng Công an nhân dân và các lực lượng chức năng về Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Thanh tra giao thông, Kiểm lâm, Thuế, Thi hành án, Kiểm ngư… Đối tượng chống người thi hành công vụ phần đông là người trẻ tuổi, phụ nữ mọi thành phần, nghề nghiệp khác nhau trong xã hội.
Cách đây vài năm, người dân TP Hồ Chí Minh ai cũng biết vụ việc xảy ra trên đường Lê Văn Khương, phường Thới An, quận 12. Hai CSGT là Nguyễn Đức Ánh và Vũ Quang Long đang làm nhiệm vụ phát hiện một xe gắn máy chở 3 do bà Trương Thị Hạnh 37 tuổi điều khiển nên yêu cầu dừng lại kiểm tra hành chính.
Do không có bằng lái, CSGT lập biên bản xử phạt và tạm giữ phương tiện 10 ngày. Bà Hạnh chửi bới, lăng mạ CSGT và giằng lấy giấy tờ xe, xe gắn máy. Con gái bà là Phạm Thị Mỹ Linh 18 tuổi xông vào xô CSGT để mẹ dắt xe đi. Linh còn hung hăng dùng tay đấm túi bụi vào mặt CSGT và gào thét, chửi bới rồi lăn ra đường ngất xỉu nhằm vu vạ.
Sau đó, Công an khởi tố Mỹ Linh về tội chống người thi hành công vụ, Tòa án nhân dân Quận xử phạt 9 tháng tù giam. Tiền án này đã gắn chặt với cuộc đời của một cô gái trẻ mới 18 tuổi, hành động nông nổi và nóng giận không cần thiết đã cho thấy sự thiếu hiểu biết về pháp luật, tính khí bốc đồng nguy hiểm của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Liên quan đến hành vi chống đối lực lượng Cảnh sát giao thông còn có vụ Hồ Phương Tri, 27 tuổi ở huyện Tân Biên, Tây Ninh mới đây TAND xử 9 tháng tù. Tri điều khiển xe máy trong tình trạng say rượu trên đường 795, phía trước chất một két nước ngọt. Tổ tuần tra CSGT yêu cầu dừng xe thì Tri tăng tốc, lạng lách bỏ chạy… Khi CSGT rượt đuổi áp sát, Tri ném 19 chai nước ngọt thủy tinh vào xe CSGT để ngăn cản, gây thương tích cho CSGT.
Nhiều thanh niên chống người thi hành công vụ đã dẫn đến thương vong cho lực lượng cảnh sát giao thông đã được người dân ghi hình đưa lên mạng xã hội khiến dư luận phẫn nộ lên án và rất đồng tình khi cơ quan Công an khởi tố bị can, khởi tố vụ án.
Chiều ngày 21-7, Thượng úy Lê Tuấn Trung (Đội CSGT huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đang tuần tra khu vực gần bến phà Bình Ninh thì phát hiện đối tượng Nguyễn Trung Nghĩa, 22 tuổi ngụ ấp Hòa Lạc Trung, xã Hòa Định, huyện Chợ Gạo chạy xe không đội mũ bảo hiểm, có dấu hiệu say rượu bia nên yêu cầu dừng xe kiểm tra.
Đối tượng Nghĩa chống đối, dùng đá đánh lại CSGT và đạp ngã xe môtô chuyên dụng tuần tra. Lúc này, đồng bọn Nghĩa là Tô Kim Phụng 24 tuổi, Nguyễn Duy Khang 22 tuổi đang nhậu trong quán gần đó đã xông ra tiếp sức đánh lụi thượng úy Trung làm anh bị thương.
Một vụ chống người thi hành công vụ. |
Thiếu tướng Trần Sơn Hà- Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an đã cho biết: Trong 5 năm qua, đã có trên 200 CBCS Cảnh sát giao thông bị tấn công, bị thương tật và hy sinh khi thi hành công vụ. Riêng năm 2015 đã có 40 CSGT bị chống đối.
Tình hình chống người thi hành công vụ còn xảy ra thường xuyên trên tuyến biên giới Tây Nam đối với các lực lượng chức năng chống buôn lậu đang có chiều hướng gia tăng, manh động và liều lĩnh đặc biệt là tội phạm buôn lậu thuốc lá ngoại, đường cát tại các tỉnh Long An, An Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp và Kiên Giang.
Khi hàng lậu bị cơ quan BĐBP, QLTT, Hải quan tạm giữ, các đối tượng buôn lậu có tổ chức gọi nhiều người đến giành giật lại hàng lậu, xô xát và khiêu khích lực lượng chức năng để giải vây cho đối tượng, phương tiện và hàng lậu.
Nhức nhối và đau lòng khi hơn tháng trước, anh Nguyễn Kim Danh, cán bộ QLTT đội 1 của Long An đã bị nhiều đối tượng buôn lậu thuốc lá dùng hung khí sát hại trong khi bắt thuốc lá lậu.
Vụ việc đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về hành vi manh động và cực kỳ nguy hiểm của các đối tượng buôn lậu và sự cần thiết tăng cường lực lượng, phối hợp giữa các cơ quan chức năng, đầu tư công cụ hỗ trợ cho lực lượng thi hành công vụ để có thể bảo vệ an toàn tính mạng trong cuộc chiến đầy khốc liệt, lâu dài với đối tượng buôn lậu qua biên giới.
Xô xát giữa biển khơi
Chống người thi hành công vụ không chỉ diễn ra trên mặt đất, mà giữa biển khơi mênh mông hành vi này cũng đang diễn ra rất phức tạp. Không ai có thể tưởng tượng ra cảnh ngư dân dám bắt giữ lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an, Quân đội trong khi làm nhiệm vụ trên biển.
Đầu tháng 7-2016, tại vùng biển Vân Khánh Tây, huyện An Minh (Kiên Giang), Đồn Biên phòng Xẻo Nhàu phối hợp với Công an, Huyện Đội trưng dụng phương tiện của ngư dân địa phương để tuần tra thì phát hiện 4 ghe cào lạ hoạt động trái phép trong vùng nước của ngư dân nhận khoán và làm hư hỏng nhiều ngư cụ khai thác thủy sản.
Một ghe cào đã nổ máy bỏ chạy, số còn lại được lực lượng chức năng yêu cầu đưa về trạm Biên phòng gần đó xử lý. Một lúc sau, có 27 tàu cá xuất hiện bao vây lực lượng tuần tra, một số ngư dân trên tàu cá đã hung hãn và manh động dùng gạch, đá, ống tuýp tấn công, đồng thời tịch thu điện thoại, công cụ hỗ trợ, giật bảng tên, phù hiệu trên quân phục của Lực lượng Công an, Quân đội và Bộ đội Biên phòng đang làm nhiệm vụ.
Sau đó nhóm người này khống chế 11 CBCS tuần tra, trong đó có 2 ngư dân đưa về hướng thị xã Hà Tiên cách hiện trường khoảng 100km "nhốt" đến hôm sau mới thả ra. Có 2 ngư dân lái tàu và một chiến sỹ BĐBP bị thương…
Đến ngày 9-7, cơ quan Công an huyện An Minh đã bắt giam, điều tra làm rõ hành vi bắt giữ người trái phép và chống người thi hành công vụ của 7 ngư dân tàu cá để xử lý theo pháp luật.
Đây là vụ việc cho thấy sự liều lĩnh và táo tợn của một số ngư dân hành nghề giã cào trên biển Nam, một hoạt động được cho là "tận diệt" các nguồn lợi thủy sản đang lộng hành và nhức nhối tại các ngư trường Kiên Giang, Cà Mau và Bình Thuận hiện nay. Khi gặp cơ quan chức năng, các chủ phương tiện giã cào luôn có thái độ chống trả, bỏ chạy hoặc tấn công theo kiểu bầy đàn để giải vây phương tiện, con người bị lập biên bản và không loại trừ việc bắt giữ người trái phép như vụ việc trên và bắt giữ 4 cán bộ BĐBP Cà Mau trước đó không lâu, cũng đưa về nhốt tại Pháo Đài, thị xã Hà Tiên (Kiên Giang).
Không dừng lại ở hành động bắt giữ người trái pháp luật và hung hăng chống lại lực lượng thi hành công vụ trên biển, các đối tượng hành nghề giã cào còn ném cả thanh tra viên thuộc cơ quan bảo vệ nguồn lợi thủy sản xuống biển khi bị lập biên bản, kiểm tra.
Vụ việc xảy ra vào ngày 23-9-2016, Trạm Quản lý và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Tuy Phong (Bình Thuận) huy động 1 canô và tàu tổ chức tuần tra trên biển. Khi đến khu vực biển Phan Rí Cửa, phát hiện cặp tàu giã cào mang số hiệu BV-90315 và BV-90314 công suất 480CV của ông Trần Hữu Đẩu, ngụ huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm chủ đang hành nghề giã cào trái phép.
Đoàn kiểm tra áp sát mạn hai tàu giã cào, thông báo yêu cầu kiểm tra nhưng chủ phương tiện và người trên tàu tỏ thái độ bất hợp tác. Do thành tàu cao, sóng biển nhồi lắc nên đoàn kiểm tra gặp khó khăn trong việc leo bám thành mạn để lên tàu mà không được sự hợp tác.
Trong lúc này, các thuyền viên trên tàu giã cào tìm mọi cách chống đối, xô đẩy quyết liệt ngăn cản đã khiến cho thanh tra viên Lê Bá Quốc Huyên rơi xuống biển, cùng lúc đó tàu BV-90314 nổ máy tăng tốc chở hai thanh tra viên Lương Chí Trung và Lương Văn Sơn vừa leo lên sàn tàu để chạy ra khơi xa khoảng 5 hải lý.
Theo lời kể lại cho thanh tra viên Lương Chí Trung, khi tàu chạy ra xa, các thuyền viên gây áp lực và đánh đấm, chửi bới hai thanh tra viên rất thậm tệ. Sau đó, họ ném hai thanh tra viên xuống một thúng nhỏ bỏ lênh đênh giữa biển hơn nửa giờ liền cho đến khi tàu tuần tra đuối sức không đuổi theo kịp đã gọi vào bờ cầu cứu. Nhận tin khẩn cấp, Hải đội II - Bộ đội Biên phòng Bình Thuận đã xé sóng lao ra khơi cứu người. Tàu Hải Đội II- Bộ đội Biên phòng đã tiến hành rượt đuổi hai tàu giã cào đang tăng tốc bỏ chạy sau nhiều giờ với hải trình gần 40 hải lý mới áp sát mạn và lai dắt đưa về cảng để tiến hành xử lý vi phạm.
Ngày 28-9, Thanh tra thủy sản và BĐBP Bình Thuận đã ra quyết định xử phạt hai tàu giã cào vi phạm 120 triệu đồng và cấm vĩnh viễn không được hành nghề tại ngư trường Bình Thuận. Riêng hành vi tấn công, chống người thi hành công vụ sẽ được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ để xử lý theo pháp luật.
Do những qui định các dấu hiệu cơ bản cấu thành tội phạm của hành vi chống người thi hành công vụ còn nhiều điểm bất cập, đặc biệt là mặt khách quan của tội phạm đòi hỏi phải thỏa mãn những điều kiện bắt buộc để cấu thành tội phạm. Khi các hành vi chống người thi hành công vụ chưa gây ra hậu quả về thương tật theo tỷ lệ phần trăm về tổn hại sức khỏe theo luật định hoặc chưa làm chết người thì chưa thể truy cứu trách nhiệm hình sự, chỉ xử phạt vi phạm hành chính.
Từ đó cho thấy, việc định khung hình phạt thuộc tội danh này còn lệ thuộc vào hành vi và hậu quả gây ra để áp khung, định khung hình phạt tùy theo mức độ, tình tiết khác nhau nặng nhẹ.
Chính đây là một kẽ hở để cho đối tượng chống người thi hành công vụ tăng cường chống đối như xô đẩy, giành giật hàng lậu, đổ mắm tôm, chửi mắng, tạt sơn, nước bẩn, và nhiều thứ khác trút xuống đầu người thi hành công vụ và quyết liệt cản trở, chống đối người thi hành công vụ.
Hành vi chống người thi hành công vụ cần phải được xử lý nghiêm để răn đe và giáo dục, rất cần pháp luật tăng nặng mức phạt và các chế tài để bảo vệ người thi hành công vụ và tăng cao uy tín quản lý Nhà nước và tinh thần thượng tôn pháp luật.
Tại khoản 3 Điều 20, của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP có quy định: Hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ 1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ. 2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; c) Xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ. 3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ; b) Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ; c) Đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính. 4. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu số tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều này. |
Theo Báo CAND