Phóng sự
Gánh cơm của người đàn bà ở đảo sát nghĩa trang
14:08, 20/05/2014 (GMT+7)
Quán cơm này, tôi thấy lạ lắm, không giống bất kỳ nơi bán hàng ăn nào của Sài Gòn. Tôi gọi đó là túp lều, bởi nó đúng nghĩa với một túp lều. Cơm bà bán, bằng loại gạo từ thiện, hoặc được mua với giá thấp nhất. Hạt cơm nở bung hết cỡ, khô khốc. Ăn cơm của bà, như ăn từng giọt mồ hôi mặt chát, từng giọt nước mắt đắng đót ngồn ngộn chất đời.
Gánh cơm bà ngoại
Bà là Lê Thị Thanh (49 tuổi), nhà ở đảo Thái Lan. Nghe tên có vẻ hơi oách nhưng thực chất đó là khu nghĩa địa đầy rẫy tệ nạn xã hội. Ở đó, bà có túp lều căng bạt dựa lưng vào hai ngôi mộ. Bà bảo, không biết từ bao giờ người ta gọi đó là đảo Thái Lan. Nó như một địa chỉ chết tên từ lâu lắm rồi, nên giờ ai hỏi cứ nói là ở đảo Thái Lan (thuộc P.7, Q. 8, Tp. Hồ Chí Minh).
Túp lều cơm nằm bên vệ đường, kề lưng vào vách tường nhà người ta, nhìn thẳng ra bãi cỏ hoang, cách chợ Phú Lợi 2 vài chục mét. Một bên là rổ xoài, rổ dứa (thơm) héo quắt lại, đang ngả màu vàng thối. 4 đứa cháu của bà ngồi phơi mặt ra đường, gió nóng táp vào người chúng làm da dẻ nứt toác, đỏ ửng. Chúng ngồi từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối chẳng bán được ngàn đồng, bởi trái cây đã quá đát, cho người ta cũng không lấy huống hồ bán. Bà Thanh vừa khóc vừa nói: "Không còn tiền đi nhập hàng nữa, vừa hôm qua bị quân giang hồ lừa mất hơn một triệu. Chúng kêu hai thùng bia và 15 hộp cơm gà rồi xù luôn".
Bên bán trái cây nằm trước cổng nhà một gia đình giàu có, ngày trước họ thương tình cho mướn nhưng năm nay, không hiểu sao họ lấy một triệu/tháng. Còn bên bán cơm, chỉ một góc vừa đủ kê cái kệ thức ăn, ba viên gạch làm kiềng cho nồi canh thập cẩm, một tháng họ cũng lấy 500 ngàn. Bà chỉ xuống ba cái nồi dưới đất, bảo tôi kêu đồ ăn, cơm gà, cơm tôm, cơm trứng ở trong nồi. Hai cái bàn nhựa, bốn cái ghế nhựa gón gọn trong lòng chiếc dù tỏa rộng chưa đến một mét vuông.
Những đứa trẻ này, chưa kịp lớn đã phải nghỉ học ra đời |
Bên kia đường, cạnh mương nước, chỗ đống rác cỏ mọc um tùm bà để chiếc xe máy thồ, để cái xe kéo gỗ là nơi ngủ của ba bà cháu. Còn hai thằng nhỏ nhất được đặc cách về "nhà" ở nghĩa địa ngủ. Nắng, mưa là việc của trời, còn bà vẫn cư ngụ trong lòng chiếc khung xe ba gác, chẳng khác nào cái lồng chó. Đêm nào mưa quá, nước dưới mương tràn lên, thì bà chủ cho chạy vào ngủ dưới hiên nhà.
Khao khát được cái hộ nghèo
Người đàn bà bán cơm ấy không ngừng khóc, nước mắt chẳng ép cũng tuôi chảy không ngừng. Đời bà, 49 tuổi mà chưa một ngày nào được thảnh thơi, chưa một đêm nào được tròn giấc. Bà sinh được hai cô con gái, khi con chưa kịp lớn thì chồng bỏ theo gái, biền biệt từ đó. Cảnh mẹ góa nuôi con, bà gá nghĩa với người đàn ông có 7 đứa con riêng. Sống chung với nhau được 4 năm, con anh, con tôi và ông chồng "chí phèo" đã quần nát thân xác của bà. Sau một trận đánh te tua, bà không chịu nổi nữa. Vậy là chia tay.
Hai cô con gái lấy phải chồng bê tha nhậu nhẹt tối ngày. Cô đầu sinh được bốn đứa con, bị chồng đánh đập quá, không nuôi nổi, cô bỏ lại cho mẹ nuôi ba đứa từ khi còn đỏ hỏn. Giờ đói khổ quá cũng chưa bao giờ thấy về thăm con, chẳng biết chúng nó sống chết thế nào. Đứa con gái út 27 tuổi, sinh được ba đứa con, gặp ông chồng bất hạnh hơn. Vì túng quẫn quá, lại mang trong người dòng máu cờ bạc ăn chơi, ông chồng xách đứa con đầu đi bán cho một gia đình hiếm muộn dưới Long An giá 10 triệu đồng. Tiêu hết tiền, anh ta xách tiếp đứa thứ hai bán cho một người ở An Phú Đông (Q.6, Tp. HCM) với giá 5 triệu đồng. Hoảng loạn vì chồng bán hết con, cô vợ bồng đứa út chạy về nhà mẹ đẻ nương náu. Khi đứa trẻ vừa dứt sữa, cô để con cho bà Thanh nuôi, theo người ta sang Malaysia xuất khẩu lao động. Nhưng ở Malaysia, cô bị "cò" lừa hết số tiền chạy việc. Giờ cô bơ vơ, sống vất vưởng bên xứ người. Thế là tan giấc mộng chuộc con. Bốn đứa cháu ngoại thì chỉ đứa lớn nhất 15 tuổi hiện đang phụ tiệm hàn được người ta nuôi ăn. Đứa thứ hai 11 tuổi học hết lớp 4 phải nghỉ, nhưng tinh thần bất ổn do bị điện giật thừa chết thiếu sống. Giờ chỉ còn một thằng con trai đang học lớp 2 nhưng bà Thanh bảo, có lẽ sang năm phải cho nghỉ để thằng em nó vào lớp một. Bà chua xót: "Cho chúng biết viết tên mình là được rồi, sức tôi không thể nuôi nổi chúng cả ăn và học".
Bà khoe rằng, cha mẹ bà là một trong ba người duy nhất sinh sống và khai hoang tại đảo Thái Lan từ sau giải phóng. Bà vỗ ngực tự hào, cha bà là liệt sĩ. Hoàn cảnh bà bi đát như thế mà chính quyền không cho bà cái hộ nghèo, để cháu bà được đi học, và những quyền lợi mà người nghèo xứng đáng được hưởng.
Bốn đứa cháu của bà, nheo nhóc, đói khát. Chúng phải nghỉ học đi lượm ve chai, ngồi bán trái cây bên vệ đường. Tuổi thơ của chúng vất vưởng ngoài đường, bấu vạt áo rách rưới của bà ngoại. Tôi không khỏi giật mình khi hoàn cảnh ấy chưa một ngày được xã hội biết đến, dẫu nơi đây, chỉ cách trung tâm thành phố vài cây số. n
Bà Nguyễn Thị Thương - Phó chủ tịch hội phụ nữ Phường 7 (Q.8, Tp. Hồ Chí Minh): "Chúng tôi sẽ phốp hợp với chi hội và tổ dân phố để xem xét trường hợp của bà Lê Thị Thanh, và sẽ nhanh chóng đề xuất để xác nhận hộ nghèo cho bà".
Nguồn: cstc.cand.com.vn