Phóng sự

Gặp lại biệt đội 'người nhái' ở thủy điện Hòa Bình

11:26, 27/03/2014 (GMT+7)

Có tiếp xúc với họ, nghe họ kể về cái nghiệp của mình mới thấy đó đúng là một nghề đặc biệt. Mọi người vẫn thường gọi họ bằng cái tên "Biệt đội người nhái". Công việc của họ là phải lặn ở độ sâu hơn 60 mét của những hồ chứa nước lớn nhất Việt Nam như Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Sơn La, Yaly… để bảo dưỡng sửa chữa, xử lý sự cố làm mất an toàn các tổ máy. Họ luồn mình dưới lòng "thủy cung", trục vớt tàu thuyền đắm, thi thể nạn nhân…

Anh Đinh Hồng Quân kể lại thời vất vả nhưng vàng son của biệt đội “người nhái”
Anh Đinh Hồng Quân kể lại thời vất vả nhưng vàng son của biệt đội “người nhái”

Những công việc đầy vinh quang này cũng ẩn chứa biết bao hiểm nguy. Chỉ một sơ suất nhỏ thôi cũng đủ để họ mãi mãi không ngoi lên được mặt nước. Và chính sự nguy hiểm ấy cái nghề này luôn được coi là nghề kén người, kén người đến mức hơn 20 năm qua họ chỉ vỏn vẹn có hơn chục người, người ta phải đỏ mắt tìm khắp trên dải đất hình chữ S này cũng chưa đủ người thay thế.

Cả nước có vài người dám theo đuổi

Dù có được đeo lên người những thiết bị hỗ trợ tối tân nhất thì ở Việt Nam không nhiều người có thể lặn được ở độ sâu 60 mét. Ngâm mình ở độ sâu đó con người không thể chịu được áp lực của nước bên trên, chỉ một lỗi cực nhỏ của thiết bị lặn hay sức khỏe không đảm bảo là người lặn có thể bị phọt máu tai, mắt, mũi, thậm chí mắt có thể lồi ra và chết ngay sau đó.

Và nếu có được trang bị các thiết bị lặn của Mỹ, Nga thì sau mỗi buổi lặn "người nhái" phải chui ngay vào buồng giảm áp từ 3 đến 6 tiếng, chờ cơ thể thích nghi dần với sự thay đổi của áp suất. Vậy mà "Biệt đội người nhái" tại Thủy điện Hòa Bình hằng ngày họ vẫn âm thầm làm công việc tưởng như không thể với một người bình thường đó. Họ thường nói vui với nhau rằng: "Muốn tìm một cái hồ nào sâu hơn Thủy điện Hòa Bình để phá kỷ lục cũng không có nữa".

Đã gần 30 năm trôi qua, cả Tập đoàn Điện lực Việt Nam với biết bao công trình thủy điện lớn nhưng cũng chỉ sở hữu một "Biệt đội người nhái" với hơn chục người. Hầu hiết lực lượng này đều vào nghề từ những năm 1986 (ngày Thủy điện Hòa Bình mới bắt đầu hoạt động), nhiều người được gửi sang Nga đào tạo.

Giờ đây đa phần trong số họ đều đang bước sang ngưỡng cửa nghỉ ngơi, họ gần như không còn đủ sức khỏe để lặn ở độ sâu hơn 60 mét. Một số thành viên trẻ tuổi được tinh tuyển từ "đại bàng thủy giới" là các lính trường sa can trường và dũng cảm. "Người nhái" Đinh Hồng Quân, một thợ lặn thiện chiến bậc nhất bắt đầu câu chuyện nghề của mình bằng kỷ niệm sự cố năm 1994 tại thủy điện Hòa Bình.

Biệt đội “người nhái” với thiết bị lặn tối tân
Biệt đội “người nhái” với thiết bị lặn tối tân

Năm đó, vào giữa tháng sáu, trời nắng như thiêu như đốt, không khí ngột ngạt bao trùm cả miền Bắc. Bỗng dưng, hệ thống điện miền Bắc vụt tắt. Một trong 8 tổ máy của nhà máy ngừng hoạt động hoàn toàn. Tất cả cán bộ của ngành điện vô cùng hoang mang. Tất cả không hiểu vì lý do gì mà một công trình "thế kỷ" như vậy lại có thể ngừng hoạt động dễ dàng như vậy.

Lực lượng an ninh, bảo vệ nhà máy được huy động, túc trực 24/24h sẵn sàng chiến đấu. Bởi lúc đó rộ lên nhiều tin đồn đã có kẻ chống phá. Biết bao câu hỏi được người ta ném mất tăm xuống dòng nước cuồn cuộn réo ầm ầm. Ngay lập tức "Biệt đội người nhái" được triệu tập. Biết bao hy vọng được đặt cả vào những con người đặc biệt này.

Đang trong lúc căng thẳng nhất người quản lý báo cáo rằng: thiết bị không đủ vì đang được gửi đi bảo dưỡng. Không còn cách nào khác, họ tức tốc liên lạc với đội thợ lặn đến từ Đất Cảng. Khi đó đội thợ lặn từ Hải Phòng đòi giá rất khét, cũng dễ hiểu bởi đây là địa bàn họ chưa từng thực tế và họ cũng chưa từng lặn ở độ sâu 61 mét bao giờ. Chỉ cần 1 sơ suất cực nhỏ thôi là họ có thể bỏ mạng ngay lập tức. "Các người là cán bộ không may có chuyện gì còn có chế độ của nhà nước. Chúng tôi có mệnh hệ gì là xong đời. Hơn nữa các vị am hiểu hệ thống thiết bị trong tổ máy từ khi thủy điện chưa tích nước, chưa xây xong. Lạ lẫm thế này ai mà không sợ" - Một thợ lặn từ Hải Phòng lúc đó đã nói.

Không còn nhiều thời gian, đội thợ lặn Hải Phòng nhanh chóng được giao làm nhiệm vụ. Đáy hồ sâu hơn 60 mét thật kinh hoàng, đèn pin 1000W chỉ như một đốm sáng le lói dưới lòng sông. Các chuyên gia, bác sĩ chăm sóc ứng cứu thức chọn mọi giác quan bên bờ đập theo dõi từng động tác qua chiếc camera. Cuối cùng thì ở độ sâu 44 mét, tấm lưới khổng lồ ngăn giữa hồ nước 9 tỷ mét khối và tổ máy đã bị phá tan hoang hiện ra. Tín hiệu camera bị gián đoạn, liên tục là tín hiệu cấp cứu được báo lên. Các thợ lặn bị rối dây lặn, nước ục vào mũ lặn, đây là một tình huống vô cùng nguy cấp. Áp suất hoàn toàn đánh gục hai người thợ lặn khỏe như voi rừng. Hai người thợ lặn từ Hải Phòng thực sự rơi vào trạng thái hoảng sợ. May mắn lúc đó đội ứng cứu được chuẩn bị khá chuyên nghiệp, nếu không hai người thợ lặn đến từ Hải Phòng sẽ mãi mãi không ngoi được lên mặt nước. Sau khi được chuyển vào buồng điều áp hơn 3 tiếng đồng hồ, nhóm thợ lặn nhanh chóng hủy hợp đồng mà không đòi hỏi 1 chút gì về thẳng nhà.

Thủy điện Hòa Bình
Thủy điện Hòa Bình

Trong lúc "ngàn cân treo sợi tóc" đó, "người nhái" Đinh Hồng Quân đã đưa ra phương án là sẽ mượn đồ lặn ở Viện Hải dương học để trực tiếp cùng anh em xuống giải cứu cỗ máy đang chết tắc. Phương án đó nhanh chóng được chấp nhận. Lúc đó "người nhái" Quân đã bước qua tuổi 40, ai nấy đều lo lắng cho sức khỏe của anh. Bởi để lặn được độ sâu đó phải là những thanh niên trai tráng lắm mới đảm bảo được an toàn.

Thế rồi "người nhái" Quân cũng liều mình tiếp cận tấm lưới bị xé. "Tôi vô cùng bàng hoàng nhận ra ở độ sâu 44 mét ấy, tấm lưới bảo vệ cao 33 mét, nặng hơn 1 tấn, gồm 11 tầng thiết kế đã bị phá toang. Không biết ai đã gây ra sự cố kinh khủng này trong khi lực lượng Công an bảo vệ nghiêm ngặt 24/24h" - Ông Quân nhớ lại. "Người nhái" Quân và Toản bơi lượn quanh khu vực tuyến năng cực kỳ nguy hiểm sau để camera quay lại toàn bộ hiện trường. Công việc này không hề đơn giản khi nước ở đáy đập đục ngầu, dày đặc những khúc gỗ lớn trôi nổi trực quật vào người.

Mọi người thở phào sau khi phân tích đã tìm ra nguyên nhân: do mưa lũ, củi, gỗ từ thượng nguồn đổ về làm ùn tắc ở cửa tấm lưới chắn rác của nhà máy. Củi và gỗ bịt kín cửa cống, kín đến mức nước không vào được các tuyến năng lượng. Bên trong các cỗ máy vẫn hoạt động nên tạo ra một áp lực lớn khiến tấm lưới bị phá toang. Hàng nghìn mét khối gỗ cứ thế chui vào một số các ổ máy khiến cho hệ thống bị tê liệt.

Không còn lựa chọn nào khác, "biệt đội người nhái" phải chui vào trong các tuyến năng lượng, cưa các tấn gỗ rồi thủ công khiêng ra ngoài. Công việc cứ thế lầm lũi biết bao ngày ngâm mình dưới lòng hồ khổng lồ. "Giờ nhớ lại vẫn thấy lạnh hết người. Mà không làm thì không ai có thể làm được" - Ông Quân xúc động.

Nỗi lo "thất truyền"

Sự đặc biệt nguy hiểm của nghiệp "người nhái" mà nỗi lo "thất truyền" đang là nỗi lo đau đáu của Ban Giám đốc Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Nhà máy Thủy điện Hòa Bình buồn bã nói: "Vừa rồi anh em đi khám sức khỏe định kỳ, các bác "người nhái" không còn đủ sức khỏe phục vụ cho những chuyến thâm nhập "thủy giới" nữa. Cái nghề lao lực này rất bạc, chẳng ai trụ được lâu cả!".

Đội “người nhái” với các chuyên gia lặn sâu nước ngoài
Đội “người nhái” với các chuyên gia lặn sâu nước ngoài

Dứt lời ông Thành thở dài: "Mùa lũ sắp tới rồi, việc tuyển người nhái thay thế anh em ốm yếu rất khó khăn. Không chỉ đòi hỏi về sức khỏe mà còn phải có cả sự dũng cảm, can trường và dám hy sinh. Nói dại nếu không may lại xảy ra sự cố như năm 1994 ở độ sâu 60 mét thì nhà máy không còn "người nhái" nào để lặn xuống xử lý nữa".

Những công việc dưới lòng hồ thủy điện ngoài đội "người nhái" ra không ai có thể đảm nhiệm được. Lặn thủy điện có đặc trưng riêng, không như lặn sông, lặn biển. Hơn nữa những kết cấu, máy móc công trình rất phức tạp, phải là người am hiểu mới có thể xử lý được. Không ai hiểu từng đường ngang ngõ tắt lòng hồ như "biệt đội người nhái" đã hơn 20 năm gắn bó. Nghề "người nhái" bệnh nghề nghiệp là không thể tránh khỏi, tuổi thọ nghề lại rất ngắn. Chỉ có sự yêu nghề, lòng dũng cảm "biệt đội người nhái" mới xả thân vì dòng điện quốc gia.

Dù đã bước sang tuổi tứ tuần nhưng họ vẫn mang trong mình bầu nhiệt huyết như hàng vạn thanh niên đã và đang cống hiến tuổi trẻ cho Tổ quốc. Ông Thành nói: "Mới ngày nào anh Quân, anh Toản còn là những thanh niên vạm vỡ. Ra câu cá mập ngoài giàn khoan Bạch Hổ, đi tập bơi ở Bãi Trước ngoài Vũng Tàu, bơi một mạch ra biển lúc quay trở về, khách sạn 11 tầng mép biển chỉ bé bằng đầu ngón tay. Thế mà giờ họ đã ngoại tứ tuần rồi còn gì".

"Người nhái" Đinh Hồng Quân nặng lòng tâm sự: "Thời vàng son của biệt đội người nhái đã qua rồi. Tre đã già nhưng măng chưa kịp mọc". Nỗi niềm ấy không chỉ của riêng anh Quân mà còn là nỗi lo của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình. Bởi rất lâu rồi họ chưa thể tổ chức được những đội thợ lặn có thể thích nghi và đáp ứng với môi trường và đặc thù công việc khắc nghiệt này.

Thế nên, “biệt đội người nhái” thời của anh Quân vẫn được coi là biệt đội chuyên nghiệp nhất ở Việt Nam. Vinh quang ấy có khi phải đánh đổi không chỉ bằng mồ hôi, nước mắt mà còn là xương máu và tính mạng. Nhưng chính họ đã góp một phần không nhỏ trong công cuộc bảo vệ vững chắc những công trình thủy điện Việt Nam.

CSTC

Các tin khác