Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201404/nhung-ty-phu-nha-mai-ngoi-o-lang-lam-dua-thu-cong-doc-nhat-viet-nam-475910/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201404/nhung-ty-phu-nha-mai-ngoi-o-lang-lam-dua-thu-cong-doc-nhat-viet-nam-475910/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Những tỷ phú nhà mái ngói ở làng làm dũa thủ công độc nhất Việt Nam - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 21/04/2014, 10:14 [GMT+7]

Những tỷ phú nhà mái ngói ở làng làm dũa thủ công độc nhất Việt Nam

 

Việt Nam luôn được coi là nước nhập siêu lớn so với thế giới, từ cây kim, sợi chỉ, dũa móng tay cũng phải nhập từ nước ngoài. Nhưng ít ai biết rằng, làng Đại Phu (xã An Đổ, huyện Bình Lục, Hà Nam) là một trong những làng nghề làm dũa sắt thủ công hiếm hoi còn sót lại ở Việt Nam, từng xuất khẩu số lượng dũa lớn nhất trên thế giới. Và cũng từ những con dũa nhỏ bé ấy, nhiều hộ gia đình nơi đây đã kiếm được hàng tỷ đồng. Ước tính mỗi năm, làng dũa Đại Phu xuất đi các tỉnh, thành trong cả nước và sang cả các nước bạn như Lào, Campuchia… hơn chục triệu chiếc dũa các loại.
Anh Dương Quốc Tịch - Bí thư chi bộ thôn giới thiệu sản phẩm làng nghề
Anh Dương Quốc Tịch - Bí thư chi bộ thôn giới thiệu sản phẩm làng nghề
 
Những tỷ phú ở nhà mái ngói
 
Đi từ đầu làng Đại Phu, nếu không có tiếng máy rè rè thì chắc chúng tôi không nhận ra đây là một làng nghề thủ công truyền thống đã tồn tại hàng chục năm nay. Đường làng ngõ xóm đều rộng rãi, khang trang, không gian thoáng đãng, không một nhà máy, công xưởng, không có những sản phẩm đặc trưng bày la liệt từ cổng làng như nhiều làng nghề khác. Đặc biệt, "xưởng" chế tạo dũa của người làng Đại Phu chỉ đơn giản là một gian bếp nhỏ gọn để nấu nướng giống như những vùng nông thôn khác, ở đó chỉ có 1-2 lò than nhỏ lửa đang hồng rực vừa để nấu nướng, vừa để tôi thép.
 
Nhờ sự phồn vinh của nghề dũa mà người làng Đại Phu luôn đủ cơm ăn, áo mặc. Những hộ gia đình đứng ra thu mua còn có kinh tế khá giả và nếu nói họ là tỷ phú thì cũng không ngoa. Theo anh Dương Quốc Tịch - Bí thư chi bộ và cũng là một trong những nhà thu mua cho biết: "Trước đây có hợp tác xã thì chúng tôi chỉ làm mà không lo việc xuất khẩu, bắt mối hàng. Nhưng giờ hợp tác xã đóng cửa nên phải có người đứng ra lo việc đó. Ở làng có một vài hộ kinh tế khá giả đứng ra thu mua, chúng tôi nhận phôi thép từ Nam Định rồi giao cho các hộ tùy sức mà làm. Mỗi hộ ít nhiều cũng làm được 2 đến 3 vạn chiếc dũa trong một tháng…".
 
Để làm ra mỗi chiếc dũa phải trải qua nhiều công đoạn như cán thép, làm phôi, nung trong lò than, tạo răng, tôi nhiệt và tẩy rửa, đóng gói. Anh Tịnh tiết lộ: "Nguyên liệu làm dũa khá sẵn, chủ yếu là từ thép cây đặc chủng Y12A hoặc các vòng bi hết hạn đem về nung chảy, cán ra theo khuôn rồi xử lý từng bước một. Hiện tại chúng tôi thường nhập phôi có sẵn tại Vụ Bản - Nam Định nên bỏ qua được một công đoạn".
 
Việc làm dũa này cũng khá vất vả, đòi hỏi mỗi người phải phụ trách một công đoạn. Nhưng do quen nghề, một gia đình chúng tôi gặp tại thôn Đại Phu cho biết, một ngày ông cùng vợ và đứa cháu có thể làm ra được hơn 1.000 cái dũa hoàn chỉnh. Mỗi hộ gia đình làm như vậy thường được 80-100 ngàn/ngày công. Còn đối với người thu mua, mỗi chiếc dũa bán ra họ lãi khoảng 900 đồng. Như vậy, với số lượng 11 triệu chiếc dũa xuất đi năm 2013 thì những hộ thu mua ở xã Đại Phu cũng phải thu về hàng chục tỷ đồng.
 
"Xưởng" chế tác dũa rất giản đơn, vừa sản xuất, vừa...đun nước
Nhưng khi hỏi về những tỷ phú nơi đây, anh Tịnh cũng chỉ lắc đầu cười nói: "Gọi là tỷ phú cho vui thôi chứ các hộ thu mua cũng chỉ khá giả thôi. Chúng tôi cũng có đủ tiền mua xe, xây nhà to nhưng quả thật chẳng để làm gì ở nơi thôn quê này…". Anh Tịnh cho biết, có một số nhà cũng sắm sửa đồ đạc nhưng hầu như họ không sống theo kiểu vương giả hay khoe khoang như một số kẻ lắm tiền. Những người thu mua dù nhiều tiền nhưng sống rất bình dị, không kệch cỡm so với xóm làng. Quả thật, khi nhìn những căn nhà ngói theo lối cổ truyền với những bức tường rêu phong của nhà anh Tịnh hay một số hộ cũng làm nghề thu mua dũa trong thôn, không ai có thể biết được rằng, mỗi năm họ thu về số tiền cả chục tỷ đồng và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ gia đình trong làng.
 
Thương hiệu làng "phủ sóng" toàn thế giới
 
Nghề dũa có ở làng Đại Phu cho đến giờ cũng ngót nghét đến gần trăm năm. Theo như một số cao niên trong nghề kể lại thì cụ Vũ Khánh, một thợ mộc gốc làng Đại Phu sau thời gian làm ăn xa thấy thợ mộc người Nhật có con dũa để mài cưa, nhìn theo mẫu của họ, cụ Khánh về nhà tự mày mò để làm cho mình một con dũa giống như thế từ thanh sắt bỏ đi.
 
Lúc đầu, cụ Khánh chỉ nghĩ con dũa là một đồ dùng đơn giản, ít được sử dụng, nhưng càng ngày, cụ càng thấy nó rất cần thiết trong đời sống. Cho tới thời điểm đó ở Việt Nam vẫn chưa có ai làm ra sản phẩm này nên cụ về làng hô hào con cháu nghiên cứu nghề làm dũa. Ban đầu, tận dụng những thanh sắt bỏ đi, cụ Khánh làm ra những con dũa 3 cạnh thô sơ. Rồi sau khi bắt được các mối đặt hàng thì nghề làm dũa ở Đại Phu bắt đầu phát triển. Khi cả thế giới đang dùng loại dũa 3 cạnh mà thì cụ Khánh còn sáng chế ra những loại dũa dẹt, tròn, bán nguyệt… để bán ra thị trường.
 
Theo như ông Phúc Văn Nông - Trưởng làng Đại Phu kiêm Chủ nhiệm HTX cho biết: "Đã có một thời dũa ở làng Đại Phu xuất đi nhiều nước trên thế giới. Nhiều nước đã phải đặt mua để sử dụng vì chất lượng dũa của chúng tôi hơn hẳn chất lượng bên họ rất nhiều…".
 
Một ngày, cụ già này có thể làm tới 1.000 chiếc dũa bằng
Một ngày, cụ già này có thể làm tới 1.000 chiếc dũa bằn
Theo đó, từ năm 1957, làng dũa nơi đây bắt đầu thịnh vượng và làm việc như một công xưởng khổng lồ với cả trăm hộ dân trong làng đều làm nghề dũa. Khi đó, Đại Phu đã hoàn toàn phục vụ công nghiệp, trong khi cả nước còn đang trung thành với nông nghiệp lúa nước. Ngoài việc xuất hàng đi các tỉnh thành trong nước, nhiều đầu mối thu mua nước ngoài cũng đặt hàng với Đại Phu. Cho tới năm 1981 thì dũa của làng Đại Phu đã có mặt tại nhiều nước Đông Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc… Nơi đây thành lập những hợp tác xã khổng lồ với hàng trăm lao động làm việc liên tục nhưng vẫn không đủ hàng để xuất sang các nước bạn.
 
Tuy nhiên, sau một thời gian, hợp tác xã công nghiệp đóng cửa và chuyển đổi mô hình tiểu thủ công nghiệp thì nghề làm dũa ở đây không còn thịnh vượng như trước. Các hộ gia đình quay trở lại với việc làm thủ công tại nhà, chỉ có khoảng 10 hộ đứng ra thu mua và chuyển vào miền Nam cho một đầu mối khác để xuất đi nước ngoài.
 
Nỗi lo mất nghề
 
Được công nhận là làng nghề truyền thống năm 2004, số lượng dũa từ ngôi làng nhỏ bé này vẫn tăng hằng năm khi tới con số 11 triệu năm 2013. Nhưng theo ông Phúc Văn Nông - Trưởng làng Đại Phu thì hiện tại nỗi lo mất nghề của người làng vẫn đang manh nha. Không phải vì chất lượng của dũa kém đi hay số lượng mua ít, bởi nhìn vào con số xuất hàng những năm gần đây đủ thấy số lượng bán ra chỉ tăng, không giảm. Hơn nữa, cho đến nay Đại Phu vẫn là làng duy nhất ở Việt Nam sản xuất nhiều dũa có chất lượng cao dù là làm thủ công, được nhiều nơi tin dùng. Nỗi lo mất nghề mà ông Nông lo ngại đó là số hộ lao động ở Đại Phu ngày càng giảm do giới trẻ hiện tại không tha thiết với nghề truyền thống.
 
Giở sổ sách nhẩm tính, ông Nông cho biết, so với năm 2010 thì cho đến nay đã có hơn 100 hộ chuyển sang các nghề dịch vụ khác. Cùng với việc nhập một số loại máy hỗ trợ cho việc làm dũa thì người già cũng dần không có việc làm. "Bọn trẻ giờ thích làm trong các khu công nghiệp sạch sẽ hoặc làm văn phòng, bán hàng. Làm dũa thì bao giờ cũng bụi bẩn, mà ồn ào, nóng bức nên hầu như ở làng chỉ còn những người trung niên hoặc các cháu vừa học vừa làm thêm thôi" - ông Nông cho biết.
 
Điều đáng nói hơn cả là ngay với những người làm công việc thu mua với thu nhập cao nhưng vẫn có người bỏ nghề. Ông Nông nêu ra một ví dụ về một người làng đã bỏ nghề thu mua để lên Hà Nội mở hàng cơm. Một vài năm tới, nghề dũa Đại Phu sẽ bị mai một khi số thợ thủ công bỏ nghề ngày càng tăng quả thật có thể xảy ra.
 
Ông, Đào Ngọc Thắng, Phó Chủ tịch xã An Đổ, Bình Lục, Hà Nam cho biết: "Trước đây An Đổ có 2 HTX tiểu thủ công nghiệp và HTX dịch vụ nông nghiệp, nhưng cách đây 3 năm đổi thành HTX dịch vụ nông nghiệp cả rồi. Nghề làm dũa trước đây xuất khẩu đi các tỉnh trong nước và nước ngoài trực tiếp từ HTX thủ công nghiệp. Nhưng hiện nay không xuất khẩu trực tiếp mà tự phát, manh mún, phải qua các những ông "cai" thu mua ở làng. Đầu mối xuất đi chính vẫn là Nam Định và miền Nam. Trong làng có khoảng hơn chục hộ đứng ra lo nhận phôi về thuê các hộ khác gia công rồi lại thu mua và xuất đi nơi khác. Nhiều người còn kiếm được tiền tỷ chỉ nhờ nghề dũa này".

 

.

Nguồn: CSTC