Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201404/mua-nuoc-song-de-an-giua-long-ha-noi-475417/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201404/mua-nuoc-song-de-an-giua-long-ha-noi-475417/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Mua nước sông để ăn giữa lòng Hà Nội - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 19/04/2014, 14:02 [GMT+7]

Mua nước sông để ăn giữa lòng Hà Nội

Nằm sát con sông Đà rộng lớn nhưng 5 năm nay xã Phong Vân (huyện Ba Vì, Hà Nội) vẫn rơi vào tình trạng "khát nước" trầm trọng. Nước bỗng trở thành mặt hàng xa xỉ nhưng lại không thể thiếu ở đây. Mỗi mét khối nước sông được bán khoảng 40.000 đồng. Như vậy mỗi hộ trung bình phải bỏ ra tiền triệu chi phí không đáng có.
 
"Bỗng dưng làng tôi lại mất nước, cho dù phải bỏ tiền ra mua nước để sinh hoạt cũng không đảm bảo sức khỏe. Giá như có nhà máy nước sạch ở đây, bao nhiêu tiền đóng góp chúng tôi cũng sẵn sàng" - câu trả lời mà bất kỳ người dân nào ở Phong Vân này khi được hỏi về "nước".
 
Tìm mọi cách chống khát
 
Kế hoạch, dự án, thăm dò… là những từ mà người dân Phong Vân quá ngán ngẩm khi phải nghe. Bởi đã có rất nhiều ban, ngành, cấp trên về thực địa để giải quyết tình trạng "khát nước" ở đây. Họ đến, đi và không quên kèm theo những lời hứa đại loại là "đang thăm dò địa chất", "đang triển khai" hay "chờ kinh phí". Nhiều người dân chán nản chẳng ngại buông ra những lời ngao ngán: "Ồi dào, không có nước thì phải tự xoay. Về bao nhiêu lần rồi lại mất hút… có giải quyết được gì đâu". Thời gian 5 năm "khát nước" quá đủ để người dân xã Phong Vân quen với cảnh "khát nước" này.
 
Phong Vân là một xã thuần nông nằm cách con sông Đà chỉ một triền đê, thế nhưng 5 năm nay cứ vào mùa khô tuyệt nhiên các giếng, ao hồ ở đây nước cạn không còn một giọt. Theo giải thích của những người có kinh nghiệm là do quá trình hiện đại hóa ngày càng mạnh, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa, vì thế ảnh hưởng lớn đến nguồn nước ngầm. Lý do lớn hơn là cả xã Phong Vân nằm trên một vùng đất có đá vỉ.
 
Để tiết kiệm chi phí chị Tuyết thường xuyên mang đồ ra bờ sông giặt
Để tiết kiệm chi phí chị Tuyết thường xuyên mang đồ ra bờ sông giặt
 
Cách đây 2 năm ở Phong Vân người ta đua nhau đào giếng, khoan giếng, tuy vậy cho đến nay không ai còn có ý tưởng này nữa. Ước tính cả xã có hàng nghìn chiếc giếng nhưng giếng có nước chỉ đếm trên đầu ngón tay. Anh Phan Thanh Sơn chia sẻ: "Bây giờ không còn ai mạo hiểm đào giếng nữa. Vì có đào cũng không có nước. Có nhà đào sâu 40 mét, thậm chí cả trăm mét khoan cũng không có giọt nước nào. Chi phí cho mỗi chiếc giếng đào là không nhỏ, có cái lên tới 40- 50 triệu đồng". Ở Phong Vân nhà nào sở hữu 1 cái giếng có nước coi như có được mỏ vàng trong nhà. Hằng tháng không phải bỏ tiền triệu ra để mua nước mà còn chia sẻ cho anh em, họ hàng xung quanh. Vừa kéo ống dẫn nước từ giếng nhà mình sang bên bể nhà người anh ruột, anh Phan Mạnh Hùng lầm bầm: "Giếng có nước thật đấy nhưng cũng không được sạch sẽ cho lắm, ngả hết màu vàng đây. Mà có nước cũng chỉ hút giới hạn, hút lâu cạn cháy máy ngay. Tuần nào chẳng phải đi sửa máy bơm!".
 
Câu chuyện ứng phó với thiếu nước khiến nhiều người nghe mà phải "cười ra nước mắt". Phong Vân nhiều năm nay phất lên nhờ nghề làm hàng mã, không quá giàu có nhưng cũng thuộc dạng có của ăn của để. Nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều. Ông Phan Văn Viên cười mỉa mai: "Cứ có nhà cao tầng là bắt buộc phải mua nước. Bởi nhà nào cũng có công trình phụ, tự hoại. Nếu không có nước thì lấy gì xả chất uế tạp bây giờ. Nhiều nhà sáng mồng 2 tết đã cạn nước, gọi người chở nước thì họ không chở. Thế là đầu năm phải đi vệ sinh nhờ hàng xóm. Đúng là cười ra nước mắt".
 
Nhiều năm nay Phong Vân nói không với máy giặt. Trừ những người có nguồn nước sẵn, còn không những hàng "đại gia" mới dám sử dụng. Máy giặt ở đây chỉ có nhiệm vụ duy nhất là vắt khô quần áo. Chị Tuyết kể: "Nhà tôi có tới 6 người, phần nửa là trẻ con. Chúng nó chơi đùa quần áo lấm láp cả ngày. Vì thiếu nước thôi cũng mặc chúng, chờ đến tối rồi tắm rửa một thể. Rửa rau xong cũng không dám đổ nước đi, để nước đó chờ rửa bát. Nước giặt quần áo xong cũng dành để rửa chân tay. Hôm nào rảnh tôi cho quần áo bẩn lên xe đạp phi ra bờ sông gặt cho thoải mái. Có những hôm mất điện, người bán nước không bơm được, đàn ông, đàn bà, trẻ nhỏ kéo nhau ra bờ sông tắm giặt đông như hội".
 
Ông Hợi cùng chiếc xe chở nước thuê
Ông Hợi cùng chiếc xe chở nước thuê
 
Việc "khát nước" khiến mọi sinh hoạt của người dân bị xáo trộn. Đặc biệt khi các gia đình có đám, nhiều người ví "đặt cỗ cưới còn dễ hơn đặt nước". Thậm chí khách đến đám cỗ còn hỏi nước dùng làm cỗ là nước gì? Hay cỗ tự làm hay đặt người khác làm? Có đảm bảo vệ sinh không? Chị Tuyết cười ngán ngẩm: "Không biết cỗ to hay cỗ bé, người đến ăn chỉ quan tâm đến việc dùng nguồn nước nào để nấu cỗ. Đã từng có gia đình dùng nước sông làm cỗ sau đó ế rất nhiều. Khách nơi khác đến họ sợ mất vệ sinh không dám ăn".
 
Ở Phong Vân người ta vẫn mặc định với nhau rằng: xây bể quan trọng hơn xây nhà. Đó là cách tốt nhất, đảm bảo không bị "khát" vào mùa khô của người dân. Vừa thoát khỏi cảnh đi mua nước, ông Nguyễn Văn Hà cho biết: "Khoảng 1 năm nay gia đình tôi thoát khỏi cảnh mua nước sinh hoạt. Tuy nhà cửa không lớn nhưng chúng tôi vẫn phải quyết định xây một cái bể chứa lớn. Tôi phải bỏ ra hơn 30 triệu đồng để xây cái bể 17 mét khối này. Với cái bể chứa hứng nước mưa này, người trong nhà hoàn toàn có thể trụ được hết mùa khô". Đó là chuyện của những gia đình có điều kiện, nhiều hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có tiền xây bể, chạy ăn từng ngày thì quả thực "khát nước" đúng là bi kịch. Bà Nguyễn Thị Hồng nói như khóc: "Nhà tôi nghèo lấy đâu tiền mà mua nước sông để ăn? Lại càng không có tiền xây bể chứa nước. Hằng ngày việc tắm giặt lôi nhau ra sông hết. Có mấy cái chum, vại làm nơi chứa, tự thân bà cháu ra sông gánh nước về. Coi như đề phòng những lúc ốm đau".
 
Nhu cầu nước ngày càng tăng bỗng dưng ở đây xuất hiện nghề "hot", đó là những người bán nước. Tuy nhiên với chi phí đầu tư lớn thì cả Phong Vân chỉ có 2 gia đình dám đầu tư. Ông Hợi, người chuyên cung cấp nước sông chia sẻ: "Thực lòng đầu tư để hành được cái nghề này cũng không phải nhỏ. Trước tiên phải hàn 1 chiếc téc lớn với giá cả chục triệu đồng. Một chiếc công nông thuộc dạng khỏe, hai cái máy bơm cỡ lớn, một để hút nước từ sông lên téc, 1 để hút từ téc vào bể người tiêu dùng. Đó là còn chưa kể đến hệ thống ống dẫn nữa. Tính sơ sơ cũng phải ngót 100 triệu. Với giá khoảng 30 - 40 nghìn đồng/ m3, trừ chi phí xăng dầu ngày cao điểm cũng kiếm được vài ba trăm nghìn tiền công". Với những hộ gia đình ở trong ngõ nhỏ và sâu, người bán nước sẽ dùng phương pháp dòng ống hút trực tiếp từ sông vào bể chứa. Chi phí khoảng 60 nghìn đồng/1 tiếng bơm nước.
 
Ông Hà là người hiếm hoi ở Phong Vân có đủ kinh phí xây bể chứa to thế này
Ông Hà là người hiếm hoi ở Phong Vân có đủ kinh phí xây bể chứa to thế này
 
Dùng nước kiểu một "vòng tuần hoàn"
 
Sông Đà vốn được coi là con sông sạch, tuy nhiên theo ghi nhận của phóng viên, hai bên mạn bờ có vô số rác thải sinh hoạt trôi dạt. Và, việc dùng nước ở Phong Vân được người ta ví von như một "vòng tuần hoàn": Họ lấy nước sông về uống sau đó lại thải ra sông. Chị Tuyết nói: "Đúng là nhìn dòng sông xanh trong thế này ai cũng cảm giác yên tâm. Thế nhưng dọc hai bên bờ có rất nhiều rác thải trôi dạt. Không những vậy gần 2.000 hộ dân hằng ngày vẫn xả thải ra đây. Kinh khủng nhất là hệ thống bể phốt của cả người và gia súc, gia cầm vẫn tuồn ra con sông này". Biết đâu dọc con sông này, trên thượng nguồn có những nhà máy công nghiệp họ xả chất độc hại ra nữa thì sao?". Dứt lời chị Tuyết buông: "Có ở đâu vùng nông thôn mà phải mua nước đắt gấp 10 lần ở thành phố không? Giờ thì dòng sông Đà nuôi sống chúng tôi theo đúng nghĩa đen rồi".
 
Sau tất cả những gì người Phong Vân phải chịu, họ sẵn sàng bỏ tiền túi để đóng góp xây dựng nhà máy nước sạch. Anh Phan Văn Hùng bức xúc nói: "Cơ quan chức năng đến đây là phải tìm hiểu nỗi khổ của người dân trước đã. Có như thế họ mới hiểu và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy nước. Chứ họ chỉ đến đo đạc, vẽ vời rồi lại đi, lại im bặt… chúng tôi không giàu có nhưng sẵn sàng bỏ tiền túi để làm.
 
Tất cả vẫn trên giấy tờ!
 
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó chủ tịch UBND xã Phong Vân chia sẻ, hiện tượng thiếu nước sinh hoạt ở đây kéo dài 5 năm nay. Cả xã có khoảng 400 hộ rơi vào tình trạng phải đi mua nước sông để dùng. Chúng tôi cũng đã có những kiến nghị lên cơ quan chức năng. Dự án nước sạch đã có cách đây 5 -6 năm nhưng hiện vẫn ở mức độ giấy tờ. Chúng tôi đã làm việc với Công ty Nước sạch Hà Nội, tất cả người dân cũng đã đồng ý và hưởng ứng nhiệt tình, tuy nhiên còn vướng mắc vấn đề kinh phí nên chưa triển khai được. Theo như dự án thì khoảng năm 2015 sẽ hoàn thành nhà máy nước sạch để phục vụ bà con.
 
Mặc dù nước sông Đà luôn được coi là có nguồn nước sạch nhất nhưng không vì thế mà đảm bảo được vệ sinh. Cũng từng đã xuất hiện các bệnh ngoài da ở diện rộng trên địa bàn xã.
 
Chi phí mua nước sinh hoạt hằng tháng ở đây tính ra là quá đắt đỏ. Thế nhưng cũng không được đảm bảo vệ sinh. Chúng tôi rất hiểu và thông cảm cho bà con nhưng không có cách nào khác.

 

.

Nguồn: CSTC