Phóng sự

Nghề đọc sách thuê: Mang lại nhiều thứ giá trị hơn tiền

09:07, 28/03/2014 (GMT+7)
Phát tờ rơi, gia sư, tiếp thị sản phẩm… là những việc làm thêm không còn xa lạ gì với sinh viên hiện nay. Tuy vậy, có rất nhiều bạn sinh viên lựa chọn công việc được coi là vừa văn hóa lại vừa có thu nhập đó là đọc sách phục vụ người già. Cái nghề tay trái giàu tính nhân văn này không phải ai cũng có thể theo được. Ngoài năng khiếu, chất giọng, còn cả khả năng nắm bắt tâm lý người cao tuổi. Những ai theo được cái "nghề" đọc sách thuê này có lẽ còn mang lại cho họ nhiều thứ có giá trị hơn tiền.
 
Hơn cả tiền
 
Đối với những sinh viên tỉnh lẻ có rất nhiều công việc kiếm thêm thu nhập, trang trải cho việc học hành. Ngoài những công việc được coi là "cổ điển" của giới sinh viên như: Gia sư, phát tờ rơi, tiếp thị hay chạy bàn cho những quán hàng ăn uống, nhiều sinh viên đã lựa chọn công việc khá độc đáo đó là nghề "đọc sách thuê". Cái nghề tưởng chừng như dễ dàng ấy nhưng lại khá khắt khe và đòi hỏi nhiều tiêu chí.
 
Theo những bạn trẻ đang "theo nghề" đọc sách thuê thì tiêu chí đầu tiên phải là niềm say mê với sách, yêu thích đọc sách thật sự. Một thử thách khác đó là công việc này đòi hỏi cả người nghe lẫn người đọc phải kiên trì lắng nghe và hiểu ý nhau. Ngoài ra các đối tượng thường là những người cao tuổi, cho nên đòi hỏi bạn đọc trẻ cần biết cách giao tiếp, cư xử với người già. Không chỉ vậy giọng đọc phải lưu loát, truyền cảm và rõ ràng.
 
Câu chuyện vào nghề đọc sách thuê của Nguyễn Văn Nam (sinh viên Đại học Quốc Gia, Hà Nội) cũng thật tình cờ. Cậu sinh viên đến từ Thanh Hóa này đã làm cả đống nghê" trước khi làm nghề đọc sách thuê. Để đảm bảo an toàn cho việc sinh hoạt và học tập, Nam lựa chọn thuê phòng trọ có chủ nhà thay vì thuê ở những xóm trọ hay ký túc xá. Với dáng vẻ thư sinh lại hiền lành, Nam nhanh chóng lấy được lòng chủ nhà trọ.
 
Chỉ sau vài tháng chủ nhà trọ coi Nam như con cháu trong nhà. Sau một vụ tai nạn cụ ông chủ nhà trọ phải nằm viện khá dài, do được tin tưởng Nam thường xuyên được nhờ mang đồ ăn vào viện cho ông cụ. Vốn là cán bộ nghỉ hưu, cụ ông này thường xuyên nhờ Nam đọc báo tin tức vào các buổi sáng. Nắm bắt được tâm lý, Nam thường xuyên lựa chọn những tờ báo phù hợp với lứa tuổi và sở thích của cụ. Bên cạnh đó Nam còn sưu tầm những cuốn truyện cười để đọc trong những lúc cụ ăn cháo. Thấy Nam vui tính, các cụ cùng phòng đề nghị Nam đọc to cho cả phòng cùng nghe. Đến khi ông cụ chủ phòng trọ  ra viện thì con trai của một bệnh nhân khác đã đề nghị Nam tiếp tục đến bệnh viện đọc truyện cho bố mình. Đang khó khăn vật lộn với công việc làm thêm, Nam nhanh chóng nhận lời với mức thù lao 40 nghìn đồng/1 tiếng.
 
Nam kể: "Từ ngày em đọc báo, truyện cho cụ Hòa thấy cụ khỏe hẳn lên. Trước cụ ít nói lắm giờ thì cụ còn tâm sự cả những câu chuyện từ xa xưa của cụ cho em nghe. Những tờ báo mà cụ thích nghe như: Tiền Phong, Nhân Dân, Lao Động, ANTG, Công an nhân dân… còn những cuốn truyện cụ thích phải kể đến: Chiến tranh và hòa bình, Đồi gió hú, hay những tập truyện của cụ Nguyễn Tuân nữa". Điều đặc biệt mà khiến Nam vui hơn cả là được cụ Hòa cho toàn quyền xem, tham khảo tủ sách đồ sộ của mình. "Em rất mê sách, đặc biệt là những cuốn sách quý. May mắn được cụ Hòa cho đến tham khảo tủ sách của cụ. Có rất nhiều cuốn hay phục vụ cho việc học của em"- Nam hào hứng nói.
 
Có thể nói, nghề đọc sách phục vụ người cao tuổi đang trở thành xu hướng của nhiều bạn sinh viên. Mới đây Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội còn thành lập hẳn một câu lạc bộ hành nghề đọc sách thuê nhằm phục vụ trẻ em, người khuyết tật và những người già neo đơn có nhu cầu nghe đọc sách hoặc muốn có người chia sẻ, thảo luận về những đề tài trong sách. Tiêu chí mà câu lạc bộ này tuyển thành viên là: Không nói ngọng, thích đọc sách và yêu quý người già. Với mức thu nhập từ 40 đến 50 ngàn đồng/giờ.
 
Kinh nghiệm cho các bạn trẻ đam mê nghề đọc sách thuê là phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi vào việc: Tìm hiểu về đối tượng phục vụ, tập đọc trước những tác phẩm sao cho trôi chảy và diễn cảm. Bạn Thu Phương (sinh viên Đại học Văn hóa) chia sẻ: "Những cụ cao tuổi có nhu cầu nghe đọc đều là những người có học thức, đa số là cán bộ nghỉ hưu. Chính vì thế việc phục vụ các cụ phải hết sức chuyên nghiệp. Nhiều khi các cụ còn trao đổi về cái hay cái đẹp của những tác phẩm mình vừa đọc nữa. Vì thế cũng phải có những hiểu biết nhất định về tác phẩm mình đọc".
 
Đã không ít các bạn sinh viên gặp "tai nạn" nghề nghiệp như gặp các cụ có thính giác kém, phải đọc thật to và đọc nhiều lần. Thậm chí có những bạn bị chê về chất giọng không hay, thỉnh thoảng còn có giọng địa phương nghe khó chịu và đã bị đuổi về…
 
Đọc sách thuê được coi là cầu nối giữa các thế hệ
Đọc sách thuê được coi là cầu nối giữa các thế hệ
Không chỉ đọc truyện, báo tiếng Việt mà nhiều khách hàng còn mê nghe đọc sách nước ngoài. Nên việc tuyển chọn những người thông thạo đọc tiếng nước ngoài không phải dễ dàng. Em Ngô Thị Lan (sinh viên Trường Đại học Hà Nội) kể, có lần em được thuê đọc cho một cụ vốn là một nhà khoa học trước đây từng học và nghiên cứu nhiều năm ở nước ngoài, do mắt kém nên phải nhờ đến dịch vụ này. Sau nhiều năm xa công việc cụ nổi hứng muốn nghe đọc sách nước ngoài. Trước khi đến tiếp xúc với cụ Lan em vô cùng run bởi qua tìm hiểu cụ là người thông thạo 3 thứ tiếng: Anh, Pháp, Đức. Hơn nữa cụ lại là một giáo sư từng nhiều năm nghiên cứu ở nước ngoài.
 
Những ngày đầu, Lan gặp rất nhiều khó khăn do đọc bị vấp nhiều, đôi khi phát âm chưa được chuẩn. May mắn cho em người thuê lại là người ứng xử rất điềm đạm và còn chỉnh sửa cách phát âm, giải thích nghĩa cho em về những từ chuyên môn. "Không thể may mắn hơn khi em được tiếp xúc với một người như thế. Ngoài việc thù lao em được nhận em như được gặp một người thầy. Từ khi đọc sách cho cụ khả năng đọc, phát âm của em tăng lên rõ rệt" - Lan tâm sự.
 
Cây cầu kết nối giữa các thế hệ
 
Tìm kiếm việc làm thêm sau giờ học có thể nói là một nhu cầu khá cần của rất nhiều bạn sinh viên. Tuy vậy lựa chọn công việc phù hợp, đặc biệt sao cho an toàn khi xã hội ngày càng nhiều những cám dỗ là điều không dễ dàng. Rất nhiều bạn đang "theo nghề" đọc sách thuê thừa nhận rằng đây là một nghề tuyệt đối an toàn và thú vị. Không những vậy sách còn là cầu nối tinh thần cho các thế hệ gần nhau hơn.
 
Rất nhiều bạn trẻ phải thừa nhận rằng chính nghề đọc sách thuê không chỉ có kiến thức từ chính những cuốn sách mình đọc thuê mà còn được học từ chính những người mình phục vụ. Đối tượng thuê người đọc sách rất đa dạng, mỗi người là một kho sách sống, một tấm gương. Bạn Khánh Phương (sinh viên Đại học Sư phạm) chia sẻ: "Năm ngoái em được một cựu binh bị hỏng đôi mắt. Những cuốn sách mà bác ấy yêu cầu thuê đọc sách chủ yếu là sách về chiến tranh. Đặc biệt là những câu chuyện cảm động về chiến tranh. Ngoài những lúc nghe em đọc, bác hay kể lại chính câu chuyện của mình trong những tháng năm gian khó. Quả thật có tiếp xúc với bác, em mới thấy được hết sự khủng khiếp của chiến tranh, mới thấy được lòng yêu nước và tự hào dân tộc".
 
Câu chuyện của bạn Ngọc Khuê, sinh viên Khoa Thú Y, Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội cũng thật thú vị. Khuê chia sẻ trên trang cá nhân của mình đang đọc sách thuê cho một cụ ông quê Vĩnh Phúc rất đam mê nuôi thú cảnh. Cụ rất thích nghe những cuốn sách chuyên ngành về chăm sóc thú cưng. Ngoài những kiến thức có được từ trường, Khuê thường xuyên sưu tầm những cuốn sách liên quan để đọc cho cụ nghe. Mỗi ca làm việc kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ. Giờ đầu là thời gian đọc sách chuyên ngành, trao đổi kiến thức về vật nuôi với cụ. Giờ thứ hai Khuê cùng cụ thăm những con vật nuôi mà cụ đang sở hữu. "Qua thời gian tiếp xúc với cụ, em có thêm rất nhiều kiến thức về vật nuôi, cách chăm sóc đặc biệt mà không có trong sách vở từ cụ. Đây có thể là kiến thức rất tốt cho em sau khi ra trường".
 
Ai theo được
Ai theo được "nghề" này sau sẽ mang lại nhiều giá trị hơn cả thù lao
Công việc đọc sách thuê không chỉ nhằm các đối tượng là người cao tuổi mà còn hướng tới các đối tượng là trẻ em từ mầm non đến học sinh cấp I. Bạn Cao Văn Thắng hiện đang phụ trách một nhóm "đọc sách thuê" trên địa bàn Hà Nội đã và đang nhắm mạnh vào nhóm đối tượng là các em nhỏ. Thắng chia sẻ: "Chúng em quảng cáo nhóm bằng cách phát tờ rơi, đăng tải lên các trang mạng xã hội. Rất nhiều bà mẹ bận rộn rất hào hứng tiếp cận chúng em".
 
Mới đây, nhóm của Thắng có nhận được "hợp đồng" đọc sách cho 1 cậu bé học lớp 2 vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ. Những cuốn sách mà cậu bé này thích là những câu chuyện cổ tích, truyện cười. Mẹ của cậu bé này tỏ ra khá hài lòng với dịch vụ. Với mức giá là 300 nghìn đồng/7 giờ, bên cạnh những lúc đọc sách cho cậu bé, dịch vụ của Thắng còn giúp cậu làm bài tập về nhà, dỗ dành bé ngủ.
 
Đây không chỉ là dịch vụ có thể phát triển rộng mà nó còn là một nét đẹp của văn hóa đọc khi bị văn hóa nghe, xem lấn át. Và điều lớn hơn thế nữa, đây còn là nghề an toàn, nó được ví như chiếc cầu nối tinh thần giữa các thế hệ yêu đọc sách.

CSTC

Các tin khác