Phóng sự

PGS.TS Ninh Viết Giao

"Những hẹn hò, từ nay khép lại"

13:52, 14/03/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Những ngày đầu tháng 3, tin về PGS.TS Ninh Viết Giao - cây đại thụ trong nghiên cứu văn hóa dân gian xứ Nghệ, giã từ cõi tạm để về với thế giới hư vô cát bụi được phát đi và lan truyền nhanh chóng trong giới trí thức, văn nghệ sĩ xứ Nghệ cũng như của cả nước, nghe cứ thấy buồn vô hạn. Vẫn biết, đời người là hữu hạn, dẫu biết ông thời gian qua đã chống chọi với bệnh tật và cảnh đơn chiếc, nhưng sự ra đi của ông đã để lại khoảng trống mênh mông không gì khỏa lấp được. Căn nhà tập thể C3 Quang Trung (TP Vinh), nơi ông đã gắn bó những ngày cuối đời, chỉ còn lại những cuốn sách, những công trình nghiên cứu còn mãi với thời gian mà tôi đồ rằng, thế hệ sau phải rất lâu lắm mới có được một người tâm huyết và yêu văn hóa dân gian xứ Nghệ như ông, một người không phải là dân Nghệ chính gốc.
PGS.TS Ninh Viết Giao
PGS.TS Ninh Viết Giao
 
1. PGS.TS Ninh Viết Giao sinh năm 1933 tại xã Hoằng Xuyên, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Cuộc đời ông cũng vì thế mà có hai cái sự khác biệt, không lẫn vào đâu được. Thứ nhất, ông là người ngoại tỉnh nhưng lại sống, gắn bó và đam mê với văn hóa dân gian xứ Nghệ một cách đắm đuối. Cũng vì cái khác biệt thứ nhất đã dẫn đến độc đáo thứ hai, ấy là từ một giáo viên dạy Văn thông thường, ông được đặc cách phong tặng học hàm Phó Giáo sư, bởi không thuộc một Viện nghiên cứu hay trường đại học nào mà được phong chức danh này là một việc hiếm có, từ trước đến nay chưa có tiền lệ. Ninh Viết Giao vốn là học trò khóa đầu tiên của Trường ĐHSP Hà Nội, ngay sau khi tốt nghiệp vào năm 1956, được điều động về làm giáo viên dạy Văn tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng. Nhiều thế hệ học trò được thầy Giao giảng dạy vẫn lưu giữ ký ức về một người thầy lịch lãm, đẹp trai, hào hoa và rất đỗi say mê nghề nghiệp.
 
Bén duyên với xứ Nghệ, sinh thời Ninh Viết Giao chia sẻ, nghiên cứu về văn hóa dân gian xứ Nghệ là cách để ông tri ân, tri ơn mảnh đất đã nuôi dưỡng ông trưởng thành. Và với niềm đam mê cũng như tâm huyết ấy, ông đã dành trọn gần như cả cuộc đời mình đắm chìm trong những giai tầng văn hóa khác nhau, kì công khám phá những bí ẩn tiềm tàng ẩn chứa đằng sau những ca từ, ngôn ngữ rất Nghệ. Và kết quả là, sau gần 60 năm lao động miệt mài, ông đã để lại cho đời khối tài sản khổng lồ với hơn 50 đầu sách các loại. Không ngoa khi mọi người gọi ông là “thư viện” về kho tàng văn hóa dân gian xứ Nghệ. Những ai biết đến Ninh Viết Giao đều phải nể phục bởi sức làm việc bền bỉ và kiên trì của ông. Ban ngày, ông thường dành thời gian để đi, thấy và ghi chép lại. Đêm, là lúc ông vật lộn với cái máy chữ cũ kỹ của thời bao cấp. Sau này đổi mới có cái máy tính thay thế, ông bớt cực hơn, làm việc cũng hiệu quả gấp mấy lần. Để có khối di sản văn hóa dân gian xứ Nghệ để lại cho đời như ngày hôm nay, Ninh Viết Giao đã có những đêm thức trắng để suy tư, trằn trọc, có khi ông lách cách với con chữ suốt đêm, có khi ông viết quên cả ăn, quên ngủ vì sợ dừng lại, những ý tưởng vừa hình thành sẽ vụt biến mất.
 
Tôi vẫn còn nhớ, đã có lúc ông chia sẻ, công việc sưu tầm và nghiên cứu, nhất là với văn hóa vùng miền luôn đòi hỏi sự đam mê thực sự. Cũng vì đam mê mà đôi chân của ông gần như đã ghi dấu khắp các vùng miền văn hóa của xứ Nghệ. Bạn bè văn nghệ sĩ tếu táo gọi ông là “nhà địa phương học” và tôn vinh ông là “nhà Nghệ học số một” hay “Nhà Nghệ Tĩnh học”, “Người đi tìm vàng mười trong cái nghèo của xứ Nghệ”, “Người cứu một gia tài văn hóa phi vật thể của xứ Nghệ”, “Người thổi hồn vào gia tài văn hóa dân gian xứ Nghệ”… danh hiệu nào cũng phù du, nhưng chiếu vào trường hợp của Ninh Viết Giao, cái nào cũng xứng đáng với tâm thức mà ông đã bỏ ra.
 
2. Sự nghiệp của PGS.TS Ninh Viết Giao với văn hóa dân gian xứ Nghệ có thể điểm qua bắt đầu từ việc khởi động bằng “Câu đố Việt Nam”, công trình xuất bản vào năm 1958, sau đó đến “Hát phường vải”, rồi những công trình văn học dân gian và văn hóa xứ Nghệ mà ông là tác giả, chủ biên hoặc đồng chủ biên. Từ đây, Ninh Viết Giao tiếp tục mở rộng đường biên sang lĩnh vực văn hoá, rồi lại lấn sân sang các lĩnh vực, các loại hình về khoa học xã hội như xã hội học, phong tục học, dân tộc học, lịch sử địa phương, tham gia biên soạn dư địa chí cho các huyện, trong đó nổi bật là “Nghệ An toàn chí” (22 tập), được đánh giá là một công trình vĩ mô, một dự án về văn hoá phi vật thể. Năm 2013, Ninh Viết Giao cũng đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam trao huy chương và xác nhận kỷ lục người có nhiều công trình nghiên cứu nhất về văn hóa dân gian xứ Nghệ.
 
PGS.TS Ninh Viết Giao với thế hệ trẻ hôm nay
PGS.TS Ninh Viết Giao với thế hệ trẻ
 
Sức làm việc dẻo dai của ông được thể hiện bằng việc, những đứa con tinh thần mang tên Ninh Viết Giao có mặt không chỉ khắp nơi, từ thư viện Quốc gia đến các nước trên thế giới như Pháp, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Ngay cả trong thời kỳ đang là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương MTTQ Việt Nam các khóa 5 và 6 hay đương nhiệm cương vị Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Nghệ An, ông vẫn dành phần lớn thời gian để nghiên cứu và viết về văn hóa. Thậm chí, từ năm 1995, PGS.TS Ninh Viết Giao đã bị trọng bệnh, nhưng trong suốt gần 20 năm chống chọi với bệnh tật ấy, ông đã có sức làm việc bền bỉ và kỳ lạ, cho ra đời hàng chục công trình mang tầm vóc lịch sử. Sau này, trong một bài viết về ông, nhà văn Phong Lê tiết lộ, căn hộ chưa đầy 10m2 tại khu tập thể cũ kỹ C3 Quang Trung, nơi ông sống cuối đời thường là chốn hẹn hò để bạn bè văn nghệ sĩ lui tới đàm đạo cùng ông. Hình ảnh một Ninh Viết Giao nặng nhọc lê từ căn buồng trong ra gian phòng khách bên ngoài để tiếp khách, chỉ cách nhau một bức tường, giữa bộn bề cơ man nào là sách vở, công trình khoa học và cả bản thảo nghiên cứu còn dở dang vẫn còn lưu dấu mãi. “Những hẹn hò ấy, từ nay đành khép lại…”.
 
3. Ninh Viết Giao là vậy, quên mình để cống hiến và thỏa sức cho niềm đam mê, và không chỉ ông mà với ai có niềm đam mê cũng vậy, đằng sau sự thành công luôn có những hi sinh, mất mát, thiệt thòi, những nỗi đau trầm mặc không dễ sẻ chia. Công chúng biết nhiều đến một Ninh Viết Giao với những công trình nghiên cứu khoa học kì vĩ, nhưng ít ai biết rằng, một Ninh Viết Giao với đời sống riêng tư cũng lắm trầm mặc và u uẩn, chuyện về người vợ quê thiệt thòi và nhẫn nại kiên gan của ông, cũng là một tâm sự riêng tư mà không phải lúc nào ông cũng có thể mở lời.
 
Vợ ông, bà Đỗ Thị Hoa là người con gái làng Lam Thôn, xã Thuần Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa), nhiều hơn ông một tuổi, hai người nên duyên theo sự sắp sẵn của gia đình. 7 tuổi, ông đã đi ở rể nhà vợ, đêm tân hôn người lớn giơ roi dọa đánh mới chịu lon ton cùng nhau vào phòng ngủ, lấy vợ rồi vẫn sinh hoạt trong đội văn nghệ thiếu nhi của xã. Dĩ nhiên, hơn 10 năm “ở rể” như vậy, đến khi tròn 17 tuổi ông mới tổ chức cưới hỏi. Nhưng cuộc tình sắp sẵn ấy đã đi theo hai người cho đến lúc đầu bạc răng long. Tâm sự với bạn bè, Ninh Viết Giao vẫn thường tếu táo, không hẳn vì ông chung thủy mà vì bà Hoa chịu thương chịu khó, là người phụ nữ tuyệt vời nhất mà ông may mắn có được. Do yêu cầu công việc và cũng bởi đam mê của ông, nên gần như cuộc đời vợ chồng của ông cứ luôn trong cảnh chồng Nghệ, vợ Thanh. Cho đến giây phút cuối, bà Đỗ Thị Hoa phát hiện mình bị trọng bệnh, sau cú sốc tinh thần, bà vẫn lạc quan, tươi cười đến phút chót, động viên lo lắng cho chồng và con cháu. Những ngày cuối đời, PGS.TS Ninh Viết Giao sống trong cảnh đơn chiếc, ông lấy việc nghiên cứu khoa học và tham gia các hoạt động xã hội, các hội thảo làm vui. Cho đến lúc giã từ cõi tạm, ông vẫn còn có những ý tưởng, những công trình dang dở để lại…

Thiên Thảo

Các tin khác