Phóng sự
'Hiện tượng' Đinh La Thăng hay câu chuyện về 'văn hóa lãnh đạo'
Những gì ông Đinh La Thăng đã làm không phải là cái gì đó quá mới, không phải là sự khai sáng vĩ đại để cho chúng ta tán dương hay nghi ngờ mà đó chỉ là phong cách của một lãnh đạo có tác phong hành động. Những công việc mà nhiều người coi là quá cụ thể của một chính khách thì ông lại không nghĩ thế.
Điều ông quan tâm chính là mong mỏi và nguyện vọng của người dân, của công việc, phải từ cụ thể, từ thực tiễn để có được tổng thể, để hoạch định chính sách sát với thực tiễn.
Văn hóa lãnh đạo không phải là điều gì đó cao siêu xa vời hay trừu tượng mà đó chính là tác phong hành động, là tư duy sáng tạo và năng động, là phong cách thân thiện gần dân, hướng về dân, là bản lĩnh chính trị cũng như thái độ trách nhiệm trong thực thi công vụ, năng lực và tầm nhìn chiến lược, dám nghĩ dám làm, dám chấp nhận cái mới, dám chịu trách nhiệm cá nhân về sự chỉ đạo của mình.
Trong một thế giới phẳng, sự phát triển luôn đi liền với những biến động không ngừng. Chính vì vậy tư duy sáng tạo, tác phong hành động, phong cách thân thiện gần dân và ứng xử linh hoạt nhạy bén... đó chính là văn hoá lãnh đạo. Xã hội chúng ta đang xuất hiện những nhân tố, những người lãnh đạo đang đi tiên phong trong việc hình thành một văn hoá lãnh đạo rất cần được nhìn nhận một cách khách quan, công tâm và khích lệ.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng. |
Lâu nay cái tên Đinh La Thăng luôn là sự chú ý và bàn luận sôi nổi như một hiện tượng của một phong cách lãnh đạo. Những lời khen, những ý kiến ủng hộ ông, hy vọng ở ông rất nhiều, nhưng cũng không ít ý kiến còn nghi ngờ và thậm chí có những ý kiến phán xét trái chiều. Bất luận khen chê thế nào ông đều tiếp thu hết nhưng ông vẫn làm việc, vẫn xông xáo thực tiễn, quyết liệt và quyết đoán trong giải quyết công việc và chương trình hành động của mình.
Nói đến "hiện tượng" Đinh La Thăng và chứng kiến thực tế phong cách lãnh đạo của ông, lại làm cho chúng ta nhớ lại hình ảnh và tác phong của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc trong quá khứ. Câu chuyện của mấy chục năm về trước khi mà hình ảnh ông Bí thư Tỉnh ủy xắn quần lội ruộng nhổ từng khóm lúa, đến từng ao nuôi cá hay chuồng lợn của nông dân để xem xét, nghiên cứu tình hình nông thôn, để rồi đưa ra những quyết sách đúng đắn, đặc biệt là khoán hộ trong nông dân, một việc làm "cởi trói" và phát huy sức sản xuất cho nông dân. Quyết sách sáng tạo ấy của ông Kim Ngọc đã đặt nền móng cho khoán 10 sau này, nhưng quyết sách ấy mãi đến hai mươi năm sau mới được thừa nhận.
Hay ví dụ khác, như Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu (Nghệ An) Nguyễn Hữu Đợi, một lãnh đạo "chỉ bàn tiến không bàn lùi"… Cả ông Kim Ngọc và Nguyễn Hữu Đợi đều là những lãnh đạo hiếm hoi sâu sát thực tiễn bằng những việc làm rất cụ thể. Họ là những con người có tác phong và tư duy lãnh đạo sáng tạo vượt ra khỏi các khuôn khổ cứng nhắc. Những con người với một phong cách lãnh đạo như thế một thời đã phải nhận về mình không ít nghi ngờ, thậm chí là cay đắng, khi mà những quyết sách của họ, tác phong lãnh đạo, sự sáng tạo của họ đã không được coi trọng mà phải đến khi họ chết đi thì tác phong ấy tư duy ấy mới được thừa nhận và được ca ngợi!
Một thời gian dài chúng ta đã đắm chìm trong tư duy quan liêu mệnh lệnh xa rời thực tiễn, không chấp nhận những tác phong lãnh đạo và những quyết sách "lệch lạc" có tính chất "đi trước thời đại" như vậy. Tất cả cứ hành động theo sự chỉ đạo của cấp trên, của chủ trương một cách máy móc và cứng nhắc, kiểu như, "muốn nhanh thì cứ phải từ từ", khác đi là khó chấp nhận. Tư duy ấy, phong cách lãnh đạo ấy một thời gian dài đã hằn vào nếp nghĩ, cách nhìn nhận của không chỉ lãnh đạo, của trí thức mà còn của cả đại bộ phận người dân.
Vì thế khi xuất hiện một Đinh La Thăng trên cương vị là một Bộ trưởng Bộ GTVT đi xuống công trường soi từng viên đá, vi hành đi bắt quả tang xe quá tải hay chỉ đạo nhổ bỏ cái biển báo, những việc tưởng như rất nhỏ, đã làm cho không ít người thấy khác quá, lạ quá, không giống tác phong "hoành tráng" đạo mạo của một ông bộ trưởng, một chính khách cấp cao. Không ít lãnh đạo và cả những trí thức "rởm" cho rằng những việc làm ấy của ông không phải việc của một Bộ trưởng, bởi Bộ trưởng là lãnh đạo quản lý, là hoạch định chủ trương chính sách chứ không phải là đi làm những việc cụ thể "cỏn con" ấy.
Bộ trưởng Đinh La Thăng từng trả lời thẳng thắn: "Việc của tôi là phải làm cả hai, từ thực tế mới ra được chủ trương chính sách sát với thực tế". Đó chính là tác phong hành động là tư duy thực tiễn bởi lãnh đạo mà xa rời thực tiễn thì chỉ là lãnh đạo quan liêu, lý luận suông. Tư duy của ông là một lối tư duy sáng tạo, hành động thực tiễn và chỉ đạo quyết liệt, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm. Ông đã không ngần ngại thọc vào tất cả các lĩnh vực của ngành lâu nay trì trệ.
Tôi đã trực tiếp nghe cán bộ cấp vụ phàn nàn khi Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo xây dựng và sửa đổi văn bản QPPL của ngành rằng: "Làm văn bản nó phải có qui trình chứ cứ sốt sình sịch thì làm thế nào". Theo ông là thấy lệch thấy sai thấy không phù hợp là sửa là làm lại, chứ cứ ngồi "đánh võng", vin vào qui trình như lâu nay thì bao giờ mới ra được.
Ông Đinh La Thăng thăm mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Em. |
Tôi cũng đã nghe không ít cán bộ băn khoăn khi ông chỉ đạo mở rộng Quốc lộ 1A trong 2 năm, rằng: "Tiền đâu mà làm, khi vốn đầu tư lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng mà nguồn vốn Nhà nước thì không có, khối lượng giải phóng mặt bằng quá lớn"… Nhưng Bộ trưởng Đinh La Thăng vẫn quyết tâm và chỉ đạo quyết liệt thực hiện. Khó khăn tưởng chừng như không thể ấy vẫn được ông chỉ đạo hoàn thành bằng tư duy kinh tế sáng tạo và hành động quyết đoán. Cả một guồng máy lâu nay trì trệ trong một tư duy cũ, một tác phong lề lối làm việc máy móc đã được ông đánh thức, mặc dù đội ngũ cán bộ của ngành thời gian đầu đã không tránh khỏi áp lực công việc khi cuốn vào tác phong làm việc năng động của ông.
Tác phong và văn hóa lãnh đạo của Đinh La Thăng là hành động, không nói nhiều mà là hãy làm đi, ông cũng không cố bằng mọi cách để tạo ra, để xây dựng hình ảnh cá nhân. Ngay cả việc ông kỷ luật hay điều chuyển cán bộ, nhiều báo chí dùng từ "trảm", ông cũng không thích. Ông đã nói rất thẳng thắn: "Làm không được thì nghỉ hoặc thay đấy là bình thường, không nên dùng từ "trảm" nghe nhức hết cả đầu".
Ông không ngại va chạm và dám đương đầu với khó khăn. Ông cũng có thể dành thời gian chỉ để nghe một người dân góp ý dọc đường và trả lời hàng trăm tin nhắn của người dân mỗi ngày. Quan niệm của ông, thực tế cuộc sống làm nên chính sách và chính sách ban hành phải thực sự đi vào cuộc sống. Chúng ta không mong một sự hoàn hảo, đã làm việc thì tất phải có đúng có sai, chỉ có những người không làm gì mới không bao giờ sai. Không phải tất cả những gì ông Đinh La Thăng làm từ trước đến nay đều đúng, nhưng những gì ông đã làm, đang làm và sẽ làm đã cho người dân niềm hy vọng vào một thái độ trách nhiệm và năng lực của một lãnh đạo mà người dân đang cần.
Ngay khi nhận cương vị Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Đinh La Thăng đã bắt đầu bằng những hành động cụ thể đó là: truy đến cùng câu hỏi vì sao nông dân huyện Củ Chi không bán được sữa cho Vinamilk? Phải làm ngay nhà cho mẹ VNAH Nguyễn Thị Em; Trong thời gian tới phải kiểm soát được người ăn xin và giảm ngay tệ nạn trộm cướp…
Thiết nghĩ, những chỉ đạo ấy chính là những thông điệp hành động của ông về phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội và an sinh xã hội của thành phố. Rất cụ thể nhưng rất dứt khoát bởi đấy chính là nguyện vọng của nhân dân, yêu cầu đặt ra của thành phố. Đối với người dân thì một công việc cụ thể cũng đã là niềm mong mỏi. Và thực ra, không có việc gì của người dân được xem là nhỏ cả.
Sẽ còn nhiều khó khăn thách thức đối với ông Đinh La Thăng trên cương vị mới. Nhưng khó khăn thách thức lớn nhất chính là tư duy, là tác phong làm việc và phong cách lãnh đạo của rất nhiều cán bộ chưa thực sự sẵn sàng hành động, chưa thực sự hết lòng vì công việc, vì nhân dân, hướng về dân để đáp ứng yêu cầu của công việc. Vì vậy sẽ còn không ít nghi ngờ, "để xem" thế nào và thậm chí còn có cả những đàm tiếu.
Chỉ khi nào chúng ta xây dựng được văn hóa lãnh đạo đúng với yêu cầu của thời kỳ mới thì mới mong xóa đi những rào cản của phát triển và mới có tư duy và năng lực, bản lĩnh để chấp nhận cái mới, cái "khác người". Đừng để lặp lại một sự thật buồn như ông Kim Ngọc, ông Nguyễn Hữu Đợi đã làm mà phải đến mấy chục năm sau chúng ta mới đủ trình độ để nhận thức được đúng sai.
Nguồn: CSTC/CAND