Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201501/hanh-dong-theo-menh-lenh-trai-tim-583853/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201501/hanh-dong-theo-menh-lenh-trai-tim-583853/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hành động theo mệnh lệnh trái tim - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 31/01/2015, 09:17 [GMT+7]

Hành động theo mệnh lệnh trái tim

"Nghề cứu nạn được coi là nghề nhân đạo, nhưng niềm vui chưa bao giờ trọn vẹn. Vì đã đi cứu nạn, bao giờ cũng có người chết hoặc thương vong. Song, chúng tôi luôn sẵn sàng ra khơi, bất kể ngày hay đêm, mưa hay bão, có lệnh là lên đường. Đó là mệnh lệnh từ trái tim"- Nguyễn Hùng Xuân, Thuyền phó 3 tàu SAR 413 chia sẻ.
 
Vượt sóng cứu nạn
 
Sau vụ tàu SAR 413 khẩn cấp đi cứu nạn và đưa thuyền viên tàu Bulk Jupiter chìm trên biển Vũng Tàu về đất liền, Thuyền phó Nguyễn Hùng Xuân bần thần: "Đời thủy thủ cứu nạn có nhiều niềm vui nhưng không bao giờ trọn vẹn". Tôi thắc mắc: "Nghĩa là thế nào?" thì Xuân bảo: "Đã đi cứu nạn bao giờ cũng có người chết, nạn nhân bị thương hoặc mất tích. Lúc đó cảm giác mình rất xót xa. Đặt trong hoàn cảnh mình, vợ con sẽ sống sao đây"?
 
Bên ly trà buổi tối ở quán cà phê Hoa Đá (đường Đô Lương, phường 11, Tp. Vũng Tàu), anh Xuân kể cho tôi nghe hàng trăm lần tàu SAR 413 cùng 18 đồng đội của anh vượt sóng gió đi cứu nạn trên biển xa, bất chấp đó là ngày hay đêm. Khi sóng yên biển lặng người ta ở nhà với vợ con, còn các anh thì ra biển cứu nạn. Chẳng ai nhớ nổi tàu đã cứu được bao người, vớt được bao thi thể, song cảm giác vui mừng chen lẫn thương tâm thì không thể nào quên.
 
Ngày 14/12/2014, tàu SAR 413 đang làm nhiệm vụ ở Tiền Giang thì nhận lệnh hải trình khẩn cấp đến cứu xà lan Đồng Nai chở cọc bê-tông bị chìm trên vùng biển Cửa Đại (Tiền Giang). Sau hơn 10 giờ tăng tốc, tàu đã tiếp cận vị trí xà lan Đồng Nai chìm ở biển Cửa Đại. "Chúng tôi quần thảo nhiều vòng tìm kiếm. Đúng lúc tưởng như vô vọng, thì phát hiện được một ngư dân đang trôi dạt trên biển. Tàu tăng tốc, các thủy thủ quăng phao tròn, thả thang dây. Khi kéo lên tàu, người họ đã nhợt nhạt",  anh Xuân nghẹn ngào kể lại.
 
Tàu SAR 413 đưa các thuyền viên cập cảng chiều 4/1
Tàu SAR 413 đưa các thuyền viên cập cảng chiều 4/1
 
Sau đó, tàu tiếp tục tìm kiếm và vớt được 5 thi thể ngư dân. Lúc vớt 5 thi thể lên tàu, nhìn họ thương lắm. Tất cả thủ tục tâm linh như cúng cơm, đốt hương các anh đều làm chu đáo. 5 thi thể ngư dân và ngư dân còn sống sót được bàn giao cho Bộ đội Biên phòng Côn Đảo. Cứ tưởng ra Côn Đảo sẽ được nghỉ ngơi cho lại sức, nhưng không, ngay đêm đó tàu lại nhận lệnh khẩn cấp hành quân về cứu ghe cá Bạc Liêu bị chìm do phá nước ở biển Cà Mau. Vậy là tàu cứu nạn lại thức trắng đêm lên đường khẩn cấp.
 
Vượt chặng đường gần 100 hải lý, sau gần 6 giờ hành trình, tàu SAR 413 có mặt tại biển Cà Mau. Vừa lúc các thủy thủ bắt đầu cuộc tìm kiếm thì nhận được lệnh khẩn cấp đi cứu nạn 10 ngư dân của tàu cá Bình Định bị chìm ở Tiền Giang. Dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Đinh Xuân Hùng, 18 thủy thủ lại cấp tốc lên đường. Biển Tiền Giang mênh mông, nước chảy xiết, trời mù sương. Việc tìm kiếm gặp muôn vàn khó khăn khi tàu cá Bình Định bị bục nước chìm xuống đáy biển ở độ sâu 40 mét. 10 ngư dân trên tàu tan tác, ai sống ai chết?
 
Tất cả phương tiện ống nhòm được huy động, radar quét mặt biển liên tục vẫn không tìm thấy vật nổi nào khả nghi trên biển. Đúng lúc tưởng như vô vọng thì Thuyền phó 3 Hoàng Thế Lực hô to trong bộ đàm: "Phát hiện một vật nổi khả nghi". "Lúc đó, chúng tôi đổ xô ra hành lang tàu nhìn về phía trước mừng rơi nước mắt. Tàu tăng tốc chạy về hướng vật nổi khả nghi. Từ kính nhòm TZK tôi nhìn rõ một người đang bám vào chiếc can nhựa màu trắng. Chúng tôi quăng phao tròn để nạn nhân bám vào. Ba thủy thủ nhảy xuống biển dìu nạn nhân vào sát tàu rồi kéo lên tàu bằng thang dây. Lúc đó nạn nhân đã nhợt nhạt. Đầu ngón tay, ngón chân tím tái và chấn thương nhiều chỗ. Chúng tôi nhanh chóng đưa vào phòng chăm sóc y tế, cho húp nước cháo từng ít một", anh Xuân kể lại.
 
Tình người trên biển
 
Nghề cứu nạn trên biển, không phải tàu nào đi, thời gian nào xuất phát cũng cứu được người, tìm được xác. Theo anh Xuân, phải là cái duyên mới "gặp" được họ. Nói là cái duyên, bởi biển mênh mông biết đâu mà tìm. Khi tàu chìm, thuyền viên cố bơi để sống, nhưng thực tế ở giữa biển, tầm nhìn thấp chẳng biết bơi đi đâu. Khi tàu đến cứu ở tọa độ tàu gặp nạn đầu tiên, hầu hết không tìm thấy nạn nhân. Nên tìm được xác, vớt được người cũng là cái duyên. 
 
Bếp trưởng Angelito Capindo Rojia (giữa) thuật lại tình huống khi tàu Bulk Jupiter chìm
Bếp trưởng Angelito Capindo Rojia (giữa) thuật lại tình huống khi tàu Bulk Jupiter chìm
 
Năm 2015, đúng 10 năm kỷ niệm tàu SAR 413 về Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III hoạt động. Hàng trăm lần vượt biển cứu nạn, cứu sống nhiều thuyền viên, ngư dân, vớt nhiều thi thể nạn nhân chìm tàu ở nhiều vùng biển khác nhau, kể cả ngoài khơi xa hay gần bờ, song những thủy thủ tàu SAR 413 chưa bao giờ ngại ngùng việc vớt xác, khâm liệm thi thể nạn nhân. Bởi  các anh luôn coi những nạn nhân xấu số là những người "cùng đồng hành trên biển". Đối với nạn nhân còn sống được chăm sóc sức khỏe chu đáo, thân tình; đối với thi thể, kể cả là người nước ngoài đều được khâm liệm, hương khói đàng hoàng, theo phong tục người Việt.
 
10 năm gắn bó với tàu SAR 413, Thuyền phó 3 Nguyễn Hùng Xuân chia sẻ: "Nghề cứu nạn giống như nghề nhân đạo. Ngoài thực hiện nhiệm vụ theo Luật hàng hải quốc tế quy định, mỗi người còn phải có tấm lòng rộng mở. Khi vớt nạn nhân dưới biển lên tàu, phải chăm sóc y tế bằng tất cả tình thương yêu và coi đó là người thân. Càng những người ngoại quốc, càng phải có thái độ ân tình, gần gũi, không bao giờ có thái độ phân biệt đối xử. Có thi thể nạn nhân, khi vớt lên không còn nguyên vẹn. Người mất đầu, người mất tay, hoặc không còn chân, thịt thối rữa. Nếu không nắm chắc nghiệp vụ, tinh thần xả thân thì khó lòng làm tốt được".
 
Anh Xuân châm điếu thuốc lá để cố giấu đi cảm giác xúc động ùa về. Mỗi lần cứu được ngư dân, niềm vui dâng đầy, nhưng mỗi lần vớt được thi thể lên tàu, nhìn họ các anh không cầm lòng được.
 
Mệnh lệnh từ trái tim
 
Trở lại chuyện cứu 3 thuyền viên của tàu Bulk Jupiter bị chìm trên biển Vũng Tàu ngày 2/1/2015, anh Xuân cho biết: "Bất kể đêm hay ngày, khi có lệnh là lên đường. Đã nói đến cứu nạn thì gặp sóng to gió lớn là dĩ nhiên. Cứu người là mệnh lệnh từ trái tim".
 
Sự vụ tàu Bulk Jupiter bị chìm trên biển Vũng Tàu là chiến công đáng tự hào của những người hùng thầm lặng. Tàu SAR 413 vừa đi cứu nạn 10 ngư dân ở  vùng biển Tiền Giang về Trung tâm tìm kiếm cứu nạn khu vực III thì nhận lệnh đi biển khẩn cấp cứu tàu Bulk Jupiter. 14 giờ ngày 2/1, tàu SAR 413 rời bến khẩn cấp ra biển Vũng Tàu cứu nạn. Có thủy thủ chưa kịp về thăm vợ con sau gần một tháng lênh đênh trên biển, dù nhà của họ ngay trong Tp Vũng Tàu.
 
Tàu SAR 413 là loại chuyên dùng cứu nạn trên biển có tốc độ 25 hải lý/ giờ, song cũng chỉ chạy được 15 hải lý bởi sóng to cấp 9 và ngược gió. Sau hơn 20 giờ "chồm lên, ngụp xuống" trong sóng dữ, tàu SAR 413 đã đến tọa độ tàu Bulk Jupiter bị chìm. "Theo kế hoạch, tàu chúng tôi tiếp nhận 2 thi thể và một thuyền viên còn sống từ tàu kéo OLNG Mutrah mà trước đó tàu này đã cứu vớt được. Lúc đó sóng rất lớn, tàu nghiêng ngả. Xuồng được hạ khẩn cấp. Một tổ thủy thủ ngồi sẵn trên xuồng và tiếp cận mạn trái của tàu OLNG Mutrah. Ba nạn nhân được bàn giao chuyển xuống xuồng bằng cầu từ tàu OLNG Mutrah. Trong đó Thuyền trưởng Ronel Acueza Andrin, Thuyền phó 3 Jerome Maquilang đã tử nạn, chỉ còn bếp trưởng Angelito Capindo Rojia còn sống.  
 
Tàu OLNG Mutrah và tàu cứu nạn chỉ cách 60 mét nhưng rất khó khăn chuyển các thuyền viên lên tàu. Ngay sau khi đưa các thuyền viên lên tàu, bếp trưởng Angelito Capindo Rojia được chăm sóc y tế chu đáo. Ông ấy kiệt sức, chỉ đủ lim dim đôi mắt nhìn những vị ân nhân rồi lịm đi. Còn hai thi thể được gói chặt. Anh em trên tàu thắp hương khâm liệm theo phong tục người Việt Nam, hy vọng linh hồn của họ được sưởi ấm.
 
15 giờ 30 phút ngày 4/1, tàu SAR 413 đã đưa các thuyền viên cập cảng Trung tâm tìm kiếm cứu nạn khu vực III. Ngoài cơ quan chức năng như Công an, Bộ đội Biên phòng, luật sư còn có ông Johan Kling Berg, quốc tịch Na Uy - là chủ tàu Bulk Jupiter. Ông Johan Kling Berg ra tận cầu cảng hướng về phía biển chờ đón tàu Bulk Jupiter vào cập cảng. Trước đông đảo phóng viên báo chí, ông chia sẻ: "Tôi biết, khi tàu Bulk Jupiter bị chìm trên biển, cơ hội sống sót của các thuyền viên rất mong manh. Tôi mong Chính phủ Việt Nam và các tàu Việt Nam tiếp tục tìm kiếm các thuyền viên còn lại. Tôi rất hi vọng tìm thấy xác của họ".
 
Tại khoang tàu SAR 413, bếp trưởng Angelito Capindo Rojia xúc động nói lời cảm ơn những người hùng trên tàu SAR 413. Nếu không có họ, ông ấy đã nằm lại đại dương.
 
Ông Nguyễn Anh Vũ - Tổng Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam: "Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, các lực lượng cứu nạn hàng hải, Hải quân, Cảnh sát biển tiếp tục theo dõi, tìm kiếm, kiểm tra các nguồn thông tin liên quan đến vụ bị nạn và tiếp tục duy trì hoạt động tìm kiếm tại hiện trường. Chính phủ Việt Nam và các lực lượng tìm kiếm nỗ lực hết mình tìm kiếm cho đến khi không còn manh mối, không còn sự sống nào trên biển mới thôi".

 

.

Nguồn: cstc.cand.com.vn