Phóng sự

Hải đội Hoàng Sa và những hùng binh khi ấy

15:59, 18/05/2014 (GMT+7)
Là đảo tiền tiêu có vị trí quan trọng bậc nhất trên suốt dải biển nước ta, chính vì vậy mà từ thời Nguyễn, các chúa Nguyễn ở Đàng trong đã lựa chọn đảo Lý Sơn làm nơi đặt Biên đội Hải quân kiêm quản nhằm mục đích bảo vệ và cai quản toàn bộ vùng biển của Việt Nam từ Hoàng Sa, Trường Sa (Bắc Hải) cho đến các đảo ở phía Nam với tên gọi “Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải”. Ngày nay, ở đảo Lý Sơn vẫn còn những dấu tích lịch sử và một nhà lưu niệm lưu giữ những hiện vật về Hải đội này, Nhà lưu niệm Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải.
 
Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải
Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải
Tàu cao tốc từ cảng Sa Kỳ ra đảo Lý Sơn nếu đi nhanh và thời tiết tốt chỉ mất chừng 45 phút. Nhà lưu niệm Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải nằm ngay trung tâm của huyện đảo, là một cụm công trình kiến trúc độc đáo mang phong cách từ thời Nguyễn và một tượng đài bằng đá nằm uy nghi phía trước hiên ngang đón gió Biển Đông.
 
Sử ghi chép lại rằng: dưới thời các chúa Nguyễn, sau đó là các vua triều Nguyễn, việc thành lập các Hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải là minh chứng lịch sử khẳng định trung thực nhất Nhà nước phong kiến Việt Nam trong công cuộc chinh phục Biển Đông, gây dựng chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trải qua nhiều thế kỉ, có rất nhiều võ quan, binh lính đã hi sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, cắm mốc, dựng bia tại các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
 
Thẻ bài và những vật dụng của Đoàn hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải
Thẻ bài và những vật dụng của Đoàn hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải
Theo ghi chép trong “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn năm 1776 (từng làm Hiệp trấn xứ Thuận Hóa thế kỷ XVIII) kể rằng: “Nhà Nguyễn thiết lập đội Hoàng Sa gồm 70 suất, lấy người ở An Vĩnh (xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn ngày nay) bổ sung. Mỗi năm họ luân phiên nhau đi biển. Khi đi, ngoài những vật dụng cần thiết mang theo cho chuyến đi, mỗi hùng binh của Hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải còn chuẩn bị cho mình 1 đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài khắc tên họ, quê quán mang theo để đồng đội bó xác nếu hi sinh trên biển. Trong chuyến đi, chẳng may hi sinh thì các đồng đội sẽ làm nghi lễ “tiễn đưa”, sau đó bó thi hài thả xuống biển. Tất cả đồng đội đều cúi đầu nguyện ước thi hài binh sỹ đã mất sẽ trôi dạt vào bờ để người dân biết tên họ, quê quán người hi sinh vì nước mà chôn cất.
 
Một góc đảo Lý Sơn
Một góc đảo Lý Sơn
 
Ngày nay, tại nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa, Bắc Hải còn lưu giữ những hiện vật là 1 đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài khắc tên họ, quê quán như để khẳng định một tấm lòng, một tinh thần cảm tử quyết tâm ra đi của những hùng binh khi ấy. Ngoài ra, nhà lưu niệm còn trưng bày mô hình tàu thuyền của Hải đội Hoàng Sa, các vật dụng cá nhân, vũ khí của các binh sĩ khi ra biển và các ghi chép lịch sử minh chứng chủ quyền của Việt Nam với các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa... theo dòng lịch sử.

Nguồn: anninhthudo.vn

Các tin khác