Phóng sự
Người đàn ông mang hình hài của… Cóc
15:42, 16/03/2014 (GMT+7)
Nhìn vào Điền, từ trên đầu xuống dưới chân, là trần trụi da thịt bong tróc. Cái đầu Điền trọc lóc, phủ một lớp da thâm tím, loang lổ. Nhìn từ xa, người đàn ông 44 tuổi lom khom, lù khù như đứa trẻ lên mười, bị người đời ám ảnh bởi anh mang hình hài của một… con cóc.
Đầu của Điền từ lâu đã không thể mọc tóc |
"Vì đâu nên… cậu ông trời"
Nhắc đến Văn Viết Điền ở ấp 6 (xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước), người đàn ông đang khoác trên mình bộ da cóc sần sùi, đen đúa, người dân đã dặn chúng tôi thật tỉ mỉ: "Đến gặp Điền đừng có cười nó nhé, cũng đừng ngồi xa nó, tội nghiệp…".
Điền đang cặm cụi vá xe, tay chân lem luốc dầu nhớt, mắt trắng nhợt, trợn ngược nhìn chúng tôi. Giây phút đầu tiên ấy, có một sự rùng mình len lỏi khắp các dây thần kinh chúng tôi, nhưng chợt hiểu ra, cái nhìn ấy, đôi mắt ấy là di họa của 3 năm về trước. Bắt đầu đánh dấu dị biệt "cậu ông trời" thật oái ăm của người đàn ông. Điền cười với chúng tôi, cái cười cứ ngỡ là "ma cà rồng" trong các bộ phim kinh dị.
Không giấu giếm, cũng chẳng e dè, Điền kể về mình, như người hành tinh khác rớt xuống trái đất. Còn bây giờ, anh vẫn là người nhưng đang đội lốt của "cậu ông trời". Điền nói chuyện được, nhưng lập cập, ngọng nghịu, anh chỉ tay sang người vợ ngụ ý rằng, hãy nghe chị kể. Chị Ung Thị Hạnh (39 tuổi), người đã cùng Điền trải qua cuộc khủng hoảng vật chất và tinh thần, khủng hoảng cả thể xác và niềm tin.
Khúc "li biệt" một kiếp làm người bắt đầu từ giữa tháng 7/2011, chân của Điền bỗng nhiên bị sưng phù lên, đau nhất ở chỗ mắt cá. Chỉ nghĩ đó là bệnh thông thường ở chốn làng quê "chân lấm tay bùn", nên hai vợ chồng Điền đến một phòng khám bệnh tư nhân ở gần nhà để bốc thuốc. Tại đây, bác sĩ nắn bóp một hồi thì kết luận Điền bị bệnh gút và cho thuốc về nhà uống. Uống thuốc đều đặn mà chân vẫn cứ đau nhức, không thuyên giảm, trái lại còn sưng to hơn, thân nhiệt Điền sốt cao, ho sùng sục.
Lại đến bác sĩ, lần này, anh được chẩn đoán bị sốt xuất huyết và lại cho đơn thuốc điều trị 7 ngày tại nhà. Thuốc vào người, Điền có thêm triệu chứng nữa là mệt mỏi, mất sức, sốt cao liên tục.
Cảm giác không ổn, gia đình đã đưa Điền lên Bệnh viện Nhiệt đới (TP. Hồ Chí Minh) và được chẩn đoán bị dị ứng thuốc. Chỉ định phải nằm viện điều trị, sau 15 ngày thì bệnh của anh đã dần khỏi hẳn, Điền được xuất viện. Vừa về nhà được hai ngày, Điền lên cơn sốt, hột đỏ nổi khắp người, xuất hiện nhiều vết nứt nẻ thành rãnh nhỏ. Điền phải quay trở lại Bệnh viện Nhiệt đới khám lại.
Suốt cuộc đời còn lại, anh mang hình hài như một con cóc |
Điền bị hạ tiểu cầu, vỡ hồng huyết cầu, bác sĩ tiến hành truyền tiểu cầu rồi chuyển Điền sang Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) xét nghiệm. Kết quả Điền bị sốt xuất huyết và phải nằm điều trị 20 ngày. Tại đây, da Điền ngày càng bong tróc, lột trắng như da rắn. Bệnh viện Da Liễu Tp. Hồ Chí Minh kết luận Điền bị dị ứng thuốc toàn thân. Chuyển qua chuyển lại, xuất lại nhập liên tục từ bệnh viện này qua bệnh viện khác, cuối cùng gia tài hai vợ chồng khánh kiệt.
Chấp nhận đưa Điền về nhà tự điều trị với nỗi tuyệt vọng… thôi thì số trời đã định. Về tới nhà, Điền đã phải chống chọi quyết liệt và vô cùng đau đớn với sự tróc, lột da liên tục. Thân thể Điền từ 70kg sau thời gian điều trị hết bệnh viện này đến bệnh viện khác chỉ còn 35kg. Điền héo như lá lúa, không còn sức lao động. Tóc Điền rụng sạch, để lộ ra cái đầu loang lổ. Vợ con Điền đã khóc hết nước mắt vì hình hài người đàn ông họ yêu thương nhất biến dạng thành con cóc xấu xí.
Điền di chuyển bằng cách bò trườn như rắn, bởi khả năng trụ của đôi chân đã bị tê liệt. Người dân kéo nhau đến xem Điền lột da, chuẩn bị hóa rắn và chui vào hang. Nhà Điền khi nào cũng chật cứng người, dân làng bỏ công việc nương rẫy, học sinh trốn học để nhìn cho bằng được "người đầu thai thành rắn". Điền không hóa rắn mà hóa đá, hai vợ chồng anh ngồi trân trối giữa nhà, cổ họng không còn sức để gáo thét thanh minh, nước mắt cạn khô vì tủi hổ, nhục nhã, ê hề. Chị Hạnh bảo: "Người dân nhìn vào Điền như một sinh vật lạ, không hơn. Và họ kinh sợ đến mức không dám ăn rắn hay đi bắt rắn về ăn nữa. Cũng bởi ngày trước, Điền hay đi săn rắn về làm mồi uống rượu, nên giờ bị thế này nên người ta nghĩ đó là sự trả thù của rắn".
Đau đớn hành hạ thể xác, nhục nhã quấn lấy tinh thần, hàng đêm Điền chong điện ngồi trong bộ dạng nhoài người ra phía trước, hai tay cào cấu vào lớp da đang bong tróc. Da non mới mọc lên, anh cào nó tóe máu ra, chi chít sẹo. Người dân cách ly hoàn toàn với gia đình Điền, họ chỉ dám nhìn vào nhà anh bằng nửa con mắt, vừa dè chừng vừa sợ hãi.
Thầy bói, thầy bùa, thầy phong thủy, thầy trừ tà nghe đồn "người cóc" ở Bình Phước thì kéo nhau đến, thi nhau phán. Quá tức giận, Điền quát và đuổi thẳng cổ đám thầy kia đi.
Tấm ảnh cưới hiếm hoi ngày anh Điền chưa bị bệnh |
Người đàn bà thủy chung, hi sinh vì "người... cóc"
"Tiền đã không còn một đồng để đi bệnh viện, mà cũng chính vì thầy thuốc đã khiến anh ra nông nỗi này. Bây giờ không đi đâu nữa, ấy vậy mà khả quan, anh Điền tự ngồi dậy và đứng lên được rồi", chị Hạnh chợt lóe niềm vui khi nhắc đến chồng. Bình tâm lại, Điền bàn với vợ thôi thì chấp nhận thực tế, âu cũng là cái số rồi. Giờ anh không muốn đi bệnh viện nữa, chẳng cứu vãn được gì. Điền muốn ở nhà, tự mình điều trị. Vậy mà, Điền đã khỏe trở lại. Tuy rằng hình hài anh vẫn mang bộ da cóc, nhưng sức khỏe và tinh thần Điền đã lấp lánh niềm tin và ước mơ.
Điền bắt đầu tập đi như đứa trẻ lên ba, đi từng bước một, ngã lại dậy, không đi được nữa thì bò, trườn. Điền dùng hai bàn chân đẩy người về phía trước, chà sát bụng xuống mặt đất đến toét máu. Ngày anh tự đứng lên bằng đôi chân của mình, chị Hạnh nhìn anh khóc òa lên, hai vợ chồng ôm nhau cùng khóc. Ở tuổi ngoài 40, Điền như một đứa trẻ và phải tập lại tất cả từ đầu, phải xoay làm sao, cựa làm sao cho xương không bị gãy.
Hằng ngày, Điền rửa chén bát, nấu ấm nước sôi cho vợ, để anh tập nghe âm thanh đời thường. Thời gian dài, thính giác của Điền bị tê liệt, hay nói cách khác là hỏng hoàn toàn, Điền sống không khác nào địa ngục. May mắn còn đôi mắt, Điền vẫn ngắm được hình hài của vợ và hai đứa con, những "con người" đang sống bên cạnh "cậu ông trời".
Nghĩ đến điều ấy lại làm Điền đau khổ tột cùng, anh đủ tinh tế để nhận ra hai đứa con ở tuổi lên 10, chúng mặc cảm với bè bạn. Và hầu như chúng chưa bao giờ dẫn bạn về nhà chơi. Tiệc tùng cưới xin, anh giao hết lại cho chị Hạnh, còn anh lủi thủi trong xó nhà. Có chân không dám đi, có miệng không dám nói. Tuy da của anh không còn tróc vảy nữa, nhưng cũng chẳng thể chuyển lại màu ban đầu của nó. Tóc anh không thể mọc, dù là một sợi tơ, mặt anh loang lổ tím vàng, nâu xám… như bức tranh nham nhở, đã giết chết tâm hồn của người đàn ông đang ở độ tuổi "hồi xuân".
Ngày chưa bị bệnh, Điền đi làm rẫy khỏe như trâu. Nhưng nay, vận vào thân lớp vỏ bọc da cóc xù xì cộng với sức khỏe như trẻ lên 10, anh chuyển sang học nghề sửa xe. Hai vợ chồng chung sức dựng một cái quán mặt đường, Điền hành nghề. Tiệm của Điền rất đông khách, hễ xe hư hỏng gì là người ta dắt tới chỗ anh. Thậm chí chẳng hư gì cũng tới. Để người ta xem "người cóc" lao động như thế nào. Có giống những anh sửa xe vạm vỡ xung quanh không. Vợ Điền kể, một ngày nọ cách đây chừng 2 tháng, có hai ông khách Tây đỗ chiếc ô tô kềnh càng ngay trước cửa tiệm. Anh Điền xua tay ra hiệu rằng, ở đây không nhận sửa xe ôtô. Hai ông Tây cứ bước vào, một người nói tiếng Việt lơ lớ: "Cho chúng tôi xem anh sửa xe. Chúng tôi sẽ trả tiền".
Nhờ tiệm sửa xe này mà người đàn ông "da cóc" đã nuôi được vợ con |
Vợ chồng Điền vừa bất ngờ vừa bối rối. Hai vị khách chăm chú theo dõi Điền cân vành xe, họ chụp rất nhiều hình. Các thao tác của Điền không được nhanh, nhưng tỉ mỉ và cẩn thận. Tiệm sửa xe, là toàn bộ cơ ngơi sự nghiệp của gia đình "cậu ông trời". Điền cần mẫn làm việc, để quên đi thân phận và hình hài không giống người của mình. Điền đã xây được nhà, tuy không to nhưng cũng ráo mặt với bà con chòm xóm. Giờ thì, người dân đã quen thuộc với hình hài của Văn Viết Điền. Không còn xa lánh, kỳ thị nữa mà thay vào đó là nỗi thương cảm, xót xa!
PGS.TS. Trần Thị Hồng (Trường Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, TP. Hồ Chí Minh): "Kết quả xét nghiệm bệnh phẩm cho thấy anh Văn Viết Điền nhiễm 4 loại ký sinh trùng là E. Histolytica - Amip, giun đũa Toxocara SP, giun lươn Strongyloides Stercoralis và sán dải heo Cysticercose. Việc phát hiện có ký sinh trùng trong máu bệnh nhân không có nghĩa bệnh đó do ký sinh trùng gây nên. Để xác định rõ nguyên nhân gây bệnh, cần đến nhiều xét nghiệm khác".
TS - BS Lê Mạnh Hùng, Phó Giám Đốc BV Nhiệt Đới TP. Hồ Chí Minh, cũng cho rằng chưa đủ cơ sở để kết luận bệnh của anh Điền là do ký sinh trùng chó, mèo gây ra. Muốn xác định chính xác bệnh này, ngoài thử máu và xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán, còn phải thêm nhiều yếu tố lâm sàng khác.
|
CSTC