Phóng sự
Hành trình kiếm tìm đồng đội của người lính Gạc Ma
Phải đến hơn 3 năm rồi, kể từ khi viết bút ký: “Người về từ Trường Sa” (kể về trận chiến bảo vệ Gạc Ma năm 1988), tôi mới lại được ngồi với nhân vật của tôi - anh Lê Hữu Thảo. Thêm lần này nữa, tôi lại được đồng hành cùng anh trên con đường không kém phần khó khăn, gian khổ - hành trình đi tìm đồng đội của anh.
Tiếp từ câu chuyện bi hùng về cuộc chiến đấu bảo vệ Gạc Ma năm 1988 đến câu chuyện bây giờ được anh gọi là “chương tiếp theo của hành trình người lính”.
Tìm nhau...
Chương tiếp theo của chúng tôi bắt đầu đúng vào ngày 14-3 - ngày tưởng niệm các chiến sĩ Hải quân Việt Nam bị quân Trung Quốc sát hại khi đang làm nhiệm vụ tại đảo Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) năm 1988, khi hai anh em tôi chụm đầu xem lại clip Hải chiến Gạc ma.
Lần nào cũng vậy, cứ mỗi lần xem là anh Thảo lại nghẹn ngào, những kỷ niệm hằn sâu trong ký ức về trận hải chiến Gạc Ma lại ùa về trong anh như những vết thương lòng không bao giờ dứt. Sau một phút lặng im gần như tưởng niệm, anh Thảo mới trở lại bình thường nói chuyện với tôi về những năm tháng sau này, nhất là từ năm 2013 trở lại đây, thông tin về Gạc Ma được báo chí, truyền thông và người dân quan tâm.
Ban liên lạc HQ604. |
Uống một ngụm nước, anh Thảo kể anh vừa mới đi Quảng Bình dự lễ tri ân tại nghĩa trang liệt sỹ phường Quảng Phúc nhân ngày giỗ lần thứ 28 của 64 anh hùng liệt sỹ đảo Gạc Ma (14-3 -1988- 14-3-2016); rồi sắp tới anh lại ra Nghệ An, Thanh Hóa... ra nhà một số đồng đội cũ mà anh mới tìm thấy được thông qua những kênh kết nối tình nguyện vừa tìm kiếm được.
Nhìn anh bận rộn, lòng tôi cũng không khỏi bồn chồn. Vậy là sau bao nhiêu năm lận đận, cuộc sống của anh và đồng đội đang được thay đổi nhờ sự động viên chia sẻ của anh em, bạn bè đồng đội, các nhà hảo tâm giúp đỡ, anh và đồng đội của anh đã bắt đầu có sự kết nối, liên lạc với nhau để một lần nữa cùng nhau vượt qua một cuộc chiến không kém phần khó khăn, đó là mưu sinh cuộc sống.
Cuộc đời anh Lê Hữu Thảo bây giờ đã khác. Bỏ lại sau lưng những lận đận thăng trầm, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, đồng đội và chương trình Nhịp cầu Trường Sa, giờ anh đã có được một ngôi nhà mới. Tổ ấm của anh đã dần được ổn định với một người vợ tần tảo chịu khó, một bé trai kháu khỉnh mang tên kỉ niệm Lê Trường Sa.
Cựu chiến binh Lê Hữu Thảo mãi mãi không quên được trận chiến Gạc Ma. |
Chia vui với tôi, anh cười: “Bây giờ cuộc sống tạm ổn rồi, anh phải làm tiếp nhiệm vụ của mình là đi tìm đồng đội để giúp đỡ động viên nhau trong những lúc hoạn nạn, khó khăn em ạ. Mình đã khổ, nhiều đồng đội của mình còn khổ hơn”.
Trong số những câu chuyện “tìm nhau” của anh Lê Hữu Thảo, tôi đã may mắn được chứng kiến một vài lần. Tôi còn nhớ lần đó, anh Thảo nói với tôi: “Anh đã tìm được anh Trường rồi em ơi, ngày mai, em đến gặp anh Trường nhé, giờ Trường đi làm ở tận Lào Cai, cuộc sống khó khăn và vất vả lắm”.
Hai hôm sau đó, tôi và nhà báo Phạm Anh Hoài được gặp anh Nguyễn Xuân Trường (Hương Sơn), chú Nguyễn Hải Nam (là người đã phát hiện và lai dắt xuồng của công binh HQ 604 mà anh Thảo đang giữ chặt trên đó có thi thể anh Trần Văn Phương, anh Trần Văn Lanh đang bị thương nặng) và bác Nguyễn Xuân Cừ -Trưởng ban liên lạc của Đoàn tàu không số tại Hà Tĩnh.
Trong bữa cơm thân mật, họ vừa nâng chén rượu mừng nhau vừa khóc. Bác Cừ - cầm tay chúng tôi rưng rưng: Nguyện vọng của người lính khi trở về phải tìm cho ra các gia đình thân nhân của đồng đội cũ để cùng nhau chia sẻ, bù đắp những thiệt thòi, động viên nhau tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.
Bẵng đi một thời gian không gặp, anh Thảo kể rằng anh đã tìm được gia đình của ba liệt sỹ đã hi sinh trên địa bàn Hà Tĩnh: Liệt sỹ Nguyễn Văn Thành (xã Phương Điền, Hương Khê), Nguyễn Thanh Hải (Sơn Kim, Hương Sơn), Đào Kim Cương (Vượng Lộc, Can Lộc). Rồi lần lượt anh kể về hoàn cảnh gia đình liệt sỹ Hồ Công Đệ (Thanh Hóa), gia đình anh Lê Đình Thơ (Hoằng Hóa, Thanh Hóa), gia đình anh Nguyễn Văn Phương (Đông Hưng, Thái Bình)… liệt sỹ Đậu Xuân Tư (huyện Nghi Lộc, liệt sỹ Phan Huy Sơn (Diễn Nguyên, Diễn Châu, Nghệ An)...
Lê Hữu Thảo và Nguyễn Văn Thống trước tượng đài liệt sĩ vô danh. |
Trong những tháng ngày trên hành trình đó, có bất cứ chương trình nào chia sẻ thông tin, có điều kiện là anh lại khăn gói lên đường. Đặc biệt là nhờ có chương trình “Nghĩa tình Trường Sa” đã và đang tạo điều kiện cho anh, hỗ trợ anh rất nhiều trong quá trình thực hiện.
Anh cho biết, đến nay anh và đồng đội của mình đã tìm kiếm được thân nhân của 50 gia đình liệt sỹ (trên tổng số 64 liệt sỹ), và chỉ còn vài trường hợp đồng đội còn mất tích là chưa tìm được, điều đó làm anh không thôi day dứt.
Tôi nhìn dáng người nhỏ bé của anh và thầm cảm phục những tháng năm anh lặn lội qua các nẻo đường tới các miền quê, thăm rất nhiều gia đình đồng đội và thấy một thực tế không khỏi ngậm ngùi: hầu hết thân nhân gia đình các liệt sỹ và cựu chiến binh đều có cuộc sống vô cùng vất vả.
Mỗi gia đình một hoàn cảnh, có gia đình thì bệnh tật bủa vây, có gia đình thì kinh tế khó khăn trăm bề… nhưng một điểm chung là họ luôn có nghị lực, luôn cố gắng, có ý chí trong cuộc “đấu tranh sinh tồn” với cơm áo gạo tiền và luôn có một ước mơ rằng: một ngày nào đó sẽ được gặp lại các đồng đội cũ để cùng ôn lại những năm tháng bi hùng không thể nào quên đó.
và sống...
Trận chiến Gạc Ma đã trải qua 28 năm thăng trầm như chính hòn đảo chìm và cuộc đời của những người chiến sĩ đã xả thân vì nó. Nhưng lịch sử là không thể lãng quên. Ngày nay, dẫu đã gần 3 thập kỉ trôi qua, chúng ta đã được biết đến cuộc chiến bi hùng của những người chiến sĩ và chúng ta vinh danh họ, nghiêng mình trước những hi sinh anh dũng của họ nhưng không phải ai trong chúng ta cũng biết được rằng: đâu đó xung quanh chúng ta, có những anh hùng bằng xương bằng thịt đã bước ra từ cuộc chiến đấu đó, trở về thầm lặng với cuộc mưu sinh đầy khó khăn thử thách vì đa phần sức khỏe của các anh, xương máu của các anh đã bỏ lại ngoài biển khơi thăm thẳm.
Và một lần nữa, anh Lê Hữu Thảo với hành trình đi tìm thân nhân liệt sỹ và đồng đội của mình trên chuyến tàu định mệnh năm đó, và anh nói đó như một “liều thuốc” giúp anh tìm bình yên trong cuộc sống, báo đáp nghĩa tình đồng đội. Anh nói rằng: “Tôi là một người lính bước ra từ trận chiến năm ấy, đã từng cùng đồng đội vào sinh ra tử để giữ biển đảo quê hương.
Khởi công xây nhà cho anh Hồ Văn Ba ở Quảng Bình. |
Cũng là một trong những người may mắn còn sống sót trở về nên tôi nhận thấy đây là một phần trách nhiệm của bản thân mình đối với những người đã hi sinh… trách nhiệm gặp gỡ và kể lại sự thật về những đồng đội trước lúc ngã xuống cho thân nhân các gia đình được biết, muốn kể lại một cách chân thực nhất các đồng chí của tôi đã sống và cống hiến như thế nào, hi sinh như thế nào để góp phần bảo vệ biển đảo quê hương…
Chúng tôi coi mình giống như người con trong gia đình họ, thay lời những người con của họ hỏi thăm, hỗ trợ gia đình cả về vật chất và tinh thần… chắc chắn một phần cũng sẽ an ủi những người đã mất” chỉ mong ước ấy thôi của anh cũng đủ làm chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều.
Việc làm của anh Lê Hữu Thảo đã được bạn bè, đồng đội và các tổ chức tình nguyện nhiệt tình ủng hộ. Anh đã liên hệ, phối hợp với nhiều tổ chức, đơn vị giúp đỡ và hỗ trợ những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn.
Cụ thể, anh đã góp phần kêu gọi chương trình “Nhịp cầu Hoàng Sa” hỗ trợ học bổng cho một số con em cựu chiến binh, giúp đỡ cựu chiến binh Hồ Văn Ba, phối hợp, đồng hành và kêu gọi “Quỹ tấm lòng vàng” (báo Lao Động) giúp đỡ nhiều trường hợp khó khăn khác. Đồng thời, anh liên hệ Lữ đoàn công binh E83 để xin giấy tờ xác nhận cho những chiến sỹ tham gia CQ - 88 có cơ sở về làm chế độ ở địa phương, từ đó hoàn cảnh các đồng đội đã được giúp đỡ có hiệu quả...
Chia tay anh Lê Hữu Thảo, tôi nhớ lại hôm dự đám cưới anh, một đám cưới đầm ấm và đầy ý nghĩa với một người lính khi anh được sống trong sự chúc phúc của anh em bạn bè. Dự đám cưới của anh có nhiều đồng đội, thân nhân gia đình những cựu binh Trường Sa.
Cũng tại đám cưới của anh, Ban liên lạc Cựu chiến binh Gạc Ma HQ-604 đã được thành lập. Hôm đó, mọi người đến dự đám cưới, ai cũng rơm rớm nước mắt nhìn chú rể hạnh phúc nắm chặt tay bạn bè thành một vòng tròn- vòng tròn Gạc Ma bất tử.
Hôm nay, tôi mở facebook anh Lê Hữu Thảo, trang mà chúng tôi vẫn hằng ngày nhắn tin cho nhau, định bụng sẽ viết cho anh vài lời nhưng rồi lại chần chừ, vì đã có rất nhiều bạn bè của anh gửi tin nhắn cho anh.
Tôi nghẹn lòng đọc một tin nhắn của bạn anh, một tin nhắn mà tôi xin lấy để làm đoạn kết cho “chương tiếp theo của hành trình người lính” của mình như một lời tri ân sâu sắc: “Ngày mai 14-3, xin gửi lời tri ân đến những người đã chiến đấu, hi sinh để bảo vệ Tổ quốc trong trận chiến Gạc Ma (Trường Sa, 1988). Lê Hữu Thảo - Anh vẫn đã và đang không ngừng nghỉ trên hành trình kiếm tìm thân nhân gia đình liệt sỹ và đồng đội trên chuyến tàu định mệnh năm ấy, vẫn luôn hướng tới và tìm kiếm một tương lai tươi sáng hơn cho anh và cho tất cả những người mà anh đã từng cùng chiến đấu, gắn bó và yêu thương".
Nguồn: CSTC/CAND