Thời gian gần đây, tình trạng bạo hành trẻ em liên tục xảy ra khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Vì nhiều lý do khác nhau trong cuộc sống mà một số ông bố, bà mẹ đã trút những trận đòn roi vô tội vạ lên thân thể các cháu.
Ngoài những thương tật trên người, các cháu còn bị chấn động tâm lý nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành trình vào đời. Thậm chí có cháu bị ném ra ngoài đường, trở thành đối tượng trộm cắp bất đắc dĩ để kiếm cái ăn, có cháu trở thành tàn phế do hành vi tưới xăng châm lửa đốt của người mẹ…
Vào lúc 18h, ngày 4/11/2014, sau khi đi nhậu về, thấy con trai là Trần Văn Minh Hiếu, sinh năm 2008 đang ngồi xem tivi, Nguyễn Tấn Sỹ, 28 tuổi, quê ở tỉnh Bến Tre (tạm trú tại phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) đã vô cớ chạy đến chửi mắng rồi bắt cháu phải đi ngủ. Khi cháu Hiếu vẫn tiếp tục ngồi xem phim hoạt hình, Sỹ nhào tới túm lấy cháu quăng vào tường.
Mặc dù nhìn thấy đầu cháu Hiếu chảy nhiều máu và kêu la đau đớn nhưng Sỹ vẫn tiếp tục lấy cây gỗ đánh nhiều nhát vào người cho đến khi cháu bé gục xuống nền nhà mới chịu dừng lại.
Trận đòn vô cớ của Sỹ đã khiến cháu Hiếu phải nhập viện cấp cứu với nhiều vết thương nặng trên người, đặc biệt gãy xương cánh tay trái, xương chân, cần phải điều trị trong một thời gian dài mới có thể lành lại được.
Đối tượng Nguyễn Tấn Sỹ - người đã hành hạ cháu Hiếu đến gãy xương tay và chân. |
Một trường hợp bạo hành khác cũng hết sức thương tâm khiến cháu bé phải bỏ nhà đi lang thang. đó là vào rạng sáng ngày 26/2/2015, trong lúc tuần tra kiểm soát trên đường quốc lộ, tổ công tác thuộc Trạm Cảnh sát giao thông Diễn Châu, tỉnh Nghệ An phát hiện cháu bé Hồ Diễm Quý, 13 tuổi, học sinh Trường Tiểu học xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Hà Tĩnh đang đi lang thang trên đường trong tình trạng gần như bị đói lả.
Sau khi cho cháu Quý ăn uống, tắm rửa và mua cho cháu một bộ quần áo mới, Trạm Cảnh sát giao thông Diễn Châu đã cử người liên hệ đưa cháu bé về tận gia đình giao cho cha mẹ cháu quản lý. Tuy nhiên chỉ được ít ngày sau, nhiều người dân và chính quyền địa phương lại phát hiện cháu Quý đi lang thang xin ăn mà không chịu về nhà, hơn nữa trên người cháu bé có nhiều vết bầm tím, trên đầu còn có một vết sẹo dài chừng 20cm nên đã đưa cháu vào Làng trẻ mồ côi để được chăm sóc. Mặc dù đã được những cán bộ tìm đủ mọi cách để được gần gũi nhưng cháu Quý vẫn luôn trong tình trạng hoảng loạn, không chịu nói bất cứ điều gì và đặc biệt rất sợ bị đưa trở về gia đình.
Vụ bạo hành gần đây nhất xảy ra vào chiều ngày 24/8/2015, khi một chủ đại lý vé số gọi điện thoại cho bà Nguyễn Thị Kim Vy, ngụ khu phố Xuân An 1, thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận mắng về việc con gái bà là Nguyễn Thị Kim Linh, sinh năm 2003 đi bán vé số bị thâm 300.000 đồng và thừa 5 tờ. Bà Vy đã chạy ngay ra đường lôi cháu Linh về đánh một trậm đòn chí tử.
Chưa hả cơn giận, bà này còn sai đứa con gái út lên 10 tuổi ra mua 1 lít xăng về tưới vào người cháu Linh rồi bật lửa đốt. Khi ngọn lửa bùng cháy như một ngọn đuốc, cháu Linh hoảng loạn chạy đến ôm mẹ năn nỉ: "Mẹ ơi xin đừng đốt con", nhưng bà Vy vẫn lạnh lùng quay lưng bỏ đi. Nghe tiếng kêu la, chị Duy (cô ruột của cháu Linh) đang bán hàng ở chợ gần đó đã tức tốc chạy về kêu gọi bà con xóm giềng chạy đến cùng dập lửa và đưa hai mẹ con vào Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Bình cấp cứu. Sau khi sơ cứu, nhận thấy cháu Linh bị bỏng quá nặng nên ngay hôm sau, cháu Linh đã được chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh tiếp tục chữa trị.
Theo bác sỹ Nguyễn Đức Tuấn - Phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, cháu Linh được chuyển đến trong tình trạng bị bỏng nhiều nơi trên cơ thể, có chỗ còn bị cháy đen. Ngoài ra cháu còn bị sốc bỏng nặng do nhiệt, tâm lý hoảng loạn, diện tích bỏng của cháu khoảng 38%, chủ yếu bỏng độ 3, độ 4 (độ nặng nhất). Ngực, lưng, hai bàn tay, hai chân bị bỏng rất nặng.
Trước tình hình nguy cấp này, khoa bỏng bệnh viện đã đưa cháu Linh vào phòng cách ly, cắt cử bác sỹ túc trực thường xuyên, điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu để chống nhiễm trùng. Cũng theo bác sỹ Tuấn, với thương tích quá nhiều nên có thể phải điều trị từ 2-3 tháng mới có thể ổn định.
Cháu Nguyễn Thị Kim Linh đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh. |
Qua hầu hết các vụ bạo hành trẻ em, chúng ta dễ dàng nhận thấy nó đều xuất phát từ những mâu thuẫn nội tại trong cuộc sống của một số gia đình như các chuyện liên quan đến vấn đề cơm, áo, gạo, tiền, mâu thuẫn do người lớn không đồng quan điểm, mâu thuẫn do chồng nghiện rượu chè, vợ mê cờ bạc và mâu thuẫn từ những đôi vợ chồng đã từng một vài lần dang dở trước đó nhưng tất cả đều không dám, hoặc có khi cố tình không chịu nhìn thẳng vào nguồn gốc của sự việc để tìm ra phương cách giải quyết cho êm đẹp, đến khi những bí bách ấy chất chứa quá nhiều trong lòng thì nó cũng giống như một cái lò so bị nén chặt và khi con trẻ làm chuyện gì đó không như ý thì cái lò xo ấy bung ra và mọi chuyện xấu nhất đều dồn lên đầu những đứa trẻ vô tội.
Là một người cha vũ phu, vô trách nhiệm đến mức đẩy cháu Hồ Diễm Quý ra đường nhưng khi chính quyền địa phương cử người đến làm công tác tư tưởng, cha của cháu Quý không những không nghe mà còn tìm cách chửi bới để đuổi những người này ra khỏi nhà. Đến khi bị lập biên bản xử lý, thì anh ta cho rằng: "Tôi đẻ nó ra được thì cũng có quyền dạy bảo nó bằng bất cứ hình thức nào và cũng có quyền quyết định đến mạng sống của nó…". Ngoài ra anh ta còn cho rằng đó là việc của gia đình mình và anh ta có quyền dạy con theo cách riêng...
Ông Hồ Xuân Vượng - Trưởng Công an xã Quỳnh Minh cho biết: “Trước đây, có lần người cha ấy đánh con cái nặng quá, chúng tôi đã trực tiếp đến nhà động viên, khuyên bảo và cứ sau mỗi lần như vậy, anh ta cũng đằm tính hơn không còn đánh con thường xuyên như trước nữa. Đến khi bà vợ thứ nhất, rồi thứ hai lần lượt chia tay vì không thể chung sống được thì anh ta như người tâm thần. Có khi theo tàu đi biển hàng tháng trời, bỏ lại con cái không ai chăm sóc.
Trong những lúc như vậy, Công an xã phải thường xuyên nấu cơm mang đến nhà cho cháu Quý ăn và cử người tắm rửa cho cháu. Đến khi lên bờ thì anh ta suốt ngày uống bia, uống rượu rồi lôi con ra đánh đập. Lần gần nhất, cháu Quý bị gãy chân và rách đầu phải vào bệnh viện cấp cứu, Công an đã lập hồ sơ nhưng do anh ta từ chối nhận trách nhiệm và cháu bé vì quá sợ cũng không dám khai ra cha mình là người gây ra vụ việc nên không thể xử lý được”.
Bị đánh nhiều quá, cháu Quý đã tìm cách bỏ trốn đi lang thang. Trong những lúc đói khát, cháu phải nhặt nhạnh đủ thứ dư thừa hoặc những món thực phẩm thiu thối của người khác bỏ đi để ăn. Tuy nhiên ở vùng quê nghèo, việc tìm kiếm được những thứ bỏ đi cũng hiếm nên có lúc trong tình thế quẫn bách, cháu đã trộm cắp đồ ăn thức uống của những người bán hàng và lâu dần từ một thằng bé hiền lành, cam chịu, cháu Quý đã trở thành đối tượng trộm cắp.
Bé Kim Ngân ở tỉnh Bình Dương bị bạo hành đến chấn thương sọ não. |
Tại vụ tẩm xăng đốt con gái ở thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, bà Vy sau khi được người dân và lực lượng Công an đưa vào bệnh viện chữa trị đã hoàn toàn bình phục. Nhưng khi được mời lên cơ quan Công an để lấy lời khai, bà này đã phủi sạch mọi trách nhiệm và cho rằng cháu Kim Linh là đứa bé hư hỏng không chịu nghe lời cha mẹ, thường xuyên đi chơi dẫn đến việc bị mất tiền và vé số bị ế. Nói mãi không nghe nên bà phải dùng roi vọt. Còn việc cháu bị đốt cháy là do "vô tình" bởi khi ấy bà bảo đứa con út đi mua xăng về để đổ vào xe gắn máy để đi công việc. Trong lúc giằng co, bịch đựng xăng bị vỡ nên mới xảy ra tình trạng đáng tiếc ấy.
Tuy nhiên, thực tế theo ghi nhận của chúng tôi khi tiếp cận bà con xóm giềng thì phần trả lời của bà Vy tại cơ quan Công an là hoàn toàn ngụy biện, bởi trong quá trình hai mẹ con giằng co nhau, một túi xăng bị vỡ, khiến xăng chảy ra ngoài mà không có tác động của lửa thì không thể có vụ cháy được.
Một số bà con cũng khẳng định khi đến nhà dập lửa cứu cháu Linh, trong bếp nhà bà Vy cũng không nấu nướng bất cứ thứ gì và hơn nữa, tại hiện trường vụ cháy còn có một chiếc quẹt ga đã bị nổ. Trước đây do nhiều lần hành hung chồng bằng đủ loại vật dụng từ gậy, thanh gỗ cho đến dao thái rau nên anh này buộc phải từ bỏ cuộc sống vợ chồng đi nơi khác làm ăn, bỏ lại cho bà Vy nuôi 3 đứa con nhỏ. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên không đứa trẻ nào được cho ăn học mà phải ở nhà phụ bán vé số kiếm gạo nuôi cả nhà. Công việc bán vé số cũng không được thuận lợi vì ở quê nghèo ít người mua, nhiều người bán nên vé số bị ế là chuyện thường tình. Tuy nhiên do quá bức bách trong cuộc sống nên bà Vy cho rằng con mình hư hỏng không chịu làm ăn nên cứ mỗi lần bị ế vé số thì anh chị em cháu Linh thường bị mẹ cầm gậy tre quất cho thâm tím cả người…
Vẫn biết trong cuộc sống hiện tại, khi bước vào đời sống vợ chồng, mỗi gia đình đều phải chịu sức ép từ gánh nặng cơm - áo - gạo - tiền. Nhưng không thể lấy lý do ấy để trút giận lên đầu con trẻ được.