Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201404/my-day-du-an-nhiep-anh-danh-cho-tre-em-nong-thon-ngheo-o-viet-nam-doi-qua-mat-nhin-tre-nho-470454/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201404/my-day-du-an-nhiep-anh-danh-cho-tre-em-nong-thon-ngheo-o-viet-nam-doi-qua-mat-nhin-tre-nho-470454/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đời qua mắt nhìn trẻ nhỏ - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 06/04/2014, 14:23 [GMT+7]
"My day" - dự án nhiếp ảnh dành cho trẻ em nông thôn nghèo ở Việt Nam:

Đời qua mắt nhìn trẻ nhỏ

"Có một em tên là Linh (chừng 10-11 tuổi) thay vì đi chụp người xung quanh thì lại chụp lại những tấm ảnh cũ của gia đình. Tôi mới hỏi thì biết rằng cháu chụp bố mẹ cháu. - Vì sao không chụp lúc bố mẹ cháu đang làm việc ấy? - Bố mẹ cháu  li dị rồi. - Tại sao cháu chụp mẹ nhiều vậy? Vì cháu nhớ mẹ". Tôi kể lại câu chuyện này để nói một điều rằng, các em quá ngây thơ, trong sáng và rất thật. Tất cả ảnh của các em đều là thật và không dàn dựng gì cả. Hãy để những câu chuyện nguyên vẹn cảm xúc của các em. Đó là những lời chia sẻ của chị Vũ Thị Bích Hồng (27 tuổi), người lập ra dự án cộng đồng "My day", một dự án nhiếp ảnh dành cho trẻ em nông thôn nghèo ở Việt Nam có cơ hội chụp hình, mô tả cuộc sống thường ngày qua chính tác phẩm của mình.
Chị Vũ Thị Bích Hồng
Chị Vũ Thị Bích Hồng
 
Nhiếp ảnh gia nhí và cuộc du ngoạn bằng những thước ảnh bình dị
 
Dự án được khởi động đầu tiên tại xã Xuân Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa, dành cho các em ở độ tuổi từ 9-15 tuổi. Vì sao lại là một xã hẻo lánh như thế, chị Hồng nói rằng, đây là nơi chị đã sinh ra và lớn lên; chị biết được cuộc sống của mọi người ở đó như thế nào, trẻ em ở đó mơ ước điều gì, có khả năng gì và đã có điều kiện chưa? Chị luôn muốn làm một điều gì đó cho mảnh đất chôn rau cắt rốn ấy.
 
Và khi mà đang bối rối chưa biết làm gì thì những ý tưởng về một dự án nhiếp ảnh dành cho trẻ em nông thôn nghèo bật ra khi chị đi xem một số hoạt động tại Đức. Lúc đó là đầu năm 2013, chị đang tham gia vào Dự án Forestclimb của Liên minh châu Âu về rừng và biến đổi khí hậu. Sau khi nhận được nhiều chia sẻ cũng như ủng hộ của bạn bè, tháng 9/2013, chị về quê và bắt tay vào dự án. Và cũng bởi chưa dám nghĩ đến điều gì đó xa xôi gì nên chị chọn cái làng bé xíu chứa đựng một mảnh chân tình của mình để làm nơi khởi động một giấc mơ quá đỗi thiết tha và cũng hết sức giản dị.
 
Rồi giấc mơ cũng ủ mật đơm hương, tỏa đi những nét ngày bình lặng nhất. "My day", ngày của tôi hay là những ngày trong trẻo nhất của cuộc đời được tiến hành trước hết ở Xuân Sơn, sau đó sẽ nhân rộng ra các vùng miền khác rồi tiến tới thành phố. Đó là một dự án nhiếp ảnh dành cho trẻ em nông thôn nghèo ở Việt Nam có cơ hội tiếp cận với máy ảnh và học cách chụp hình, mô tả cuộc sống thường ngày của mình qua chính tác phẩm của các em.
 
Theo đó, các em được học cách sử dụng máy ảnh, được hướng dẫn cách chụp được một tấm hình tốt, được thực hành và được mượn máy ảnh để sáng tác độc lập. Giai đoạn I kéo dài trong vòng 3 tháng cuối năm 2013 đã quy tụ hơn 70 em trong độ tuổi từ 9 - 15 tuổi tham gia, với 10.000 bức ảnh, trong đó có khoảng 150 bức ảnh chất lượng và cô đọng. Ngày 30-3 tới đây, sẽ có một buổi triển lãm nhỏ về các bức ảnh của các em tại Xuân Sơn.
 
Điều đặc biệt khi đến triển lãm này đó là địa điểm tổ chức tại một xã vùng sâu vùng xa, các tay máy không phải là những nghệ sỹ nhiếp ảnh chuyên nghiệp, những người đến xem là các bác nông dân chân lấm tay bùn. Người khai sinh ra giấc mơ này bảo, sở dĩ chị muốn tổ chức triển lãm này tại đây để có cơ hội chứng kiến niềm xúc động của con trẻ và cả những bậc phụ huynh, các ông, các bà của chúng. Bởi từ người chụp đến người xem và những nhân vật trong ảnh đều là những nhân vật quá đỗi gần gũi với các em; và ngay cả điều đó thôi cũng đã là một sợi dây vô hình gắn kết họ rồi. Chị muốn các em hiểu rằng sự cố gắng của chúng được đền đáp.
 
Một trong những cảnh hậu trường ở dự án
Một trong những cảnh hậu trường ở dự án
Chị muốn thấy các bác nông dân hào hứng như thế nào khi nhìn những tấm hình do con cháu mình tạo ra. Đó có thể là những công việc thường ngày quá quen thuộc, không ai để ý, để rồi qua triển lãm này, tất cả mọi người mới thảng thốt nhận ra những giá trị khác của cuộc sống. Ngoài mơ ước ăn no mặc ấm, được học hành đến nơi đến chốn thì còn mơ ước được sáng tạo nghệ thuật, học hỏi và nâng cao dân trí.
 
Chị Hồng kể, với trẻ em nông thôn như chị, máy ảnh là những thứ đồ công nghệ đắt tiền xa xỉ. Việt Nam là nước nông nghiệp, 80% là trẻ em nông thôn nên chị muốn tạo ra một sân chơi mới, khác với sân chơi truyền thống để rồi từ đó, phát hiện những em có khả năng nhiếp ảnh, khơi dậy niềm đam mê của các em.
 
Một điều quan trọng hơn, những tấm hình này là những sản phẩm chân thực, không dàn dựng, không chỉnh sửa.
 
Một bức tranh nông thôn Việt Nam sống động và chân thực như vậy, không phải là một điều thú vị hay sao? Và thông qua dự án, các em nhỏ cùng nhau làm nên một tiếng nói chung về yêu thương và gắn kết, để những người ở vùng miền khác biết về vùng miền này, để những trẻ em thành phố đồng trang lứa hình dung được các bạn nhỏ ở nông thôn đang sống như thế nào rồi cùng giao lưu, học hỏi và xích lại gần nhau hơn.
 
Mỗi bức ảnh là một câu chuyện về đời sống
 
Lướt qua một vòng các bức ảnh của dự án, điều gây ấn tượng với tôi nhất có lẽ là cách bắt nét vào những nhịp ngày bình lặng. Là những thước ảnh mà chúng ta dễ dàng gặp ở bất cứ đâu trên dải đất này vì thế mà cũng gần gũi bao nhiêu. Có những góc máy vô cùng sáng tạo, lạ, đầy tính thẩm mỹ. Và những gì các em hướng đến, là ông bà, cha mẹ, con vật, cây cối xung quanh; có thể với ai đó chẳng là một thứ gì trên đời cả nhưng vào ảnh lại hết sức dễ thương và cũng ngập tràn cảm xúc thăng hoa.
 
Chị Hồng, người theo sát các em trong suốt quá trình thực hiện dự án, ngạc nhiên: "Có những cái mình không dạy được các em. Chúng sáng tạo hơn mình nhiều. Qua đây, tôi muốn gửi đến một thông điệp rằng, ai cũng có khả năng và chúng ta hãy cho họ cơ hội để thể hiện khả năng đó. Và có thể tấm ảnh của bạn chưa phải là tốt nhất nhưng câu chuyện của bạn, cảm xúc của bạn là duy nhất".
 
"Cô bạn chăn trâu", tác phẩm của Vũ Trung Kiên (14 tuổi)
“Trong quá trình đó, các em đưa tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Có một lần, tôi dẫn các em đến thăm một bà cụ neo đơn, mù lòa, ở một mình trong làng. Ngoài việc chụp hình bà, tôi muốn các em có sự quan tâm với người khác nên có dặn các em thỉnh thoảng nên qua hỏi thăm bà, gom giấy cho bà nhóm lửa, đi đường thấy củi thì nhặt về cho bà. Hôm sau giao máy cho các em đi chụp, khi chúng quay về, tôi mới phát hiện ra chúng quay lại đó. Khi hỏi thì các em bảo, chúng em đi nhặt củi và mang những tờ giấy loại cho bà. Tôi thấy rất cảm động vì ít nhiều, thông điệp mà tôi mong muốn đã lan tỏa đến các em. Và tôi tin, tình cảm trong suốt ấy sẽ đi theo các em mãi suốt phần đời còn lại. Nó quá hồn nhiên, trong sáng. Tôi nghĩ, cuộc sống rất cần như vậy”, chị Hồng xúc động nói.
 
Và đâu chỉ có thế, những bức ảnh còn là những tâm tư giấu kín mà đến giờ các em mới có dịp để tỏ bày. Qua ảnh, là lời cảm ơn, là tấm lòng tri ân, là giãi bày nỗi niềm chôn sâu đó. Em Đoàn Thị Lan Trinh (15 tuổi) viết: "Mẹ đi xuất khẩu lao động Đài Loan cả chục năm rồi. Em yêu bố nhiều hơn vì bố đã thay mẹ chăm sóc bọn em. Bố mẹ đi làm vất vả để nuôi chúng em khôn lớn, dù muốn giúp đỡ nhưng không biết làm như thế nào để chia sẻ nên em muốn qua bức ảnh nói lời cảm ơn bố mẹ". 
 
Và như người đi dệt mộng trẻ thơ này nói, có thể tấm ảnh của bạn chưa phải là tốt nhất nhưng câu chuyện của bạn, cảm xúc của bạn là duy nhất. Cái duy nhất đó, phải chăng vô hình dung đã gọi dậy một thứ tình yêu khác, rộng lớn hơn, bao dung hơn quay về, vượt ra khỏi phạm vi làng xã, con trâu, con gà, ông bà, bố mẹ của những mắt nhìn trẻ nhỏ ấy để kết nối những phận đời, những mảnh đất trên dải đất đi mãi vẫn chưa hết những ân tình mộc mạc này.
 
Nói về những khó khăn khi thực hiện dự án, chị Hồng chia sẻ: "Lúc đầu tôi không thấy có khó khăn gì cả. Nhưng khi nhập cuộc mới thấy có rất nhiều thứ khó khăn. Từ việc quỹ thời gian hạn hẹp, tất cả mọi việc đều phải tranh thủ, không có nhà tài trợ, dự án lại là dự án cá nhân, địa bàn dân cư khá xa và máy ảnh trang bị cho các em cũng hạn chế, phải đi mượn thêm từ bạn bè. Để thành công và tạo hiệu ứng xã hội rộng lớn, dự án đang cần rất nhiều sự ủng hộ của những người đồng hành ở từng địa phương khác nhau, báo chí truyền thông, cũng như sự đóng góp của những tấm lòng hảo tâm. Các bạn có thể theo dõi mọi hoạt động của dự án thông qua Facebook cá nhân của mình (www.facebook.com/vubichhong05)".
 
Ông Vũ Văn Giang, cán bộ văn hóa xã Xuân Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa: "Chị Hồng vốn là người con của xã, làm việc tại TP Hồ Chí Minh. Sau khi nghe chị trình bày dự án, về phía chính quyền xã rất nhất trí và giúp đỡ hết sức có thể, như kêu gọi các em tham gia trên loa phát thanh xã, đồng thời đến hai trường học trên địa bàn là trường cấp 2 và cấp 2 của xã để làm việc với thầy cô, tạo điều kiện cho các em tham gia. Cũng may, dự án diễn ra vào những dịp tranh thủ các em được nghỉ ngày lễ, ngày Tết. Xã cũng tạo điều kiện sân bãi để cô trò thực hiện dự định của mình. Với cá nhân tôi, tôi thấy đây là một hoạt động thiết thực, một trong những hoạt động tốt để các em tiếp cận với một số sân chơi mới mà bình thường không có cơ hội để tiếp cận. Tôi hoàn toàn ủng hộ".

 

.

CSTC